Tuổi 35, những ấn tượng

Tháng 2/1989-tháng 2/2024, Nhân Dân chủ nhật, nay là Nhân Dân cuối tuần đã đi qua một chặng đường dài. Chặng đường ấy để lại trong tâm trí chúng tôi nhiều kỷ niệm, nhiều ấn tượng tốt đẹp.
0:00 / 0:00
0:00
Báo Nhân Dân cuối tuần đến với lính đảo Trường Sa. Ảnh: Trung Hiếu
Báo Nhân Dân cuối tuần đến với lính đảo Trường Sa. Ảnh: Trung Hiếu

Sự kiện thời sự và vấn đề thời sự

Người làm báo là người làm thời sự. Đó có thể coi là một định nghĩa về nghề, một yêu cầu, mục tiêu phấn đấu để hành nghề và thành nghề. Thành nghề xin được hiểu là thành thục; thành cây bút lão luyện, khi đã cao tuổi thì được coi là lão thành. Bởi không hiếm những người viết lâu năm mà không "thành", không để lại dấu ấn gì về nghề.

Khi Nhân Dân cuối tuần, tờ báo trẻ trong tờ báo lớn Nhân Dân ra đời, các nhà báo đàn anh ngồi dưới gốc đa, dặn dò: "Các em nhớ đấy, phải biết làm thời sự theo kiểu một tuần một số. Cái thời sự khác hằng ngày và khác hằng tháng, hằng năm". Lại đến chuyện "khác". Một tờ báo hay thì phải mới và phải khác. Bản thân tờ báo ấy tuần này cũng phải khác tuần trước, nếu không sẽ nhàm chán, bày cái món "biết rồi" không ai muốn thưởng thức. Các trưởng lão cắt nghĩa, vấn đề thời sự là tảng băng trôi. Nó không chìm, không đứng yên. Nó hình thành từ hàng trăm năm nhưng luôn luôn dự báo sự chuyển dịch. Chuyện này vừa mới xảy ra, từ "vấn đề" mà trở thành "sự kiện" thời sự luôn. Hôm 25/11/2023, Hãng tin Reuters đưa tin, tảng băng trôi lớn nhất thế giới, A23a, đã tách khỏi Nam Cực và trên đà dịch chuyển lần đầu sau hơn ba thập niên. Tảng băng khổng lồ có diện tích lớn gấp ba lần thành phố New York của Mỹ.

Thông tin và bình luận về các vấn đề thời sự, về những "tảng băng khổng lồ" mà không hóa đá, ấy là cách nói hình tượng dành cho người đi sau sự kiện. Nhưng đi sau thì có điều kiện làm kỹ, làm khác, có điều kiện để lật trái, lật phải, bình luận, dự báo.

35 năm qua, tờ tuần báo của chúng ta đã có hàng trăm, hàng nghìn sự kiện và vấn đề thời sự được đăng tải. Và nó làm nên bản sắc, không giống với tờ tuần báo khác. Tôi đọc không thật đều, thật kỹ, nhưng nhận thấy, các vấn đề thời sự được nêu lên khá sinh động, đa dạng. Nếu giám khảo rộng rãi một chút thì có thể đánh giá là Hay. Đó là các chuyên đề/tiêu điểm bám sát những vấn đề nóng, cần thiết và cần phải tuyên truyền. Đó là các bài, loạt bài điều tra, phóng sự về kinh tế, giáo dục, văn hóa, quốc tế... Các chuyên đề dẫn ra ở đây đã được trao Giải Báo chí quốc gia và nhiều giải báo chí toàn quốc của các ban, bộ, ngành trong năm 2023: Giá trị của hòa bình; Việt Nam, cống hiến và sẻ chia; Trị bệnh sợ trách nhiệm; Thời điểm vàng phát triển kinh tế tập thể... Là người thường xuyên viết về công tác đảng mà tôi thấy, tác giả viết về việc "né tránh, đùn đẩy" một cách tự nhiên, lôi cuốn quá: "Có người lo lắng, bây giờ làm việc gì cũng sợ sai. Ngay cả khi làm xong rồi cũng không biết có sai hay không? Nếu sai cũng không biết sai ở chỗ nào. Thậm chí, không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm. Vậy là, làm cũng chết, không làm cũng chết (!)".

Về thể loại ký, phóng sự, loạt bài Đất thiêng Côn Đảo của nhà báo Uông Thái Biểu kể về những câu chuyện cách nay hàng thế kỷ mà vẫn tươi ròng. Tươi ròng là bởi vì, theo chiêm cảm của tác giả: "Mỗi hòn đá cành cây, mỗi đợt sóng dâng trào biển khơi hay sẫm mầu núi biếc Côn Đảo đều có thể kể một câu chuyện về những thời, những người đã qua".

Chất văn trong báo

Thời Trung đại ở Việt Nam ta có những tác gia được coi là hội tụ nhiều tài năng, "văn-sử-triết" bất phân. Có những nho sĩ, văn sĩ, đồng thời kiêm cả y, lý, số, như Lê Hữu Trác, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu... Thời hiện đại lại có khái niệm mới "văn-sử-báo" bất phân. Phổ biến nhất là văn trong báo, báo trong văn, rõ nhất ở Báo Nhân Dân là Phan Quang, Thép Mới.

