Mô hình tòa soạn số kết hợp "báo chí - công nghệ"

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và mạng xã hội đòi hỏi báo chí phải thay đổi từ kỹ năng, phương thức sản xuất đến cấu trúc mô hình tòa soạn để hoạt động hiệu quả hơn, thích ứng với sự thay đổi của công chúng. Mô hình tòa soạn số đã hội tụ công nghệ và nội dung, vận hành theo hướng đa phương tiện, đa nền tảng nhằm lan tỏa thông tin ở mọi nơi độc giả hiện diện.
0:00 / 0:00
0:00
Không khí làm việc sôi nổi tại tòa soạn hội tụ Báo Nhân Dân điện tử. Ảnh: thành đạt
Không khí làm việc sôi nổi tại tòa soạn hội tụ Báo Nhân Dân điện tử. Ảnh: thành đạt

Theo nghiên cứu của Quỹ Báo chí Hàn Quốc (KPF), trong ba năm (2021-2023), số lượng người tiếp nhận thông tin qua các phương tiện truyền thông truyền thống sụt giảm mạnh, thay vào đó là tiếp nhận thông tin qua điện thoại di động. Còn báo cáo “Các xu hướng và dự báo về Báo chí, Truyền thông và Công nghệ” của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters (Anh) cho thấy, 76% số lãnh đạo tòa soạn tham gia khảo sát cho biết đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhanh các kế hoạch chuyển đổi số. Đổi mới và phát triển tòa soạn theo mô hình “báo chí-công nghệ” (media-tech) là con đường hình thành cơ quan báo chí đa phương tiện.

Tòa soạn hội tụ 4.0

Tòa soạn hội tụ là mô hình tòa soạn hiện đại có sự vận hành theo hướng mở, tận dụng tối đa ưu thế về nhân lực, sản xuất nội dung đa phương tiện và phân phối đa nền tảng. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, mô hình tòa soạn hội tụ giai đoạn mới (tòa soạn số) đang hội tụ nhiều hơn yếu tố công nghệ vào hoạt động quản trị, vận hành, sản xuất và phát hành thông tin.

Theo PGS, TS Trần Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tòa soạn số dựa trên hội tụ công nghệ và nội dung là hệ quả của sự ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực báo chí truyền thông nhằm thống nhất về xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để cung cấp tiện ích tốt nhất cho công chúng. Sự ra đời của các tòa soạn số sẽ giúp báo chí đổi mới mạnh mẽ, phục vụ tốt nhất bạn đọc trên các nền tảng, giữ vững vai trò định hướng dư luận, chi phối thông tin.

Trong vài năm qua, tại Việt Nam, không ít cơ quan báo chí đã có những thay đổi mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi số. Nhiều tòa soạn đặt công nghệ ở trung tâm của chiến lược phát triển, áp dụng mô hình tòa soạn số, sử dụng công nghệ để tạo ra những nội dung hấp dẫn và chinh phục các nhóm độc giả mới, phân phối nội dung hiệu quả hơn và tạo nguồn thu lớn hơn.

Năm 2021, Báo Nhân Dân đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số với lộ trình phát triển thành cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực. Tháng 6/2023, Tòa soạn hội tụ Nhân Dân điện tử được chính thức đi vào hoạt động trên khu vực có diện tích hơn 400 m2, vận hành theo mô hình tòa soạn số hiện đại nhằm lan tỏa thông tin từ các ấn phẩm báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử trên nền tảng số. Tòa soạn hội tụ hiện đại đã tận dụng tối đa nguồn lực (đặc biệt là đội ngũ phóng viên thường trú tại các tỉnh, thành phố), sản xuất thông tin theo phương thức tích hợp, thể hiện linh hoạt và phù hợp với từng nền tảng, từng nhóm đối tượng bạn đọc. Với không gian làm việc mở, tòa soạn hội tụ cũng tăng tính tương tác, tạo cảm hứng sáng tạo cho những người làm báo Đảng. Báo Nhân Dân đang hướng tới xây dựng hệ thống công nghệ đồng bộ cho toàn bộ quy trình xuất bản báo in.

