Bàn về Nhà nước, kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước

Nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII đã sắp khép lại. Trong thời gian gần bốn năm qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể hóa nghị quyết Đại hội, theo các chủ trương: phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt và triển khai công tác đối ngoại như là một mặt trận mới nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế.
Vietnam Airlines nói riêng và nhiều doanh nghiệp nhà nước khác đã thể hiện rõ vai trò của kinh tế nhà nước. Ảnh: Khiếu Minh
Vietnam Airlines nói riêng và nhiều doanh nghiệp nhà nước khác đã thể hiện rõ vai trò của kinh tế nhà nước. Ảnh: Khiếu Minh

Chặng đường tiếp nối

Còn chưa đầy 18 tháng đến ngày tổ chức Đại hội Đảng lần thứ XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Trong bài phát biểu nhậm chức tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương ngày 3/8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: Tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đoàn kết cùng nhau, tiếp tục thực hiện những công việc mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khởi xướng. Trong đó, sớm triển khai tổng kết một số vấn đề về lý luận và thực tiễn ở Việt Nam qua 40 năm Đổi mới, làm cơ sở đề xuất xây dựng các báo cáo trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Riêng về lĩnh vực kinh tế, trong gần bốn năm qua, chúng ta đã tập trung quyết liệt đầu tư cho hai trong ba đột phá chiến lược: thể chế và cơ sở hạ tầng. Về thể chế, nhiều luật liên quan đến quản lý nguồn lực phát triển hay chăm lo đời sống người dân như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Nhà ở… được ban hành. Về cơ sở hạ tầng, chỉ trong vòng hơn hai năm, khoảng 850 km đường bộ cao tốc đã được đưa vào khai thác, dự kiến đến năm 2026 sẽ có hơn 2.000 km đường bộ cao tốc đưa vào sử dụng. Nhờ hạ tầng phát triển đồng bộ, chúng ta đã thu hút nguồn lực xã hội vào đầu tư lĩnh vực bất động sản công nghiệp, nông nghiệp và khu vực nhà ở; góp phần tạo tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và cải thiện đời sống nhân dân…

Hai vai trò của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước

Bên cạnh những thành tựu cơ bản đã nêu, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, sự khác biệt của kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước cũng còn chưa được làm rõ, dẫn tới sự chồng chéo từ chính các quy định pháp luật, vô hình trung hạn chế khả năng ra quyết định kịp thời của Nhà nước đối với nền kinh tế.

Cương lĩnh 2011 (sửa đổi bổ sung Cương lĩnh 1991) và Văn kiện Đại hội XIII đã khẳng định: Mô hình phát triển kinh tế nước ta là mô hình nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Văn kiện đại hội XIII cũng làm rõ ba đặc điểm cơ bản trong mô hình của Việt Nam: Là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; Xác định rõ vai trò, vị trí của các thành phần kinh tế và gắn kết các thành phần kinh tế trong chỉnh thể nền kinh tế (bao gồm kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể - kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài); Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại và hội nhập.

Tuy nhiên, việc cụ thể hóa các đặc điểm này vào thực tiễn, cho tới nay vẫn còn nhiều lúng túng. Đặc biệt, vai trò của kinh tế nhà nước vẫn chưa được phân định rạch ròi với công cụ của nó là doanh nghiệp nhà nước. Do đó, việc pháp điển hóa các văn bản pháp quy, quy định pháp luật theo mô hình nhà nước pháp quyền khi áp dụng vào thực tế vẫn có nhiều bất cập, mặc dù đã được thực hiện khá thống nhất.

Đơn cử trường hợp Hãng hàng không quốc gia Việt Nam trong đại dịch Covid-19. Ảnh hưởng của đại dịch khiến các đường bay quốc tế phải dừng khai thác, đường bay nội địa giảm chuyến, dẫn đến nguồn thu không bù được chi phí duy trì đội tàu bay cũng như chi phí tài chính cho việc trả các khoản vay mua tàu bay thời kỳ trước dịch. Trong thời gian này, các hãng hàng không lớn trong khu vực và quốc tế như Air France, Singapore Airlines, Thai Airways… cũng đều gặp khó khăn tương tự, nhưng chủ sở hữu của họ (là Chính phủ các nước) đã hành động rất nhanh và quyết liệt, giúp họ tận dụng thời cơ tái cấu trúc, tăng sức cạnh tranh, thậm chí có xu hướng mở rộng thị phần khi thị trường hồi phục.

Trong khi đó, suốt thời gian xảy ra đại dịch, Vietnam Airlines nói riêng và nhiều doanh nghiệp nhà nước khác nói chung đã thể hiện rõ nét vai trò của kinh tế nhà nước là đảm nhiệm những hoạt động mà thị trường không muốn làm và không thể làm. Mặc dù các biện pháp hỗ trợ này là rất đáng kể, nhưng do chưa có quy định của pháp luật nên không được ghi nhận trong hạch toán. Ngay cả Chính phủ - với tư cách là chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước - cũng không thể tự "vượt rào" để ghi nhận đó là những hoạt động đầu tư-kinh doanh.

Có tình trạng này là do chưa tách bạch được Chính phủ trong hai vai trò: quản lý nhà nước và chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước. Hy vọng, với chủ trương của cơ quan lãnh đạo tối cao, các cơ quan quản lý trực tiếp sớm có cơ sở để quyết định kịp thời.

Cạnh tranh sòng phẳng - đòi hỏi tất yếu

Lâu nay, chúng ta chú trọng Nhà nước ở vai trò quản lý. Song, trong nhiều trường hợp, cũng cần nhìn nhận Nhà nước với vai trò là người chủ sở hữu vốn. Như vậy, mới có thể đặt doanh nghiệp nhà nước vào môi trường cạnh tranh sòng phẳng cùng các thành phần kinh tế khác.

