Chìa khóa để thích ứng với kỷ nguyên công nghệ

Bên cạnh làn sóng mạnh mẽ của việc sử dụng ứng dụng công nghệ là sự xuất hiện liên tục của các thế hệ sản phẩm mới từ trí tuệ nhân tạo (AI), theo chiều hướng thông minh hơn, gần biểu cảm người hơn, có khả năng thay thế nhân công trong nhiều lĩnh vực lao động. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với một số lãnh đạo cơ quan báo chí chung quanh chủ đề: Thách thức đối với nhà báo và nỗ lực định hình văn hóa báo chí trong kỷ nguyên của công nghệ.
0:00 / 0:00
0:00
Từ năm 2023, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí-Hội Nhà báo Việt Nam mở nhiều lớp bồi dưỡng về sử dụng ứng dụng AI trong tác nghiệp báo chí trên phạm vi cả nước.
Từ năm 2023, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí-Hội Nhà báo Việt Nam mở nhiều lớp bồi dưỡng về sử dụng ứng dụng AI trong tác nghiệp báo chí trên phạm vi cả nước.

Công nghệ thúc đẩy sự sáng tạo

Phóng viên: Thưa các nhà báo, thực tế việc quan tâm, sử dụng ứng dụng AI đã và đang diễn ra như thế nào tại các tòa soạn báo chí ở nước ta? Những tác động đáng kể của việc sử dụng ứng dụng này đến môi trường và điều kiện làm việc của các tòa soạn báo chí có thể là gì?

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: Gần đây, trên thế giới nói chung, AI là một xu thế xâm nhập đời sống xã hội ngày càng sâu sắc, trong đó có lĩnh vực báo chí. Việt Nam không là ngoại lệ.

Có một số cơ quan báo chí, đặc biệt là cơ quan báo chí lớn, có nguồn lực, được sự quan tâm của cơ quan chủ quản cũng như quyết tâm chính trị của lãnh đạo cơ quan báo chí đó, đặc biệt khi người đứng đầu cơ quan ấy có tâm thế và tư duy đổi mới, đã áp dụng trí tuệ nhân tạo vào quy trình sản xuất thông tin và vận hành tòa soạn. AI đã được sử dụng trong một số công đoạn, như phân tích văn bản, xử lý dữ kiện, số liệu, dịch thuật, chuyển từ ghi âm giọng nói thành văn bản và ngược lại. Một số tòa soạn báo chí phát triển theo hướng đa phương tiện đã tạo biên tập viên và người dẫn chương trình ảo trên kênh truyền hình của mình, như báo Thanh Niên, Lao động…

AI là công cụ nâng cao năng suất và hiệu quả lao động của tòa soạn, giúp tăng tương tác giữa cơ quan báo chí với công chúng. Tuy nhiên, tại các tòa soạn hiện có sử dụng AI, nhìn chung, việc sử dụng ứng dụng chưa toàn diện mà mới chỉ diễn ra tại một số công đoạn nhất định tùy vào điều kiện và mục đích riêng, chứ chưa khai thác một cách đồng bộ, có hệ thống để tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của nó.

Phóng viên: Phải chăng, vì có sự e ngại tới một trong những tác động lớn nhất của AI là thay thế nhân công lao động tại các tòa soạn đó, thưa ông?

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: Thật ra, AI có thể thay thế công việc đơn giản của con người nhưng việc đưa ứng dụng này vào thực tế lại làm phát sinh các công việc khác; nói cách khác, AI thúc đẩy tạo ra những yếu tố mới, công việc mới trong tòa soạn báo chí và cần sự đào tạo mới về nhân lực để đảm đương. Tôi cũng phải nói thêm rằng, ở nước ta hiện nay, mới chỉ có một số rất ít cơ quan báo chí sử dụng công nghệ này. Phần lớn các cơ quan báo chí khác còn chưa quan tâm đến chủ đề này. Nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí còn chưa có khái niệm về việc sử dụng AI. Việc sử dụng công nghệ này không phải cơ quan nào cũng nên làm hoặc có thể làm vì phụ thuộc nhiều yếu tố, như nguồn lực tài chính, nhân lực, tài lực, trang thiết bị kỹ thuật… nhất là với các cơ quan báo, tạp chí có quy mô nhỏ.

