Ở đâu có nhân dân, ở đó có báo Đảng

LTS - Theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 của Chính phủ, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có một cơ quan báo chí in, thường gọi là báo Đảng ở địa phương với chức trách là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Đồng thời, báo Đảng còn là cầu nối thông tin giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân địa phương. Chuyển đổi số báo chí mở ra cơ hội để các tòa soạn báo Đảng địa phương bắt nhịp phát triển theo xu hướng báo chí hiện đại, hội tụ, đa phương tiện, đa nền tảng, ứng dụng công nghệ số, từ đó góp phần cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, được cá nhân hóa tới công chúng mọi lúc, mọi nơi, góp phần định hướng dư luận, củng cố sự đồng thuận và xây dựng niềm tin xã hội… Chia sẻ của một số Tổng Biên tập báo Đảng ở các vùng, miền đưa đến cho độc giả hình dung rõ nét hơn về cuộc chuyển đổi không ít thách thức ở mỗi một tòa soạn vì mục tiêu tối hậu, lấy Nhân dân là trung tâm của mọi hoạt động báo chí.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu cắt băng khai mạc Hội Báo toàn quốc 2024. Ảnh: Thành Đạt.
Các đại biểu cắt băng khai mạc Hội Báo toàn quốc 2024. Ảnh: Thành Đạt.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng TĂNG HỮU PHONG

Ở đâu có nhân dân, ở đó có báo Đảng ảnh 1

Độ tin cậy vẫn luôn là “con át chủ bài”

Ngay từ đầu năm 2022, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã thông qua Đề án chuyển đổi số, trong đó xác định rõ: Xây dựng hạ tầng công nghệ cơ quan Báo Sài Gòn Giải Phóng hiện đại, bảo đảm an toàn thông tin; đẩy mạnh các ứng dụng số và trí tuệ nhân tạo phục vụ quy trình xuất bản và bạn đọc; minh bạch, nâng cao chất lượng công tác quản lý, trị sự... Bên cạnh chiến lược chuyển đổi số về nội dung và sự tiện lợi dành cho độc giả, chuyển đổi số trong quản trị nội bộ cũng được thực hiện mạnh mẽ. Trong đó, nổi bật là hệ thống quản trị nội dung (CMS) áp dụng trên báo online gần 25 năm, nay đã được xây dựng và vận hành hiệu quả trong chu trình xuất bản báo giấy. Các công đoạn trong quy trình xử lý và xuất bản của Báo Sài Gòn Giải Phóng gần như khép kín trên môi trường số.

Hiện nay, mỗi tuần, Báo Sài Gòn Giải Phóng sản xuất trên dưới 250 video clip xuất bản trên hệ sinh thái online, những tin bài hấp dẫn đều có video, podcast đi kèm. Lượng truy cập, tương tác của công chúng với hệ sinh thái số Sài Gòn Giải Phóng trung bình khoảng 1 triệu lượt/ngày.

Những con số về lượng truy cập, tương tác của công chúng với hệ sinh thái Báo Sài Gòn Giải Phóng có thể chưa thật ấn tượng, thông tin chưa hẳn nhanh nhất, nhưng có thể tự tin khẳng định rằng, Sài Gòn Giải Phóng luôn là một kênh tin cậy để công chúng xem- nghe-đọc và kiểm chứng thông tin.

Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng NGUYỄN ĐỨC NAM

Ở đâu có nhân dân, ở đó có báo Đảng ảnh 2

Gia tăng các sản phẩm báo chí đa phương tiện

Chú trọng tiêu chí “Báo chí giải pháp và định hướng”, “Lấy bạn đọc làm trung tâm” cũng như tối ưu hóa quy trình, tận dụng tối đa nguồn nhân lực của toàn cơ quan để tổ chức sản phẩm báo chí chất lượng, Báo Đà Nẵng đang trong quá trình hoàn thiện mô hình Tòa soạn hội tụ. Hiện, các dự án như Hệ thống phần mềm Tòa soạn hội tụ, nâng cấp báo điện tử và trang thiết bị tòa soạn; đầu tư trang thiết bị đa phương tiện báo Đà Nẵng thuộc Đề án Chuyển đổi số tại Báo Đà Nẵng giai đoạn từ năm 2022 đến 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đang được triển khai.

