Hoàng hôn mầu hổ phách

CHOÃI chân bên bờ ao lở loét, Cần khom người, quăng xô sắt xuống ao đánh vục. Xô khập bùn, nước bắn tung tóe, cứ thế Cần giật thừng cho miệng xô ngậm đầy bùn thì kéo đổ lên bờ.
0:00 / 0:00
0:00
Hoàng hôn mầu hổ phách

Mấy cánh đồng giáp đường nhựa đã bán cho công ty, giờ bỏ hoang. Chiều chiều chim cò bay về. Nhậm rủ Cần đến đó rình bẫy chim. Mới bẫy được hai con sẻ còi thì Cần đá phải một chân giày ba ta rách. Nhòm theo vào bụi lau cỏ thấy một xác người cứng đờ. Loa phát thanh xã, huyện thông báo tìm người nhà mãi không ai đến nhận. Ngồi trên triền đê hóng ra sông, Cần hỏi Nhậm, người chết mà đều lên cõi niết bàn được thì cuối cùng lấy ai quay về đầu thai làm người nhỉ? Cần nhớ tới bố mẹ, có thể, những người như bố mẹ Cần sẽ được siêu thoát. Mẹ thì làm đến chết vẫn không có manh áo mới để mặc, bố thì bị cảm chưa kịp đưa đi bệnh viện khám xem bệnh gì đã vội đi. Nhậm nói sống mà cứ nghèo mãi thế này thì cũng nhục với thiên hạ, phải tính cách đổi đời.

Con nhà ba đời bần nông, Cần và Nhậm vật lộn trong bùn từ bé, thứ bùn ao tù thì mùi tanh hôi không gì bằng. Màu cứ thẫm đi, dính vào đâu có kì bằng trầy da tróc vẩy vẫn ám mùi, không biết lấy gì mà đổi đời.

Đổ xô bùn lên bờ, Cần tóm được hai chú rô phi đang sặc trong bùn. Vứt cá vào thau nghĩ tới bữa tối mà thấy thương mình. Đời Cần và Nhậm cũng chẳng hơn gì chúng, cũng cứ sục vào bùn đất, nương vào bùn đất để sống như bao đời tổ tiên trước kia vẫn vậy. Có khi nào, Cần xa được bùn đất không? Khi nào thì hết nghèo? Hay số phận đã định sẵn kiếp này như thế, mà kiếp sau tới bao giờ? Niết bàn để dành cho những linh hồn đã rời xa dương thế. Chỉ có chiều nay Cần đang vật bùn lên là thực tại.

Ngồi vắt chân chữ ngũ, xỉa răng chèm chẹp, Nhậm bảo:

- Nghe bảo nhóm thu dọn rác của thôn chối rồi. Hay tao với mày nhận nhỉ.

- Kéo xe bò chắc? Mà anh không đi đánh cá thuê nữa sao?

- Vưỡn chứ. Thu rác chỉ có ngày. Tao ướm rồi, đội thu rác cũ sẽ nhượng lại chiếc xe bò rác với giá rẻ. Chỉ cần mình chịu khó là có tiền. Mai có đoàn khuyến mãi về sân kho bán hàng, tao không có ao nào đánh cá, sẽ đi lên đó xem có vớ món khuyến mãi nào không.

Nhậm lại tham mấy cái thau, chảo, bát. Nhậm mơ ước vớ được món khuyến mãi là nồi cơm điện. Cái nồi cơm đang dùng đã gần chục năm, cơm nhão, cháy đít nồi, mỗi đận nấu tốn cả bát cơm chẳng ít.

Bình minh lên, Nhậm đã phóng xe đi. Ra tới ngõ, gặp mấy bà già ơi ới rủ nhau đi mua hàng khuyến mãi, rộn cả đường cái. Cần lại quăng xô vục bùn đổ lên bờ ao.

Một tiếng sau, Nhậm bấm chuông xe inh ỏi ngoài cổng rồi gọi Cần về. Có lẽ, Nhậm đã trúng quả nồi cơm điện. Cần chạy về.

- Mau rửa ráy về nấu cơm đón khách cho tao.

Bao năm nay anh em Cần làm gì có khách, bạn thì trong làng, họ hàng thì bố mẹ mất chưa đến lượt phải tiếp.

- Khách nào?

- Khách quý.

- Anh trúng nồi cơm điện đấy à?

Cần hất hàm chỉ cái thùng tay Nhậm đang ôm:

- May nhá. Ngay phút đầu tiên, tao đã giơ tay mua hàng thế là được giảm giá năm mươi phần trăm, còn có bốn trăm cái nồi này.

