Văn hóa đình làng trong mắt người trẻ

Má đỏ môi hồng, tóc đen xù bồng ôm khuôn mặt thuần khiết Á Đông, Lê Giang thoắt ẩn, thoắt hiện trong phòng đa năng viện Goethe Hà Nội. Nghệ sĩ đang bao quát nốt phần việc để chỉn chu cho buổi ra mắt Tàn chỉ ngày 15-12, triển lãm cá nhân đầu tiên của cô.

Nghệ sĩ Lê Giang trong chuyến điền dã ở đình Tiền Lê (Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh | Đ.H
Nghệ sĩ Lê Giang trong chuyến điền dã ở đình Tiền Lê (Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh | Đ.H

Những thử nghiệm thú vị được chia sẻ bởi một cô gái 8x đời cuối, mang lại sự bất ngờ cho người nghe. Bức tranh về bốn chu kỳ chuyển dòng của sông Hồng có vẻ ít được người xem chú ý bởi hiệu ứng của tác phẩm điêu khắc sắp đặt Đình làng quá rõ nét. Tuy nhiên, quan sát kỹ, người xem tò mò hỏi nghệ sĩ về chất liệu giấy vẽ. Giang thuyết minh cho tác phẩm: Chất liệu và mầu vẽ là điểm độc đáo của bức tranh. Trong những chuyến điền dã, cô phát hiện người dân vùng sông nước ở miền trung thường lau máu cá bằng một thứ giấy khá đặc biệt, rất mỏng, trắng trong, dai và có độ thấm hút tốt. Tìm hiểu thêm, người dân địa phương cho biết thứ giấy đó được gọi nôm na là giấy cá, do họ tự làm lấy để dùng, ít bán vì giá rẻ, chả đáng bao nhiêu. Cô mua về để vẽ, thấy mang lại hiệu ứng khá thú vị. Bức tranh tham gia triển lãm được vẽ trên chất liệu giấy đó, gộp bằng bốn lớp chồng lên nhau. Mầu vẽ là đất phù sa sông Hồng trộn với keo...

Nghệ sĩ Lê Giang được đào tạo cơ bản từ Trường Mỹ thuật Yết Kiêu, rồi tiếp tục sang Anh theo học Cao học Nghệ thuật chuyên ngành Thực hành sáng tác. Tuy nhiên, như nghệ sĩ tự nhận, cô nặng duyên với văn hóa truyền thống. Năm 2012 Lê Giang về nước, tham gia nhiều dự án, triển lãm, hoạt động nghệ thuật ở Anh, Nhật, Singapore, Philippines với các phương thức thực hành đa dạng từ than đá, thạch cao... Trước đó Giang đã tham gia vào những dự án nhỏ về câu đối cổ, về cửa võng... cho nên cô có điều kiện tìm hiểu sâu về đời sống nông thôn và văn hóa dân gian. Năm ngoái, Giang tham gia một dự án về làng nghề. Từ những chuyến điền dã, cọ xát, lăn lộn với đời sống, cô trăn trở nhiều về mối quan hệ giữa nghệ nhân và nghệ sĩ, giữa cái đang hiện hữu và di sản đang dần mất đi bởi sự xâm lấn của cơn lốc đô thị hóa. Giang bày tỏ: đến các nước lớn, có nền văn minh lâu đời thường bị choáng ngợp đã đành, về các vùng nông thôn Bắc Bộ, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước những kiến trúc cổ của đình chùa miếu mạo, những họa tiết hoa văn chạm trổ tài hoa tinh tế không ngờ. Duyên tự đến, người dân làng Dục Nội (Đông Anh, Hà Nội), quê nội của Giang, hô hào đóng góp tiền của để xây dựng lại đình làng đã bị hư hỏng. Giang được các cụ tín nhiệm giao nhiệm vụ quản lý mỹ thuật. Và điểm khiến cô khi tìm hiểu càng thấy cuốn hút, thú vị từ những di sản là đình làng không chỉ đẹp về thị giác, đó còn là sản phẩm chứa đựng tâm tư, những quan niệm của người xưa về trời đất, cầu xin cho mưa thuận gió hòa. Người dân ta xưa quan niệm đình làng quan trọng với đời sống của người dân, đến độ, họ lý giải làng có nhiều người mắt lé là do đình đặt không đúng hướng...