Để phát triển các sản phẩm điện tử, từ tháng 3/2023, bộ phận điện tử triển khai podcast theo tần suất 2 bài/tháng, cơ bản bảo đảm chất lượng, tăng lượng bạn đọc trên điện tử. Đến nay, podcast được duy trì đều đặn và từng bước nâng cao chất lượng; đồng thời tiếp tục duy trì và tăng các sản phẩm chủ lực như: eMagazine, Infographic, Đà Nẵng qua ảnh, ảnh và video, Người Đà Nẵng… với các nội dung phong phú, chất lượng cao hơn trước, nhất là bài eMagazine đầu tư kỹ thuật, hình ảnh, bố cục và nội dung trọng tâm, hấp dẫn. Đối với bộ phận tiếng Anh, tổ chức biên dịch trung bình mỗi tuần khoảng 75 tin, bài, ảnh, đồ họa, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ là kênh thông tin đối ngoại của thành phố.

Để vận hành tòa soạn hướng trọng tâm chuyển đổi số, đẩy mạnh phát triển Báo Đà Nẵng điện tử, bên cạnh các sản phẩm điện tử hiện có, Báo không ngừng đổi mới, gia tăng các sản phẩm đa phương tiện, đồng thời lan tỏa các sản phẩm điện tử liên kết trong hệ thống báo Đảng các tỉnh, thành phố và chuyển tải trên YouTube, Zalo, TikTok... một cách nhanh chóng, đa dạng đến người đọc, người xem. Đây được xác định là các kênh quan trọng để Báo Đà Nẵng định hướng kế hoạch phát triển kinh tế báo chí trong xu hướng chuyển đổi số.

Ở đâu có nhân dân, ở đó có báo Đảng ảnh 3

Chương trình văn nghệ tại lễ bế mạc Hội Báo toàn quốc 2024.Ảnh: Thành đạt

Tổng Biên tập Báo Hà Giang NGUYỄN TRUNG THU

Ở đâu có nhân dân, ở đó có báo Đảng ảnh 4

Nâng cao chất lượng chuyển tải thông tin tuyên truyền

Trong những năm gần đây, Báo Hà Giang đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số trong hoạt động quản lý và sản xuất nội dung của tòa soạn. Hiện nay, báo đã ứng dụng phần mềm tòa soạn trong sản xuất báo in và báo điện tử; xây dựng trường quay, ứng dụng công nghệ trường quay ảo. Phát triển phiên bản điện tử trên thiết bị di động; xây dựng và phát triển nhiều nội dung trên fanpage của báo…

Việc ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số đã làm thay đổi phương thức hoạt động của tòa soạn, từ chỗ thụ động tương tác với công chúng đến chủ động tương tác, giúp cho nội dung sản xuất được công chúng đón nhận nhiều hơn. Qua đó việc chuyển tải các thông tin tuyên truyền cũng hiệu quả hơn. Hiện nay, Báo Hà Giang cũng rất chú trọng sản xuất các nội dung mới trên nền tảng báo điện tử, từ đó tăng tính hấp dẫn của thông tin, đồng thời đẩy mạnh các nội dung này lên Fanpage để tăng cường tính tương tác.

Cái khó của Báo Hà Giang là nguồn nhân lực để phục vụ cho việc chuyển đổi và ứng dụng công nghệ. Trong khi biên chế ngày càng giảm, việc thu hút và hợp đồng những nhân sự về công nghệ thật sự nan giải vì nguồn thu sự nghiệp của tòa soạn rất hạn chế. Đây không chỉ là vấn đề của Báo Hà Giang mà có lẽ là vấn đề chung của các cơ quan báo Đảng địa phương, nhất là ở các tỉnh miền núi.