Thứ nhất, cần tập trung rà soát, sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp theo hướng đây là luật gốc, quy định chức năng nhiệm vụ của Chính phủ và cơ quan đại diện là Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Với số vốn tại các doanh nghiệp nhà nước hiện nay lên tới hơn 1,3 triệu tỷ đồng, việc có một luật riêng là hoàn toàn hợp lý.

Luật cần được xây dựng theo hướng Chính phủ chịu trách nhiệm trước Nhà nước, bảo toàn và phát triển nguồn tài sản này. Chính phủ lúc này có vai trò như Hội đồng quản trị để quản lý nguồn vốn, hằng năm nộp tiền lợi nhuận vào ngân sách nhà nước theo kế hoạch sản xuất, kinh doanh đã được duyệt. Cơ quan điều hành, chính là Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về tình hình doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Ủy ban. Ủy ban quan hệ với các bộ quản lý ngành như là các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Nếu phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, doanh nghiệp nhà nước cũng cần được hạch toán như là sản xuất kinh, doanh bình thường, và được phép giảm lãi thực nộp cho ngân sách.

Thứ hai, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu toàn diện doanh nghiệp nhà nước, tránh tình trạng coi cổ phần hóa là tiêu chí duy nhất của tái cơ cấu, mà phải nhận thức đúng đắn: Cổ phần hóa chỉ là một trong các biện pháp tái cơ cấu phù hợp với doanh nghiệp, ngành sản xuất mà Nhà nước không cần nắm giữ vai trò chi phối. Điều quan trọng là nguồn vốn thu được từ quá trình cổ phần hóa này phải được đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước mong muốn phát triển như: công nghiệp vi mạch, vật liệu mới, hay hạ tầng cơ sở mà khu vực tư nhân chưa đủ nguồn lực, cần Nhà nước hỗ trợ (như đường sắt, hàng không…).

Đối với những ngành, lĩnh vực trọng yếu mà Nhà nước vẫn cần nắm giữ, cần tránh tình trạng: Sau tái cơ cấu, số vốn của Nhà nước trong doanh nghiệp ngày càng giảm, Nhà nước không còn khả năng sử dụng các doanh nghiệp này như là công cụ điều tiết ổn định vĩ mô.

Mặt khác, trong tương lai, chúng ta cũng không nhất thiết phải giữ vốn nhà nước ở một tỷ lệ cụ thể trong tổng thể nền kinh tế, nhằm thể hiện vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Khi đất nước trở thành một nước công nghiệp đang phát triển, tổng tài sản quốc gia cũng tăng lên nhiều lần, nên dù tỷ trọng của Nhà nước sẽ giảm nhưng vẫn giữ vai trò đi trước mở đường, làm "bà đỡ" cho các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác.

Thứ ba, hoàn thiện lý luận và mô hình triển khai của định hướng "xã hội chủ nghĩa". Làm rõ các vai trò của Nhà nước (bao gồm cả Quốc hội và Chính phủ): quản lý quốc gia, cũng là chủ sở hữu thị trường và xã hội trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát huy vai trò của thị trường trong phân bổ nguồn lực sản xuất, điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hóa, chú trọng việc điều tiết hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đồng thời thanh lọc doanh nghiệp nhà nước yếu kém nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiến tạo phát triển cho hệ sinh thái doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước nhà.

Thứ tư, cụ thể hóa hệ tiêu chí xác định đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với các nội dung cơ bản: Về cơ cấu sở hữu và thành phần kinh tế: không phân biệt sở hữu của doanh nghiệp, doanh nghiệp được tự chủ, hợp tác cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật. Về cơ chế vận hành: vận hành theo quy luật của thị trường, chấp hành định hướng của Nhà nước theo pháp luật của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tức là phân phối lợi nhuận sẽ tuân theo quy định của nhà nước pháp quyền. Về trình độ lực lượng sản xuất: lực lượng sản xuất ngày càng hiện đại, là nền kinh tế độc lập, tự chủ tích cực tham gia hội nhập quốc tế…

Quỹ thời gian từ nay đến Đại hội XIV không còn nhiều, các vấn đề lớn cần làm rõ về lý luận lại hầu như chưa có tiền lệ. Bối cảnh ấy đòi hỏi toàn bộ hệ thống chính trị năng động, sáng tạo, xây dựng các mô hình theo phương châm: Không có hình mẫu phát triển tuyệt đối đúng cho tất cả các ngành kinh tế. Cần tôn trọng sự khác biệt, chấp nhận các mô hình thí điểm để luật hóa cơ chế, chính sách, qua đó bảo đảm phát huy hết sức mạnh của từng ngành, đồng thời góp phần bảo vệ cán bộ vì dân vì nước, dám nghĩ dám làm.

Để hướng tới 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đến năm 2030 là nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, riêng trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp nhà nước, cần ưu tiên thực hiện một số giải pháp cơ bản để cân bằng lại hai vai trò của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước. Nếu như lâu nay chúng ta chú trọng Nhà nước với vai trò quản lý, thì trong nhiều trường hợp cần nhìn Nhà nước với vai trò là người chủ sở hữu vốn. Như vậy mới đặt doanh nghiệp nhà nước vào môi trường cạnh tranh sòng phẳng với các thành phần kinh tế khác, đúng với bối cảnh nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với "kinh tế thị trường" đi trước để tiến tới "xã hội chủ nghĩa" trong tương lai khi các điều kiện đã chín muồi.