Vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí

Thách thức ngày càng lớn

Trong bối cảnh công nghệ phát triển vượt bậc, quyết liệt hơn trong các giải pháp tự bảo vệ quyền lợi của mình, và nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động đang là những đòi hỏi bức thiết với mọi cơ quan báo chí.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh phiên thảo luận Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số tại Hội Báo toàn quốc năm 2024. Ảnh: Thành Đạt
Quang cảnh phiên thảo luận Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số tại Hội Báo toàn quốc năm 2024. Ảnh: Thành Đạt

Tràn lan vi phạm

Đề cập tình trạng báo chí bị xâm phạm bản quyền, tại phiên tọa đàm của Diễn đàn Báo chí 2024 vừa qua, nhà báo Phạm Tuấn Anh, Tổng Biên tập Báo Dân Trí đã nhấn mạnh các trường hợp vi phạm bản quyền, có thể kể đến là các trang mạng xã hội trích xuất nguyên văn bài báo mà không ghi nguồn. Một hình thức phổ biến khác là cắt cúp nội dung, hình ảnh, loại bỏ logo Báo Dân Trí để đăng tải lên mạng xã hội như một tác phẩm của họ, hoặc ghi nguồn tổng hợp không rõ ràng. Lãnh đạo Báo Dân Trí cũng nêu trong số các nền tảng vi phạm bản quyền báo chí, Facebook và TikTok là những nền tảng chủ yếu. Gần đây, định dạng video ngắn trên những nền tảng này đã xuất hiện nhiều nội dung khai thác, cắt ghép từ thông tin đăng tải ở các tờ báo.

Điểm cần lên án đầu tiên là các trang xã hội đó có lượng người xem, người theo dõi lớn, kéo theo lượng doanh thu lớn. Tuy nhiên, doanh thu ấy lại không được đưa đến các cơ quan báo chí hay đội ngũ những người làm báo - những tác giả đích thực đã tốn rất nhiều công sức, trí tuệ để tạo nên sản phẩm. Nghiêm trọng hơn, một số trường hợp đã cắt ghép nội dung, mạo danh cơ quan báo chí trên mạng xã hội. Với lượng người xem lớn, sức lan tỏa nhanh của mạng xã hội, những nội dung không chính thống ấy dễ định hướng và tác động tiêu cực đến cộng đồng. "Có thể nói, việc vi phạm bản quyền tồn tại phổ biến nhất trên mạng xã hội. Song chúng ta cũng cần quan tâm tới các trang tin điện tử. Theo quy định, họ không được sản xuất nội dung nhưng được dẫn lại từ các cơ quan báo chí cho phép, chấp thuận bằng văn bản. Một số trang thông tin điện tử có dấu hiệu nhập nhèm giữa việc cho phép và không cho phép, họ vẫn lấy nội dung, cắt ghép nội dung bằng cách này hay cách khác", Tổng Biên tập Báo Dân Trí nêu thực trạng.

Tình trạng đánh cắp bản quyền còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự giảm sút về doanh thu của các cơ quan báo chí. Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập báo Thanh Niên cho rằng, việc báo chí bị vi phạm bản quyền dẫn đến suy yếu về kinh tế, từ đó phải chạy theo thị hiếu cơ bản của bạn đọc và phụ thuộc thêm vào quảng cáo, dẫn đến giảm nguồn lực đầu tư cho báo chí chất lượng cao. Hệ quả là hầu hết các cơ quan báo chí đều chạy theo một hướng dễ dãi, dẫn đến nhu cầu bảo vệ bản quyền trở nên không cần thiết. Tổng Biên tập Báo Thanh Niên cũng bày tỏ lo ngại tình trạng vi phạm bản quyền sẽ nghiêm trọng hơn trong làn sóng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) khi xuất hiện những cỗ máy tự tổng hợp, tự viết, tự đăng. "Do đó, bản quyền không chỉ là một vấn đề đơn lẻ, mà nó là một phần của hệ sinh thái báo chí - truyền thông, có quan hệ đến sức mạnh của mọi cơ quan báo chí. Sự suy yếu trong bảo vệ bản quyền báo chí có hậu quả tai hại hơn nữa bởi vào lúc này, các cơ quan báo chí trong nước còn chưa kịp thời chuyển đổi mô hình kinh doanh để có nguồn doanh thu thay thế báo in", ông Toàn phân tích.

