Họa sĩ thiết kế báo chí - họ là ai, đang ở đâu?

Là những người đóng vai trò quyết định về mặt hình thức cho mỗi sản phẩm báo chí, đội ngũ họa sĩ thiết kế, trình bày báo Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn để thích nghi và bắt kịp xu thế phát triển chung của báo chí thế giới. Ðó là chia sẻ của ông Phạm Hoài Thanh  - họa sĩ thiết kế và trình bày, nhiếp ảnh gia độc lập, giảng viên của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) cùng Báo Nhân Dân.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Phạm Hoài Thanh hướng dẫn kỹ năng làm đồ họa động trên báo điện tử cho các học viên.
Ông Phạm Hoài Thanh hướng dẫn kỹ năng làm đồ họa động trên báo điện tử cho các học viên.

- Từ góc độ của một người trực tiếp tham gia giảng dạy tại Hội Nhà báo Việt Nam về thiết kế cho báo chí, ông đánh giá thế nào về lĩnh vực này ở Việt Nam hiện nay?

Tại Việt Nam, khi báo giấy chưa kịp chuyển mình theo báo chí thế giới thì đã chuyển gần hết sang làm báo điện tử. Có thể nói, trừ một số tờ báo lớn vẫn duy trì các ấn phẩm báo giấy như một kênh thông tin mạnh, chính thức, còn lại hầu hết các tòa soạn đều bỏ hoặc xuất bản tờ báo in như một thứ để cho có, còn lại tập trung hết cho việc xuất bản báo điện tử.

Nhưng một điều quan trọng mà nhiều tòa soạn không chú ý, đó là vị thế và bộ mặt của tờ báo in ảnh hưởng và quyết định rất nhiều đến uy tín của tờ báo. Nếu không có một tờ báo in được chăm chút và đầu tư một cách nghiêm túc thì người ta cũng không đánh giá cao cơ quan báo chí đó, cho dù có ra nhiều sản phẩm khác.

Thêm nữa, nhiều tòa soạn không có người thiết kế chuyên nghiệp, nhất là tại các địa phương. Hầu hết đều là nhân sự làm "trái tay", từ công nghệ thông tin chuyển sang, hay kỹ thuật viên qua các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, một số ít là các họa sĩ của các trường mỹ thuật, nhưng lại thiếu kỹ năng sử dụng các phần mềm thiết kế. Điều này có phần nguyên nhân từ việc chưa thật sự quan tâm đến vấn đề về hình thức ấn phẩm dẫn đến việc các tòa soạn chưa sử dụng nhân sự một cách đúng mức và chính xác. Công việc của họ phải chịu nhiều áp lực song thu nhập và các chế độ đãi ngộ thường chưa tương xứng.

Bên cạnh đó, còn chưa có sự phối hợp tốt giữa các phóng viên và người thiết kế trong quá trình sản xuất nội dung. Hầu như mọi người đều mặc định, tác phẩm báo chí đẹp hay không phụ thuộc vào nhà thiết kế, nhưng lại quên mất rằng nếu nội dung chưa đạt, thiếu thông tin, thiếu các số liệu cho bài viết sinh động thì những người sáng tạo về hình thức cũng "bó tay".

- Trong bối cảnh, nhiều tòa soạn thiếu hụt đội ngũ thiết kế chất lượng cao, thì khả năng đáp ứng nguồn nhân lực từ các cơ sở đào tạo chuyên ngành hiện nay ra sao, thưa ông?

Tại các trường đại học có khoa báo chí, phần thiết kế báo (layout) chỉ là một môn học với lý thuyết chung chung. Riêng chuyên ngành thiết kế, đồ họa sẽ dạy tất cả các khái niệm, khái quát về tư duy và phương pháp thiết kế trong đó có layout. Còn ra trường, sinh viên đi sâu vào mảng nào thì tự bổ sung kiến thức bằng nhiều cách. Nhưng theo tôi biết, sinh viên mỹ thuật công nghiệp khi ra trường rất ít người theo đuổi nghề này. Và ở Việt Nam hầu như chưa có trường đại học nào dạy môn đồ họa thông tin (infographic). Sắp tới, Trường đại học Thăng Long sẽ có môn học này dành cho sinh viên đồ họa. Muốn bảo đảm chất lượng đầu ra, sinh viên phải học qua nhiều kỹ năng cũng như phải có chút hiểu biết về báo chí, có thể phân tích và tổ chức thông tin trước khi được học về môn học mới này.

