Văn hóa, chìa khóa phát triển giao thông

Văn hóa giao thông chính là hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. Đồng thời cũng là vấn đề tư duy và hành động chiến lược phát triển giao thông. Nhìn nhận như vậy, có thể nói văn hóa là chìa khóa phát triển giao thông.
0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù có lực lượng chức năng điều khiển giao thông, nhưng vẫn có không ít người vi phạm. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Mặc dù có lực lượng chức năng điều khiển giao thông, nhưng vẫn có không ít người vi phạm. Ảnh: ĐĂNG KHOA

NHỮNG ngày đầu năm 2024, lãnh đạo và các cơ quan chức năng của Hà Nội rất phấn chấn khi công tác giải phóng mặt bằng dự án giao thông đường vành đai 4, khâu nan giải nhất đã được hoàn thành. Thuần túy giao thông thì đây là dự án tầm khu vực vì kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh, thành phố chung quanh thành một vùng rộng lớn, có vị trí đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của cả nước. Về tư duy chiến lược, dự án thể hiện sâu sắc và dễ hình dung thế hội tụ và tỏa sáng của Hà Nội nghìn năm văn hiến. Thủ đô Hà Nội muốn phát triển bền vững nhất thiết và trước hết phải hội tụ được thế mạnh của cả vùng, đồng thời lan tỏa tinh hoa nghìn năm để cả vùng cùng phát triển. Tinh thần ấy đậm chất nhân văn truyền thống và triết lý phát triển thời hiện đại: "Muốn đi xa phải đi cùng nhau!". Viện dẫn đường vành đai 4 chỉ là cái cụ thể để minh chứng tư duy chiến lược giao thông được xây dựng từ nền tảng văn hóa thể hiện sinh động sự kết nối và chia sẻ.

Nhưng chuyện kẹt xe, ùn tắc giao thông vẫn hiện hữu hằng ngày trên đất Thủ đô là điều băn khoăn của toàn xã hội. Không thể phủ nhận hệ thống giao thông đã được nâng cao rất nhiều so trước đây. Các con đường được mở rộng, những cây cầu được xây dựng… kết nối nhiều địa bàn trước đây tưởng rất xa như Long Biên, Gia Lâm… nay bỗng gần và phát triển mạnh mẽ! Ùn tắc giao thông do hệ thống hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu là câu trả lời hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, nhìn cảnh sát giao thông điều hành trong giờ cao điểm mới thấy hết khối lượng công việc nặng nhọc và nguy hiểm như thế nào để điều hành giao thông. Và chúng ta biết, nếu có một hệ văn hóa, hệ chuẩn mực trong giao thông phát triển tốt, thì chúng ta sẽ giảm được nạn ùn tắc, giảm bớt sự vất vả cho cảnh sát giao thông.

XIN nói lại một số những khía cạnh của văn hóa giao thông mà nếu chúng ta làm tốt, thực hiện đầy đủ thì sẽ góp phần rất lớn vào trật tự, an toàn giao thông. Thứ nhất, văn hóa thượng tôn pháp luật. Trong xã hội hiện đại, mỗi công dân có văn hóa phải là người thượng tôn pháp luật. Đèn đỏ được quy định trong luật là tín hiệu dừng mọi hoạt động giao thông theo hướng đó. Có nghĩa là không chỉ xe cơ giới mà người đi bộ cũng không được đi qua. Vậy mà có người "vô tư" dắt xe đạp cồng kềnh vượt qua! Hiện tượng này đã giảm nhiều do lực lượng chấp pháp làm nghiêm, không nể nang dẫu "mang tiếng ác"! Nhưng khi vắng bóng lực lượng chấp pháp, thì nạn vượt đèn đỏ lại diễn ra. Câu hỏi đặt ra là: đến bao giờ người Việt mới có thể không vượt đèn đỏ khi không có công an, và ngay cả khi không có ai cả? Hay, hiện nay, việc triển khai xử phạt vi phạm nồng độ cồn rất quyết liệt, được xã hội đồng tình ủng hộ. Mặc dù Quốc hội đã phải trao đổi thảo luận về tính khoa học trong việc xác định nồng độ cồn, nhưng sự nghiêm khắc trong vấn đề này vẫn được số đông đồng tình, ủng hộ. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng cần tìm cả những người nài ép lái xe uống để xử phạt! Và việc xử phạt nghiêm đã khiến rất nhiều người khi tham gia giao thông không còn sử dụng rượu bia.