Hoạt động này nằm trong chuỗi sự kiện 20 năm thành lập Viện Goethe tại Việt Nam. Tác phẩm Đình làng bằng thạch cao trưng bày tại triển lãm là thành quả của sáu tháng vừa lăn lộn với đình làng quê nội với gỗ lạt cột kèo, vừa sáng tác tác phẩm đình làng bằng thạch cao về một ngôi đình trong tâm tưởng. Cô mời chính người thợ cả đang thi công đình làng Dục Nội của cô đến tận nơi xin tư vấn về tỷ lệ, kích thước cũng như kết cấu cho tác phẩm của mình. Tác phẩm ván khắc, trích đoạn Bản quốc tàn chỉ bi ký lục được lấy cảm hứng ở di tích đình làng Chèm; được nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Đình Hưng dịch nghĩa: Đình là nơi tôn nghiêm nhất ở trong làng, trên là nơi thờ Thành hoàng, đặt thần vị, giữ thần sắc, là nơi nương dựa của thần; dưới thì là nơi hội họp của dân làng. Mỗi năm theo tiết, người trong làng tế lễ cầu phúc, rước thần nhập tịch ở đây, rồi trên dưới phân chỗ ngồi mà ăn uống... Ta nhận thấy việc thần có chỗ để an bị mà biết được lòng dân cũng yên ổn vậy.

Đình làng, cũng như di sản văn hóa làng nói chung, không chỉ xuống cấp, bị hủy hoại bởi tự nhiên như thời gian, như thiên tai hạn hán, mà nguy hại hơn, kho tàng di sản bị thay thế, biến mất bởi sự xâm lấn của đời sống hiện đại. Những tập tục sinh hoạt tại những ngôi đình biến đổi và mai một. Nhiều ngôi đình không thể khôi phục được nữa bởi đã cũ mọt chờ ngày đổ sập, mái ngói đổ từng mảng, cột kèo mối mục ăn gần hết; nhiều ngôi đền chỉ còn tàn tích, không hương án, không câu đối, không còn giữ được tinh thần của đình làng cũng như đời sống sinh hoạt cộng đồng biến mất... thì cũng dần biến dạng về kiến trúc. Dân làng nhìn những người trẻ tìm hiểu quan tâm, ngỡ là “người nhà nước” đã gửi gắm lời kêu cứu khẩn thiết nhờ chuyển đến cơ quan chức năng. Những chuyến điền dã, hiện trạng di tích mắt thấy tai nghe, mỗi thành viên dấy lên niềm cảm thương sâu sắc trước những tàn tích đình làng còn sót lại...

Văn hóa đình làng trong mắt người trẻ ảnh 1

Hoạ tiết chạm khắc đình làng trong triển lãm Tàn chỉ.

Những chuyến điền dã, hiện trạng di tích mắt thấy tai nghe, mỗi thành viên dấy lên niềm cảm thương sâu sắc trước những tàn tích đình làng còn sót lại...

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Hưng nói về những chuyến đi dọc triền sông, nhìn thấy những tam quan, trụ biểu đổ nát trơ trọi còn lại, là dấu vết của một công trình nào đó đã lún sụt hoặc đã bị di chuyển đi trong quá khứ. Mỗi khi bờ sông sạt lở vì lũ, người ta còn tìm thấy gạch ngói, chi tiết kiến trúc nằm lẫn cùng đồ gốm sứ, tiền cổ... Những thông tin, hình ảnh gợi hồi ức về những ngôi nhà tâm linh của cộng đồng nay đã trở thành những tàn chỉ hoặc còn thấy được trên mặt đất, hoặc vẫn nằm im lặng trong lòng đất... Những người trẻ trong cuộc sống hiện đại để định vị bản thân, cần thiết những truy vấn lịch sử, không phải bằng hành động đóng cửa im lìm suy tư, sáng tác, mà là sự bắt tay chung sức đồng chí hướng để cùng nhau tìm ra lời giải.

Tàn chỉ, tên của triển lãm, tàn tích của di chỉ - như tác giả giải thích. Đó là thành quả lao động miệt mài và nghiêm túc của một nhóm bạn trẻ, nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Đình Hưng, người đọc và giải mã các văn bản cổ tự; kiến trúc sư chuyên ngành tu bổ Phạm Thanh Thủy; và sự đóng góp công sức không nhỏ của chuyên viên tư vấn môi trường Nguyễn Thùy Dương. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án Định hình tương lai - Một góc nhìn văn hóa, do Viện Goethe Hà Nội khởi xướng và hỗ trợ kinh phí.