Chuyện về người chắp nối mảnh ghép tài chính

Một phóng viên theo dõi sâu một chuyên ngành, thường trở thành "chuyên gia" trong lĩnh vực đó nhờ kinh nghiệm và những kiến thức chuyên ngành tích lũy được sau một thời gian gắn bó. Song, với ngành tài chính, chuyện không đơn giản vậy.
0:00 / 0:00
0:00
Ngay sau khi loạt bài Khơi thông dòng vốn đầu tư công đăng tải, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã có buổi làm việc với phóng viên Báo Nhân Dân để làm rõ hơn những vấn đề được nêu trong bài viết.
Ngay sau khi loạt bài Khơi thông dòng vốn đầu tư công đăng tải, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã có buổi làm việc với phóng viên Báo Nhân Dân để làm rõ hơn những vấn đề được nêu trong bài viết.

Ngoài những kiến thức cơ bản về tài chính, thì khả năng chắp nối, lắp ghép các thông tin tài chính công khai để đưa đến cho bạn đọc một bức tranh toàn cảnh về một doanh nghiệp, một ngành nghề là đặc biệt quan trọng với một phóng viên tài chính.

Từ việc "tẩy trang" con số…

Có lẽ đến lúc này, sau hơn 10 năm thực hiện phóng sự điều tra "Thiên đường" than lậu (5 kỳ), mỗi khi nhắc lại kỷ niệm của những ngày lăn lộn thực tế ở Quảng Ninh theo dấu than lậu, các thành viên trong nhóm phóng viên Báo Thời Nay, ấn phẩm Báo Nhân Dân, vẫn không quên được cảnh chỉ vì lỡ đưa cái thẻ nhớ (USB) thuê in một file tài liệu, đành ngậm ngùi trả đến 980.000 đồng tiền giấy in cho gần 5.000 trang báo cáo tài chính và thuế của Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả, một thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam. Vào thời điểm năm 2013, để có được những tài liệu này là một điều vô cùng khó, bởi các doanh nghiệp kể cả đã cổ phần hóa hay chưa đều coi đây là bí mật kinh doanh, là tài liệu sống còn của doanh nghiệp.

Nhưng để giải mã đống tài liệu ngồn ngộn đó, với hàng nghìn con số, bút toán kèm theo, thật sự là điều "bất khả thi" với cả nhóm phóng viên. Sau nhiều tháng bế tắc, điều may mắn nhờ sự trợ giúp của một chuyên gia ngành thuế, những lớp "make up" có chủ đích trong đống báo cáo tài chính của doanh nghiệp này dần được "tẩy trang". Dấu hiệu chuyển giá trị ra ngoài thông qua sự lặp đi lặp lại của hàng chục hóa đơn trong bảng kê tài chính được làm rõ là một phần thông tin quan trọng, tạo nên sức nặng cho loạt phóng sự điều tra này – tác phẩm đã đoạt Giải A Giải Báo chí quốc gia lần thứ VIII, năm 2013.

Khi công nghệ thông tin phát triển vượt bậc và việc luật hóa sự minh bạch, công khai đối với những thông tin tài chính của doanh nghiệp, việc tiếp cận các tài liệu này của phóng viên tài chính dễ dàng hơn nhiều. Tuy nhiên, để cắt nghĩa, "tẩy trang" những con số trong hồ sơ tài chính không hề đơn giản. Nhất là với tác động của các thủ thuật "make up", nó trở nên bí ẩn, ảo diệu hơn thực tế rất nhiều.

Sau hơn chục năm lăn lộn theo ngành, từng theo học nhiều khóa đào tạo về kế toán, tài chính chỉ với mục tiêu học cách nhận diện những con số tài chính được "tẩy trang", nhà báo Thúy Hằng (Ban Kinh tế, Báo Đại đoàn kết) nửa thật nửa đùa chia sẻ, có lẽ sau này, khi không phù hợp với vai trò là phóng viên bám sự kiện, biết đâu sẽ có công việc như hoàn thiện báo cáo thuế cho các doanh nghiệp để "làm thêm".

Được giao mảng tài chính ngay từ ngày đầu bước chân theo nghề báo, nhà báo Thùy Dương (Ban Kinh tế, Thông tấn xã Việt Nam) rất hiểu tầm quan trọng của vị trí người sản xuất tin nguồn cho một hãng thông tấn quốc gia. Thế nên, bên cạnh việc cố gắng tích lũy kiến thức cơ bản về tài chính, Thùy Dương đã học cách đứng trên vai người khổng lồ khi xây dựng nguyên một group chuyên gia tài chính "ruột", nhờ đó, việc "tẩy trang" báo cáo tài chính, hay đơn giản là làm rõ về những con số tài chính nào đó, Thùy Dương đều có sự trợ giúp hữu hiệu từ họ.