Chìa khóa để thích ứng với kỷ nguyên công nghệ ảnh 1

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi

Phóng viên: Tại tòa soạn VietNamNet và VietnamPlus, thực tế sử dụng công nghệ này diễn ra như thế nào, thưa hai nhà báo Nguyễn Bá và Trần Tiến Duẩn?

Nhà báo Nguyễn Bá, Tổng Biên tập Báo VietNamNet: VietNamNet chúng tôi đã nghiên cứu AI từ cuối năm 2020 và đến đầu năm 2022, bắt đầu áp dụng AI vào hệ thống quản trị nội dung (CMS) với nhiều tính năng vượt trội để hỗ trợ các phóng viên, biên tập viên, những người quản lý, biên soạn nội dung.

Từ giữa năm 2023, VietNamNet đã ứng dụng AI để có thể biên tập, rút gọn bài báo, tự động tổng hợp các bản tin hằng ngày; chuyển đổi các văn bản sang phát thanh, ứng dụng MC ảo... Nhờ đó, nhiều công đoạn của quá trình làm báo đã được rút ngắn, tiết kiệm thời gian. Hệ thống CMS được ứng dụng AI hỗ trợ nhiều cho phóng viên trong việc tìm kiếm các nội dung liên quan, cách sử dụng các từ khóa, cách đặt tiêu đề, phát hiện lỗi chính tả tự động, tìm kiếm ảnh theo nhận dạng khuôn mặt. Các biên tập viên và những người quản lý có công cụ kiểm soát và theo dõi được xu hướng người đọc trên hệ thống để điều chỉnh vị trí nội dung các tin, bài. Đặc biệt, với ứng dụng AI, tòa soạn kiểm soát được tỷ lệ tin bài tích cực/tiêu cực xuất bản trong ngày hay đang xuất hiện trên trang chủ, biết được mức độ lan tỏa, chia sẻ của từng tin, bài của VietNamNet trên không gian mạng để kịp thời điều chỉnh, thay đổi.

Nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập Báo VietnamPlus: VietnamPlus là một trong những đơn vị báo chí đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ mang tính mở đường trong lĩnh vực báo chí-truyền thông.

Có thể nhắc lại một số dấu mốc đáng nhớ của chúng tôi để bạn đọc tiện hình dung: dùng ứng dụng công cụ Wochit để sản xuất các video ngắn, năm 2016; là cơ quan báo chí đầu tiên sử dụng Chatbot tương tác với độc giả, năm 2018; là đơn vị báo chí đầu tiên phát triển Podcast, năm 2020; phối hợp với Insider cung cấp các gói giải pháp cũng như công cụ sử dụng AI nhằm giúp tăng lưu lượng người dùng, truyền tải thông điệp được cá nhân hóa đến từng bạn đọc, gợi ý các nội dung yêu thích của người đọc theo dạng Thư tòa soạn hay Tin tuyển chọn từ Ban biên tập, năm 2021; là đơn vị báo chí đầu tiên đăng tải các bài viết/video dạng WebStory, Shorts Video, năm 2023...

Tòa soạn đã sớm sử dụng tự động hóa và AI vào việc sản xuất các sản phẩm báo chí, như Infogram, công cụ xác thực thông tin (fact-check), dựng bài viết dài kết hợp hình ảnh, đồ họa, video clip…

Sử dụng AI vào hoạt động sản xuất báo chí ở VietnamPlus là một quy trình xử lý được thiết lập cẩn thận. Các ứng dụng AI ở VietnamPlus đã góp phần không nhỏ trong việc tăng hiệu suất làm việc của đội ngũ những người làm báo, thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo trong bối cảnh kỷ nguyên số.

Tăng cường khung pháp lý để sử dụng công nghệ đúng đắn

Phóng viên: Tuy nhiên, AI cũng gắn liền với tin tức giả, với việc làm giả sản phẩm báo chí trong đó bao hàm cả khía cạnh vi phạm bản quyền nội dung. Đây liệu có phải là thách thức lớn nhất đối với nhà báo trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện nay, thưa các nhà báo? Công cụ nào có thể được sử dụng để hỗ trợ tạo lằn ranh đỏ bảo vệ đạo đức nhà báo- cốt lõi của văn hóa báo chí trong bối cảnh này?

