Thủ phủ Đất sen hồng

Từ sự hiếu học đến thành phố học tập toàn cầu

Thành phố Cao Lãnh - Thủ phủ Đất sen hồng Đồng Tháp là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, truyền thống hiếu học. Tiếp nối những giá trị ấy, những ngày qua, thành phố liên tiếp mang đến cho nhân dân niềm vui xen lẫn tự hào khi đường sách đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long “mọc lên” ở thành phố trẻ, rồi thành phố được vinh danh “Thành phố học tập toàn cầu UNESCO”.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Miki Nozawa, Trưởng Ban Giáo dục Văn phòng UNESCO tại Hà Nội trao chứng nhận cho thành phố Cao Lãnh và nhận biểu trưng, hoa do tỉnh Đồng Tháp trao tặng.
Bà Miki Nozawa, Trưởng Ban Giáo dục Văn phòng UNESCO tại Hà Nội trao chứng nhận cho thành phố Cao Lãnh và nhận biểu trưng, hoa do tỉnh Đồng Tháp trao tặng.

Khi đến công tác tại thành phố Cao Lãnh, chúng tôi bắt đầu quan tâm đến sự học của vùng đất này và tinh thần hiếu học của người Cao Lãnh. Còn nhớ cách đây 12 năm, Quỹ Khuyến học Lê Văn Huỳnh được thành lập, đến nay đã “mang đến mùa xuân” cho hằng trăm học sinh, sinh viên nghèo viết tiếp ước mơ đến trường, có em giờ đã là bác sĩ, giáo viên về lại quê nhà công tác giúp ích cho đời.

Chúng tôi cũng vô cùng cảm kích trước sự học của người dân Cao Lãnh. Vùng đất này có những gương sáng tiêu biểu cho tinh thần học tập suốt đời như cô Huỳnh Thị Thu khi nhận bằng đại học thứ 3 ở tuổi 70 và còn có ý định tiếp tục học thêm một đại học nữa. Chính những công dân học tập tiêu biểu như cô Thu đã góp phần đưa Đồng Tháp trở thành tỉnh duy nhất trong cả nước có đến 2/5 thành phố được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc chứng nhận là thành viên Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cao Lãnh, Võ Phan Thành Minh cho biết: “Thành phố được UNESCO công nhận là thành phố học tập toàn cầu giúp cho người dân có những cơ hội thuận lợi hơn trong việc trao đổi ý tưởng, tri thức và kinh nghiệm với các thành phố thành viên khác trên toàn thế giới. Đồng thời, tiếp cận với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giáo dục của UNESCO nhằm cập nhật kiến thức và thực tiễn tại các hội thảo, hội nghị học tập toàn cầu của UNESCO”.

Niềm vui nối tiếp niềm vui khi đường sách thành phố Cao Lãnh, đường sách đầu tiên ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và là đường sách thứ 5 trong cả nước được ra mắt, tạo môi trường thúc đẩy văn hóa đọc. Đường sách được xây dựng với tiêu chí là nơi tôn vinh, giới thiệu, quảng bá văn hóa đọc, các nhà xuất bản có gian hàng tại đây đều không tập trung vào việc bán sách mà nỗ lực xây dựng những hình ảnh đẹp về sách.

Việc hình thành Đường sách tại vị trí trung tâm của thành phố sẽ là hình mẫu cho việc quy hoạch phát triển văn hóa đọc trong tương lai. “Với nhiều hoạt động phong phú, thành phố mong muốn Đường Sách thật sự trở thành điểm đến thân thiện, là lựa chọn hàng đầu của du khách trong cả nước khi đến tham quan tại đồng bằng sông Cửu Long, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch thành phố. Đặc biệt, Đường Sách sẽ lan tỏa niềm say mê đọc sách tới du khách và bạn bè quốc tế”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cao Lãnh, Võ Phan Thành Minh mong muốn.

Thành phố Cao Lãnh được công nhận là thành viên mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu, cũng như có được Đường Sách đầu tiên của khu vực, đó là niềm tự hào của cả quê hương Đất sen hồng Đồng Tháp. Theo Ủy ban nhân dân thành phố Cao Lãnh, thời gian tới, địa phương tiếp tục huy động nguồn lực để thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả người dân thành phố. Đồng thời, kêu gọi người dân thành phố xây dựng thói quen học tập suốt đời thông qua việc hằng ngày dành một khoảng thời gian nhất định cho việc đọc sách, báo, tạp chí để cập nhật thông tin, kiến thức và tích cực tham gia các nội dung, hoạt động liên quan đến việc thực hiện các tiêu chí về xây dựng thành phố học tập toàn cầu do chính quyền thành phố tổ chức.