Ðịnh vị biên tập trong "dòng thác" thông tin

Ở mỗi một tòa soạn, xét về vai trò, vị trí trong một cơ quan báo chí, bộ phận biên tập viên, thư ký tòa soạn thường được ví là những người "đầu bếp" tài hoa bởi đằng sau mỗi tác phẩm báo chí là dấu ấn đồng sáng tạo với tác giả, là nghệ thuật biên tập, kiến tạo nội dung, tổ chức chuyên mục, lên kế hoạch triển khai đề tài, thích ứng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ và thách thức từ mạng xã hội…
0:00 / 0:00
0:00
Tòa soạn hội tụ báo VietnamPlus
Tòa soạn hội tụ báo VietnamPlus

Lặng thầm đằng sau con chữ

Trước đây, nhà báo, nhà văn Nguyễn Hồng Thái kể chuyện về "con chữ lăn vào giấc ngủ" đã cảm nhận được những nhọc nhằn của người biên tập, tổ chức nội dung trong một tòa soạn. Công việc thầm lặng đằng sau con chữ bây giờ còn nhiều nỗi niềm hơn bởi với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, công việc của người biên tập, kiến tạo nội dung thông tin cho các ấn phẩm đa nền tảng cũng đòi hỏi họ phải đa năng, đa nhiệm để bắt nhịp xu hướng.

Nếu phóng viên thường được yêu cầu "ba trong một" thì biên tập viên, thư ký toà soạn cũng phải "tay năm tay mười", "nhanh tay, nhanh mắt". Họ làm việc như "con mọn" với quá nhiều thứ gánh trên vai và theo một quy trình nghiêm ngặt: vừa phải lên kế hoạch đề tài trong ngày, triển khai thông tin trong tòa soạn hội tụ, đốc thúc phóng viên rồi cặm cụi biên tập sản phẩm... Đó là chưa kể, báo chí hiện đại đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Thách thức trong cạnh tranh thông tin, thách thức trong việc giành thị phần độc giả... Tất cả những điều này đang trở thành gánh nặng trên vai biên tập viên, thư ký toà soạn - những người đằng sau "gác cổng", chắn sóng… cho mỗi dòng tin cập nhật từng phút, từng giây…

Nhà báo Đồng Mạnh Hùng - Trưởng ban Thư ký - Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ rằng, nếu phóng viên là những người làm ra các "món ăn" thì chúng tôi là những người sắp đặt, làm sao cho trên một mâm cỗ những món ăn ấy được hoàn hảo, đẹp mắt nhất khiến cho các thực khách đều muốn thưởng thức. Nghề biên tập, thư ký cũng vậy, phải sắp xếp làm sao cho khoa học, hợp lý sản phẩm của phóng viên, giúp bài vở đến với công chúng vừa nhanh, vừa đạt được hiệu quả cao nhất.

Còn nhà báo Trần Ngọc Long - Phó Trưởng phòng Phóng viên, báo Điện tử Vietnamplus, Thông tấn xã Việt Nam thì chia sẻ cụ thể về công việc hằng ngày: "Công việc chúng tôi tương đối nhiều áp lực vì người hiệu đính sẽ phải chịu trách nhiệm toàn bộ khâu chỉnh sửa, xuất bản để làm sao cung cấp được cho bạn đọc thông tin nhanh nhất, chính xác nhất… Từ bài viết của phóng viên, người biên tập cũng phải có những cách thức xử lý thông tin linh hoạt, sáng tạo, đôi khi phải nảy ra ý tứ hay, chỉnh trang tít sao cho hấp dẫn, đúng trúng và thu hút bạn đọc hơn…".