Tỉnh Hà Giang có địa bàn rộng, địa hình chia cắt mạnh (nhiều núi cao), có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số không chỉ để Báo Hà Giang bắt nhịp xu thế phát triển của báo chí hiện đại mà còn là giải pháp tốt nhất để báo nâng cao chất lượng chuyển tải thông tin tuyên truyền đến với người dân, nhất là người dân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Tổng Biên tập Báo Đồng Nai ĐÀO VĂN TUẤN

Ở đâu có nhân dân, ở đó có báo Đảng ảnh 5

Chú trọng đến tính năng tương tác với độc giả

Đối với Báo Đồng Nai, chúng tôi xác định phải đa dạng hóa việc sản xuất nội dung và phân phối trên nhiều nền tảng khác nhau phù hợp với sự phát triển của công nghệ và nhu cầu người đọc. Song song với việc nâng cao chất lượng nội dung hình thức thể hiện trên báo in phát hành hằng ngày, chúng tôi hướng tới lấy báo điện tử làm trục trung tâm trong dây chuyền sản xuất đa dạng các sản phẩm báo chí trên nền tảng công nghệ số.

Từ đó, Báo Đồng Nai đã xác định những việc cần làm: xây dựng, cải tiến báo điện tử, tổ chức phân luồng thông tin theo hướng hội tụ thông tin đầu vào (để kiểm soát thông tin gốc), nhưng phải được thể hiện theo hướng đa phương tiện, sáng tạo và phân phối đa nền tảng chứ không “chốt cứng” thông tin trên một nền tảng nào cố định. Khi xử lý thông tin cho “hợp khẩu vị” với từng nền tảng khác nhau, tiêu chí nhanh là quan trọng, song qua các bước vẫn bảo đảm tính chính xác so với thông tin nguồn. Riêng các thông tin chuyên sâu, chuyên biệt, bày tỏ quan điểm, chính kiến, góc nhìn, bình luận sẽ dành cho báo in, các phóng sự truyền hình trên báo điện tử. Hướng đi này có điểm mạnh khác là mặc dù hội tụ nhiều loại hình báo chí trong một tòa soạn báo Đảng địa phương, nhưng việc tổ chức sản xuất, xuất bản thông tin không bị trùng lắp, chồng chéo, lãng phí nguồn nhân lực, lãng phí thông tin.

Về phương hướng sắp tới, Báo Đồng Nai xác định xây dựng lộ trình phát triển, chú trọng đặc biệt đến phát triển nhiều nội dung, đổi mới công nghệ, tăng tính năng tương tác với độc giả. Bên cạnh đó, liên tục đào tạo và sử dụng con người đa năng, đa nhiệm, phát triển thêm các chuyên mục, ứng dụng mới trên Báo Đồng Nai nhằm thu hút bạn đọc, tăng nguồn thu quảng cáo và nhất là thực hiện được mục tiêu “Bạn đọc ở đâu, Báo Đồng Nai có mặt ở đó”.

Tổng Biên tập Báo Lâm Đồng HỒ LAN

Ở đâu có nhân dân, ở đó có báo Đảng ảnh 6

Ba trụ cột ứng dụng công nghệ vào làm báo

Thích ứng với môi trường truyền thông mới, Báo Lâm Đồng xác định chuyển đổi số sẽ góp phần đổi mới căn bản, toàn diện tờ báo theo hướng đa phương tiện, đa nền tảng; giữ vững vai trò trụ cột trong việc định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội tại địa phương. Trên cơ sở đó, Báo Lâm Đồng tập trung phát triển hài hòa cả báo in và báo điện tử. Trong đó, báo in phát triển theo hướng báo chí dữ liệu (thông tin chuyên đề, chuyên sâu, tư liệu), báo điện tử phát triển theo hướng đa phương tiện, đa nền tảng, với thông tin được cập nhật thường xuyên, liên tục. Báo Lâm Đồng tận dụng tốt việc ứng dụng công nghệ từ cuộc cách mạng 4.0 vào sản xuất các tác phẩm báo chí dựa trên ba trụ cột: Con người - công nghệ - quy trình sản xuất.