Chuyện về người chắp nối mảnh ghép tài chính ảnh 1
Dự án cầu Mỹ Thuận II (Tiền Giang) thời điểm nhóm phóng viên

Nhân Dân cuối tuần thực hiện loạt bài Khơi thông dòng vốn đầu tư công. Ảnh: Hùng

Nguyễn

…đến những chuyện không có trong những bài báo tài chính

Xuất phát điểm từ chuyên ngành luật, lại có kiến thức khá sâu trong mảng tài chính, việc phân tích, tường ngôn một báo cáo tài chính, thuế đối với nhà báo Đào Gia Hưng (Tạp chí Thương Gia) không phải là điều quá khó khăn.

Nhưng theo Gia Hưng, một phóng viên tài chính, ngoài kiến thức cơ bản về tài chính, thì khả năng chắp nối các thông tin tài chính công khai để tạo ra một bức tranh toàn cảnh về một con số, một doanh nghiệp là đặc biệt quan trọng. Điều mà không phải ai theo nghiệp phóng viên tài chính cũng có được!

Không giấu sự ngưỡng mộ khi nhắc đến nhà báo quá cố Trương Quốc Dũng (Báo Khoa học & Đời sống) - người mà Gia Hưng luôn coi như một người thầy trân quý của mình, Gia Hưng chia sẻ, một bài báo tài chính sẽ giá trị hơn rất nhiều nếu thêm chỉ độ non trăm chữ của người có thể chắp nối các mảnh ghép đơn lẻ như nhà báo Trương Quốc Dũng.

Nói về nghiệp phóng viên tài chính, Thùy Dương bảo, trong mắt nhiều người, phóng viên tài chính luôn gắn với con số tiền bạc, những thương vụ bạc tỷ hay với nợ nần của doanh nghiệp, thậm chí của cả quốc gia, sẽ là những người có cơ hội tiếp xúc nhiều người có quyền lực, và có thể lợi ích hóa từ đó. Nhưng, ít người thấu hiểu, để có và đọc hiểu được những tài liệu tài chính lại là cả một hành trình với trăm thứ chuyện cười ra nước mắt.

Thùy Dương kể, hồi mới chuyển về ở khu chung cư, mấy bác bảo vệ tòa nhà nhìn tôi ngưỡng mộ lắm, bởi suốt ngày nhận hộ tôi thư mời đi dự đại hội cổ đông của toàn ngân hàng với doanh nghiệp lớn… Có mấy ai biết, trong tài khoản chứng khoán cá nhân đôi khi chỉ còn vài cổ phiếu thưởng lẻ không bán đi được, giá trị cũng chẳng là bao, nhưng lại là điều kiện để có cả tá thư mời kia, Thùy Dương vui vẻ giải thích.

Vất vả nhất là lúc phải minh định về những con số ấy, bởi chỉ sao lãng chút thôi là có thể gây họa khó lường. Để viết về chuyện chống buôn lậu của lực lượng Hải quan, kiếm tìm tư liệu chứng thực những con số báo cáo đưa ra, Thùy Dương đã mất gần một tháng rong ruổi khắp các tỉnh miền tây. Dù mệt, nhưng nữ phóng viên thấy xứng đáng bỏ thời gian, công sức thực hiện các chuyến đi như thế.

Tương tự, để lý giải nguyên nhân của tình trạng lượng giải ngân đầu tư công trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 của cả nước ở mức thấp kỷ lục, dù các cấp chính quyền và các cơ quan liên quan đã vào cuộc rất mạnh mẽ, nhóm phóng viên Nhân Dân cuối tuần đã thực hiện những chuyến công tác đến từng địa phương, đến từng công trình khắp từ bắc vào nam. Sau hai tháng lăn lộn, loạt bài viết "Khơi thông dòng vốn đầu tư công" đã làm rõ nút thắt "chặn dòng" vốn này với những con số, hình ảnh thực tế, những nhân vật cụ thể, sinh động. Tác phẩm đã vinh dự nhận giải C Giải Báo chí toàn quốc viết về ngành tài chính năm 2023.

Với khuôn khổ bài viết này, quá khó để tả chân về phóng viên tài chính, người viết chỉ kỳ vọng, qua những lát cắt mỏng manh này, bạn đọc có thể hiểu hơn về họ, về cả công việc đặc thù mà nhờ đó, không ít thông tin các dự án "có vấn đề" đã được bóc tách, đưa vào bài viết. Và sau đó, nhiều cơ quan chức năng đưa ra kết luận gần như trùng khớp với thông tin mà các phóng viên tài chính đã đăng tải trước đó không lâu 