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: Tôi đồng ý rằng đó là những thách thức lớn đối với người làm báo hiện nay. Chính vì vậy, người sử dụng AI cần phải biết cách quản lý nó để sử dụng nó một cách chủ động. Các cơ quan báo chí và quản lý báo chí cần tăng cường số lượng và chất lượng chương trình đào tạo, bồi dưỡng khả năng, kỹ năng, trình độ quản lý công nghệ, điều hành, sử dụng AI cho đội ngũ người làm báo. Có như vậy, người làm báo mới tránh được nguy cơ bị AI dẫn dắt, chi phối, tự biến mình thành nạn nhân của công nghệ do chính con người tạo ra. Ta chỉ nên xem AI là công cụ và phải quản lý được công cụ này.

AI có thể tạo ra một tác phẩm báo chí nhưng không có trách nhiệm xã hội với tác phẩm ấy, không bị ràng buộc về đạo đức nghề nghiệp và pháp lý mà trách nhiệm, ràng buộc đó thuộc về cơ quan báo chí, lãnh đạo cơ quan báo chí và cá nhân các nhà báo sử dụng AI. Chính vì vậy, công cụ có thể hỗ trợ bảo vệ đạo đức nhà báo - cốt lõi của văn hóa báo chí trong bối cảnh này chính là tăng cường công tác quản lý chuyên môn nghiệp vụ của lãnh đạo cơ quan báo chí, tăng cường trách nhiệm xã hội của cơ quan báo chí, của người sử dụng AI.

Trước tình hình xuất hiện phương tiện làm báo mới, loại hình và sản phẩm báo chí mới, đã đến lúc phải xem xét sửa, điều chỉnh nội dung nhiều văn bản cụ thể hóa hoạt động quản lý báo chí, cải thiện môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí như Luật Báo chí năm 2016, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Trước mắt, Bộ Thông tin và Truyền thông đang triển khai dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) và chắc chắn, từng cơ quan báo chí và cá nhân người làm báo chúng ta sẽ phải có trách nhiệm đóng góp ý kiến xây dựng.

Chìa khóa để thích ứng với kỷ nguyên công nghệ ảnh 2

Nhà báo Nguyễn Bá

Nhà báo Nguyễn Bá: Cá nhân tôi lại cho rằng, tin giả hay vi phạm bản quyền không phải là thách thức lớn nhất mà AI đặt ra với báo chí, bởi cái gì được tạo ra bằng công nghệ thì cũng có thể dùng công nghệ để chống lại.

Thách thức lớn nhất đối với báo chí trước làn sóng AI chính là đánh mất giá trị cốt lõi. Người đọc hiện nay đang bị bủa vây bởi các thuật toán của các mạng xã hội theo cách mà các mạng xã hội này muốn. Mạng xã hội chỉ gợi ý và đưa ra những tin tức theo xu hướng, hoặc cung cấp những thông tin mà người đọc muốn tin thay vì đưa ra những tin tức cân bằng, khách quan, đa chiều. Báo chí trong cuộc cạnh tranh với mạng xã hội đang bị cuốn theo xu hướng này và bị mạng xã hội dẫn dắt, đánh mất giá trị cốt lõi của mình.

Báo chí cách mạng Việt Nam là "chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại", trong đó, nhân văn, chính xác, khách quan là cốt lõi. Vì vậy, thay vì chạy theo, bắt chước mạng xã hội, báo chí phải thấy rõ giá trị của mình, giữ giá trị cốt lõi của mình. Người đọc trước đây quan tâm đến "ai, làm gì, ở đâu và khi nào?", người đọc hiện tại họ còn muốn biết phía sau các câu hỏi đó là gì? Đó có thể là một góc nhìn đa chiều, một sự thấu hiểu sâu sắc, một sự gợi mở thú vị hay giải pháp cho một vấn đề nào đó. Vì thế, để giữ được giá trị cốt lõi của mình, báo chí phải phân tích nhiều hơn và sâu hơn, dữ liệu nhiều hơn và xác thực hơn; nhà báo phải có góc nhìn toàn diện hơn, kể chuyện sinh động, thú vị và giàu cảm xúc hơn.

