Hôm nay mẹ cưới. Dù chỉ là bữa cơm thân mật để hợp thức hóa một mối quan hệ mà Thụy biết sớm hay muộn sẽ xảy ra thôi. Nhưng không hiểu sao với Thụy ngày hôm qua khác ngày hôm nay nhiều lắm. Trong đầu cô không ngưng mường tượng đến cảnh mẹ đang khoác trên mình chiếc váy trắng, tinh khôi mà cái tuổi năm mươi người ta không còn hợp nữa.
Cô nhìn xuống những bông điệp vàng. Hai mươi hai tuổi, hay khóc. Còn gì nữa? Thụy chợt nghĩ rồi cười nhạt với chính mình. Sau bốn năm học đại học, Thụy bớt đi ít nhiều mơ mộng, càng sống cô càng nhận ra cuộc đời không đẹp như những điều mẹ thường kể cho cô nghe từ nhỏ. Mẹ là cô giáo dạy văn, tóc mẹ dài mượt từng búp thả sau lưng, váy chấm gót,… Nếu chọn lại cô sẽ không tin những điều mẹ kể. Cầm tấm bằng đại học hơn ba tháng, chạy đôn chạy đáo xin việc không được, ở nhà, hằng ngày ra vào thấy mọi thứ u u tịch tịch đến lạ. Từ lúc nào Thụy thấy ghét nghe tiếng bước chân loẹt quẹt của mẹ, vừa lạnh vừa thanh cao kiêu hãnh.
Mẹ không thích cô mơ mộng như bố. Người đàn ông gieo nỗi buồn vô tận vào lòng mẹ rồi bỏ đi không thương tiếc. Bố đã từng như là thánh trong lòng mẹ, cũng là kẻ thù suốt đời mẹ hận. Trước đây thỉnh thoảng bố có đến thăm, mua cho cô cái này cái nọ nhưng từ khi người đàn ông kia xuất hiện, bố không còn đến nữa.
Một buổi chiều ông hẹn cô đi uống nước, tự dưng Thụy thấy buồn cười. Bố hẹn con đi uống nước, một cuộc gặp vừa xa lạ vừa nhạt nhẽo, mà cũng thân tình. Dạo này Thụy ít cười, mắt đăm đăm, và rất hay nhìn lơ đãng, cô không để ý đến đôi tay người bố khẽ run khi cầm cuốn sách dày cộp, bìa cứng đặt lên bàn. Bố tặng con. Người đàn ông xúc động, khiến ba chữ như bị lạc đi đôi chút. Thụy hơi ngạc nhiên rồi cúi xuống cuốn tiểu thuyết. Đây không phải lần đầu cô được bố tặng sách, ai cũng biết ông là một nhà văn nổi tiếng. Thụy đưa bàn tay với những ngón trong, mỏng mảnh lên vuốt ve bìa sách, cố gắng làm ra vẻ trân trọng nhưng thực tế đầu cô trống rỗng một cách kỳ lạ. "Thân thương tặng con gái yêu của bố". Thụy hơi chững lại nơi dòng chữ ký tặng của bố mình.
Về nhà, kỳ thật cho đến bây giờ có lẽ cũng đã ngót một năm nhưng cuốn sách ấy vẫn nằm im trên giá. Thụy không đủ kiên nhẫn để đọc hết một cuốn tiểu thuyết, dù đó có là cuốn truyện tình lâm li đi chăng nữa. Thỉnh thoảng có lần đi ra ngoài về, Thụy đứng ngoài cửa hồi lâu lặng lẽ nhìn mẹ thận trọng lật từng trang giấy, bằng nét mặt kính cẩn trang nghiêm và cũng nhiều xúc cảm. Thụy không muốn mẹ bối rối, cô vòng ra sau, đi đâu đó một hồi. Lòng nặng trĩu. Thật ra mẹ còn thương bố lắm, thương nhiều thế rồi thành hận, cứ dồn nén trong lòng. Người trong ngõ vẫn thường nhìn Thụy rồi rỉ tai nhau "của ăn vụng có khác, giống quá, không một đường nét nào lẫn". Thụy hơi chạnh lòng. Dù mặt vẫn diễn một màu lạnh tanh, đây không phải là lần đầu trong đời cô nghe thấy những lời như thế.