Thứ hai, văn hóa chia sẻ, nhường nhịn trong giao thông. Nét đẹp chia sẻ, nhường nhịn của người Việt hình như ít được thể hiện trong giao thông. Vừa là chấp hành luật pháp, vừa là nét đẹp văn hóa, nhưng không ít người tham gia giao thông ở Việt Nam không muốn thực hiện. Nhiều người muốn giành phần đường, kể cả phần đường không phải của mình để lao lên cho bằng được. Những cuộc "chen lấn" ấy phần lớn là "thất bại" vì lên trước được một phút nhưng ùn tắc hàng giờ. Bài học ấy có lẽ ai cũng đã từng trải khi tham gia giao thông ở phố phường, nhưng bệnh "thiếu chia sẻ và nhường nhịn" đã nhiễm khó bề chữa trị! Hãy hình dung, một ngày đẹp trời người tham gia giao thông Việt Nam chia sẻ, nhường nhịn nhau, khi ấy đường phố sẽ bớt ùn tắc ra sao? Hành xử, chịu thiệt vài ba phút, để nhiều người khác đỡ tốn thời gian và các vật chất tinh thần khác như là niềm vui, như là thói quen văn hóa thì tình trạng ùn tắc, lộn xộn chắc sẽ được cải thiện nhiều. Tấm gương đáng học tập về sự nhường nhịn và chấp hành nghiêm hướng dẫn, trong tình huống nguy nan, khẩn cấp của người Nhật Bản để thoát nạn tập thể thần kỳ trong tai nạn máy bay hy hữu cần được người Việt suy ngẫm và làm theo.

Thứ ba, cảm ơn và xin lỗi, hành xử có văn hóa khi tham gia giao thông. Trong giao thông không thể tránh hết các sự cố, nhất là những sự cố va chạm không mong muốn. Khi ấy sự chân thành với lời cảm ơn hoặc xin lỗi là rất cần thiết. Người gây sự cố dù không cố ý và không vi phạm luật cũng nên có lời xin lỗi. Nếu cần phải hỗ trợ, giúp đỡ nên sẵn lòng. Tiếc rằng, điều cần thì nhiều người đã không làm, mà thường "kịp thời đổ lỗi" để "giành phần đúng" nên sẵn sàng to tiếng, thậm chí gây gổ ngay để chiếm thế "thượng phong". Những người chung quanh "mải xem trò diễn" quên mất việc giúp đỡ người gặp tai nạn. Vậy là, giao thông ùn tắc, hình ảnh người Việt trong giao thông có phần không được đẹp lắm. Ngược lại, người bị nạn không kịp cảm ơn người giúp mình, thậm chí có trường hợp người nhà, người thân vừa đến, chưa rõ đầu đuôi ra sao đã "xử lý" người đang giúp người nhà mình, như là xử lý kẻ đã gây tai nạn! Phải chăng đây cũng là lý do để người Việt có câu: "đám ăn tìm đến, đám đòn tìm đi!". Không giúp vì sợ "vạ lây", cảm ơn chẳng thấy, tai họa không chừng!

Nhân bàn chuyện "vạ lây" người viết bài này nhớ lại chuyện cách đây đã hơn 20 năm. Khoảng hơn 23 giờ, trên đường về nhà ở Nghĩa Tân, tôi bỗng thấy có một người nằm bất tỉnh trên đường Hoàng Quốc Việt. Tôi yêu cầu dừng xe. Lái xe của tôi nói: không nên vì không khéo vạ lây đấy ạ! Tôi bảo: thấy người bị nạn mà không cứu là có tội! Chú lái xe đành dừng lại. Chúng tôi đỡ cậu gặp tai nạn lên xe đưa đến Bệnh viện E. Chú lái xe vẫn không bình tĩnh, vừa khai báo với bác sĩ, vừa run run. May sao, khi khai báo vừa xong thì người thanh niên kia tỉnh lại, nói rõ mình bị say ngã chứ không có ai va chạm. Ký giấy bàn giao bệnh nhân cấp cứu xong, lái xe đưa tôi về nhà. Lái xe nói với tôi: em xin sếp lần sau đừng bắt em làm thế, có ngày vạ lây!

Văn hóa giao thông, vì thế, cần được xây dựng trong cộng đồng, đó là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Đảng và Nhà nước ta, các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể và từng cá nhân. Đó là cách để phát triển đô thị thân thiện, an toàn, giữ gìn hình ảnh đẹp của giao thông Việt Nam.