Trong nhiều năm qua, Báo đã duy trì được "chất văn" ấy. Không chỉ ở các trang văn nghệ, bản thân thể loại đã là văn rồi, như truyện ngắn, thơ, bút ký, tùy bút, mà còn ở dung lượng thông tin đầy đặn dành cho lĩnh vực văn hóa-văn nghệ. Nhưng chất văn xuyên thấm, trải rộng, sâu lắng lại là ở tác giả, ở người biên tập. Điều này các thế hệ phóng viên, biên tập viên đã ý thức được, đã cố gắng làm điều đó. Chất văn trong báo không phải là "làm văn", không phải là làm xiếc chữ mà là một cách nói nghệ thuật, dễ đi vào lòng người, chân thực và giản dị. Lại xin nhắc đến một số bài ghi chép: Qua tháng ngày hỏi sông ơi có nhớ (Văn Công Hùng); Khúc tráng ca xứ đá (Nguyễn Văn Học); Về lại Khánh Sơn (Phong Nguyên); Thơ còn rực lửa bên đồi Thi nhân (Khúc Hồng Thiện)...

Tại một cuộc họp cộng tác viên Nhân Dân cuối tuần, khi nói đến chất văn của tờ báo này, có nhà nghiên cứu phê bình cho rằng: Chính luận trên báo tuần của các bạn đúng mà chưa hay, đọc chưa sướng, vì chưa phải là văn chính luận. Vì nghèo chất văn mà chỉ thấy lý, thiếu tình, chỉ thấy giảng giải mà không thấy tâm tình, trò chuyện. Bài báo thường dừng ở những phân tích khô khan, do chủ quan, do áp đặt của người viết, do bạn chưa lắng nghe được ý kiến từ nhiều người, chưa tổng kết được nhiều từ chính mình, vì thế mà khô khan, sống sượng.

Với riêng tôi, nhận xét này thật thấm thía. Nhớ vào quãng năm 1990, tôi vào Gia Lai, nghe Già làng người Ba Na nói về ý chí vượt khó, cứ thấy nóng cả người. Nguyên văn: "Đặt chân vào gai, gai tù hết nhọn. Leo núi cao, núi cõng chân người".

Tuổi 35, những ấn tượng ảnh 1
Cùng với bản in Nhân Dân cuối tuần là phiên bản đọc báo trực tuyến trên nhiều nền tảng khác nhau. Ảnh: NGUYỄN HÀ

Truyền thống và hiện đại

Ở lứa tuổi 35 tràn đầy sức trẻ, Nhân Dân cuối tuần nói riêng, báo in nói chung đang đứng trước những thử thách nghiệt ngã. Thế giới báo động "báo in đã và đang chết". Báo in phải làm gì trong thời buổi khó khăn này? Thử thách nghiệt ngã nhất không phải tài năng người viết mà là sự phát triển như nước tràn bờ của công nghệ thông tin. Mạng xã hội đang thách các nhà báo chuyên nghiệp thi đấu. Các "nhà báo robot" đang kềnh càng chiếm chỗ ngay ở lối đi chính. Vậy nên, báo in phải tìm đến con đường riêng, điều mà gần đây các nhà báo nói rằng, cần có những ngách tiếp cận, chiêu thức/phương thức tiếp cận mới để chinh phục độc giả.

Nhưng dù đi theo "ngách" nào thì theo chúng tôi, vẫn phải giải quyết tốt mối quan hệ truyền thống và hiện đại. Giữ được phong độ tờ tuần báo đã có bản sắc là ở chỗ này. Truyền thống của Báo ta là trung thành với tôn chỉ, mục đích của Đảng, thông tin phải đúng và hay. Trong cái biển thông tin hằng ngày, công chúng tưởng như "bội thực", thế mà vẫn "đói" vì không biết tin vào những thông tin nào. Đương nhiên, làm sao giữ được nội dung truyền thống, hình thức truyền thống mà không bị lạc hậu là câu chuyện dài, rất dài.

Bây giờ xin bàn tới vấn đề hiện đại. Hiện đại nhưng không thoát khỏi truyền thống, làm thế nào để công việc làm báo luôn mang tính sáng tạo. Hiện đại đến bao nhiêu cũng xoay quanh "cái trục": cách kể chuyện hay; đào sâu suy nghĩ; tư duy phê phán và sự phán đoán; yêu cầu chính quyền và các tổ chức giải trình, v.v.

Khi nói đến làm báo hiện đại, đến "báo chí trí tuệ" không thể không nêu câu hỏi, vận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) như thế nào? Có khi nào máy móc thay thế hoàn toàn công việc viết bài? Mới đây tờ The New York Times, Mỹ, dùng hệ thống nhận diện khuôn mặt bởi AI để giúp các phóng viên nhận biết hơn 500 nghị sĩ Quốc hội. Còn trang ProPublica (tổ chức báo chí phi lợi nhuận, trụ sở tại New York) dùng công nghệ để nhận định những chủ đề quan trọng nhất được bàn thảo bên trong tòa nhà Quốc hội. Nhờ đó mà tòa soạn và bạn đọc theo sát được diễn biến nghị trường. AI còn có thể phân tích xu hướng và dữ liệu từ các nguồn khác nhau, như mạng xã hội, trang tin tức và diễn đàn để đưa ra thông tin chi tiết về các chủ đề nóng.

Một ngày không xa nữa các tờ báo ở nước ta sẽ hòa vào trào lưu chung của thế giới, bởi chúng ta đã có "Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030".

Hôm nay, kỷ niệm Ngày ra đời tờ báo thân yêu của chúng ta, xin không lạm bàn về các vấn đề mang tính học thuật. Những điều nêu trên chỉ là những suy nghĩ tản mạn trong ngày vui, nhớ về những kỷ niệm và trông đợi ở ngày mai, tin tưởng ở đội ngũ những người làm báo trẻ - thế hệ của những công dân toàn cầu.