Không lãng phí tiến bộ công nghệ
Tuổi thiếu niên của Leo Prieto chứng kiến sự xuất hiện của internet ở Chile, nơi anh trở thành người tiên phong về web, thành lập và bán một số Công ty khởi nghiệp. Để rồi, mối quan tâm của anh đối với môi trường, internet và kinh doanh đã hợp nhất, khi được thúc đẩy bởi cảm giác rằng những tiến bộ công nghệ không nên bị lãng phí.
"Chúng ta đang sống ở thời điểm mà khoa học và công nghệ cho phép chúng ta làm hầu hết mọi thứ. Và hầu hết chúng ta lại đang dành tất cả năng lượng, tất cả nguồn lực đó chỉ để… khoe ảnh trên mạng xã hội", Prieto trăn trở. "Tại sao chúng ta không sử dụng tất cả những tiến bộ này để giải quyết các vấn đề thực tế?".
Prieto là một trong số ngày càng nhiều doanh nhân ở Mỹ latin và Caribbean tham gia cuộc "cách mạng xanh", mà trong đó họ thành lập doanh nghiệp cũng như các sáng kiến phi lợi nhuận tập trung vào bảo vệ môi trường, "kinh tế xanh", hay công bằng về khí hậu. Nhiều người trong số họ cảm thấy cộng đồng quốc tế đang không tài trợ đầy đủ cho các dự án khí hậu, trong khi nhu cầu ngày càng trở nên cấp bách, vì cả 33 nước ở khu vực đều nằm trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất, trước tác động của khủng hoảng khí hậu.
Cải tạo môi trường là một lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng đáng kể ở Mỹ latin và Caribbean. Nhưng một trong những thách thức lớn nhất là nguồn vốn. Và, để giải quyết điều đó, việc kết nối các nhà đầu tư với các dự án môi trường đóng vai trò then chốt. Tại Chile, công ty khởi nghiệp Lemu của Prieto sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ học máy (ML) để tạo ra một thị trường, nơi các nhà đầu tư tiềm năng có thể tìm thấy các chương trình phát triển về khí hậu, đa dạng sinh học và nguồn nước đang cần vốn.
Lemu - một từ trong tiếng bản địa Mapuche ở Chile, có nghĩa là "rừng". Công ty kiểm tra từng dự án, nhằm bảo đảm các kết quả có thể được kiểm chứng trước khi đưa vào danh sách. Người dùng có thể đọc về các dự án, tìm kiếm theo quốc gia hoặc loài đang được bảo vệ, điều hướng bản đồ và mô hình 3D, cũng như theo dõi tiến trình thông qua ảnh và bài đăng.
Trong số các dự án có sáng kiến bảo vệ khỉ đầu bông, một loài khỉ nhỏ cực kỳ nguy cấp ở Colombia đang bị đe dọa do nạn phá rừng và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Ứng dụng của Lemu cung cấp tùy chọn quyên góp hằng tháng hoặc một lần, đồng thời cung cấp thông tin cập nhật và báo cáo tác động. Các dự án nổi bật nhận được 80% số tiền quyên góp. Lemu giữ lại 19% để trang trải chi phí và tăng trưởng. Phần còn lại, "1% for the Planet", một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường mà trong đó, các công ty thành viên cam kết quyên góp ít nhất 1% doanh thu hằng năm cho hoạt động bảo vệ thiên nhiên.
Bước tiếp theo của dự án sẽ là áp dụng những cách xác minh kết quả đáng tin cậy hơn. Đây là một thách thức lớn, nhưng với Prieto thì rất đáng để theo đuổi, nhất là khi trong tay những doanh nhân khởi nghiệp như anh có chiếc chìa khóa vạn năng mang tên AI.
Những start-up tiên phong
Công ty của Prieto là một phần trong cộng đồng startup "cách mạng xanh" đang hoạt động rất ấn tượng ở Nam Mỹ.
Tại Brazil, một số công ty khởi nghiệp hứa hẹn nhất đang nổi lên trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Chẳng hạn như Krilltech. Với chất xám từ các phòng thí nghiệm của Đại học Brasilia, công ty này đã phát triển một cấu trúc nano hữu cơ có tên là Arbolina, giúp tăng cường khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu và kích thích sự phát triển của thực vật, cung cấp giải pháp không độc hại thay thế phân bón. Diego Stone, Giám đốc Krilltech, nói rằng việc thử nghiệm sản phẩm cho thấy năng suất đậu nành tăng 20%, lúa mì tăng 12% và tốc độ tăng trưởng của cà chua tới 40%.
Một thách thức khác đối với Brazil là giảm phát thải khí nhà kính. Quốc gia này là nước phát thải lớn thứ sáu trên thế giới, với gần 30% lượng khí thải từ nông nghiệp. Và, NoCarbon Milk là một công ty đang tìm cách phát triển các phương pháp chăn nuôi bò sữa bền vững hơn. Để giảm bớt khí methanol, NoCarbon Milk sử dụng chất bổ sung thức ăn có tác dụng ngăn chặn enzyme, giúp giảm lượng khí thải lên tới 40%.
Jairo Trad, Đồng sáng lập Kilimo, thu thập dữ liệu cho hệ thống tưới tiêu áp dụng AI tại Argentina. Ảnh: Clarin |
Tại Argentina, Kilimo, một công ty được thành lập vào năm 2014, đang giải quyết tình trạng khan hiếm nước bằng cách cung cấp cho nông dân các công cụ dựa trên dữ liệu, để tối ưu hóa việc tưới tiêu và quản lý nước. Phần mềm AI của công ty kết hợp dữ liệu khí tượng và vệ tinh có thể giúp nông dân giảm lượng nước sử dụng tới 20%. Người đồng sáng lập của công ty, Jairo Trad, cho biết những người nông dân sử dụng phần mềm này ở Argentina, Brazil, Chile, Guatemala, Mexico, Peru và Uruguay đã tiết kiệm được 72 triệu mét khối nước trong hai năm qua. Trad hiểu rõ: "Nông nghiệp chiếm 75-85% tổng lượng nước sử dụng ở Mỹ latin. Vì vậy, nếu bạn muốn bảo vệ an ninh nguồn nước, bạn phải làm việc với nhà nông".
Ở Honduras, một dự án kinh tế tuần hoàn phi lợi nhuận cũng đang có được chỗ đứng. Sustenta Honduras là một tổ chức thanh niên tập trung vào những cách thức đổi mới, thúc đẩy "trao quyền cho khí hậu". "Năm 2019, tôi đọc được rằng Honduras đã trở thành quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu. Đó là lúc ý tưởng và nhu cầu về Sustenta ra đời," Ricardo Pineda, Chủ tịch và đồng sáng lập dự án, cho biết.
Tổ chức đang thực hiện hai dự án chính: Biến mỡ động vật thải thành xà-phòng thân thiện với môi trường dùng cho vật nuôi; và thu thập dầu ăn đã qua sử dụng từ các hộ gia đình, để biến chúng thành xà-phòng. Trong một dự án khác, Sustenta sử dụng dữ liệu để cung cấp điện tái tạo cho 45% trong tổng số hơn 7.000 trường học không có điện ở Honduras. Pineda nói: "Chúng tôi sử dụng dữ liệu lớn để tìm ra những giải pháp tiết kiệm chi phí nhằm cung cấp điện cho các cộng đồng ở vùng sâu vùng xa".