Mẹ sinh con không cần có ông ấy thì cả đời con cũng đừng lạy lục xin tiền của người ta. Dù sao lỗi cũng là tại mẹ, đàn ông… Thụy lặng im. Như mắc lỗi. Sáng mai, bố sẽ chờ Thụy ngoài ngõ, bố sẽ đưa cô đi xin việc. Mọi thứ sẽ thành, Thụy tin thế. Với vai vế của ông, với danh tiếng nhường ấy, đâu có khó gì. Nhưng nếu mẹ biết? Mẹ sẽ khóc suốt đêm, sẽ buồn. Thôi, Thụy chẳng muốn nghĩ nữa, thế nào cũng được miễn là cô không phải từng ngày ở nhà dài cổ chờ xin việc. Sự u tịch, nỗi sốt sắng, háo hức của tuổi trẻ không để cho Thụy yên một phút. Thụy ngồi im, nem nép bên cạnh bố, thấy giống y như ngày đầu theo mẹ đến trường. Bất giác hai vai cô chùng xuống như bị một gánh nặng vô hình đang đè lên. Tìm được một công việc thời buổi này khó bao nhiêu, thế mà cuối cùng Thụy cũng bỏ. Cô không muốn gặp bố, không giải thích và biện minh gì cả.
★★★
Người đàn ông vẫn hay đến nhà Thụy vào chiều thứ bảy. Tính ông ôn hòa, nét mặt hiện rõ nỗi thất vọng về cuộc đời. Ông ta là hiệu trưởng trường học mẹ đang dạy. Mẹ hỏi thấy bác ấy thế nào? Thụy trả lời bâng quơ mà tim cứ buốt từng hồi. Cái cảm giác mất mát dần dần lan tỏa trong người cô. Bình thường. Thụy buông một câu cộc lốc. Mắt Thụy khẽ buồn. Bác ấy cũng khổ, vợ nằm liệt hơn 5 năm nay, một mình chăm lo vợ và ba đứa con đi học. Nhưng mẹ phải nhớ là vợ người ta còn sống, mẹ đừng để con xấu hổ đấy. Từ bé, con đã xấu hổ lắm rồi.
Mẹ im lặng, hồi lâu khẽ quay đi gạt nước mắt. Thụy chợt thấy mình có lỗi. Cô đứng dậy bước ra khỏi nhà.
Thụy không muốn mẹ con cô thêm điều tiếng gì nữa, bao nhiêu đó là quá đủ rồi. Từ bé cô bị mang tiếng là con không bố, mặc dù bố ở rất gần. Với Thụy, cô chưa bao giờ nghĩ sẽ cần bố bù đắp lo toan cho bất kỳ cái gì. Bởi lẽ Thụy là món quà mà mẹ cô đi xin. Mẹ chưa bao giờ kể về bố, về mối tình ngày xưa. Thụy chỉ nghe bà ngoại kể, ngày xưa lúc còn là nữ sinh trường tổng hợp đi thực tế ở Ô Đầu, ở cái vùng biển đảo xa xôi ấy lại có chàng nhà văn lãng tử viết văn hay đến thế. Dù biết người ta đã có vợ, có con nhưng thỉnh thoảng vẫn lặn lội tìm ra thăm. Đêm cuối cùng ở Ô Đầu, giữa sóng nước mênh mông ấy, hai người ngồi bên nhau lặng yên trước biển. Chỉ có sóng vẫn không ngừng vỗ ì oạp vào vách đá. Mắt Hiền buồn thăm thẳm, người đàn ông thỉnh thoảng lại nắm chặt tay cô đầy nuối tiếc. Sau này trong cuốn sổ nhật ký của mẹ chỉ ghi mỗi dòng chữ "Ô Đầu ngày 12 tháng 8 năm 1990".
