Năm 2022, dù tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, song VEC đã nỗ lực bảo đảm ổn định hoạt động quản lý, khai thác các tuyến đường cao tốc, lưu lượng xe và doanh thu đều tăng trưởng ấn tượng,…
Lưu lượng phương tiện tăng ấn tượng
Thành lập tháng 10/2004, VEC là doanh nghiệp nhà nước đầu tư, quản lý khai thác, bảo trì và thu phí hoàn vốn hệ thống đường cao tốc quốc gia. Sau 18 năm xây dựng và phát triển, VEC tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt trong hoạt động đầu tư xây dựng và vận hành, khai thác mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia. Hiện nay, VEC đang trong quá trình tái cơ cấu để sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động. Với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ Giao thông vận tải, sự quyết liệt của tập thể lãnh đạo, cán bộ nhân viên VEC đã đồng lòng vượt khó và đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Hoạt động quản lý khai thác trên các tuyến cao tốc của VEC thời gian qua tiếp tục được duy trì ổn định, bảo đảm vận hành, khai thác an toàn, thông suốt; chú trọng việc triển khai xây dựng cơ chế, chính sách về quản lý khai thác đường cao tốc. Đồng thời, 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý cũng được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ kịp thời, khắc phục hư hỏng đột xuất, bảo đảm chất lượng khai thác. Trong năm 2022, tổng lưu lượng xe lưu thông trên 4 tuyến cao tốc của VEC ước đạt 53 triệu lượt, tăng 46,3% so năm 2021.
Cụ thể, tuyến Đà Nẵng-Quảng Ngãi đạt 2,1 triệu lượt, tăng 10,3%; Cầu Giẽ-Ninh Bình 19,2 triệu lượt, tăng 39,1%; Nội Bài-Lào Cai 13,6 triệu lượt, tăng 43,1% và đặc biệt, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây đạt 18,1 triệu lượt, tăng 64,1%. Với lưu lượng xe tăng cao, tổng doanh thu thu phí của VEC cũng tăng khoảng 31% so năm 2021, ước đạt 4.422 tỷ đồng, vượt 15% so kế hoạch.
Ghi nhận những nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, nhân viên VEC, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã xếp loại Công ty mẹ - VEC đạt doanh nghiệp loại A năm 2021. Theo đánh giá, VEC là một trong số ít các doanh nghiệp thuộc cơ quan này đạt lợi nhuận dương trong năm 2021.
Áp dụng thu phí tự động không dừng
Để hỗ trợ quản lý khai thác trên 4 tuyến cao tốc, VEC đã và đang sử dụng các dịch vụ quản lý vận hành đa dạng, công nghệ tiên tiến, nâng cao hiệu quả đầu tư. Kể từ ngày 1/8/2022, VEC đã hoàn thành lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) trên các tuyến đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư. Với hình thức thu phí này, người tham gia giao thông trên các tuyến cao tốc của VEC được tạo thuận lợi tối đa, tiết kiệm thời gian, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Đồng thời, VEC cũng giảm chi phí vận hành, nhân công và tăng cường tính công khai, minh bạch, tránh thất thoát. Ngoài ra, hệ thống thu phí ETC còn góp phần quan trọng trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu giao thông quốc gia, đồng bộ hạ tầng giao thông cả nước.
Giúp tăng hiệu quả đầu tư và bảo đảm an toàn, nâng cao năng lực vận hành cho 4 tuyến cao tốc, VEC đã kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung hạng mục mở rộng đoạn Đại Xuyên-Liêm Tuyền từ quy mô 4 làn lên 6 làn xe trong giai đoạn 1 của dự án cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình và phương án đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, Nội Bài-Lào Cai (đoạn Yên Bái-Lào Cai). VEC còn xây dựng, trình cấp có thẩm quyền Đề án chủ trương về phương án cơ cấu lại mô hình tổ chức hoạt động, trong đó, làm rõ Chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Về mục tiêu ngắn hạn, trong năm 2023, VEC kỳ vọng tổng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách nhà nước cao hơn năm trước. Đối với tập thể cán bộ, nhân viên, người lao động của VEC, đây là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu kế hoạch 5 năm (2021 - 2025), tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, tạo tiền đề cơ cấu lại doanh nghiệp thành công.