Viết bài văn hóa, văn nghệ thời 4.0

Trước hết phải thừa nhận, nhờ sự phát triển vũ bão của công nghệ, cách làm báo và viết báo thay đổi tới mức ngỡ ngàng so với trước kia. Cách đây quãng hơn 20 năm, có nằm mơ cũng không tưởng tượng nổi chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh cỡ bằng bàn tay hoặc chiếc máy tính bảng nhỏ như cuốn sách bỏ túi là có thể lấy tư liệu, kiểm chứng thông tin, gặp gỡ, phỏng vấn, ghi âm rồi gỡ băng bằng phần mềm voice to text, ghi hình, dựng hình, viết bài, nộp bài, duyệt bài,… ở mọi nơi, mọi chỗ.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà báo Hữu Việt (thứ hai, từ phải sang) thường xuyên tham gia Ban Giám khảo cuộc thi ảnh Vẻ đẹp Việt Nam của Truyền hình Nhân Dân.
Nhà báo Hữu Việt (thứ hai, từ phải sang) thường xuyên tham gia Ban Giám khảo cuộc thi ảnh Vẻ đẹp Việt Nam của Truyền hình Nhân Dân.

Trên internet toàn cầu còn có vô số công cụ hỗ trợ, trong đó trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng trở nên ghê gớm, trợ giúp vô cùng đắc lực cho người làm báo.

Theo cách làm báo cũ, phóng viên viết bài thì chỉ viết, phóng viên ảnh thì chỉ chụp ảnh, nộp về tòa soạn là xong. Nhưng bây giờ, một phóng viên phải "đa di năng": người viết bài cần biết thêm quay phim, chụp ảnh; người chụp ảnh cũng phải có khả năng viết tốt những bài báo ngắn, chí ít cũng là lời bình cho phóng sự ảnh. Trừ những trường hợp đặc biệt, trên thực tế một phóng viên phải/có thể làm ra tất cả các sản phẩm báo chí: từ viết bài, chụp ảnh, phát thanh (audio), truyền hình (clip/video), thậm chí làm MC dẫn những phóng sự hình ngắn… trong một lần tác nghiệp. Đây vừa là yêu cầu của tòa soạn báo chí đa phương tiện, vừa là kỹ năng/nghiệp vụ của người viết báo hôm nay cần/buộc phải có.

Nhà báo Đ.T.H, một cây bút sắc sảo viết về lĩnh vực văn hóa-văn nghệ của báo T.T. có lần nói với tôi: "Hễ khi nào bí chúng em lại xuống Ban Bạn đọc, lục thư độc giả gửi về là vớ được khối đề tài hay". Quả thật nhiều đề tài hay, thậm chí độc quyền của một tờ báo từng được khởi đầu hoặc gợi ý từ những câu chuyện hoặc thư phản ánh của bạn đọc gửi về tòa soạn. Sang thời 4.0, câu nói ấy sẽ là: "Khi nào bí đề tài, chỉ cần dạo quanh một vòng Facebook sẽ tìm được khối gợi ý đề tài hay".

Ngày trước để quen hoặc làm quen một nhân vật nổi tiếng trong giới văn nghệ, rồi tìm ra vấn đề để viết bài, đặt bài hay phỏng vấn là không dễ. Còn bây giờ chỉ cần thông qua một nền tảng mạng xã hội nào đó (Facebook, Viber, Zalo…) là có thể có liên lạc và tiếp cận được nhân vật. Cũng từ môi trường thông tin này nhiều phóng viên tìm ra những đề tài, câu chuyện phong phú và hoàn toàn miễn phí của các "cư dân mạng". Theo số liệu thống kê, đến đầu năm 2023, Việt Nam có khoảng 70 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương với 71% tổng dân số. Chỉ cần một phần mười trong số họ viết "tút" hằng ngày thì mỗi ngày đã có thể tiếp cận 7 triệu thông tin. Đừng gọi mạng xã hội là nơi "sống ảo" nhé. Nhà văn Phan Thị Vàng Anh có lần nói với tôi, theo quan sát của chị thì đây chính là nơi người ta, cách này hay cách khác, sớm hay muộn, cũng bộc lộ hết "đời sống thật" của họ. Ngẫm thấy có lý.

Tuy nhiên, cái gì thuận lợi cũng luôn kèm theo thách thức. Thông tin trên mạng xã hội thật giả, đúng sai lẫn lộn, phóng viên thiếu kinh nghiệm dễ dính "quả lừa". Nhiều sai phạm trên báo chí hiện nay phần lớn do người viết báo thiếu lịch duyệt, quá cả tin hoặc lạm dụng mạng xã hội, hóng được tin "nóng" là vội vàng đưa lên báo, lại còn viết theo kiểu "như đúng rồi!". Việc khai thác thông tin qua mạng, phỏng vấn qua chat hay email tuy nhanh, tiện, nhưng lại khiến người phóng viên trở nên lười biếng hơn, dễ dãi cho ra đời những bài báo theo công thức rập khuôn, thiếu sức sống và ít tính phát hiện. Chưa kể, với một phóng viên chưa làm chủ được nghề báo mà phải thực hiện nhiều thể loại báo chí cùng một lúc, sẽ chỉ sản xuất được những sản phẩm báo chí làng nhàng, tròn vai, thiếu sáng tạo, khiến cho bài báo đó mắc bệnh "nhạt" vốn vô cùng khó chữa.

