Trong thời đại văn minh trí tuệ và cách mạng công nghiệp mới, chúng ta không thể thụ động ngồi chờ cho nhân tài, hào kiệt tự xuất hiện mà phải chủ động đầu tư cho công tác cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết". Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng, nhất là Đại hội XIII, đều nhấn mạnh, nhất quán phương châm, nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận là yêu cầu cấp bách, đặc biệt quan trọng".
GS, TS Phạm Hồng Tung
Bảo đảm "quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc"!
- Những ngày này, khẩu hiệu "Tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 bất diệt" hiện diện khắp nơi, khơi lên trong mỗi chúng ta ngọn lửa tự hào dân tộc. Trước tiên, ông có thể chia sẻ một số cảm nhận riêng, về tinh thần ấy?
- Khi đề cập chủ đề này, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là Lãnh tụ Hồ Chí Minh và bản Tuyên ngôn Độc lập. Và, cũng ngay lúc này, trong đầu tôi đang vang lên tiếng của Cụ Hồ, với những dòng đầu của tác phẩm bất hủ ấy: "Hỡi đồng bào cả nước, tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc"… Cụ Hồ gọi đó là "những lẽ phải không ai chối cãi được".
Trải qua những khúc quanh của lịch sử dân tộc, đất nước bao phen chồn ngựa đá/ non sông nghìn thuở vững âu vàng, song đến nay, "quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc", theo tôi, vẫn là những từ khóa quan trọng, những quyền cơ bản của nhân loại, của mỗi người, dù sống trong bối cảnh lịch sử nào, xã hội và thể chế chính trị nào cũng cần phải được bảo đảm. Tuy nhiên, đến tận hôm nay, thế giới và cả ở Việt Nam ta vẫn đang phải nhọc nhằn để bảo vệ những quyền thiêng liêng và căn bản ấy. Đây cũng là lý tưởng, là mục tiêu mà chế độ xã hội chủ nghĩa của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang phấn đấu, ra sức nỗ lực thực hiện.
- Ông vừa nhắc đến Tuyên ngôn Độc lập. Hẳn những mong ước, mục tiêu thuở ban đầu lập quốc chất chứa trong văn kiện lịch sử ấy đến giờ vẫn cần được kế thừa và phát huy?
- Rõ ràng là như vậy. Suốt 79 năm qua, lớp lớp thế hệ những người con ưu tú của dân tộc đã chiến đấu, lao động và hy sinh quên mình, vì những mục tiêu cao cả mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hiệu triệu. Nhớ về ngày hôm qua, tôi nghĩ lòng yêu nước của chúng ta hôm nay không thể chung chung hay giáo điều, xa rời thực tiễn. Nó cần phải xuất phát từ lòng biết ơn nhân dân lao động, từ những việc làm nhỏ, thường ngày giản dị mà đong đầy ý nghĩa, như nhặt rác, bảo vệ môi trường, chấp hành luật lệ giao thông, tử tế trong ứng xử,...
Để bảo đảm "quyền được sống" hôm nay, cũng không cần phải "xếp bút nghiên lên đường tranh đấu" như trong những tháng năm lửa đạn nữa. Tuy nhiên, từ những việc thường ngày, mỗi chúng ta sẽ phải ý thức hơn trong việc bảo vệ môi sinh, môi trường; sẵn sàng lên tiếng, đấu tranh chống lại những hành vi sai trái, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm suy giảm chất lượng sống, tổn hại đến tương lai của cộng đồng dân tộc.
Nhắc đến "quyền tự do", rất rõ ràng, chúng ta có thể lấy dẫn chứng từ chính cuộc sống ở nước ta, nơi mọi người đang được bảo đảm về quyền tự do ngôn luận, tự do sáng tạo rất cao. Tất nhiên, để bảo đảm thực thi tốt quyền này còn là ý thức của mỗi người, làm sao để khi thực hiện quyền tự do của mình mà không làm ảnh hưởng đến quyền tự do của người khác, của cộng đồng, không vi phạm pháp luật, không làm ảnh hưởng đến lợi ích tối thượng của quốc gia, dân tộc.
