Đổi mới bắt nguồn từ nhận thức

Bàn về chuyện đổi mới sáng tạo không phải là chủ đề thảo luận mới tại Việt Nam. Nhưng, "như thế nào có thể gọi là đổi mới sáng tạo?" vẫn là một câu hỏi chưa thật sự rõ câu trả lời. Một kết quả mới, một phương pháp tiếp cận mới với một vấn đề đã cũ, một giải pháp cũ nhưng được áp dụng tại vùng đất mới?
0:00 / 0:00
0:00
Great Vietnam nghiên cứu, phục dựng y trang của người Việt từ hàng trăm năm trước. Ảnh: THÀNH ĐẠT
Great Vietnam nghiên cứu, phục dựng y trang của người Việt từ hàng trăm năm trước. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Ở Việt Nam, khái niệm đổi mới sáng tạo xuất hiện từ năm 1986 trong Luật Khoa học và Công nghệ, với nội hàm chủ yếu là việc phát triển và ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ. Song, toàn bộ tiến trình đổi mới lại cần phải được hiểu sâu và rộng hơn. Bất cứ một yếu tố, hoặc một cách làm, miễn là có tính mới, trong một giai đoạn bất kỳ, từ đầu vào (input) qua quá trình (process), tới đầu ra (output), trong bất kỳ hệ thống, mô hình, quy trình nào đều có thể xem là có tính đổi mới sáng tạo.

Ði tìm động lực cho sự đổi mới

Mỗi ngày, chúng ta sẽ tự hỏi: "Tại sao mình không làm khác đi? Làm thế nào để tốt hơn?". Có lẽ, điều quan trọng nhất với đổi mới sáng tạo, lại nằm chính trong việc đặt câu hỏi. Khi mọi người hướng đến mục tiêu cải thiện điều mình đang làm, thì động lực cho sự thay đổi đã được hình thành. Tất cả những thôi thúc đó sẽ góp phần cho sự phát triển chung của toàn xã hội, và đó chính là cách hiểu chung về đổi mới sáng tạo cần được lan tỏa.

Hãy thử xem xét thí dụ từ làng gốm Thanh Hà (Hội An, Quảng Nam). Không khó để tìm kiếm ra vấn đề của làng nghề 500 năm tuổi này trên các mặt báo. Ngôi làng đang đối mặt với nguy cơ mai một khi số lượng nghệ nhân lớn tuổi ngày càng giảm. Những nghệ nhân này không chỉ là những người thợ lành nghề mà còn là những người bảo tồn và truyền bá văn hóa, nghệ thuật của làng. Vậy, đổi mới sáng tạo ở trường hợp này có thể hiểu là việc làm thế nào để người trẻ chủ động tiếp nhận nghệ thuật truyền thống hơn? Hay, cách tạo ra các chương trình, không gian mà ở đó nghệ nhân có thể chia sẻ kiến thức của mình, còn người trẻ sẵn sàng đăng ký học. Những người trẻ, bằng kiến thức, kỹ năng và công nghệ của thời đại mới, sẽ tự tin nói rằng: "Chúng con có thể làm tốt hơn nữa!". Đơn cử, khi họ sử dụng công nghệ in 3D để sao chép lại những họa tiết xưa, chuyển hóa thành những sản phẩm mang giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, thì đó chính là đổi mới sáng tạo.

Còn đó "hoài nghi" sức sáng tạo của giới trẻ

Từ những năm 60 của thế kỷ trước, Liên hợp quốc đã thừa nhận vai trò đóng góp thiết yếu của giới trẻ cho sự phát triển không ngừng của xã hội mà họ đang sinh sống. Khi được trao kiến thức và cơ hội cần thiết, người trẻ sẽ vươn lên bứt phá và tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ. Việc xây dựng năng lực cho giới trẻ và thúc đẩy ý tưởng tích cực của họ sẽ bảo đảm rằng các giải pháp không chỉ sáng tạo mà còn phù hợp nhu cầu cụ thể của cộng đồng.

Các nghiên cứu mối tương quan về đổi mới sáng tạo và phát triển

bền vững cho thấy, người trẻ có khả năng đột phá, thích ứng và sở hữu động lực nội tại cho sự phát triển. Sự tham gia tích cực của thanh niên trong các vấn đề phát triển bền vững là trọng tâm để đạt các mục tiêu bao trùm. Lợi thế tận dụng công nghệ và mạng xã hội là điểm mạnh giúp giới trẻ dẫn đầu xu hướng. Ngoài ra, khả năng kết nối, cộng tác và chia sẻ thông tin xuyên biên giới là khả năng chỉ giới trẻ mới có thể làm được.

Tuy nhiên, trong thực tiễn, khi tham vấn với địa phương trong các giải pháp mà người trẻ đề xuất, phản hồi đầu tiên từ "người lớn" mà chúng tôi nhận được vẫn thường là sự quan ngại, lo lắng và nghi ngờ. Người trẻ đôi khi chỉ cần được đồng hành, chia sẻ các góc nhìn của bản thân. Chính từ những cơ hội trao đổi như thế, người trẻ sẽ tự tin hơn trong việc nói lên những ý tưởng đổi mới sáng tạo của mình. Quan điểm và nhận thức hiện vẫn là rào cản lớn nhất đối với việc giới trẻ tham gia đổi mới sáng tạo ở các đô thị, các địa phương.

