Góc nhìn

Tập trung vào tái cơ cấu, tháo gỡ khó khăn nội tại

Không né tránh thực trạng đầy khó khăn của ngành đường sắt, song khi trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân cuối tuần, ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tự tin về định hướng, chiến lược phát triển đúng đắn sẽ giúp ngành vận tải mũi nhọn lấy lại vị trí của mình.
Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam
Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam

- Xin ông lý giải về tình trạng, trong suốt thời gian dài thị phần vận tải đường sắt vẫn chiếm tỷ lệ khiêm tốn trong cơ cấu toàn ngành giao thông vận tải ?

- Ngành đường sắt đã có những nốt trầm hay còn gọi là “đường sắt ngủ đông”, bởi không kịp phát triển để cạnh tranh với các loại hình vận tải khác. Năm 2023, khó khăn chất chồng khi mà vận tải hàng hóa có sự thay đổi cơ cấu luồng vận chuyển, cạnh tranh về giá cước với vận tải đường biển khốc liệt hơn, rồi nhu cầu vận tải giảm khi hàng tồn kho của nhà bán lẻ ở mức cao, nhu cầu tiêu dùng suy yếu...

Thật ra, khó khăn của ngành thì giai đoạn nào cũng có, vấn đề là chúng tôi có những cách đối diện, nhìn thẳng vào những khó khăn ấy và tìm giải pháp để vượt qua. Trên thực tế, chúng tôi cũng đã và đang rất nỗ lực, đồng thời nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ, các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương có đường sắt đi qua.

- Cụ thể hơn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tập trung vào những giải pháp nào để thoát khỏi tình trạng “ngủ đông”, thưa ông?

- Thay vì chờ đợi đầu tư mới, chúng tôi lựa chọn làm thật tốt, khai thác thật hiệu quả những gì mình đang có, nỗ lực trong khả năng có thể để đổi mới, sáng tạo những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, biến nhược điểm thành ưu điểm. Thí dụ, lâu nay chúng ta vẫn biết hạn chế lớn nhất của vận tải đường sắt là tốc độ chạy tàu, vì vậy, chúng tôi đã và đang cung cấp các đoàn tàu du lịch hạng sang chạy chậm để hướng tới phân khúc khách hàng có thời gian, thích khám phá, trải nghiệm và tổ chức chạy tàu theo nhu cầu của khách…

Trong thời gian gần đây, chúng tôi đưa vào khai thác tàu SE19/20 kết nối tuyến du lịch Huế-Đà Nẵng, mở tuyến tàu đêm Đà Lạt-Trại Mát, nhằm mang lại cho hành khách những trải nghiệm mới, cảm nhận vẻ đẹp của Đà Lạt về đêm... Đây là tuyến đường sắt răng cưa độc đáo duy nhất tại Việt Nam phục vụ du khách tham quan thành phố Đà Lạt. Hay với tuyến Sài Gòn-Đà Nẵng, lần đầu, trên toa tàu, chúng tôi cải tạo mở rộng nhà vệ sinh, thay mới hoàn toàn nội thất. Đây không chỉ là một trong những giải pháp thu hút hành khách của ngành mà chúng tôi mong muốn đường sắt trở thành một dịch vụ kết nối, tham gia chuỗi cung ứng các sản phẩm du lịch, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa các vùng miền, các địa phương.

- Thưa ông, nếu định hướng đường sắt trở thành dịch vụ kết nối, sẽ cần đến sự hợp tác đa ngành, đa lĩnh vực cũng như sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền các tỉnh, thành phố trên cả nước?

- Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp các địa phương, doanh nghiệp đưa ra các sản phẩm du lịch đường sắt hấp dẫn, kết nối các điểm đến văn hóa, di sản, bao gồm các cơ sở công nghiệp, công trình hạ tầng, công trình kiến trúc nhà ga như: Ga Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Lạt... Trong đó, các nhược điểm như thời gian hành trình dài, tàu chậm được biến thành các ưu điểm với việc gia tăng các dịch vụ, tiện ích trên tàu phục vụ khách ưa trải nghiệm.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chủ động phối hợp chính quyền 34 tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua và các đối tác lớn, chiến lược như: Vincom, SunGroup, Vietravel, SaigonTourist… nhằm gia tăng các dịch vụ tiện ích và cung cấp đến khách hàng những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn. Đặc biệt, chúng tôi cũng sẵn sàng hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế để đưa vào khai thác các đoàn tàu du lịch hạng sang trên mạng lưới đường sắt Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để ngành góp phần quảng bá văn hóa, vẻ đẹp Việt Nam đất nước, con người ra với thế giới.

- Chính phủ vừa phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025, theo ông nhìn nhận, việc triển khai trên thực tế sẽ như thế nào?

- Trong các năm vừa qua chúng tôi đã thực hiện tái cơ cấu Tổng công ty với các nội dung sau: Sáp nhập năm chi nhánh Xí nghiệp đầu máy thành ba chi nhánh; Sáp nhập ba Ban Quản lý dự án thành một; chuẩn bị hợp nhất Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn thành Công ty Vận tải đường sắt (dự kiến cuối năm 2024). Việc hợp nhất này là mục tiêu chiến lược xuyên suốt của doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu bộ máy. Mục tiêu của hợp nhất là giải quyết vấn đề cạnh tranh giữa các đơn vị, tăng thu nhập của người lao động. Đồng thời, khai thác cơ sở vật chất, nguồn lực một cách hiệu quả nhất.

Có một điều rất quan trọng, từ năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 178/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, về huy động nguồn lực để đầu tư vận tải giao thông đường sắt, từ 2025-2045, ưu tiên phân bổ ngân sách nhà nước trung hạn và hằng năm để đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt, đặc biệt là đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam. Từ năm 2025-2045, ưu tiên tăng phân bổ ngân sách nhà nước bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt; ưu tiên bố trí nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi để đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt. Từ năm 2023-2045, Bộ Giao thông vận tải kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh đường sắt, dịch vụ hỗ trợ vận tải; tham gia đầu tư, kinh doanh phương tiện vận tải, các công trình hỗ trợ cho hoạt động vận tải...

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Chúng tôi đã và đang hướng đến phát triển các sản phẩm vận tải không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân mà hướng tới mục tiêu mỗi hành trình là một trải nghiệm, con tàu có thể thành điểm “check-in” di động; nhà ga là điểm đến của văn hóa, nghệ thuật, lịch sử và di sản”.

Ông Hoàng Gia Khánh

Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam