Khát vọng đột phá
"Tôi tin là Việt Nam sẽ trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045", ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) chia sẻ sau khi chăm chú lắng nghe các bài tham luận của nhiều bộ, ngành và các chuyên gia kinh tế bàn về hiệu quả nguồn lực tài chính phát triển kinh tế tại một hội thảo diễn ra cuối tháng 8/2024. Tại đây, nhiều bất cập, khó khăn được đặt lên bàn, cùng với hàng loạt đề xuất giải pháp.
Đặc biệt, sự có mặt của lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương trên bàn chủ tọa khiến ông Johnathan Hạnh Nguyễn đặt rất nhiều kỳ vọng. "Khi các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, các thảo luận của các chuyên gia kinh tế được cơ quan của Đảng, Nhà nước lắng nghe, tôi tin là những chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển đất nước sẽ được triển khai nhanh chóng, hiệu quả", ông giải thích.
Không phải ngẫu nhiên vị doanh nhân nhắc đến điều này. Đề án thành lập Trung tâm tài chính quốc tế mà ông và các đối tác ấp ủ từ năm 2014, đệ trình các cấp, các ngành từ năm 2016, xuất hiện ở nhiều hội thảo từ cấp địa phương đến Trung ương... cho đến giờ vẫn nằm trong... hộc bàn.
"Nhưng tôi vẫn phải nói! Chúng ta có rất nhiều chính sách, nhưng không có tiền, không có sự tham gia của nguồn lực từ khu vực tư nhân thì không thể thực hiện được. Tôi nói điều này không chỉ cho doanh nghiệp của tôi", ông thẳng thắn nhìn nhận.
Đề án Trung tâm tài chính quốc tế mà IPP đề xuất dự kiến đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng sẽ huy động nguồn vốn lên tới 120 tỷ USD. Nhiều hơn thế, mô hình này sẽ tạo ra sự kết nối giữa các nguồn vốn trong nước và quốc tế, nâng cao khả năng huy động vốn của Việt Nam. Đặc biệt, đây là cơ hội thu hút các định chế tài chính quốc tế và dòng vốn FDI chất lượng cao, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, năng lực quản trị... và quan trọng là sẽ nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Để khởi động, Tập đoàn của ông đã có văn bản cam kết cùng với các đối tác đầu tư 10 tỷ USD.
"Nhưng chiếc áo thể chế hiện tại quá chật, không phù hợp với các chiến lược đầu tư dài hạn của các nhà đầu tư toàn cầu. Thời gian không còn nhiều, chúng ta cần cơ chế đột phá!", doanh nhân Việt kiều 73 tuổi này tha thiết.
Áp lực cải cách ngày một lớn
Tâm tư của ông Hạnh Nguyễn không phải cá biệt. TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã nhắc đến nhiều doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam với tinh thần kinh doanh cháy bỏng.
Thực tế, sự lớn mạnh của nhiều doanh nghiệp tư nhân trong suốt 40 năm Đổi mới đã góp phần định hình không chỉ dấu ấn hàng hóa, dịch vụ Việt Nam trên thị trường quốc tế mà còn hiện thực hóa nhiều chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực, đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước. Đó là chưa kể vai trò của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong tạo việc làm, tham gia vào các hoạt động an sinh, xã hội... Trong báo cáo của nhiều địa phương, bộ, ngành và cả Chính phủ, câu chuyện của Thaco, VinFast trong ngành ô-tô, Hòa Phát trong lĩnh vực thép, FPT trong công nghệ thông tin, Vietjet trong lĩnh vực hàng không, TH True Milk trong ngành sữa... hay được nhắc đến. Thậm chí, quá trình định hình con đường phát triển của nhiều địa phương, vùng kinh tế... có bóng dáng của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn.