Lắng nghe với một tâm thế mở, thảo luận và đưa ra lời khuyên cho người trẻ, từ 100 ý tưởng chúng ta có thể tìm ra 10 sáng tạo đáng chú ý. Từ đó, nếu tiếp tục hỗ trợ các bạn trẻ kết nối với chuyên gia hay các nhóm có cùng mối quan tâm, sẽ có thêm những nguồn năng lượng được khai mở. Trao cho người trẻ cơ hội, cũng chính là phương pháp cốt lõi thúc đẩy mục tiêu phát triển thành phố bền vững.

Tài nguyên ở chính sinh hoạt cộng đồng

Ý tưởng đổi mới sáng tạo không đơn thuần là tạo nên các giá trị kinh tế mới, cũng không chỉ là các hoạt động bảo vệ hay phục hồi hệ sinh thái, mà các lớp dạy học tình thương hay những nhóm thiện nguyện âm thầm tìm cách nâng cao chất lượng cuộc sống cho người yếu thế… cũng đều là các hoạt động đổi mới sáng tạo xứng đáng được ghi nhận. Phát triển bền vững cần phải bao trùm cả ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường. Do đó, các ý tưởng đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững có thể đóng góp ít nhất cho một trong ba trụ cột này. Nhiều năm qua, các chuyên gia của UN-Habitat đang cố gắng xây dựng "bản đồ số về đổi mới sáng tạo tại địa phương". Rất nhiều ý tưởng sáng tạo có thể biến thành những giá trị thặng dư, giải quyết vấn đề nóng trong xã hội, từ đó thu hút sự tham gia của cộng đồng.

Hành trình kiến tạo phát triển bền vững đối với hệ thống các đô thị Việt Nam không chỉ là những hoạt động đơn lẻ. Đó là cả một quá trình xuyên suốt, phụng sự đà phát triển chung của đất nước. Sau những dấu ấn tại Thủ đô Hà Nội, Đà Nẵng và hiện nay là Quảng Nam…, các chương trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giới trẻ với sự đồng hành của UN-Habitat đã sẵn sàng tiến thêm những bước dài.

Hiện nay, các chuyên gia của UN-Habitat đang cố gắng để trả lời các câu hỏi: "Tiềm lực của Quảng Nam ra sao? Sự phân bổ nguồn lực đang đặt trọng tâm ở đâu? Nhu cầu chủ chốt của giới trẻ Quảng Nam là gì?". Từ đó, địa phương sẽ có đủ cơ sở dữ liệu để lựa chọn một hoặc nhiều ý tưởng sáng tạo nổi bật để hỗ trợ và hiện thực hóa. Đó cũng là một cách để chứng minh: Nguồn lực nằm ở ngay trong chính cộng đồng và người dân, đặc biệt là giới trẻ.

Trong hội thảo "Thúc đẩy đổi mới của giới trẻ và cộng đồng vì phát triển đô thị bền vững" mới tổ chức ở Quảng Nam, có một cuộc thi vui: Bình chọn những dự án mà các bạn trẻ sẽ đầu tư, nếu bản thân có nguồn lực. Kết quả khá bất ngờ: Những giải pháp "hoành tráng" như tưới tiêu bằng drone hay áp dụng AI vào sản xuất lại xếp sau một dự án vườn hoa Quảng Nam (của chị giảng viên Kim Hòa). Như vậy, những điều đơn giản, gần gũi, dễ thực hiện, mang giá trị thật… vẫn luôn được trân trọng. Sau buổi hội thảo đó, đại biểu một số làng nghề cảm ơn chương trình vì đã cho họ thấy một bức tranh tổng thể lớn hơn, và vì họ được kết nối, giao lưu, tiếp cận những cách nhìn mới, để phát triển chính mình.

Thế hệ trẻ Việt Nam, với sự năng động, nhiệt huyết và nguồn cảm hứng dồi dào, sẽ là lực lượng tiên phong trong hành trình đổi mới sáng tạo. Thông qua quá trình triển khai các dự án, UN-Habitat tin rằng, bằng việc cung cấp nguồn thông tin đa dạng, kết nối với cộng đồng, cùng sự hỗ trợ từ chính quyền, những ý tưởng của thế hệ trẻ sẽ được hiện thực hóa, tạo nên những giá trị thiết thực cho xã hội.

Đổi mới bắt nguồn từ nhận thức ảnh 1
Nhóm Hà Nội Xanh, từ ba thành viên, đã truyền cảm hứng khiến 350 người đăng ký tham gia các hoạt động vớt rác trên các con sông ô nhiễm tại Thủ đô. Ảnh: Thủy Nguyên
Đổi mới sáng tạo hiệu quả nhất khi: Không bị phụ thuộc vào cơ hội mà được cân nhắc áp dụng một cách phù hợp trong mỗi hoạt động và quá trình thường ngày; được hình thành từ các cuộc thảo luận tích cực nhằm thúc đẩy các ý tưởng và cách tiếp cận mới đối với các thách thức; có sự hợp tác tích cực của các nhóm đa ngành, đa lĩnh vực, cùng làm việc với nhau ở tất cả các giai đoạn của dự án hoặc chu kỳ chương trình; có cam kết tổng thể để xây dựng một nền văn hóa mở, hợp tác và không phân cấp, hỗ trợ dòng chảy tự do của các ý tưởng và có không gian tương tác cho những người khác nhau cùng đến trao đổi thảo luận.