"Thực tế, có tờ báo đã đầu tư sáng tạo về mặt hình thức và hướng tới thị hiếu thẩm mỹ của độc giả, tạo các tương tác thú vị ngay trên mặt báo giấy khi có những sự kiện thời sự quan trọng. Việc này đòi hỏi sự thống nhất và phối hợp rất tốt từ ý tưởng của lãnh đạo báo tới việc triển khai thực hiện của các bộ phận. Trong đó, người thiết kế đóng vai trò khá quan trọng, bởi phải phân tích được tầm cỡ của các nội dung và cách tổ chức sắp xếp nội dung như thế nào cho hợp lý, logic là cả một câu chuyện dài"- Phạm Hoài Thanh.

- Vậy muốn đáp ứng yêu cầu về báo chí chuyển đổi số, cần nhận thức thế nào cho đúng về vai trò của đội ngũ thiết kế các sản phẩm báo chí?

Các tác phẩm báo chí hiện đại sử dụng các ứng dụng đồ họa đang là xu thế chung của nền báo chí hiện đại. Đáp ứng đòi hỏi mới, không thể sử dụng đội ngũ những người làm thiết kế trình bày và người làm đồ họa để cho có như ngày xưa. Họ cần có vị thế mới! Bây giờ không ai gọi là họa sĩ trình bày báo nữa, đúng ra phải gọi là nhà thiết kế (designer).

Người thiết kế cần có một không gian và tương quan làm việc hoàn toàn mới trong nền báo chí hiện đại. Họ phải đứng ngang vai với những người làm về nội dung. Việc cùng phân tích, trao đổi và sáng tạo trên nội dung của những người làm thiết kế báo chí hiện đại đã khác hơn so trước kia rất nhiều. Thậm chí họ có thể tạo ra những tương tác mà các phóng viên, những người làm nội dung hoàn toàn không ngờ là nó có thể trở thành như thế. Đó chính là nhiệm vụ của những người thiết kế và trình bày báo hiện đại.

- Ông đưa ra khái niệm, người thiết kế chính là người diễn đạt và tổ chức thông tin trong vai trò của một nhà truyền thông. Vậy họ cần những tố chất, trình độ gì để có thể thực hiện được vai trò đó?

Ngay từ thuở sơ khai, con người đã tạo ra hình ảnh trước chữ viết. Ngôn ngữ hình ảnh luôn hiệu quả hơn bất cứ hình thức diễn giải nào. Trong kỷ nguyên mới, truyền thông bằng hình ảnh là xu thế tất yếu nhưng đòi hỏi đội ngũ thiết kế phải có chuyên môn sâu mới có thể thực hiện được. Như vậy, có nghĩa họ phải hiểu biết về dữ liệu, có khả năng phân tích tổ chức dữ liệu, khả năng diễn đạt bằng hình ảnh tốt. Bên cạnh đó, cần có kiến thức, năng lực của một người thiết kế đồ họa, rất giỏi về infographic, mà như vậy họ phải là người nắm vững được các phần mềm thiết kế.

Giai đoạn này nhiều tòa soạn trong nước mới đang triển khai làm hình ảnh động và đồ họa thì đã khá muộn. Trong bối cảnh công chúng có nhiều kênh khác để tiếp cận thông tin, các tòa soạn báo muốn bắt kịp xu thế cần phải có sự đầu tư nghiêm túc cho công nghệ, cũng như đội ngũ những người làm thiết kế.

Họa sĩ thiết kế báo chí - họ là ai, đang ở đâu? ảnh 1

"Có một thứ không thể thay thế được, đó chính là chuyên môn sâu".

- Hiện nhiều tòa soạn đã tổ chức tập huấn và đào tạo thêm kỹ năng dựng bài trên internet cho các phóng viên. Theo ông, họ có thể thay thế được công việc của các designer chuyên nghiệp không?

Có một thứ không thể thay thế được đó chính là chuyên môn sâu. Các phóng viên viết có thể làm được video ngắn dạng tin tức nhưng để họ có thể thực hiện một sản phẩm video thành một dạng phóng sự là rất khó. Bởi một sản phẩm phóng sự hình đòi hỏi quá nhiều kỹ năng và kỹ xảo với tính chuyên nghiệp cao. Nên theo tôi, những người chuyên nghiệp thì phải làm những phần chuyên nghiệp. Những tuyến thông tin, tuyến bài chất lượng tốt cần những người chuyên nghiệp từ nhiều mảng, phối hợp thực hiện. Như việc thực hiện infographic khá là phức tạp. Muốn kể một câu chuyện thật hấp dẫn đòi hỏi nhiều tầng thông tin, cũng như sự đầu tư thích đáng cho vận hành chuyển động và thiết kế không gian...

Để có một tờ báo thật sự đẹp và hấp dẫn, phải có những designer trình bày giỏi trực tiếp làm việc và phải "nâng" họ lên bằng cách khuyến khích, đào tạo, bồi dưỡng, trao quyền để họ sáng tạo. Không ai có thể thay thế được công việc có chuyên môn sâu như vậy!

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!