"Tuy nhiên, môi trường kinh doanh dường như vẫn chưa hậu thuẫn đủ để các doanh nghiệp lớn được tham gia giải bài toán phát triển của đất nước, nhất là trong bối cảnh hiện tại, khi chuyển đổi xanh, chuyển đổi số đang là yêu cầu bức thiết", TS Cung trăn trở.
Nút thắt ở đây, theo ông Cung và nhiều chuyên gia kinh tế, vẫn là vấn đề tư duy từ phía Nhà nước trong bối cảnh thị trường đã lớn lên, phát triển hơn.
Cách đây nhiều năm, vào khoảng giai đoạn 2010-2015, vấn đề về cải cách, đổi mới vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường của Việt Nam đã được đặt ra. Khi đó, khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang đối mặt vô vàn thách thức của giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đây chính là giai đoạn đầu tiên ghi nhận số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường rất lớn kể từ khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực vào năm 1999.
"Sự ra đời của các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia bắt đầu từ năm 2014 đã tạo nên những thay đổi vô cùng lớn trong tư duy về quản lý nhà nước, về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế. Cơ chế xin-cho qua hệ thống giấy phép con, điều kiện kinh doanh - dần bị xóa sổ, thay vào đó là Nhà nước kiến tạo, Nhà nước hỗ trợ phát triển...", ông Cung nhớ lại.
Nền kinh tế đã chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong các năm sau đó. Rất nhiều doanh nghiệp bứt phá mạnh về quy mô, tầm ảnh hưởng. Đây cũng là giai đoạn doanh nhân Việt Nam bắt đầu có tên trong danh sách tỷ phú USD thế giới.
Khu vực kinh tế tư nhân đã thật sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Từ năm 2016 đến năm 2019, tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân vượt khá xa so tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư nhà nước và vốn đầu tư FDI.
Tuy nhiên, tình hình khó khăn trở lại khi đại dịch xuất hiện, sau đó là bất ổn địa chính trị toàn cầu. Một lần nữa, số doanh nghiệp rút lui trở thành tâm điểm thảo luận trong các cuộc họp của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Thêm vào đó, những xu hướng phát triển mới và cam kết Net-Zero của Chính phủ Việt Nam vào năm 2050 đặt khu vực tư nhân vào những thách thức mới.
"Nếu không chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chúng tôi sẽ không có đơn hàng. Từ năm tới, H&M sẽ không đặt hàng nếu không đáp ứng 30% nguyên liệu có thể tái chế... Chúng tôi đã làm rất nhiều, đã kết hợp với các đối tác để tuân thủ các yêu cầu. Nhưng có điều làm thế nào để tiếp cận tài chính xanh khi các tiêu chuẩn, phân loại chưa rõ; làm thế nào để người tiêu dùng không phải chịu giá cao khi chi phí đầu tư cho xanh rất lớn...", ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May 10 đặt câu hỏi về vai trò của Nhà nước trong bài toán phát triển bền vững.
Không gian phát triển rộng mở
Việt Nam cần có các doanh nghiệp bản địa mạnh để xây dựng, phát triển nền kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đây là khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong cuộc gặp các doanh nhân thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, chiều 22/8 vừa qua. Tại cuộc gặp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
Các thông tin này đã được các doanh nghiệp, giới chuyên gia kinh tế nhắc lại trong các cuộc trao đổi ngay sau đó. Niềm tin về không gian phát triển rộng mở thuận lợi cho cộng đồng kinh doanh đang trở nên vững chắc hơn.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp chờ đợi các hành động cụ thể, được thực hiện ngay. Cụ thể là gỡ ngay các vướng mắc, khó khăn mà doanh nghiệp đã kiến nghị nhiều lần, các cơ quan quản lý cũng đã có giải pháp song chưa thực thi quyết liệt; thực hiện rà soát, đánh giá và sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật một cách đồng bộ, có trách nhiệm.
TS Cung cho rằng, trước mắt các hành động có thể chưa thật sự đột phá, nhưng hệ thống có chuyển động sẽ khích lệ rất lớn tinh thần kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.