Cách mạng là khi ta nhắc đến cuộc Tổng khởi nghĩa long trời lở đất, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên Nhà nước Việt Nam mới sau dằng dặc đêm đen nô lệ. Cách mạng đưa người dân một cổ hai tròng ra khỏi bóng tối, tắm mình trong ánh sáng và không hề sợ hãi. Cách mạng trong tiếng reo ca "Mùa thu nay khác rồi!".
Lại nhớ đến câu nói vô cùng giản dị của Bác Hồ: "Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân". Lệnh Tổng khởi nghĩa tại Quốc Dân Đại hội, tổ chức tại Tân Trào trong hai ngày 16 và 17/8/1945: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta" đã thổi bùng ngọn lửa Tháng Tám, ghi một dấu son chói lọi trong thế kỷ 20.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, mở đầu cho những thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta về sau - chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại thắng mùa Xuân 1975, và các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Ngọn lửa Tháng Tám vẫn tiếp tục soi sáng con đường Đổi mới, đưa đất nước Việt Nam vững bước tiến lên, trở thành đất nước phát triển, phồn vinh trong tương lai.
Nhắc lại lịch sử để sáng mắt sáng lòng, để vững tâm bền chí trước những thời cơ và thách thức trong thời đại mới. Lịch sử không bao giờ chỉ là những câu chuyện của ngày hôm qua. Lịch sử là sự tiếp nối, trao truyền, đối thoại không ngừng giữa hiện tại và quá khứ. Trong những bài học đó, quý giá nhất, sáng chói nhất vẫn là bài học về lòng dân, sức dân. Sau năm 1975, một sử gia người Mỹ tuyên bố: Phát hiện lớn nhất của chúng tôi về Việt Nam qua cuộc chiến tranh là phát hiện về văn hóa. Hạt nhân của nền văn hóa ấy là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất, dựa vào sự cố kết cộng đồng để giữ gìn đất nước, dũng cảm, thông minh trong chiến đấu và cần cù, sáng tạo trong lao động.
Lịch sử nước ta từ các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê đến thời đất nước độc lập, là lịch sử do chính nhân dân là người làm nên, là người quyết định. Một dân tộc từng tự hào về Hào khí Đông A, ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông, dân tộc ấy không dễ bị khuất phục. Một đất nước từng chìm đắm trong đêm dài phong kiến, dưới ách áp bức của thực dân, đế quốc, trở thành đất nước tự do, độc lập, bởi có lòng dân, sức dân là thành lũy bền vững qua mọi thời đại.
Hiếm có quốc gia nào mỗi địa danh lịch sử đều gắn với biết bao xương máu hy sinh và những chiến công vô cùng kỳ vĩ. Mỗi chiến công lại gắn với những con người dũng cảm, bình dị, "hy sinh lớn cũng là hạnh phúc", "bởi anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm/vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tấn công". Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa; những Điện Biên Phủ mặt đất, Điện Biên Phủ trên không, Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, Đường 9, Khe Sanh, Đồng Lộc, Phước Long, Buôn Ma Thuột... những Vị Xuyên nóng bỏng biên giới phía bắc, Gạc Ma quặn mình trong bão biển Trường Sa... đã tượng hình nên những con người Việt Nam mà hình tượng tiêu biểu là anh chiến sĩ giải phóng quân mũ tai bèo, chân đất, cùng rất nhiều huyền thoại về những người mẹ, người chị trung hậu, đảm đang, chiến sĩ công an, thanh niên xung phong ngoan cường, dũng cảm. Họ có tên chung là Nhân dân. Nhân dân là những bà bủ, bà bầm tiễn con ra trận, là những người vợ trẻ nhớ chồng "góp cho đất nước những hòn Vọng phu". Và rồi những người con ấy đi xa không bao giờ quên ơn mẹ "Con với má không phải hòn máu cắt/Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi".
