Họa sĩ Đặng Kim Ngân:

Vẽ nỗi nhớ Hà Nội

Họa sĩ Đặng Kim Ngân dành 5 năm để hoàn thành 18 bức tranh, trong đó có những bức khổ lớn, 200x80 cm hoặc 100x180 cm. Tất cả đều được vẽ bằng chì mầu trên toan, một chất liệu hiếm có họa sĩ Việt Nam nào theo đuổi, nếu không muốn nói, Đặng Kim Ngân hiện là duy nhất.
Họa sĩ Đặng Kim Ngân
Họa sĩ Đặng Kim Ngân

Bên cạnh chất liệu, có một điều đặc biệt khác trong cuộc trưng bày Mây ký ức (đang diễn ra tại Hanoi Studio Gallery từ ngày 21/9 đến 13/10): Tất cả các bức tranh là về Hà Nội của một người Hà Nội tại một không gian phòng tranh khá lâu năm của Hà Nội... dù tác giả đã có thời gian định cư tại Thành phố Hồ Chí Minh lâu hơn năm tháng sinh sống ở Hà Nội. Nhân Dân cuối tuần có cuộc trò chuyện cùng họa sĩ Đặng Kim Ngân.

Luôn giữ lại cảm giác "mình là người Hà Nội"

- Tôi muốn bắt đầu câu chuyện khởi nguồn cho "nỗi nhớ Hà Nội" của chị, đó là việc gia đình chị chuyển hẳn vào sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, đầu những năm 1990. Cuộc di chuyển đó tác động thế nào đến tinh thần của chị, một cô gái Hà Nội đang tuổi đôi mươi?

- Tháng 4/1991, gia đình tôi bắt đầu có sự bàn bạc về việc chuyển dời này. Mọi thứ đến rất nhanh, sau lần một người bác ruột, chị gái của mẹ tôi, ra thăm gia đình chúng tôi. Chỉ bốn tháng sau, chúng tôi đến nơi ở mới. Tôi nhớ tôi đã rất buồn, cả một năm trời sau đó mà vẫn thấy chưa quen được...

- Trong một năm ấy, có những điều gì đã an ủi chị hơn cả?

- Gia đình tôi và gia đình một số bác bên mẹ tôi vẫn sinh sống gần cạnh nhau, thế nên tôi, cũng như các anh chị em khác, vẫn luôn được sống trong những câu chuyện về Hà Nội mà bố mẹ tôi và các bác kể lại, ngày này qua ngày khác. Nền nếp của một gia đình Hà Nội xưa do ông bà ngoại truyền dạy cho bố mẹ tôi cũng như các bác vẫn được giữ gìn nguyên vẹn, thấm nhuần trong tôi.

Mẹ tôi hay kể những câu chuyện cũ về Hà Nội, những món ăn mà hiện giờ chẳng thể nấu lại nữa, những lần chuẩn bị đón Tết Trung thu, ông ngoại cho làm mâm cỗ choán cả gian phòng lớn, với đủ loại đồ chơi nhỏ xinh, con thỏ, cô công chúa, bộ đèn lồng... Một bà bác rất nhớ cốm, nhớ cách chọn loại cốm ngon nhất trong cả gánh hàng của người bán quen bao năm. Những câu chuyện đặc quánh Hà Nội ấy ảnh hưởng nhiều đến tâm hồn tôi, chúng giá trị vì làm cho tôi thêm tự hào về cội gốc của mình, tạo nên một Hà Nội trong tinh thần của riêng tôi và dường như không liên quan đến thực tại Thủ đô diễn ra theo năm tháng.

Tôi nhớ mầu của mùa đông Hà Nội, xám, lạnh. Nỗi nhớ ấy chi phối đến cả gam mầu cho các bài tập hình họa của tôi khi học tại Trường đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, cũng xám và lạnh như thế...

- Nhưng gam mầu ấy không còn là chủ đạo trong bộ tranh về Hà Nội lần này của chị. Vì sao vậy?

- (cười) Đó là câu chuyện của thời gian. Sau khi tốt nghiệp đại học, năm 1997, tôi đi làm luôn. Công việc của tôi chuyên về thể hiện bằng kỹ thuật đồ họa vi tính cho các cuốn sách tranh, truyện tranh. Từ năm 1999, tôi chuyển sang làm cho một công ty thiết kế game 3D, công việc chính là làm về chất liệu tạo hình trên game. Công việc này có cái thú vị là đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng cao độ cùng sự kiên nhẫn. Mọi chi tiết của nhân vật, đạo cụ được miêu tả rất cẩn thận, chân xác đến từng vết xước trên bề mặt, nhằm đạt hiệu quả thị giác cao nhất. Quãng thời gian 10 năm làm việc cho công ty này vô hình trung đã ảnh hưởng ít nhiều đến việc vẽ tranh của tôi về sau.

Vẽ nỗi nhớ Hà Nội ảnh 1
Cội rễ #1, chì mầu trên toan, 80x80cm, 2019. Ảnh: NVCC

- Có thể hiểu là chị đã không có thời gian vẽ tranh trong giai đoạn đi làm mà chị vừa chia sẻ?

