Lúc còn nhỏ, A Gông (làng Kon Du, xã Măng Cành, huyện Kon Plông) đã từng nhiều lần xem bố và những người già trong làng đẽo tạc tượng gỗ bằng những dụng cụ thô sơ như dao, rựa, rìu. Sau hàng chục năm, ký ức vẫn lưu lại trong anh về những chi tiết, họa tiết đơn giản mà tinh tế trên những tượng gỗ nhỏ được người làng khắc tạc, rồi cầm trong tay nhảy múa trong tiếng cồng chiêng rộn ràng của lễ hội: lễ gieo hạt, lễ mừng lúa mới, lễ làm chuồng trâu… và khi kết thúc thì chôn xuống đất phía sau nhà để cầu chúc một vụ mùa bội thu.
Sau này, khi anh lớn lên thì những nghệ nhân làm tượng dân gian trong làng dần vắng bóng. Nhưng những ký ức đó tựa như đã ăn vào máu thịt. Anh nhớ tiếc một tập tục đẹp của buôn làng nên khi nông nhàn, lúc rảnh rỗi anh lại cầm rựa, cầm dao hí hoáy gọt gỗ. Nhiều khối gỗ bị đục hỏng phải bỏ đi nhưng anh đã dần tích lũy được những kinh nghiệm hữu ích cho mình. Cầm trong tay một khối tượng đục dở, anh giãi bày: "Đục tượng cái khó nhất là làm sao để từ một khúc gỗ mà nhìn ra cái dáng mình muốn, làm sao cho phù hợp và toát lên được cái hồn của tượng". Chỉ một nhát rìu chặt hỏng, nhát đục mạnh lỡ tay, nhát dao khoét không chính xác có thể phá luôn một khối tượng đã thành hình. Dần dần những bức tượng sinh động của anh được người làng để ý. Ngoài 20 tuổi, anh đã được biết tiếng trong vùng: "Bà con khen lắm, cứ hỏi sao tôi lại biết làm tượng, tôi học ở đâu thế. Tượng tôi đục đặt quanh nhà, bà con đến chơi thích nên hỏi xin, hỏi mua khá nhiều"- anh hồ hởi nói khi nhớ lại những tháng ngày ban đầu làm nghề.
Theo nghệ nhân A Gông, không giống tượng gỗ nhà mồ của nhiều dân tộc Tây Nguyên khác, tượng gỗ dân gian của người Mơ Nâm thường khá nhỏ, chỉ cao khoảng 40-50cm, mô tả mọi sinh hoạt thường ngày của đồng bào như: lên rẫy, giã gạo, địu con, cho con bú, đánh cồng chiêng, uống rượu cần… Tượng thường hiện diện trong các lễ hội truyền thống của buôn làng, hay bày quanh nhà chứ không đặt ở phần mộ. Những bức tượng trông có vẻ sơ sài, thô mộc mang vẻ đẹp chất phác, hồn nhiên và giàu biểu cảm, ẩn trong đó là đời sống tâm linh, là những phong tục tập quán truyền đời và cuộc sống thường nhật của đồng bào. A Gông còn có những bức tượng tạc khuôn mặt của những người thân đã khuất như một cách thể hiện tình yêu và sự tưởng nhớ. Qua những bức tượng này, như có một sợi dây liên kết gắn bó với tổ tiên, nguồn cội, với truyền thống văn hóa lâu đời. Trong gian nhà mới dựng với những bức tượng người, tượng thú to nhỏ để rải rác, anh chân thành chia sẻ: "Nói chung trong cuộc sống mình thấy cái gì hay thì tạc theo suy nghĩ, cảm giác của mình thôi". Tài hoa, sự sáng tạo và tình cảm của người nghệ nhân đã tạo nên vẻ đẹp khác biệt, linh hồn cho mỗi bức tượng. Cũng chính bởi thế, dù cùng một chủ đề nhưng hầu như mỗi bức tượng lại có một hình dáng, nét đẹp riêng.
Được tạo điều kiện tham gia những sự kiện giao lưu với các nghệ nhân tạc tượng Tây Nguyên khác khiến anh nhận rõ những khác biệt trong nghệ thuật tạc tượng của người Mơ Nâm từ khuôn mặt cho đến biểu cảm. Điều này càng làm anh thêm tự hào và mong muốn gìn giữ, lan tỏa truyền thống văn hóa ấy đến với mọi người. Hơn 20 năm làm nghề, anh đã đi nhiều nơi, tham gia nhiều sự kiện về văn hóa-du lịch, trình diễn nghệ thuật tạc tượng và hào phóng chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về văn hóa của đồng bào mình. Những cuộc giao lưu như thế cũng giúp anh học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm. Theo anh A Gông, anh đã học được cách làm tượng kích thước lớn, cách tận dụng từng khối gỗ theo hình dáng, kể cả những khúc gỗ cong queo, để lựa tạc tượng sao cho chuẩn dáng tránh làm hỏng hay làm tượng bé mà lãng phí.
Tượng gỗ của nghệ nhân dân gian A Gông đã vượt khỏi làng Kon Du để đến với những không gian khác như khu homestay của nghệ nhân Y Lim ở thị trấn Măng Đen, vườn tượng ở công viên trung tâm thị trấn Măng Đen, vườn tượng gỗ Tây Nguyên ở Đà Lạt, rồi một số điểm du lịch ở TP Hồ Chí Minh... Không chỉ làm tượng gỗ nhỏ truyền thống, giờ đây A Gông được đặt hàng những bức tượng lớn cao cả mét. Cuối năm ngoái, show trình diễn thời trang thổ cẩm Tây Nguyên của nhà thiết kế Minh Hạnh và một số nhà thiết kế có tiếng khác dưới sự chủ trì của UBND huyện Kon Plông tại Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen đã đặt anh làm 30 tượng gỗ cao khoảng 1-1,5 mét làm trong thời gian hai tháng. Bình thường một bức tượng như vậy anh phải làm trong khoảng 2-3 ngày, vì thế muốn hoàn thành kịp thời gian, anh đã thuê thêm 3-4 người để làm phần thô cho các tượng gỗ. Những đơn đặt hàng như thế giúp anh có thêm điều kiện thu hút và truyền nghề cho không ít thanh niên người dân tộc thiểu số trong làng để họ có thêm thu nhập. Kèm theo đó là những am hiểu sâu sắc về nghề tạc tượng và niềm tự hào với truyền thống văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
Những tác phẩm chất chứa tình cảm và tài hoa của A Gông, người nghệ nhân dân gian đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, đã góp phần gìn giữ, làm giàu thêm bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên và lan tỏa vẻ đẹp ấy đến với muôn người.