Lao động thực tế nhà báo - Nhìn từ Giải Báo chí quốc gia

Giải Báo chí quốc gia chính là lăng kính phản chiếu chân thực bức tranh lao động thực tế của đội ngũ báo chí nước nhà, đồng thời là sinh hoạt nghiệp vụ lớn nhất và có ý nghĩa nhất với báo giới Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương trao giải B cho nhóm tác giả Báo Nhân Dân. Ảnh: Duy Linh
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương trao giải B cho nhóm tác giả Báo Nhân Dân. Ảnh: Duy Linh

Đời sống thực tiễn làm nên hồn cốt của tác phẩm báo chí

Báo chí là tấm gương phản chiếu của hiện thực. Do đó, chất liệu cuộc sống, hơi thở và dòng chảy đời sống là linh hồn của tác phẩm báo chí. Tất cả các loại hình, các thể loại tác phẩm báo chí đều được xây dựng trên các dữ liệu đời sống - điều mà các nhà báo chỉ có thể có được bằng lao động thực tế của nhà báo. Không có lao động thực tế của nhà báo thì không phát hiện được đề tài gắn với vấn đề liên quan đến sự quan tâm và lợi ích cộng đồng. Không có lao động thực tế, nhà báo không thể hiểu đúng bản chất của sự việc, dẫn tới thông tin trong tác phẩm báo chí khó bảo đảm độ tin cậy, thiếu chiều sâu, độ rộng và tính toàn diện, cũng như sự đa dạng về nguồn tin, góc nhìn và gợi mở đa chiều hướng tiếp cận và giải pháp giải quyết vấn đề.

Chủ đề, đề tài, độ tin cậy, chính xác, đa chiều, ý nghĩa và sức tác động đến công chúng, cộng đồng, xã hội; “đẳng cấp” về nghiệp vụ của người làm báo trong phát hiện vấn đề, phân tích, xử lý thông tin; “sự dấn thân”, đạo đức và trách nhiệm xã hội của nhà báo… là kết quả của lao động thực tế của nhà báo.

Tính thực tiễn - thực tế là yếu tố cốt lõi để tác phẩm có tính phát hiện, tính mới, tính khách quan, chân thực, tính điển hình, tính nhân văn, nhân đạo, tính quốc tế, quốc gia và địa phương trong tác phẩm báo chí. Lao động thực tế báo chí giúp nhà báo “mổ xẻ”, phát hiện, tìm ra giải pháp xử lý các vấn đề “nóng” trong xã hội. Các nhà báo đã bám sát thực tiễn cuộc sống, đem đến cho công chúng những tấm gương điển hình, những nghĩa cử cao đẹp, có tính thuyết phục, lay động lòng người.

Lao động thực tế giúp nhà báo tiếp cận mục tiêu và tạo giá trị thiết thực cho tác phẩm. Nếu không có chất liệu, hơi thở của cuộc sống thực tế, tác phẩm báo chí trở nên nhạt nhẽo, vô hồn.

Bài học nghiệp vụ về lao động thực tế nghề báo

Về cơ bản, các tác phẩm báo chí xuất sắc nhất là sự kết tinh của ba loại lao động thực tế nghề nghiệp, bao gồm: (1). Nghiên cứu, phân tích tài liệu; (2). Nghiên cứu, lấy dữ liệu thực địa ; (3). Nhập vai để điều tra sự thật.

(1). Nghiên cứu, phân tích tài liệu

Nghiên cứu tài liệu, tư liệu là công việc bắt buộc của mỗi nhà báo trước khi xác định chủ đề, đề tài, hoặc dùng để đối chứng, bổ khuyết cho dữ liệu đã thu thập được trên thực địa.