Tương tự, nhà báo Dương Quang, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động chia sẻ: Vào giữa năm 2023, một tập đoàn nước ngoài sử dụng hình ảnh thuộc bản quyền của Báo Người Lao Động. Đến đầu năm 2024, phóng sự ảnh về một lễ hội ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An cũng bị một đài truyền hình lấy lại, xử lý cho khác nguyên gốc, trong khi nhà đài này đã hết thời hạn được khai thác tư liệu của Báo Người Lao Động. Ông đặt câu hỏi: "Vậy có kiện được không, hay chỉ khiếu nại để đánh động, hay im lặng cho qua? Còn bao nhiêu kênh YouTube khác đã, đang "nấu cháo trên lưng nhà báo" như thế này? Đây là vấn đề nhức nhối".

Quyết liệt và chuyên nghiệp hơn

Tại Hội thảo "Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số", do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam và Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh rằng, bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số trở thành vấn đề cấp bách với mọi nhà báo, mọi cơ quan báo chí. "Bảo vệ bản quyền báo chí giúp ngăn chặn hiện tượng ăn cắp các chất liệu báo chí, giả mạo báo chí để lan truyền các thông tin sai lệch, xuyên tạc, tin giả mạo. Đồng thời thúc đẩy một nền báo chí với "hàng thật" và "hàng chất lượng cao". Bảo vệ bản quyền báo chí là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí truyền thông ở các cơ quan báo chí hiện nay", ông Dũng khẳng định.

Đồng quan điểm, nhà báo Phạm Tuấn Anh, Tổng Biên tập Báo Dân Trí cho rằng, dù có quyết tâm và đầu tư tới đâu, một cơ quan báo chí không thể đơn độc chống lại tình trạng này. Do đó, một liên minh hoặc trung tâm bảo vệ bản quyền, có sự tham gia của các cơ quan báo chí, công nghệ, cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm được hình thành. Ngoài việc các cơ quan báo chí chủ động đấu tranh một cách công khai, trực diện với hành vi vi phạm bản quyền, rất mong các cơ quan chức năng xử lý nghiêm một số vụ việc vi phạm có tính chất nghiêm trọng, có mức chế tài đủ tính răn đe để tình trạng này được đẩy lùi.

Nêu một số giải pháp để hình thành được một liên minh bản quyền báo chí, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Ngọc Toàn cho rằng, cần thống nhất đây là một liên minh của tất cả các cơ quan báo chí để hiệu lực thực tế của nó mang tính bao trùm. Đồng thời, đây phải là liên minh giữa các cơ quan báo chí và các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan quản lý báo chí - truyền thông cũng như các doanh nghiệp, tổ chức có lợi ích trong ngành báo chí - truyền thông. Mặt khác, liên minh phải thống nhất được những "luật chơi" có tính bắt buộc với tất cả các bên và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền "bảo chứng" cũng như đứng ra làm "trọng tài" phân xử khi cần đưa ra những quyết định chế tài. "Hãy bắt đầu ngay từ bây giờ, để dự án này thành hình trong thời gian sớm nhất. Trước mắt có thể bằng việc xây dựng một đội ngũ chuyên gia am hiểu luật pháp, tham khảo những kinh nghiệm quốc tế sẵn có để đề xuất một lộ trình khả thi với các bước cần làm tiếp theo", nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn gợi mở.

Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Dư?ng Quang ki?n ngh?ơng Quang kiến nghị, khi sửa đổi Luật Báo chí, cần có chương riêng về bản quyền và bảo vệ bản quyền. Mặt khác, trường đại học cần đưa bộ môn bản quyền báo chí vào dạy, hoặc cũng có thể đưa bản quyền báo chí vào môn Pháp luật và đạo đức nghề báo.

Nhiều ý kiến cho rằng, điều tiên quyết là các cơ quan báo chí cần có biện pháp rà soát dữ liệu đầu vào, bảo đảm dữ liệu đó phải sạch và minh bạch để tránh rủi ro cho pháp lý về sau. Phía Hội Nhà báo Việt Nam cần đẩy mạnh các hoạt động tư vấn và hướng dẫn cho các nhà báo và tổ chức báo chí về quyền sở hữu trí tuệ và các vấn đề liên quan đến bản quyền; hỗ trợ các nhà báo và cơ quan báo chí trong việc đăng ký bản quyền và giải quyết các tranh chấp liên quan đến bản quyền; phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí. Đồng thời, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí. Các cơ quan báo chí cũng cần quyết liệt áp dụng các luật bảo vệ bản quyền để tự bảo vệ chính mình