Động lực tăng trưởng đến từ mở rộng giao thương

Thực tiễn đã chứng minh, sau gần 40 năm Đổi mới, giao thương quốc tế đã dần đưa nước ta trở thành nền kinh tế có quy mô đứng thứ 35 thế giới với GDP đạt 435 tỷ USD, có độ mở lớn với tỷ trọng thương mại quốc tế gần gấp hai lần GDP.
Cảng quốc tế Gemalink có cơ sở hạ tầng và trang thiết bị hiện đại bậc nhất cả nước và vị trí khai thác có nhiều ưu thế nhất tại khu vực cụm cảng Cái Mép (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Ảnh: Hồng Đạt
Cảng quốc tế Gemalink có cơ sở hạ tầng và trang thiết bị hiện đại bậc nhất cả nước và vị trí khai thác có nhiều ưu thế nhất tại khu vực cụm cảng Cái Mép (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Ảnh: Hồng Đạt

Thành tựu quan trọng

Do có vị trí địa chính trị quan trọng, địa kinh tế thuận lợi, nên từ xa xưa, Việt Nam đã coi giao thương với thế giới là một trong các trụ cột phát triển đất nước. Trong lịch sử, nước ta từng đã có nhiều thương cảng nổi tiếng sầm uất bậc nhất khu vực, như Vân Đồn thời vua Lý Anh Tông (thế kỷ 12), rồi Hội An ở thế kỷ 16, Phố Hiến (Hưng Yên) vào thế kỷ 17.

Nhờ chủ trương chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nên chỉ trong một thời gian rất ngắn, chúng ta đã ký kết được nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới song phương và đa phương với các nền kinh tế lớn; cũng như các hiệp định bảo hộ đầu tư, hiệp định tránh đánh thuế hai lần và nhiều hiệp định, điều ước quốc tế khác liên quan đến thương mại, đầu tư, thuế quan, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa... để phát triển thương mại cũng như thu hút đầu tư cả trực tiếp lẫn gián tiếp từ nước ngoài.

Thông qua hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu và tăng cường quan hệ kinh tế với các cường quốc lớn - thể hiện qua số liệu về 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Công (Trung Quốc), Ấn Độ, Canada, Australia-Việt Nam đã thật sự gắn kết lợi ích kinh tế với các đối tác.

Đến cuối năm 2023, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được đăng ký là 468,9 tỷ USD, với 39.140 dự án từ 144 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều dự án rất lớn như Lọc hóa dầu Nghi Sơn: 9 tỷ USD, Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên: 17,3 tỷ USD, LG Display Việt Nam: 11,3 tỷ USD, Sumitomo Chemical Việt Nam: 4,2 tỷ USD, Canon: 3,8 tỷ USD, Bosch: 3,7 tỷ USD, Bridgestone I và II: 8,1 tỷ USD, Doosan Vina: 3,3 tỷ USD…

Hiện nay, trong ba động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, FDI chiếm tỷ trọng lớn trong động lực thứ ba, với tỷ trọng đạt hơn 70% kim ngạch xuất khẩu, bao trùm gần như toàn bộ nhóm hàng công nghệ cao như máy tính, điện tử, điện thoại, linh kiện xuất khẩu...

Giao thương quốc tế cũng đem lại cơ hội lớn cho nông nghiệp Việt Nam với hàng chục mặt hàng xuất khẩu chủ lực như lúa gạo, cà-phê, cao-su, hồ tiêu, điều, chè, rau quả, cá tra, tôm, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Trong đó, nhiều mặt hàng vươn lên nhóm dẫn đầu thế giới, thúc đẩy việc chuyển đổi tư duy: Từ lấy sản lượng sang lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu, từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch, an ninh sinh học, bảo vệ môi trường nghiêm ngặt của thị trường quốc tế. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo: Khả năng năm 2024, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu sẽ đạt 57-58 tỷ USD.