Không chỉ các cơ quan báo chí trung ương có quy mô lớn, đa dạng loại hình báo chí mà nhiều cơ quan báo chí địa phương như Báo Tuyên Quang, Báo Hà Tĩnh, Báo Nghệ An, Báo Hải Phòng… cũng xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào hoạt động quản trị, vận hành, phân phối nội dụng. Tuy nhiên, việc triển khai tòa soạn hội tụ còn có nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là các cơ quan báo chí địa phương, các cơ quan báo chí có đa dạng loại hình, đa dạng ấn phẩm.

Theo khảo sát tháng 11/2022 của Báo Nhân Dân với hệ thống báo đảng địa phương trên toàn quốc, ở phần thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi số, có 35 cơ quan cho rằng, đó là thiếu nhân lực công nghệ, 27 cơ quan chỉ ra vấn đề nhân sự tòa soạn thiếu kỹ năng số, 26 cơ quan quan ngại về kinh phí đầu tư hạn hẹp, và 7 đơn vị nêu việc không có chiến lược chuyển đối số dài hạn.

Yếu tố sống còn quyết định thành công

Từ thực tiễn triển khai chiến lược chuyển đổi số, bước đầu xây dựng tòa soạn số tại một số cơ quan báo chí, có thể thấy một số kinh nghiệm, khuyến nghị để hoàn thiện mô hình tòa soạn số. Thứ nhất, các cơ quan báo chí cần sớm xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chiến lược chuyển đổi số báo chí của các tòa soạn trong giai đoạn 5-10 năm tới. Đây là cơ sở để thay đổi nhận thức và thay đổi cách thức làm việc của cán bộ, nhân viên, cũng như cơ cấu hoạt động phù hợp tiêu chí của một tòa soạn hội tụ sản xuất và phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện.

Thứ hai, cần đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ, đổi mới và phát triển theo mô hình “cơ quan báo chí-công nghệ” (media-tech) - nâng cao năng lực công nghệ để hỗ trợ cho lĩnh vực chuyên môn là báo chí. Để thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng tòa soạn số trong khi không phải xây dựng bộ phận nghiên cứu phát triển quy mô lớn, kinh nghiệm của một số cơ quan báo chí là hợp tác với các đối tác công nghệ trong và ngoài nước để cùng triển khai dự án.

Thứ ba, cần xây dựng quy trình vận hành tòa soạn số theo hướng “digital-first”. Hội tụ truyền thông không có nghĩa là cộng dồn một cách máy móc các loại hình báo chí trong cùng một cơ quan báo chí, mà thực chất một tòa soạn phải cấu trúc, sắp xếp để tận dụng tối đa nguồn lực, sản xuất thông tin theo phương thức tích hợp, thể hiện linh hoạt và phù hợp với từng nền tảng, từng nhóm đối tượng bạn đọc. Mô hình tòa soạn số vận hành trên không gian mở, tương tác đa chiều... qua thực tế đã chứng minh được hiệu quả khi giúp công việc thông suốt, tinh thần sáng tạo của các phóng viên, biên tập viên được tăng cao; bảo đảm tính đa phương tiện, đa nền tảng.

Thứ tư, tòa soạn số không chỉ là tạo ra sản phẩm mới, cách thức tiếp cận mới với độc giả, thậm chí tạo ra cả văn hóa mới trong tòa soạn. Tinh thần tự đào tạo, đổi mới sáng tạo phải là yếu tố sống còn quyết định thành công của chuyển đổi số. Triển khai quyết liệt chuyển đổi số, khuyến khích đổi mới sáng tạo, nhiều cơ quan báo chí đã xây dựng đội ngũ nhân sự đa năng có khả năng tác nghiệp nhiều loại hình báo chí, trên nhiều nền tảng, ghi nhận sự gia tăng vượt trội lượng truy cập trên các nền tảng để đưa tiếng nói của Đảng và Nhà nước đến với diện bạn đọc rộng mở hơn.

Ngày 6/5/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, mục tiêu đến năm 2030: 100% số cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); 100% số cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.