Năm 2023, Báo Lâm Đồng xếp thứ 6 trong khối báo chí địa phương về mức độ trưởng thành chuyển đổi số, đây là dấu ấn sau quá trình nỗ lực thực hiện của tập thể báo. Để tiếp tục vươn lên và đạt được những mục tiêu mới, Báo Lâm Đồng cần nỗ lực hơn nữa từ mỗi mắt xích trong dây chuyền vận hành.

Một nhiệm vụ tương đối khó khăn ở thời điểm hiện tại, nhất là đối với các cơ quan báo Đảng mà chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận, đó là vấn đề tự chủ, làm kinh tế báo chí. Trong đó, việc xác định tỷ lệ tự chủ cần ở mức độ hợp lý nhất.

Thích ứng để phát triển, đó là phương châm Báo Lâm Đồng đã xác định và đang cùng nỗ lực vươn lên. Tin rằng, với sự đồng lòng phát huy nội lực, sự quan tâm tạo điều kiện của địa phương, các cơ quan hữu quan với những cơ chế, chính sách phù hợp, Báo Lâm Đồng sẽ thực hiện thành công các mục tiêu trước mắt và dài hơi. Từ đó tiếp tục vun đắp, xây dựng uy tín của một cơ quan báo chí có bề dày ở nam Tây Nguyên, để mỗi dòng thông tin, mỗi sản phẩm báo chí đều nhận được sự quan tâm, tin cậy của quý độc giả.

Tổng Biên tập báo Cần Thơ TRƯƠNG VĂN CHUYỂN

Ở đâu có nhân dân, ở đó có báo Đảng ảnh 7

Để báo Đảng địa phương bắt nhịp chuyển đổi số tốt hơn

Thực tế cũng cho thấy, nền báo chí nước ta, nhất là báo Đảng địa phương (trong đó có báo Cần Thơ) đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Trước hết, đó là các bước tiếp cận và thực hiện quá trình chuyển đổi số nhằm giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, phát triển nền báo chí dữ liệu, có chất lượng. Tuy nhiên, nguồn lực thực hiện chuyển đổi số của các cơ quan báo Đảng địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Để chuyển đổi số thành công, các cơ quan báo chí cần phải đổi mới về công nghệ, thiết bị, cơ sở vật chất theo hướng ngày càng hiện đại và chuyên nghiệp hơn.

Xu hướng phát triển báo chí hiện nay là đa phương tiện, do đó đòi hỏi phải thường xuyên đào tạo và đào tạo lại đội ngũ làm báo. Đây cũng là khó khăn chung của các báo Đảng địa phương, rất cần sự hỗ trợ để thực hiện đào tạo và đào tạo lại để có thể tác nghiệp trong môi trường số hiện nay.

Một vấn đề khác, cần nghiên cứu tháo gỡ cơ chế, chính sách cho báo Đảng địa phương. Hiện, vẫn chưa có mô hình tổ chức và cơ chế tài chính thống nhất cho báo Đảng địa phương hoạt động; mỗi địa phương có cách lãnh đạo, điều hành riêng. Kiến nghị Trung ương nghiên cứu ban hành văn bản mới thay thế Quy định số 338-QĐ/TW, ngày 26/11/2010 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan báo của đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, vì đến nay, một số nội dung không còn phù hợp. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho báo Đảng địa phương phát triển theo xu hướng báo chí hiện đại, theo định hướng Đại hội XIII của Đảng “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.