Lòng dân, sức dân là nguồn cội mọi chiến thắng. Được lòng dân thì được tất cả, mất lòng dân thì đất nước lâm nguy. Khi chiến tranh tất cả dồn sức cho đánh giặc. Khi hòa bình thì phải "khoan thư sức dân". Người xưa từng nói "chúng chí thành thành", nghĩa là ý chí của quần chúng làm nên bức thành kiên cố. Thời nhà Hồ (1400-1407) chỉ tồn tại bảy năm, mặc dù Hồ Quý Ly thực hiện cải cách theo hướng "phú quốc cường binh". Ông rất coi trọng tổ chức lại quân đội, mở xưởng rèn đúc vũ khí, đóng tàu thuyền, xây đắp hệ thống thành lũy, củng cố các nơi hiểm yếu để phòng thủ đất nước. Thế nhưng, do chỗ những cải cách ấy không thật sự xuất phát từ lợi ích thiết thân của mọi tầng lớp nhân dân, không được dân ủng hộ, cho nên khi giặc phương Bắc tràn tới, đã thất bại nhanh chóng. Vậy là thành lũy bằng sắt đá không thay thế được thành lũy lòng dân.
NGÀY nay chúng ta hướng tới mục tiêu cao cả: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, trong đó ưu tiên trước hết vẫn là làm sao để người dân no ấm. Đảng ta đã xác định những mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp (GDP bình quân đầu người ước đạt 4.700-5.000 USD/năm). Đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao (GDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 7.500 USD/năm). Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao (GDP bình quân đầu người phải đạt hơn 12.535 USD/năm). Các mục tiêu ấy không phải là trạng thái lý tưởng mà là trạng thái khả dĩ nhất có thể thực hiện được trong từng giai đoạn, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng các điều kiện cho phép. Cùng với quan điểm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", "dân thụ hưởng" là một trong những điểm mới trong chủ trương của Đảng.
Trong một thế giới toàn cầu hóa, chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng, vươn tới cái lớn lao của loài người bắt đầu từ việc tham khảo, học hỏi bạn bè để ít tốn kém và mau đến đích. Một nước nhiều năm là quốc gia hạnh phúc như Phần Lan thì cũng không nhất thiết là xã hội mà người dân luôn sống trong cảm xúc ngập tràn. Hạnh phúc, đơn giản là hài lòng với cuộc sống mà mình đang có. Những thời khắc u ám, những tiêu cực trong xã hội là một phần tất yếu của cuộc sống, hãy chấp nhận và đấu tranh để loại trừ. Tôn trọng quy luật, chấp nhận mâu thuẫn và hóa giải mâu thuẫn phải chăng chính là một trong những bí quyết để có cuộc sống hạnh phúc? Và khi ấy, yêu đất nước, yêu nhân dân tuy hai mà một. Tình yêu ấy đối với người Việt Nam tự nhiên như ánh nắng, khí trời. Nó khởi đầu từ nguồn mạch Âu Cơ, trải dài suốt mấy nghìn năm lịch sử. Các thế hệ con Rồng cháu Tiên ngày nay lên rừng xuống bể, theo cách của thế hệ công dân toàn cầu. Tầm vóc mỗi ngày mỗi cao, tài trí mỗi thời mỗi lớn, cố kết làm ăn, sinh cơ lập nghiệp, tạo nên "thế trận lòng dân" thời đại mới, tạo nên cơ đồ đất nước hôm nay. Điều này Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định vai trò quan trọng của vấn đề xây dựng "thế trận lòng dân" trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Vị trí "thế trận lòng dân" được đặt lên hàng đầu trong mối quan hệ với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân.
Mới đây trong bài viết "Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, nhấn mạnh: "Kiên định lập trường, quan điểm và thực hành "dân là gốc", "Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới"; mọi chủ trương, chính sách phải thật sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu".
Trước mắt, nhiệm vụ còn rất to lớn và nặng nề. Bài học phát huy sức mạnh lòng dân, nắm bắt, tạo dựng và chớp thời cơ sẽ giúp chúng ta vững tin và chiến thắng. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh thật sự của Dân, do Dân, vì Dân. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Đó cũng là nguyện vọng, là mong ước của Nhân dân, là lời hẹn của Mùa Thu lịch sử.
Khi Nhà nước thật sự là của dân thì sẽ thu hẹp khoảng cách giữa lời nói và việc làm trong đội ngũ cán bộ, công chức. Sẽ không còn chỗ cho những người nói theo, nói dựa, nói những điều trống rỗng chẳng ích gì cho công việc của dân. Sẽ không còn chỗ cho những người miệng luôn nói vì lợi ích chung mà lại nặng lợi ích nhóm, sa vào vòng xoáy quyền lực, tham lam, nhũng nhiễu, quen thói hành dân.