Về "quyền mưu cầu hạnh phúc", mỗi công dân Việt Nam, dù đang sống và làm việc trong nước hay nước ngoài cần ý thức và nỗ lực hơn nữa để vừa bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của mình, vừa góp phần làm giàu cho đất nước trên mỗi lĩnh vực, khả năng và vị trí công tác của mình.
Tóm lại, tinh thần yêu nước đích thực chẳng đâu xa xôi. Nó hiện diện trong mỗi việc làm tử tế, mỗi đóng góp, mỗi bổn phận mà chúng ta đã và đang thực hiện hằng ngày đấy thôi.
Đoàn viên, thanh niên tích cực đẩy mạnh hoạt động "Ngày thứ 7 tình nguyện giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân". Nguồn: Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh |
Khắc ghi vào tâm khảm lời Bác dạy
- "Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch…", lời căn dặn cũng như nỗi trăn trở của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã được Đảng ta luôn ghi nhớ và nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên, phải chăng phía trước vẫn còn là bao khó khăn chồng chất, thưa ông?
- Khó khăn rất nhiều, nhưng trên thực tế, như chúng ta đã biết, Đảng ta đã hạ quyết tâm, đã thực hiện rất hiệu quả rất nhiều công tác, nhất là trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua. Mục đích của việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng là làm cho Đảng vững mạnh hơn, tương xứng với nhiệm vụ, vai trò là đảng cầm quyền, tiêu biểu cho ý chí và khát vọng của toàn dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: "Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên, cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân". Người cũng khẳng định, nếu làm được như vậy thì dù công việc to lớn đến mấy, khó khăn đến mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi.
Thực tiễn cho thấy, cùng với những chính sách đổi mới ngày càng đồng bộ và sâu rộng trên các lĩnh vực, cuộc vận động chỉnh đốn Đảng, đấu tranh kiên quyết và rất hiệu quả chống tệ tham nhũng, lãng phí và các tội phạm kinh tế khác đã giúp lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào tiền đồ cách mạng ngày càng được củng cố, thêm vững mạnh.
Sự đoàn kết vững bền luôn là điểm tựa vững chắc để toàn dân tộc vượt qua thách thức, dù thách thức đó to lớn đến đâu.
- Nhìn về thế nước, vận nước trong bối cảnh thế giới còn nhiều biến động, có điều gì khiến ông trăn trở và muốn nhắn nhủ đến độc giả Nhân Dân cuối tuần?
- Tôi nghĩ đến hai đức tính- những đặc điểm lớn của tính cách dân tộc Việt Nam ta: "lòng biết ơn" và "đức chung thủy" (Giáo sư Phạm Hồng Tung trầm ngâm). Đó là những giá trị luôn cần được giữ gìn và phát huy. Có thể, mỗi thời đại, mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi thế hệ lại có những phương pháp, cách làm khác nhau sao cho phù hợp bối cảnh thực tiễn, song tựu trung vẫn phải giữ vững nguyên tắc, có niềm tin tuyệt đối vào con đường cách mạng mà Đảng ta và Bác Hồ đã lựa chọn. Đó chính là biết ơn các thế hệ đi trước và trung thành với Lời thề Độc lập đã vang lên ở Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945.
Thế hệ hôm nay, nhất là những người trẻ, hơn bao giờ hết, cần xốc tới, mỗi người mỗi việc, cùng ghé vai gánh vác giang sơn, hun đúc, vun bồi nguyên khí quốc gia cũng như niềm tự hào dân tộc, nhất là trong bối cảnh "chuyển đổi số" và hội nhập quốc tế đang ngày một sâu rộng.
Hơn nửa thế kỷ qua, Đảng và nhân dân ta đã nỗ lực thực hiện những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy tư tưởng của Người. Nhờ đó, cơ đồ đất nước ta ngày nay có thể nói là to lớn và vững chắc hơn bao giờ hết, vị thế và uy tín quốc gia trên trường quốc tế được khẳng định vững chắc và không ngừng được cải thiện.
Muốn tiếp tục thúc đẩy đà thăng tiến đó, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc hôm nay cần được khơi dậy, phát huy, dẫn đạo, mở đường, để Tổ quốc ta tiến đến một tương lai xán lạn, đạo đức và văn minh.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!