Cần đang nấu cơm. Tiếng xe máy bấm còi đầu ngõ, Nhậm đã chạy ra đón. Khách cao dong dỏng, da trắng, tỏa ra mùi thơm như con gái, mắt dài sáng, giọng nói ngọt như nhãn lồng. Nhậm dẫn khách đi ngắm hết cảnh nhà thì mời vào ăn cơm rau với anh em Nhậm. Cần bê mâm cơm lên, Nhậm giới thiệu:

- Anh Kháng, giám đốc Công ty An Dân đấy.

Chén rượu cạch đến lần thứ ba thì Cần nghe thủng câu chuyện. Nhậm đã gặp anh Kháng mấy lần về bán hàng mà anh em chẳng nhận ra nhau. Nay mới có dịp nói chuyện với anh. Thì ra bà ngoại anh với bà ngoại tụi Nhậm là con bá con dì. Mỗi bà lấy chồng về một quê nên xa nhau. Anh Kháng chăm chú nghe Nhậm kể về chuyện đời hai anh em. Anh bảo thương hai đứa bố mẹ mất sớm, thế đã định dự tính gì chưa? Nhậm chẳng dám giấu cái kế hoạch nhận chở rác cho thôn và thả cá, trồng ổi với cấy lúa.

- Mấy cái thứ đó mà cũng là dự định với kế hoạch sao?Phải biết ước mơ lớn thì mới làm lớn được. Chứ thu rác với cái ao cá toen hoẻn thế kia chả cần tính nhá.

Nhậm lại khẽ khàng gắp miếng cá chuối đanh thịt vào bát anh Kháng. Môi anh Kháng bóng loáng:

- Cứ giữ tư tưởng nông nghiệp manh mún như hai chú, nghèo là phải, còn trách gì đời tệ với mình. Các cụ bảo rồi, phi thương bất phú.

- Nhưng bọn em thì biết buôn gì?

- Sẽ mở một cái cửa rộng hai mét chỗ ấy, trong kính ngoài sắt. Anh sẽ đặt một văn phòng Công ty An Dân, cho chú Nhậm giữ chức Phó Chánh văn phòng. Biết hút khách, mỗi tuần chỉ cần tổ chức một buổi là được. Cả chục làng đi lên huyện qua con đường này, đấy chính là nguồn khách hàng tiềm năng các chú phải biết thu hút để khai thác. Ngoài tiền thuê văn phòng công ty mỗi tháng hai triệu, các chú sẽ được chia phần trăm hoa hồng số hàng bán được.

★★★

Xây xong cái cửa trong kính ngoài sắt, khối người đi qua hỏi, quay ra đường thế này là mở quán sao? Nhậm gật đầu đon đả mời:

- Đến ngày khai trương mọi người đến mua hàng, nhiều khuyến mãi hấp dẫn lắm.

Cái Kim hàng xóm, môi quả chuối nhòm vào khi hai thằng đang dán giấy lên tường, ướm lời:

- Hay là ai lấy vợ?

Nhậm quay ra, trêu:

- Anh lấy vợ thì Kim sẽ biết đầu tiên, mấy hôm nữa ra đây mua hàng nhá!

Kim bĩu môi.

... "Đời đôi khi rất tệ hay đời đôi khi rất tuyệt là do bản thân có cố gắng hay không mà thôi. Đừng đi trách đời hay ông giời làm cho phận mình nghèo, giúp cho người kia giàu. Đời không tệ với ai cả mà do chính con người thối chí đổ lỗi cho đời. Chính con người làm cho cuộc đời mình tệ đi mà thôi. Đừng có cứ nghèo, cứ ốm yếu là đổ lỗi cho đời, cho giời. Trong cuộc sống, có người dù ít tiền mà vẫn luôn vui vẻ, khỏe mạnh, có người có tiền ôm khư khư mà vẫn luôn ốm đau, rầu não. Đừng tưởng có tiền mua tiên cũng được. Nhưng có tiền mà biết sử dụng đồng tiền thông minh sẽ cho ta sức khỏe, sự trẻ trung, đẩy lùi được bệnh tật. Đấy là những người khôn ngoan nhất, biết cách mua tiên. Con người cũng như cỗ máy, chạy mãi rồi mà không biết chăm sóc, đại tu, tra dầu mỡ thì sẽ mau hỏng, chỉ còn nước đổ đồng nát"...