Không ít thách thức chờ đợi phía trước

Theo chuyên gia kinh tế Matthew Klein, mặc dù các liên kết kinh tế mang lại nhiều lợi ích, nhưng chúng cũng dịch chuyển những vấn đề từ xã hội này sang xã hội khác. Những cạnh tranh gay gắt về địa chính trị, xung đột khu vực đang làm đảo lộn trật tự chính trị và kinh tế toàn cầu. Tất cả đều ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển kinh tế-xã hội, việc làm và thu nhập của người dân ở phạm vi toàn cầu, thông qua các biện pháp cấm vận, trừng phạt kinh tế, bảo hộ mậu dịch, tăng giá cước vận tải cũng như nguyên-nhiên vật liệu đầu vào của các nền kinh tế…

Quan trọng hơn cả, còn là hậu quả, hệ lụy lâu dài của tình hình. Nhiều chuyên gia đã nhận định: Thế giới khó trở lại trạng thái như trước khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine, mà nổi bật hơn cả là xu thế phi toàn cầu hóa - được một số nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ và EU áp dụng để bảo hộ doanh nghiệp trong nước, theo cách hoặc đưa một số ngành sản xuất quan trọng về nước, hoặc chuyển sang các nước thân thiện khác cùng chung hệ giá trị.

Một số chính sách quốc tế mới, như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), hay gọi tắt là thuế carbon, của EU, có hiệu lực vào năm 2026, áp dụng cho một số sản phẩm tiêu hao năng lượng lớn, nhằm hạn chế chuyển sản xuất từ các quốc gia có quy định nghiêm ngặt sang những quốc gia có quy định ít nghiêm ngặt hơn, hay việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (Việt Nam tham gia từ đầu năm 2024 theo Nghị quyết của Quốc hội), hoặc các cam kết quốc tế về lộ trình cân bằng khí thải "zero carbon" vào năm 2050 gắn với chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… cũng tạo ra những áp lực, đối với việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc mà chúng ta phải tính đến nói riêng và tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung, nhằm đáp ứng chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là "không đổi môi trường lấy tăng trưởng", hay không "tăng trưởng bằng mọi giá".

Việt Nam hưởng lợi từ thương mại và đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc quá phụ thuộc vào xuất khẩu và FDI cũng có thể xem là một thách thức lớn, nhất là khi phần lớn khu vực kinh tế tư nhân trong nước hay khối doanh nghiệp nhà nước còn đang "loay hoay" với quá trình cơ cấu lại sản xuất, sản phẩm và thị trường, do hạn chế về nguồn lực tài chính và nhân lực chất lượng cao, hoặc do thiếu cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là đối với các ngành công nghiệp "động lực mới" của nền kinh tế như vi mạch, bán dẫn hay hydrogen xanh, cho dù chúng ta đã xây dựng được chiến lược, xác định được nhiệm vụ, mục tiêu trong trung và dài hạn. Để có được những bước đi đầu tiên cho các ngành công nghiệp mới, rất cần sự hỗ trợ đặc biệt, đa dạng của Nhà nước, bởi vì ngay cả các quốc gia tiên tiến cũng đang khá lúng túng trong việc ban hành chính sách.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam Vinatex chia sẻ: Để cạnh tranh trên thương trường, doanh nghiệp dệt may phải không ngừng tự đổi mới quyết liệt từ quản trị đến công nghệ, thiết bị, số hóa để tiết kiệm từng cent trên một đơn vị sản phẩm. Nhờ thế mà tuy tình hình thị trường kém lạc quan, nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn quyết đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng 9,2% so năm 2023.

Vậy nên, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư các hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật cảng biển, đường thủy nội địa, cảng hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, internet tốc độ cao, hệ thống năng lượng quốc gia... cũng cần sớm hình thành các trung tâm tài chính quốc tế ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, đầu tư mạnh hơn cho các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, các trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu - chuyển giao công nghệ ở các khu công nghệ cao, các chương trình đào tạo kỹ sư tiên tiến, đổi mới hệ thống giáo dục, cải thiện chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng cuộc sống tinh thần và vật chất của các tầng lớp nhân dân qua ba chương trình mục tiêu quốc gia giảm (nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số)…, làm nền tảng vững chắc để tăng cường nội lực, chủ động kết nối giao thương với cả thế giới, bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Sự cạnh tranh giữa các quốc gia chính là ở tiềm lực khoa học và công nghệ. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, vấn đề chủ quyền công nghệ lại càng trở nên cấp thiết hơn, từ các ngành công nghiệp cơ bản như chế biến, chế tạo, luyện kim, vật liệu mới, năng lượng mới tới công nghệ thông tin, phần mềm, trí tuệ nhân tạo trong quá trình số hóa nền kinh tế…