Trăm nỗi thiên di
Ở xã Khánh Hải (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) lúc này, chuyện thuê mướn người làm công mùa vụ đã không còn dễ dàng. Dọc con lộ bê-tông bị sụp lún, sạt lở ở ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải, nằm nối nhau những căn nhà đóng cửa im lìm. "Tụi nhỏ mới lớn kéo nhau đi làm ăn xa. Người lớn tuổi trong nhà cũng đi theo, lên đó làm bảo vệ, hoặc giữ cháu cho tụi nhỏ đi làm. Xóm này giờ vắng lắm", ông Lý Minh Tiến, một "người ở lại" hiếm hoi, ngậm ngùi.
Cà Mau hiện có khoảng 200.000 lao động rời quê lên tìm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ, trong số này nhiều người không có đất sản xuất, không có nghề nghiệp ổn định tại địa phương.
Tương tự, theo ông Võ Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang: Cuối năm 2003, dân số tỉnh Hậu Giang là 766.000 người. Qua gần 20 năm, thống kê cuối năm 2022 dân số của tỉnh chỉ còn hơn 729.000 người, tức giảm hơn 37.000 người, do nguyên nhân chính là di cư lao động .
Ông Tân cho biết, năm 2024 này, Hậu Giang bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn mặn. Bà con đã phải bỏ một vụ sản xuất trong khoảng ba tháng, thu nhập từ ruộng, vườn sụt giảm trầm trọng. Không chỉ vậy, có những địa phương, bà con phát triển nghề đan lát, mà nguyên liệu chính là lục bình trên sông. Song, hạn mặn gay gắt, lục bình chết, nguồn nguyên liệu tại chỗ không còn, khiến nghề làm thêm này cũng gián đoạn. Đặc biệt, những hộ nghèo, cận nghèo càng thêm nhọc nhằn. Do đó, một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là người trẻ, bắt buộc phải chuyển đến các thành phố lớn, những khu công nghiệp để tìm việc làm.
Còn tại tỉnh Bạc Liêu, những năm qua, cũng đã có nhiều cơ chế chính sách thu hút đầu tư, nhiều doanh nghiệp đến xây dựng nhà máy hay xí nghiệp sản xuất công nghiệp, nhằm thu hút lao động có tay nghề tại địa phương. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là số lượng việc làm chưa đáp ứng đủ nhu cầu, nhiều lao động vẫn phải "ly hương" để mưu sinh, nhất là những người trẻ hoặc lao động tự do không có tay nghề. Anh Nguyễn Văn Hưng (xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân), đã ba năm bươn chải ở Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: "Dẫu cuộc sống nơi đất khách quê người rất vất vả, nhưng cũng còn dễ tìm việc. Ở quê khó tìm được công việc ưng ý, lương lại thấp, không có tiền tích lũy".
Người dân huyện An Phú, tỉnh An Giang ổn định cuộc sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Ảnh: Phương Bằng |
Ðiều cốt lõi là việc làm tại chỗ
PGS, TS Nguyễn Đức Lộc, nhà nghiên cứu Nhân học và Xã hội học, Viện trưởng Nghiên cứu đời sống xã hội chỉ ra một bài toán đơn giản: "Một công lúa (1.000 m2) sau mỗi vụ, trừ đi chi phí thì lãi được 500.000 đồng. Nhưng nếu đi làm công nhân, mỗi tháng chịu khó chi tiêu tiết kiệm cũng gửi được về nhà hai triệu đồng (bằng bốn công lúa)". Như thế, khi cây lúa, vuông tôm, vườn trái... không còn nuôi sống được người nông dân, dưới áp lực khắc nghiệt của biến đổi khí hậu, họ sẽ dễ dàng bị thu hút về những cụm, khu công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương hay Đồng Nai. Ở đây, thu nhập và giá trị tạo ra của người di cư không những đủ trang trải cho cuộc sống bản thân, mà còn có thể gửi về quê nhà, giúp đỡ gia đình.
TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long, nêu quan điểm: Thực tiễn cho thấy, sự dịch chuyển lao động ở miền Tây là do địa phương chưa tạo ra việc làm cho người lao động. Vì vậy, họ chấp nhận rủi ro rời bỏ làng quê của mình tới nơi có cuộc sống bấp bênh. Do đó, muốn kéo họ về, cần xây dựng niềm tin và xây dựng làng quê trở nên "đáng sống", với cơ sở hạ tầng phát triển, với lực lượng doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư, cùng các khu cụm công nghiệp hoạt động thực chất.
Ông cũng chỉ ra: Hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ ở mức 14,5%, trong khi tỷ lệ bình quân cả nước là hơn 26%. Cho nên, đầu tiên, phải phát triển cơ sở đào tạo nghề, trường nghề đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Muốn dịch chuyển cơ cấu kinh tế của vùng và đảo ngược quá trình di cư, cần nâng tầm chất lượng nhân lực, chứ không phải chỉ có lao động cơ bản.
Đồng tình với quan điểm đó, ông Võ Xuân Tân nêu kiến nghị: Giải quyết bài toán người dân ly hương cần có giải pháp căn cơ, như có những chính sách cụ thể cho lao động nông thôn; phát triển ngành nghề, khu, cụm công nghiệp cũng như có chính sách liên quan hỗ trợ về tín dụng để tạo công ăn việc làm cho người dân. Ngoài ra, cần đẩy mạnh các dịch vụ trong nông nghiệp, đó cũng là lĩnh vực rất tiềm năng. Hiện nay, các dịch vụ cơ giới hóa cũng mang lại nguồn thu nhập cho người lao động địa phương.
Và theo nhiều ý kiến chuyên gia, mục tiêu "ly nông bất ly hương" chỉ có thể được thực hiện nếu địa phương thu hút được doanh nghiệp đầu tư, phát triển công nghiệp, giải quyết được bài toán việc làm tại chỗ, để người dân tự tin "an cư".