Nhà báo Trần Tiến Duẩn: Phải nói là tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu lạm dụng AI để tạo ra nội dung báo chí. AI có thể sản xuất ra các loại tin giả, tin sai lệch, hay làm tin mà không trích dẫn nguồn nên tính chính xác không cao, chưa tính tới việc nếu vì những lợi ích, hay muốn gây bất ổn xã hội, một số tổ chức có thể lợi dụng AI để nguỵ tạo tin giả bằng những hình ảnh, âm thanh, video như thật. AI hiện đang được huấn luyện dựa trên kho dữ liệu tin tức của các cơ quan báo chí, thậm chí còn tạo ra các "trích đoạn nguyên văn", dẫn đến việc vi phạm bản quyền nghiêm trọng, sử dụng trái phép tài nguyên thông tin làm ảnh hưởng đến bản quyền và doanh thu báo chí.

Chính vì vậy, việc tạo ra khung khổ pháp lý trong quản lý và sử dụng AI là hết sức cần thiết. Khi sử dụng AI, tòa soạn cũng cần chủ động đào tạo, hướng dẫn để tránh xảy ra sai sót, cũng như tăng cường dán nhãn nội dung do AI cung cấp.

Ngoài ra, cần luật hóa về mặt pháp lý những tài nguyên có bản quyền đang được AI sử dụng, phân tích. Một thí dụ sinh động là tại châu Âu, ngày 17/5/2024, Hội đồng châu Âu (EC) đã thông qua Công ước khung về AI nhằm quản lý, kiểm soát AI, bao gồm cả các hệ thống AI mạnh mẽ như ChatGPT của OpenAI. Đây là Hiệp ước toàn cầu đầu tiên về quản lý AI.

Tương lai của báo chí - Trí tuệ và cảm xúc

Phóng viên: Từ đây, các nhà báo có thể chia sẻ thêm quan điểm cá nhân mình về tương lai báo chí trước sự phát triển của công nghệ - thứ mà ta thật khó đoán định. Liệu sẽ có thứ gì có thể thay thế được con người trong lĩnh vực báo chí - lĩnh vực kết nối người - người?

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: Dù sao, việc ứng dụng AI cũng chỉ là một bước phát triển tiếp theo của công nghệ mà thôi. Trước đây, khi internet phát triển bên cạnh công nghệ truyền hình, rồi điện thoại thông minh, truyền thông xã hội, nhiều người không khỏi lo ngại cho rằng, nhiều công việc của nhà báo sẽ bị biến mất, báo in sẽ bị triệt tiêu nhưng thực tế không hẳn vậy.

Tuy nhiên, trước sự phát triển vũ bão của công nghệ, nói gì về tương lai quả là cũng thật khó (cười). Nhưng tôi tin tưởng rằng, sự phát triển này cũng kéo theo sự thay đổi cách làm báo cũng như phương thức tiếp cận thông tin của công chúng, như đã từng diễn ra trong quá khứ và mỗi loại hình báo chí mới - cũ sẽ vẫn có những đối tượng công chúng riêng.

Chưa chắc, các loại hình báo chí mới trên nền tảng trực tuyến với tiêu chí nhanh, gọn, tiện lợi, thân thiện người đọc lại đồng thời chứa đựng tính xác thực, có hàm lượng phân tích, nghiên cứu, giàu trí tuệ và cảm xúc trong từng câu viết như trong những bài báo in của người viết có thời gian lùi lại trước một sự kiện, câu chuyện và suy ngẫm, bày tỏ chính kiến, tình cảm của mình. Tôi rất đồng tình với ý kiến của nhà báo Nguyễn Bá khi phân tích về việc mà mỗi người làm báo cần làm để giữ được giá trị cốt lõi của nghề nghiệp.

Khi các sản phẩm báo chí luôn được nâng cao chất lượng, kể cả sử dụng AI để tạo ra sản phẩm báo chí sáng tạo, tôi tin rằng, khó có gì có thể thay thế được con người trong việc tạo ra sản phẩm ấy, một kết nối người-người như bạn nói.

Nhà báo Nguyễn Bá: Theo đánh giá của cá nhân, trong rất nhiều xu hướng công nghệ đang diễn ra, có ba xu hướng sẽ tác động rất lớn đến báo chí-truyền thông: AI; Internet vạn vật (Internet of Things-IoT) và Thực tế ảo (Virtual Reality-VR), thực tế tăng cường (Augmented Reality-AR).