Hôm nay mẹ cưới.
Vậy là người đàn bà liệt ấy cuối cùng đã mất được hơn ba tháng, Thụy thấy buồn. Vừa thấy xót xa cho mẹ, vừa thấy thương. Rồi tự trách mình. Có phải cô ích kỷ quá? Mẹ đã ở vậy hơn hai mươi năm để nuôi cô, cũng đến lúc mẹ đi tìm hạnh phúc riêng của mình? Mấy đêm trước Thụy nằm với ngoại, ngoại bảo đừng có giận mẹ. Cả đời mẹ con đã khổ rồi. Thụy nghe, nước mắt chảy thành dòng trên má.
Nếu con không thích bác ấy thì mẹ sẽ không lấy. Mẹ có thể không lấy được ư? Thà mẹ cứ lấy đi, cứ đăng ký kết hôn cho đàng hoàng còn hơn là để thiên hạ nói bồ bịch. Mẹ kinh ngạc nhìn đứa con vừa buông những lời cay nghiệt.
Thụy thấy mình lạc đi theo tiếng sóng mặc dù cô chưa bao giờ đứng trước biển, biển trong tưởng tượng, trong mơ là những tiếng ồn ào.
Thụy biết mấy đêm nay mẹ khóc, hai mắt thâm quầng lặng lẽ ngồi chong đèn, bên cạnh là cuốn sách của bố. Giá như mẹ đừng đam mê, đừng mãnh liệt, đừng khờ dại thì sẽ không có Thụy trên đời, thế sẽ tốt hơn. Ai cũng có đủ lý do để được thông cảm, để có quyền đi tìm hạnh phúc riêng cho mình. Còn Thụy thì sao?
Nếu một mai Thụy đi lấy chồng hoặc giả biến mất khỏi cuộc đời này thì căn nhà chỉ còn có mẹ. Mẹ sẽ buồn lắm, sẽ héo hon, gầy mòn mà chết theo cô mất. Mẹ cũng cô đơn. Thụy biết, có những lúc thấy mẹ ngồi thẫn thờ trước ô cửa nhỏ nhìn xuống đường phố, mắt đờ đẫn, Thụy thương. Vậy nên… làm gì phải cay nghiệt thế? Làm gì phải làm khổ nhau?
Phố nhập nhoạng lên đèn. Không còn nhìn thấy mầu vàng của những cánh điệp ơ hờ nữa. Trời cũng sắp đổ mưa, Thụy ngửi thấy mùi hoi nồng của đất, sặc sụa và chao chát. Những cơn mưa cuối hè bao giờ cũng dữ dội. Thụy ngửa mặt đón những đòn mưa quất tơi tả vào mặt mình. Tóc và bờ vai ướt lạnh. Một cảm giác nổi trôi, cảm giác tội lỗi được rửa sạch. Bỗng nhiên Thụy thấy lòng thanh thản đến lạ. Giống như là trôi trong vô định. Phố và ánh đèn nhòe dần đi…
Có ai đó đang gọi cô, lẫn vào tiếng mưa và những tiếng ồn ào. Thụy quay lưng trở lại. Thấy cái dáng vội vã chạy lại phía mình, chiếc váy dài chấm gót, quấn vào vế chân khiến người đàn bà ngã chúi về phía trước, mưa và mái tóc hòa lẫn vào nhau. Thụy ơi. Tiếng gọi khàn đặc cất lên. Con đi đâu vậy? Có biết mẹ lo lắm không? Mẹ khóc, dúi đầu cô vào lòng. Hai người đàn bà dìu nhau đi trong mưa cùng những giọt nước mắt. Mẹ gục đầu vào vai cô. Bây giờ cô thành người bạn lớn, là một phần trong ký ức mãi mãi không ngủ quên mang tên Ô Đầu.