Ðịnh vị biên tập trong "dòng thác" thông tin ảnh 1
Nhà báo Vũ Kiều Minh với công việc "bếp núc" của mình. Ảnh:

Lê Hiếu

Sức ép "đổi mới"…

Nhà báo Vũ Kiều Minh - Tổng Thư ký tòa soạn kiêm Trưởng văn phòng đại diện Đông Bắc, Báo Nông thôn ngày nay/ Dân việt ví công việc của mình là người thầm lặng làm việc "bếp núc". Anh cho biết, những thay đổi của báo chí ảnh hưởng trực tiếp tới công việc của người biên tập, thư ký tòa soạn chứ không chỉ phóng viên. Nhà báo Vũ Kiều Minh kể rằng, ngay từ thời điểm báo điện tử lấn át báo giấy và lãnh đạo báo quyết định tất cả dồn sức cho báo điện tử…thì những sức ép "đổi mới" đã rất lớn đối với những thư ký, biên tập. Anh kể về dấu mốc rõ nét nhất là năm 2017, để tăng tính cạnh tranh cũng như chuyên nghiệp hóa tòa soạn, sau khi nghiên cứu, Ban Biên tập quyết định thành lập thí điểm mô hình Tòa soạn hội tụ, sáp nhập Thư ký tòa soạn của báo giấy Nông thôn ngày nay và báo điện tử Dân Việt vào chung một tòa soạn. Khi đó, các tòa soạn báo ở Việt Nam chưa ai áp dụng mô hình Tòa soạn hội tụ nên chúng tôi phải triển khai theo tinh thần "dò đá qua sông". "Chúng tôi tự đào tạo mình để trở thành người "đầu bếp" chuyên nghiệp, chế biến, nấu nướng làm sao thật khéo để biến những "nguyên liệu" mà phóng viên gửi về cho tòa soạn thành những món ăn cho cả độc giả báo giấy Nông thôn ngày nay và báo điện tử Dân Việt thưởng thức" – nhà báo Kiều Minh tâm sự.

Rõ ràng là, trong bối cảnh cạnh tranh thông tin hiện nay, cái khó và vất vả của người làm Thư ký tòa soạn không còn là chuyện làm đêm làm hôm mà là phải suy nghĩ làm sao để hằng ngày triển khai được các đề tài và tận dụng nó cho cả hai ấn phẩm, bên cạnh đó là việc biên tập bài vở sao cho phù hợp với từng loại hình báo chí – độc giả khác nhau, rồi trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, YouTube, Podcast cũng đều phải hiểu để định hướng, biên tập. Khi được hỏi, bằng cách nào để những người biên tập, người thư ký bắt nhịp với những công việc trong bối cảnh mới?, nhà báo Kiều Minh chia sẻ: "Chúng tôi buộc phải tự nâng cấp mình, làm mới mình để không bị tụt lại sau khi mà xu hướng áp dụng công nghệ trong báo chí ngày càng mạnh mẽ. Và niềm vui của chúng tôi, cũng chính là niềm vui của những anh em phóng viên, khi các tác phẩm báo chí của mình được độc giả đón nhận, dư luận hoan nghênh, cơ quan chức năng phản hồi tích cực và thậm chí có nhiều loạt bài đoạt được giải cao tại những giải báo chí uy tín, danh giá. Ở trên bục nhận giải thưởng, sẽ rất ít khi bạn được nhìn thấy những người làm công tác tòa soạn. Nhưng có một điều chắc chắn, nếu không có những người thầm lặng làm công tác tòa soạn - từ anh kỹ thuật viên, chị đọc morat đến anh họa sĩ, chị biên tập viên, anh thư ký tòa soạn, sẽ chẳng có giải thưởng nào để cho chúng ta lên bục nhận…".

Có thể nói, dù được coi là cánh tay nối dài của Ban biên tập nhưng đoạn trường thư ký, biên tập ai có qua, mới thấu hiểu được nỗi vất vả của công việc này. Trong bối cảnh hiện tại, những đổi mới để nâng cao tay nghề, định vị giá trị của nghề vừa là yêu cầu tự thân vừa sức ép từ nghề nghiệp.