Chúng ta xúc động nhớ lại thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nước ta bùng nổ (19-12-1946) chưa đầy năm, Bác Hồ đã canh cánh bên lòng hình ảnh những chiến sĩ ngày đêm chịu đói, chịu rét, vẫn hăng hái xung phong, đẩy lui mọi cuộc tiến công của địch để giữ từng căn nhà, khu phố... Trong cuộc chiến đấu không cân sức từ buổi đầu ấy, không ít chiến sĩ đã phải đổ máu, hy sinh. Trong thư gửi Ban thường trực của Ban tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc” (27-7-1947), Bác Hồ viết: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.
Kết thúc cuộc kháng chiến “Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ bị thương, đã rời quân ngũ trở về với gia đình, quê quán, tiếp tục cống hiến sức lực còn lại để xây dựng xóm thôn, phường, xã; nêu nhiều tấm gương tận tâm, trung hiếu, tất cả vì sự giàu đẹp, bình yên của cả cộng đồng xã hội. Dù bận trăm công nghìn việc của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Bác Hồ hằng ngày vẫn đọc Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân...; và khi có bài nêu tấm gương vượt khó của thương binh, Bác đều đánh dấu và yêu cầu cơ quan chức năng thưởng “Huy hiệu Bác Hồ” cho chính người được báo chí nhắc tên và miêu tả những việc làm cụ thể của họ.
Trong thực tế, đã xuất hiện hàng chục nghìn tấm gương thương binh ở mọi miền đất nước ta, đã và đang thực hiện xuất sắc lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn mà không phế”. |
Chúng ta không bao giờ quên ơn các thế hệ thương binh đã cống hiến máu xương cho các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Hàng nghìn, hàng vạn thương binh sau ngày giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc (30-4-1975) đang bằng suy nghĩ và hành động thiết thực thể hiện lời căn dặn sâu sắc ấy của Bác Hồ. Đó là thương binh loại 3/4 Trịnh Đăng Hiển ở Long An, từng chiến đấu ở chiến trường Cam-pu-chia giúp bạn, trở về xây dựng gia đình, cả hai vợ chồng tần tảo sớm khuya, dồn sức nuôi heo, chắt chiu từng đồng nuôi ba con ăn học, và cả ba đều trúng tuyển vào đại học. Đó là thương binh Hồ Phi Trang ở Thạch Hà, Hà Tĩnh, mất 44% sức lao động, từng là “dũng sĩ diệt xe tăng”; nay về quê với ý thức “còn sức còn cống hiến”, cả vợ chồng cùng ba con lên Tây Nguyên lập nghiệp, ngày nối ngày “tích tiểu thành đại”, đã có cơ ngơi khấm khá. Đó là thương binh Đặng Xuân Phóng ở huyện Yên Thế, Bắc Giang, cần mẫn sớm khuya cấy lúa, trồng vải thiều, nuôi gà, lợn, cá..., mỗi năm thu lời từ 120 đến150 triệu đồng. Đó là thương binh loại 1/4 Nguyễn Văn Giữ ở thành phố Cà Mau, mỗi khi trái gió trở trời, vết thương lại nhức đau hành hạ, nhưng không cản nổi nghị lực phi thường của anh. Vừa chăn nuôi, vừa đánh cá, cùng vợ nuôi con ăn học nên người. Đó là thương binh Lê Văn Ban ở huyện Vân Đồn, Quảng Ninh, bị thương tật 61%, vẫn kiên trì áp dụng kỹ thuật mới trong việc nuôi gà, nuôi lợn, tích cóp từng đồng nuôi hai con vào đại học; cùng lúc phải nuôi mẹ già và dì ruột. Đảm đương công việc sản xuất bận rộn nhiều bề, nhưng anh vẫn làm tốt nhiệm vụ chi hội trưởng hội nông dân; còn vợ được các đảng viên tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư chi bộ đảng...
Trong thực tế, đã xuất hiện hàng chục nghìn tấm gương thương binh ở mọi miền đất nước, đã và đang thực hiện xuất sắc lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn mà không phế”. Sự lao động cần cù, ý thức tự vượt lên bệnh tật và mọi khó khăn trong cuộc sống, với ý thức không đòi hỏi, trông chờ, ỉ lại vào Đảng, Nhà nước..., đã thật sự là động lực tinh thần lớn lao giúp các anh, các chị ấy làm đẹp bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Bằng mỗi việc làm dù nhỏ, họ đang góp sức tích cực vào việc gieo và nhân rộng những hạt giống mùa xuân đất nước!