Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

“Không để báo chí tự bươn chải với thị trường”

“Báo chí phải truyền đi khát vọng về một Việt Nam hùng cường, lan tỏa, biến khát vọng đấy thành động lực để đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hàng đầu”, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ với Báo Nhân Dân trong dịp Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2024.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Trần Hải
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Trần Hải

Phóng viên: Đội ngũ những người làm báo đang hướng tới sự kiện Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Trong hành trình gần 100 năm qua, dường như chưa bao giờ báo chí phải đối mặt với nhiều áp lực, khó khăn như lúc này: Chịu sự cạnh tranh gay gắt từ truyền thông mạng, mạng xã hội; thậm chí doanh thu quảng cáo cũng mất phần lớn vào tay các nền tảng mạng xã hội… Vậy báo chí cần vượt qua những thách thức này như thế nào để phát huy sứ mệnh: “khơi dậy khát vọng về một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc” thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Gần 100 năm qua, theo suốt tiến trình của cách mạng Việt Nam, báo chí có vai trò to lớn trong việc cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong công cuộc giành, giữ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xã hội; cùng với đất nước đổi mới, bứt phá vươn lên; khơi dậy khát vọng về một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Trong hành trình ấy, báo chí đã và sẽ có nhiều giai đoạn thăng trầm. Dù bất kỳ hoàn cảnh nào, báo chí luôn vượt qua, đổi mới và phát triển mạnh mẽ.

Báo chí phải cân bằng, vừa phải làm tốt nhiệm vụ chính trị, vừa phải sống được, phải cạnh tranh, phải có quảng cáo, phải đa dạng nguồn thu. Nếu chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận hoặc nghiêng nhiều về phía này mà xem nhẹ chức năng định hướng chính trị, giáo dục thẩm mỹ thì báo chí sẽ đánh mất các thiên chức cao đẹp của mình. Theo tôi, cũng cần xác định thế này: Báo chí không phải là mạng xã hội nên đừng bao giờ đặt vấn đề cạnh tranh với mạng xã hội. Làm sao cạnh tranh được với mạng xã hội, như Facebook chẳng hạn, một năm họ chi hàng chục tỷ USD đầu tư? Cái nên học mạng xã hội là chú trọng phát triển công nghệ để làm nghề của mình tốt hơn. Mạng xã hội giải bài toán về tin tức là tốt, họ có hàng triệu hoặc hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu cộng tác viên ở mọi nơi mọi ngõ ngách trong đời sống xã hội và không phải trả tiền. Nói về nhanh thì mạng xã hội rất nhanh. Nhưng tin tức trên mạng xã hội có thể thiếu độ xác thực. Vậy báo chí phải chuyển khỏi sự ganh đua tin tức. Phần tin tức báo chí cần giải bài toán xác thực, kiểm chứng và phân tích, đánh giá, xem cái gì, điều gì nằm ở sau cả núi thông tin kia. Điều này thì mạng xã hội không thể làm được báo chí cần phải làm, có đủ thẩm quyền để làm tốt. Tôi tin là báo chí kế thừa truyền thống, đi vào công nghệ số, đổi mới, bứt phá mạnh mẽ nên sẽ vượt qua những khó khăn trước mắt.

Phóng viên: Thực tế, báo chí hầu hết phải tự chủ nguồn thu. Con số từ chính Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra, nếu gộp cả các cơ quan báo, đài tự chủ và chưa tự chủ tài chính thì ngân sách nhà nước chỉ chiếm 23% tổng thu, 77% còn lại là thu từ dịch vụ. Mỗi năm đầu tư cho báo chí chưa đến 0,2% tổng chi đầu tư của ngân sách, là mức rất thấp, khoảng hơn 1.000 tỷ đồng, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Báo chí hiện có khoảng 25% nguồn thu từ ngân sách, 75% là nguồn tự chủ. Cấu thành này cũng có bất cập. Một số cơ quan báo chí lớn, có tầm ảnh hưởng truyền thông rộng khắp lại đang sống bằng nguồn thị trường. Trong khi các cơ quan báo chí nhỏ, tầm ảnh hưởng đến truyền thông không nhiều thì chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, tới 70%, 80% thậm chí 90%... Thế nên phải cân bằng, cơ quan báo chí lớn, chủ lực phải có nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước đủ lớn cả về khía cạnh đầu tư, cả về kinh phí thường xuyên. Tự chủ thì tạo cơ chế tài chính linh hoạt cho báo chí, người lao động có mức thu nhập cao hơn, từ đó năng suất lao động cũng sẽ cao hơn. Có điều, nhiều báo khi nguồn thu tốt thì muốn tự chủ, nhưng nguồn thu khó khăn thì lại muốn có hỗ trợ đặt hàng. Bộ Thông tin và Truyền thông thời gian qua đã cùng với báo chí tháo gỡ khó khăn, rà soát, đề xuất sửa đổi quy định về cơ chế chính sách, như đề xuất Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, cơ chế đặt hàng, định giá dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước, tháo gỡ khó khăn cho cơ quan báo chí theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021, Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 và quy định chi tiết thi hành Luật Giá, chính sách thuế với cơ quan báo chí; bố trí tài chính theo hướng đặt hàng, giao nhiệm vụ.