Để có sản phẩm báo chí kiểu "McDonald’s" ấy, cá nhân tôi từng được nhiều phóng viên đề nghị: "nếu không có thời gian viết, thì cứ nói vào máy ghi âm, sẽ có người gỡ băng, viết thành bài rồi đưa tác giả duyệt lại trước khi nộp cho tòa soạn". Sao lại có kiểu viết báo lạ lùng thế? Bên cạnh đó, còn có những người cầm trịch nội dung đòi hỏi và khuyến khích phóng viên đưa thông tin nhanh mà coi nhẹ thông tin sâu. Họ cho rằng thời buổi ngày nay "kinh nghiệm không bằng tư duy, quy mô không bằng tốc độ". Kết quả là, tin tức và bài phản ánh thì nhiều, nhưng để tìm được những bình luận, phóng sự sâu sắc, đọng lại sau khi đọc lại rất khó.

Chưa kể, việc đòi hỏi thông tin thật nhanh và thật nhiều, đã khiến phóng viên đối phó bằng cách đưa ra phương thức sản xuất hàng loạt, copy, xào xáo lại bài của nhau dẫn đến tình trạng, thông tin về một sự kiện chỉ cần đọc trên một tờ báo là đủ. Làm báo theo cách ấy, thì một ngày nào đó không xa, AI sẽ dễ dàng thay thế người viết báo!

Nói như vậy không có nghĩa là hoài cổ, quay về lối viết ngày xưa, nhâm nhi câu chữ, kể lể dài dòng, trong khi cuộc sống vận hành ngày càng nhanh và mang tính mục đích, tính hiệu quả cao như hiện nay. Từ đòi hỏi của cuộc sống đã làm thay đổi cơ bản những cách làm báo cũ. Những tổng kết gần đây chỉ ra ba xu hướng báo chí đã và đang ngày càng chiếm thế thượng phong, đó là: báo chí giải pháp, báo chí nghe nhìn và báo chí dữ liệu. Cho dù những quy tắc, môi trường, công cụ, tư duy, cách làm báo có phát triển và thay đổi đến đâu thì cũng sẽ xoay quanh ba xu hướng ấy.

Trong lĩnh vực văn hóa-văn nghệ, tôi cho rằng cách xây dựng, triển khai đề tài và tạo ra tác phẩm báo chí cần bám sát ba xu hướng kể trên. Đó chính là cơ hội để nâng cao hơn nữa chất lượng và đáp ứng nhu cầu đa dạng của bạn đọc. Trước một bể thông tin với rất nhiều sự việc, hiện tượng phức tạp, đa chiều, nhiều quan điểm trái ngược nhau xảy ra hằng ngày, diễn biến hằng giờ của đời sống văn hóa thì một tác phẩm báo chí hiện đại phải đưa ra các giải pháp để trả lời giúp bạn đọc, thay vì phản ánh, mô tả thông thường. Ngay cả lĩnh vực giải trí, mảng đề tài chiếm dung lượng lớn trên các trang văn hóa-văn nghệ, tưởng như chỉ giúp bạn đọc thỏa mãn trí tò mò hoặc thư giãn, giải tỏa căng thẳng, áp lực cuộc sống, thì vẫn có thể thông qua giải trí để tìm ra giải pháp cho một vấn đề gì đó của xã hội. Thí dụ như các phim truyền hình dài tập công chiếu thời gian gần đây, tuy là phim giải trí, nhưng đã giúp bạn đọc tìm lời giải cho những vấn đề hóc búa về đời sống gia đình, hôn nhân, giáo dục, về lòng yêu thương giữa con người…

Không thể không nhắc tới báo chí nghe nhìn, khi mà các thiết bị điện tử trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hôm nay. Việc nghe, xem, đọc thông qua những thiết bị điện tử thông minh của gần 78 triệu người Việt Nam đang sử dụng internet đã trở thành thói quen, thậm chí tới mức lệ thuộc của nhiều lứa tuổi. Vì vậy, người viết báo và làm báo chỉ thu được thành công nếu có những sản phẩm báo chí nghe nhìn thỏa mãn được điều này.

Và cuối cùng là báo chí dữ liệu. Ngày nay, mỗi khi cần tìm hiểu bất cứ thông tin gì, việc đầu tiên người ta nghĩ tới bác "Gúc-gồ" và những công cụ tìm kiếm khác. Nguồn tra cứu thì rất nhiều, nhưng độ chính xác và tin cậy đến đâu là việc rất khó lường, nhất là trong lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật vốn đặc biệt tinh tế. Chẳng hạn chỉ cần gõ bàn phím tra cứu cụm từ "văn hóa đọc" thì trong vòng 0,17 giây, Google đã cho ra 350 triệu thông tin kết quả. Vì vậy, hẳn bạn đọc rất cần nguồn dữ liệu tin cậy, khả tín nhất từ những bài báo, tòa soạn báo uy tín. Xây dựng kho báo chí dữ liệu về lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật tưởng chừng là một công việc cũ kỹ, chậm chạp đi ngược lại với đời sống văn hóa-nghệ thuật diễn ra nhanh chóng mặt hiện nay, hóa ra lại là cách tiết kiệm thời gian nhất bởi độ chính xác và tin cậy của thông tin.