Vì mục tiêu thúc đẩy ngành công nghiệp tỷ đô

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp xây dựng "Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045". Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam đào tạo được 50 nghìn kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị.
0:00 / 0:00
0:00
Trường cao đẳng Công nghệ Việt-Hàn Bắc Giang ký hợp tác đào tạo nhân lực bán dẫn với Công ty TNHH Hana Micron Vina. Ảnh: KHÁNH VY
Trường cao đẳng Công nghệ Việt-Hàn Bắc Giang ký hợp tác đào tạo nhân lực bán dẫn với Công ty TNHH Hana Micron Vina. Ảnh: KHÁNH VY

Thiếu hụt lượng lớn nhân sự

Việt Nam đã và đang nỗ lực hội nhập thị trường lao động thế giới. Rất nhiều doanh nghiệp mở rộng ngành công nghiệp bán dẫn tại nước ta tạo nên nhu cầu tuyển dụng nhân sự tăng mạnh. PGS, TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nước ta có hai thế mạnh, là tham gia khâu thiết kế và đóng gói. Đây cũng là hai lĩnh vực đều cần rất nhiều nhân lực trực tiếp làm việc cho các doanh nghiệp FDI.

Công nghiệp bán dẫn không phải là ngành đào tạo hoàn toàn mới, đã có một số trường đang đào tạo như Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường đại học Bách khoa (Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Trường đại học FPT,... Tuy nhiên số lượng sinh viên ra trường vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực cho lĩnh vực này. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành công nghiệp bán dẫn đang cần 10 nghìn kỹ sư, nhưng lao động trong nước mới chỉ đáp ứng được dưới 20% nhu cầu.

Rộng hơn, giá trị ngành chip trên toàn cầu đang là 500 tỷ USD, dự kiến sẽ tăng lên gần gấp bốn lần trong những năm tới, kéo theo nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực.

Hiện có hơn 50 doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn. Trong đó, nhiều tập đoàn lớn như Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor,… đang có kế hoạch mở rộng đầu tư lĩnh vực thiết kế vi mạch. Ông Trịnh Khắc Huề, Tổng Giám đốc Tập đoàn Qorvo Việt Nam, nhận định: Nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi, trong đó có hệ thống chính trị ổn định, nguồn nhân lực dồi dào. Nhờ chiến lược hợp tác tốt cùng các đối tác lớn từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,… Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội để phát triển mạnh mẽ ngành này trong tương lai.

Năm 2024, Việt Nam bắt đầu thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn, cùng với đó là các mục tiêu, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực trước mắt và lâu dài, đồng thời xác định đây là ngành công nghiệp nền tảng, trọng yếu của quốc gia trong 30-50 năm tới.

Ðào tạo - chìa khóa căn bản

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo "Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045", sẽ có khoảng 15 nghìn kỹ sư thiết kế vi mạch, 35 nghìn kỹ sư trong lĩnh vực sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, có ít nhất năm nghìn nhân sự có trình độ kỹ sư trở lên có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn; đào tạo chuyên sâu cho 1.300 giảng viên giảng dạy tại các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp; mở rộng mạng lưới đào tạo, hỗ trợ đào tạo ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành liên quan lên khoảng 200 cơ sở tại các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Đến năm 2045, nước ta trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, có thể xuất khẩu nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp cận, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp "tỷ đô" ở Việt Nam.

Thực hiện nhiệm vụ, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tiến hành khảo sát các doanh nghiệp vi mạch bán dẫn để đánh giá nhu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam; khảo sát các viện nghiên cứu, trường đại học kỹ thuật hàng đầu Việt Nam để đánh giá năng lực đào tạo và nghiên cứu. Ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia nhìn nhận, để có thể nắm được cơ hội cung cấp nguồn nhân lực số lượng lớn và chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, phải giải quyết vấn đề thu hút sinh viên quan tâm theo học các ngành phù hợp, đồng thời phải giải quyết vấn đề năng lực và quy mô đào tạo tại các cơ sở đào tạo.

Còn theo GS, TS Đặng Lương Mô, cố vấn Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta cần có lộ trình rõ rệt và tầm nhìn xác đáng trong công nghiệp bán dẫn. "Cần nhận thức rõ rằng, phát triển ngành vi mạch bán dẫn chính là công cuộc chuyển hóa các thành tựu khoa học-công nghệ thành hàng hóa có giá trị cao, nhờ đó có cơ hội xác lập vị thế mới trên bản đồ vi mạch bán dẫn thế giới", ông Đặng Lương Mô nhìn nhận.

Nhiều chuyên gia cho rằng, người Việt Nam có một lợi thế rất căn bản nhất là có gene về STEM (toán, kỹ thuật, công nghệ và khoa học). Mà STEM là căn bản của công nghệ bán dẫn, của thiết kế chip. Do vậy, việc đầu tư cho ngành bán dẫn không chỉ mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ thông tin mà còn mang lại nhiều cơ hội cho hàng vạn nhân sự công nghệ hiện đại.

Từ mùa tuyển sinh năm 2024, nhiều trường sẽ mở và tuyển sinh ngành vi mạch bán dẫn. Cụ thể Trường đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) dự kiến tuyển 100 chỉ tiêu; Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) dự kiến tuyển 50 sinh viên; Trường đại học Phenikaa khoảng 100 chỉ tiêu,… Mới đây, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh ra mắt Trung tâm Điện tử và Vi mạch bán dẫn trên cơ sở hợp nhất Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch Khu Công nghệ cao và Trung tâm Đào tạo Điện tử quốc tế. Trung tâm Điện tử và Vi mạch bán dẫn định hướng phát triển trở thành đơn vị đầu mối của cả nước, hỗ trợ cho các trường đại học, viện nghiên cứu lớn đẩy nhanh việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Song, theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ là những người lao động làm việc trực tiếp trong các công đoạn trực tiếp sản xuất ra các sản phẩm bán dẫn, mà còn là lực lượng lao động phục vụ phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Do vậy, các ngành công nghiệp phụ trợ cũng cần được xác định, làm rõ và đầu tư phát triển tương xứng.

Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước đầu tư các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong các viện, trường có lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến công nghiệp bán dẫn.

Việt Nam đặt mục tiêu chuyển đổi số ở mọi lĩnh vực, đồng nghĩa nhu cầu thiết bị điện tử, thiết bị kết nối internet (IoT) rất lớn. Bởi thế, việc đào tạo đội ngũ kỹ sư có kỹ thuật, xây dựng hàng rào với yêu cầu bảo mật cao, sản xuất chip cho sản phẩm viễn thông trong nước, là một cách bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian số.