Muốn tìm “Giải pháp đầu tư công hiệu quả” (Ấn phẩm Thời Nay, Báo Nhân Dân, xuất bản năm 2023), nhóm tác giả bỏ ra 6 tháng để nghiên cứu, phân tích sâu “ma trận” với hàng nghìn định mức được xây dựng qua nhiều năm. Phóng viên đã nghiên cứu hàng nghìn trang tài liệu từ các bộ định mức công khai cho đến các bản dự toán công trình. Mỗi lớp của vấn đề được bóc tách dần trong hành trình kéo dài nhiều tháng qua nhiều tỉnh, thành phố, nhiều buổi làm việc, trao đổi ý kiến với các chuyên gia, nhà quản lý, công nhân lao động… Nan giải và khó khăn với các nhà báo là quá trình tìm đầu mối, tiếp cận, tìm kiếm và xử lý các dữ liệu thực tiễn, đối mặt với sự né tránh các cuộc hẹn phỏng vấn của đội ngũ lãnh đạo các công ty xây dựng…

Loạt bài ba kỳ “Nhận thức và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (Tạp chí Cộng sản) là bài báo chuyên luận đề cập tới 10 mối quan hệ lớn được Đảng ta nhận thức, khái quát hóa thành giá trị có ý nghĩa to lớn, quan trọng, gắn với đặc trưng, mục tiêu tổng quát, phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mang bản sắc, đặc trưng Việt Nam. Nghiên cứu tài liệu và tư liệu của tác giả được thực hiện với hai tư cách, nhà báo và nhà khoa học, trong đó, vận dụng cả năm thao tác tư duy sáng tạo, bao gồm: phân tích, tổng hợp, so sánh, khái quát hóa và trừu tượng hóa. Các tác phẩm báo chí điều tra tham dự Giải Báo chí Quốc gia trong những năm gần đây cho thấy năng lực phân tích hồ sơ, tài liệu của các nhóm tác giả là rất tốt.

(2). Nghiên cứu, lấy dữ liệu thực địa

Những tác phẩm sinh động và hấp dẫn nhất phụ thuộc vào kết quả khảo sát thực địa, quan sát, trải nghiệm, phỏng vấn, ghi chép, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình… Các tác phẩm “Báo chí cách mạng & sứ mệnh dẫn lối” (báo Nhà báo & Công luận”, “Đại điền xây ruộng lớn” (Báo Thái Bình), “Nỗi đau của sông mẹ” (Đài Truyền hình Việt Nam), “Thảm họa khốc liệt từ thiên tai, sạt lở đất đá: Còn phá, còn đau!” (Thông tấn xã Việt Nam)... cho thấy “đẳng cấp” nghiệp vụ của các nhà báo. Có nhóm phóng viên sử dụng thiết bị bay hoặc ghi hình dưới nước phục vụ tác nghiệp. Nhóm tác giả thường mất vài tháng trời xâm nhập thực tế để trả lời câu hỏi “Vì sao người giữ rừng… bỏ rừng?”, “Vì sao tiền dành cho đồng bào dân tộc thiểu số “bị nhốt” trong kho bạc?”…

Đội ngũ nhà báo ngày càng trẻ về độ tuổi, có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản ở các trường dạy báo chí, được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn. Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, năng lực tác nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động báo chí ngày càng được nâng cao. Về cơ bản, đội ngũ báo chí Việt Nam luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, sẵn sàng xông pha vào những điểm nóng, nguy hiểm để ghi nhận thông tin, phản ánh sự thật.

Cơ hội rất nhiều, nhưng thách thức có lẽ nhiều hơn. Trước thực tế còn không ít nhà báo viết bài từ thông cáo báo chí, từ “hóng” mạng xã hội quên kiểm chứng, thì việc rèn nghề, rèn đạo đức, tập huấn nghiệp vụ báo chí số và chuyển đổi số cho người làm báo và các lãnh đạo báo chí là cần thiết. Các cơ quan báo chí cần xây dựng và thực thi chiến lược về nội dung vượt trội, quan tâm xây dựng đội ngũ, tạo không gian đổi mới sáng tạo, trao cơ hội, tôn trọng và bồi đắp lý tưởng, đạo đức nghề nghiệp, nuôi dưỡng tài năng báo chí cho nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Giải Báo chí quốc gia là giải thưởng cao quý nhất dành tặng cho các tác phẩm báo chí, tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất hằng năm theo Quyết định số 369/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 29/3/2007. Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII - năm 2023 được tổ chức vào ngày 21/6/2024 tại Hà Nội, với hơn 100 tác phẩm thuộc 11 nhóm thể loại được trao thưởng hằng năm.