Phóng viên: Một phần không nhỏ kinh phí hoạt động của báo chí do tự chủ nguồn thu, tuy nhiên lại phải chịu những ràng buộc rất chặt chẽ về chi tiêu, gây nên nhiều bất cập trong thực tế, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Bộ đang sửa, đề xuất sửa một số thể chế, theo hướng phần 30% từ ngân sách nhà nước phải tuân theo quy định, còn phần 70% do báo chí tự chủ thì được tuân theo cơ chế như doanh nghiệp. Đây sẽ là một bước tiến vô cùng lớn. Vừa rồi đã làm được Thông tư riêng cho VTV theo hướng đó.

Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành chính sách để phát triển cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện; tăng cường công tác truyền thông chính sách; chuyển đổi số báo chí; sửa đổi quy định về quảng cáo, bản quyền báo chí; có chính sách điều hướng quảng cáo trên mạng về báo chí, v.v.

Phóng viên: Tức là theo Bộ trưởng, đã đến lúc cần một cơ chế đột phá để đầu tư cho báo chí, truyền thông, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của báo chí cách mạng, cả về hạ tầng công nghệ và nguồn nhân lực?

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đầu tư cho báo chí truyền thông sẽ là đầu tư hiệu quả, vì nó tạo ra sức mạnh của nhận thức, sức mạnh của tinh thần. Công nghệ số đã trở thành lực lượng sản xuất cơ bản của hầu hết lĩnh vực và đặc biệt là báo chí. Trước đây báo chí tập trung đầu tư vào con người thì nay phải tập trung đầu tư vào công cụ, công cụ trước đây là cây bút, trang giấy thì nay là công nghệ, trước đây đầu tư vào truyền dẫn, phát sóng thì nay phải đầu tư vào nền tảng số. Đầu tư công nghệ, chuyển đổi số đòi hỏi lâu dài, có thể có những mục chưa có trong quy định. Do vậy, cần có sự nghiên cứu, đầu tư, nhưng phải kịp thời, đáp ứng yêu cầu xu thế phát triển.

Phóng viên: Bộ trưởng cũng từng phát biểu: “Báo chí phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, không biến dòng phụ thành dòng chính. Dòng chính của chúng ta đang tốt, bởi vậy phải lan tỏa cái tốt, tạo ra đồng thuận xã hội, tạo niềm tin xã hội vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, niềm tin vào chế độ. Niềm tin xã hội là một sức mạnh, làm mất niềm tin xã hội là làm xói mòn sức mạnh quốc gia”. Vậy có cần một bộ công cụ kiểm đếm, định lượng thông tin tích cực trên báo chí truyền thông để các cơ quan báo chí truyền thông đẩy mạnh định hướng: “Lấy cái đẹp đè bẹp cái xấu”?

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Hiện chúng ta đã phát triển công cụ thông minh để kiểm đếm thông tin tiêu cực trên báo chí. Thông tin tiêu cực trên báo chí đang ở mức 10-15%, trên không gian mạng thì lớn hơn, khoảng 18%. Trong môi trường số, dòng thông tin nào chiếm từ 30% trở lên sẽ thành dòng chính. Trên mặt báo cũng vậy, thông tin tiêu cực mà trên 30% là xấu, dưới 10% tuy không đáng kể, không ảnh hưởng tới toàn cục nhưng có sức mạnh cảnh báo. Mức 10-15% thông tin tiêu cực trên báo chí vẫn là hơi cao. Thực tế cuộc sống thì đa dạng. Có nhiều cái xấu cần phải đấu tranh, phê phán, nhưng thông tin nhiều về cái này quá thì vô hình trung bức tranh xã hội sẽ thiếu tươi sáng. Ngược lại, nếu không đấu tranh đi đến tận cùng sự việc thì cái xấu, cái tiêu cực vẫn còn đó. Do vậy, đấu tranh thì phải trên tinh thần xây dựng, nhân văn, hướng tới những điều tốt đẹp, từ đó kích hoạt thêm năng lượng tích cực trong xã hội, để hợp lực thành năng lượng phát triển quốc gia, truyền đi khát vọng về một Việt Nam hùng cường, giàu mạnh.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!