Với các xu hướng công nghệ này, chúng ta sẽ chứng kiến báo chí-truyền thông thay đổi mạnh mẽ. AI đã và sẽ làm được nhiều phần việc như chúng tôi vừa phân tích. Nhờ IoT, người dùng có thể đọc báo, nghe phát thanh, tìm kiếm, chia sẻ nội dung mình yêu thích, tương tác bằng giọng nói với tất cả mọi phương tiện có kết nối internet. Nhờ VR kết hợp giữa ảo và thực với hình ảnh ba chiều, người đọc sẽ "du hành" vào chính thế giới được bài báo mô tả và tương tác ở ngay trong không gian ảo đó.

Đúng như ông Nguyễn Đức Lợi vừa nói, công nghệ trong tương lai là thứ khó đoán định, nhưng chắc chắn, công nghệ không làm "biến mất" báo chí mà nó sẽ giúp cho báo chí có thêm không gian, công cụ và có thể có hình thái mới để thực hiện chức năng của mình.

Tôi tâm đắc câu nói của ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường đại học FPT, khi đề cập AI: "AI không thay thế con người. Chính những người biết sử dụng AI sẽ thay thế nhóm còn lại".

Không có công nghệ nào có thể thay thế được giá trị cốt lõi của báo chí, đó là sự nhân văn, hướng thiện, lan tỏa sự tử tế, truyền cảm hứng tích cực cho người dân và cộng đồng. Yêu, ghét là cảm xúc và đến từ giá trị đạo đức của mỗi người. Đạo đức báo chí là cốt lõi để chi phối cảm xúc, vì thế phải xây dựng được giá trị, nền tảng đạo đức của báo chí, để nhà báo yêu sự chính trực, tử tế, ghét sự xấu xa, độc ác trong xã hội. AI chỉ là công cụ để nhà báo làm tốt hơn điều đó.

Chìa khóa để thích ứng với kỷ nguyên công nghệ ảnh 3

Nhà báo Trần Tiến Duẩn

Nhà báo Trần Tiến Duẩn: Ở khía cạnh này, tôi xin nói thêm: Công nghệ số, AI đang ở thời kỳ phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên nó sẽ không "đánh cắp" công việc của các nhà báo. AI cũng chưa đủ thông minh để thay thế nhà báo, nhất là lao động của nhà báo ở hiện trường. AI cũng không thể thay thế được tính nhân văn, nhân đạo, sự sáng tạo của các nhà báo.

Tận dụng tối đa những lợi thế và khắc phục những hạn chế mà công nghệ chưa làm được chính là chìa khóa để các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo hiện nay thích ứng với một kỷ nguyên mới với sự hiện diện ngày càng nhiều của AI.

Riêng về xu hướng phát triển của báo chí, tôi cho rằng, sẽ xuất hiện thêm những thể loại, sản phẩm báo chí mới với nội dung chuyên sâu hơn, độc đáo, thiết kế bắt mắt hơn, có tính tương tác cao bên cạnh sự phát triển các công nghệ tương tác để tạo trải nghiệm độc đáo cho người dùng, như anh Nguyễn Bá vừa chia sẻ.

Ngoài ra, báo chí đa nền tảng, báo chí dữ liệu cũng đang được các tòa soạn đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển. Cùng với đó là xu hướng cá nhân hóa nội dung, cung cấp thông tin phù hợp với từng đối tượng độc giả. Các thuật toán và công nghệ sẽ giúp phân tích hành vi đọc tin của người dùng để đề xuất nội dung phù hợp với sở thích và tương tác của họ. Cuối cùng là báo chí sáng tạo gắn với công nghệ mới và các phương pháp sáng tạo để kể câu chuyện. Việc hợp tác toàn cầu của các cơ quan báo chí cũng giúp đưa tin tức lan tỏa khắp thế giới.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn các nhà báo!

"AI cũng chưa đủ thông minh để thay thế nhà báo, nhất là lao động của nhà báo ở hiện trường. AI cũng không thể thay thế được tính nhân văn, nhân đạo, sự sáng tạo của các nhà báo"- nhà báo Trần Tiến Duẩn.