- Đúng vậy. Có lần, tôi còn nói vui với bạn bè đồng môn là "cầm chuột thì bỏ cọ". Thú thật, tôi đã từng nghĩ, tôi sẽ không bao giờ quay lại việc sáng tác hội họa nữa.

Ký ức, nỗi nhớ rồi sẽ tan biến, như mây...

- Những chiếc cột điện xuất hiện khá nhiều trong bộ tranh Mây ký ức. Hình ảnh của chúng được tả cẩn thận nhưng vị trí của chúng trong tranh khác hoàn toàn trong thực tế, nên có gì đó siêu thực. Chúng là ẩn dụ cho một câu chuyện Hà Nội của riêng chị chăng?

- Nó gắn liền với những năm tháng học cấp hai của tôi, hồi đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Từ nhà tôi ở khu Vân Hồ đến Trường trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên trên phố Hàm Long tầm 1,5km, tôi đi bộ đến trường hằng ngày. Những cái cột điện như là mốc đánh dấu quãng đường cho tôi, trở nên thân quen, là một phần trong ký ức của tôi.

- Những mặt tiền các ngôi nhà được xây dựng từ thời thuộc Pháp cũng xuất hiện trong hầu hết các bức tranh của chị, nhưng không hoàn toàn là một căn nhà cụ thể mà như những mảnh ghép trích từ nhiều căn nhà khác nhau. Điều khiến tôi chú ý là không có một bóng dáng người nào trong các bức tranh của chị.

- Nhận xét của bạn gợi lại lý do tôi quyết định vẽ bộ tranh này. Năm 2019, mẹ tôi và tôi về lại Hà Nội, thu xếp để đón một người bác vào Thành phố Hồ Chí Minh đoàn tụ cùng các anh chị em. Trong thời gian đợi bác hoàn tất các thủ tục, chúng tôi thuê tạm một căn nhà trên phố Nguyễn Chế Nghĩa, con phố nhỏ nối phố Hàm Long với đường Trần Hưng Đạo, nơi vẫn còn dấu vết nhiều căn biệt thự được xây từ thời thuộc Pháp. Một hôm, bác tôi đến nơi chúng tôi ở. Bác nhận ra căn nhà ấy gần ngay cạnh căn nhà ông bà ngoại tôi có một thời gian đã sinh sống. Vậy là bác dẫn tôi đi loanh quanh mấy phố mà khi xưa, gia đình ông bà ngoại với 13 người con đã từng gắn bó, đều là các phố có từ thời thuộc Pháp.

Nghe các câu chuyện bác kể về phố và nhà từ thời đó, tôi nảy ra ý nghĩ vẽ về Hà Nội nhưng là cội rễ, nỗi nhớ của tôi. Từ đó, những gì tích tụ, thấm nhuần về thành phố bao năm tháng qua được dịp sống động trong tôi. Nhưng vì nhiều quá đỗi, nhớ quá đỗi nên tôi không muốn tả cụ thể, mà chỉ muốn thể hiện điều mà tôi ngẫm nghĩ về ký ức, nỗi nhớ Hà Nội của mình: Rồi chúng sẽ tan biến, như mây... Thời gian tôi sống ở Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều hơn gấp rưỡi thời gian tôi ở với Hà Nội rồi đấy, và tôi cũng đang già đi (cười).

Riêng về hình ảnh con người trong tranh, tôi không muốn đưa vào vì tôi nghĩ rằng, việc đó không cần thiết. Điều mà tôi muốn làm được là trong tranh không có người nhưng người xem vẫn cảm nhận được nhiều cuộc đời ở đó... Nhưng cũng có thể ở một bộ tranh khác sẽ có người (cười). Tôi nghĩ nhiều về hình ảnh những phụ nữ ngồi uống cà-phê một mình; trông họ thật hiện đại, mạnh mẽ, rất đẹp và mong muốn sẽ thể hiện được suy nghĩ của mình về họ trên tranh.

- Chị không tả một chi tiết cụ thể của Hà Nội mà muốn thể hiện suy nghĩ của mình về một Hà Nội của riêng chị. Điều đó khiến tôi mường tượng không gian hội họa của chị dành cho thành phố sẽ rộng lớn, có thể thể hiện ở nhiều bức tranh khác nữa.

- Tôi cũng nghĩ về một serie tranh tiếp theo về nhà tập thể Hà Nội. Hình ảnh ấy đã được thể hiện trong một số bức tranh trưng bày lần này nhưng tôi muốn tập trung thể hiện ký ức trong tôi về những khu nhà ấy. Gia đình tôi tuy không sống ở nhà tập thể nhưng hình ảnh ấy cũng gắn liền với tôi vì thường xuyên đến chơi nhà của các bạn. Nhớ cảnh dắt xe đạp qua từng tầng cầu thang, nhớ những ô nắng từ vách tường hoa giữa các hành lang...

- Chân thành cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Trong vòng 10 năm qua, họa sĩ Đặng Kim Ngân trở lại sáng tác hội họa toàn thời gian. Một trong 18 bức thuộc bộ tranh Mây ký ức, tiêu đề "Cội rễ #5", khổ 200x80 cm của chị từng giành Giải khuyến khích, Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2020.

Vẽ nỗi nhớ Hà Nội ảnh 2
Cội rễ #5, chì mầu trên toan, 200x80cm, 2020. Ảnh: NVCC