Đứng bên gốc xoài làm nhiệm vụ cảnh giới, Cần đã há hốc mồm ra nghe khi anh Kháng bắt đầu buổi khai trương bán hàng của Công ty An Dân cơ sở ba tại nhà Cần với một bài thuyết trình dài dằng dặc sặc mùi triết lý về đời, về người. Giọng nói hay đến nỗi cua trong lỗ cũng phải bò ra. Còn phía bên trong, năm hàng ghế nhựa xếp dọc nhà đã có nhiều cánh tay nhăn nheo giơ lên để được chọn là mười người đầu tiên mua sẽ nhận khuyến mãi sáu mươi phần trăm. Nhậm Phó Chánh văn phòng và thư ký Loan của anh Kháng phụ trách đếm tay, nhận diện những cánh tay giơ đầu tiên, sau đó giao hàng, nhận tiền, đều có sổ sách hẳn hoi. Bà Lượng còng được tặng cái chảo chống dính vì là người đầu tiên giơ tay mua chai sâm chữa bách bệnh sáu triệu đồng. Cái Kim được khuyến mãi dầu gội đầu vì mua thuốc làm trắng da chín trăm nghìn đồng. Vài người sạch tiền quay sang vay tiền người hàng xóm để mua. Mấy bà già mua nhiều hơn, hóa ra trước nay các bà toàn giả nghèo giả khổ. Cứ nhìn các bà ôm hàng khệ nệ hỉ hả ra về thì biết.

Buổi đầu bán được bảy nồi cơm điện, mười một bếp ga. Anh Kháng rút ba tờ năm trăm đưa cho Nhậm. Cần bê mâm cơm lên, đã có thêm món thịt chân giò quay mời khách. Bát đĩa, cốc chén chạm nhau lanh canh cả lên.

Trước khi cho xe chạy đi, anh Kháng dặn, trong mười ngày tới phát triển thị trường bằng cách quảng cáo tờ rơi, tiếp cận khách hàng càng nhiều càng tốt, chỉ cần mọi người đến dự đông, việc còn lại là của anh.

Đến vụ gặt lúa thì thóc phải đưa vào buồng ngủ. Nhậm trèo lên những bao thóc, luồn mấy gói tiền giấu lên mái ngói. Mỗi đêm ngồi lẩm nhẩm tính tiền, Nhậm lại cười. Sắp có tiền cưới vợ rồi. Cứ đà này chẳng mấy mà anh em Nhậm đổi đời.

Nhậm lại đi ngoại giao, phát tờ rơi. Buổi thứ hai cũng thắng lợi giòn giã. Đến buổi bán hàng thứ ba.

Anh Kháng vừa dùng màn chiếu cho các bà, các chị ngắm từng ảnh chi tiết trên màn hình về bộ phận giới mình bị bệnh lở loét. Phía dưới cấu nhau cười. Khi khẩu lệnh mười khách hàng đầu tiên sẽ được giảm giá, lập tức các cánh tay lao lên. Đang trong cảnh náo nức hàng trao tiền trả thì một đám người ập vào cổng, theo sau là một người phụ nữ tay cầm chai sâm gào lên:

- Một lũ lừa đảo, toàn bán hàng giả. Mẹ tao uống đau bụng đi ngoài phải cấp cứu kìa, thế mà chúng mày tính sáu triệu một chai.

Đám người bắt Cần mở cổng. Phía trong nhà, cái Loan nhìn ra biết có sự nháy anh Kháng, Kháng đã đưa míc cho Nhậm bảo vào trong lấy hàng ra, rồi xách ba lô lẻn qua cửa buồng ngủ của hai anh em, tắt qua vườn chuối, ra bờ ruộng, bấm điện thoại. Tay lái xe đang ăn sáng đầu phố làng, vội đánh xe qua lối đường đồng vào đón chạy đi.

Chiều ấy, hai anh em được tha về sau khi nộp tờ cam kết đã ký. Đi qua ngôi mộ người lạ chôn bên kia mương, Cần tự hỏi không biết người dưới mộ đã được siêu thoát chưa? Cỏ xanh thế mà không có một chân hương, không một tấm bia, có thể vong linh người chết đã bay đi rồi. Đời buồn thế trì níu làm gì.

- Về thôi.

- Đợi tối đi. Về bây giờ, mọi người kéo theo chửi chết mày ạ.

- Không chửi giờ, sáng mai họ cũng chửi. Chửi chán thì họ thôi.

- Mà không về nhà thì đi đâu được.

- Không bị tù là may. Vẫn còn hai sào ruộng sắp gặt với cái ao cá đang vật bùn dở. Bám vào bùn đất mà sống, chẳng chết được đâu mà lo.

- Mày nói đúng. Rồi mai tao lại xin đi đánh cá. Mà không biết cái chân thu rác ở làng đã ai xí chưa.

Nhậm đi trước, Cần lững thững đi theo sau. Hoàng hôn đang đổ mầu hổ phách phía cánh đồng.