Trà Vinh mở đường ra biển lớn

Trà Vinh án ngữ vị trí cửa ngõ ra Biển Đông của các địa phương khu vực đồnq bằng sông Cửu Long. Thời gian qua, nhiều dự án trọng điểm giao thông vận tải như cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ 53, 54, 60; mở luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu; xây khu cảng biển tổng hợp Định An,... đưa vào khai thác đã tạo thành mạng lưới giao thông kết nối đồng bộ, thông suốt và hiệu quả, mở đường ra biển lớn cho toàn vùng.
0:00 / 0:00
0:00
Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu được khai thác hiệu quả sẽ thúc đẩy thông thương bằng đường biển.
Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu được khai thác hiệu quả sẽ thúc đẩy thông thương bằng đường biển.

Tháo gỡ “nút thắt” hạ tầng

Trước đây, hạ tầng giao thông của Trà Vinh thuộc diện khó khăn nhất nhì vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trên đường bộ, trục đường thông thương của tỉnh chỉ có tuyến quốc lộ 53 kết nối hai tỉnh Trà Vinh-Vĩnh Long và quốc lộ 1. Qua thời gian dài khai thác, các hạng mục cầu cống, mặt đường ở cả hai tuyến do không được bảo trì thường xuyên, đã xuống cấp nghiêm trọng, việc giải cứu nông sản hằng năm luôn là bài toán nan giải của tỉnh.

Hai cửa biển gồm Định An phía sông Hậu và Cung Hầu phía sông Tiền hằng năm bị phù sa bồi lắng, tàu tải trọng lớn ra vào rất khó. Vì thế, cảng nội địa Long Đức, thành phố Trà Vinh chưa phát huy hết hiệu quả.

Những năm gần đây, hưởng lợi từ dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long, các tuyến quốc lộ 53, 54 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã được cải tạo, nâng cấp, góp phần giảm ùn tắc và tạo điều kiện liên thông các vùng. Riêng dự án tuyến quốc lộ 53, đoạn từ thành phố Trà Vinh đến xã Long Toàn, thị xã Duyên Hải dài 43,88km, quy mô đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, mặt đường rộng 12m, với tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng.

Đây là dự án giao thông quan trọng cấp bách, được Quốc hội thông qua phương án sử dụng 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020. Năm 2021, các công trình cầu, đường của dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tháng 5/2015, cầu Cổ Chiên trên quốc lộ 60, nối liền hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh hoàn thành và đưa vào khai thác, đã phá thế độc đạo về giao thông đường bộ. Cầu có tổng chiều dài hơn 1,6km, mặt đường rộng 20,5m, tải trọng HL-93, vận tốc 80km/giờ, tổng mức đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng, trong đó, phần vốn của nhà đầu tư BOT hơn 1.200 tỷ đồng.

Dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu giai đoạn 1, giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư gần 12.600 tỷ đồng. Mục tiêu dự án là xây dựng luồng tàu biển cho tàu mớn nước đến 8m, trọng tải 10.000 tấn đầy tải, 20.000 tấn giảm tải, đáp ứng lượng hàng hóa thông qua 21-22 triệu tấn/năm, hàng công-ten-nơ 450.000-500.000 TEUs/năm; hình thành bể cảng tại kênh Tắt và phối hợp cảng biển tổng hợp Trà Vinh tại Khu kinh tế Định An.

Công trình gồm: luồng ra vào sông Hậu dài 46,5km, bao gồm đoạn sông Hậu dài 19,2km, đoạn kênh Tắt dài 8,2km, tuyến đê chắn sóng dài 2,4km. Từ nguồn vốn ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, giai đoạn 2 của dự án triển khai xây kè bảo vệ kênh Quan Chánh Bố dài 18,6km; 4,7km đường dân sinh,... Dự kiến, năm 2023, các hạng mục công trình giai đoạn 2 hoàn thành và đưa vào sử dụng. Dự án là công trình hàng hải trọng điểm của ngành giao thông vận tải, quy mô lớn nhất của cả nước, là động lực thúc đẩy kinh tế toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Từ nguồn vốn ODA hỗ trợ phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, vốn ngân sách địa phương, dự án tuyến đường bộ ven biển kết nối các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang sẽ triển khai với tổng mức đầu tư hơn 28.500 tỷ đồng. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, dự án xây dựng đường cấp 3 đồng bằng, xây 5 cầu vượt sông lớn và giai đoạn 2 dự kiến sau năm 2025. Tuyến đường bộ ven biển đưa vào khai thác kết nối giao thông liên vùng và rút ngắn hơn 70km đến Thành phố Hồ Chí Minh đối với các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh.

Theo Quyết định số 878/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, dự án cầu Đại Ngãi trên quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng sẽ triển khai thực hiện từ năm 2022 đến hết năm 2026, với tổng mức đầu tư hơn 8.014 tỷ đồng. Dự án cầu Đại Ngãi với chiều dài thiết kế toàn tuyến là 15,2km; trong đó, phần cầu dài 3,42km, phần đường dẫn gồm một số cầu trung, cầu nhỏ trên tuyến dài 11,78km, tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/giờ.

Hình thành trung tâm kinh tế biển, năng lượng sạch

Các công trình giao thông lớn đưa vào sử dụng đã tháo gỡ được nút thắt giao thông, kinh tế Trà Vinh có điều kiện phát triển. Theo Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 5/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Định An, tỉnh Trà Vinh đến năm 2030; khu kinh tế có quy mô hơn 39.000ha, nằm trên các huyện Duyên Hải, Trà Cú và thị xã Duyên Hải.

Khu kinh tế Định An ưu tiên phát triển sản xuất điện năng, hóa dầu, đóng tàu và các ngành công nghiệp phụ trợ khác; phát triển dịch vụ, du lịch với các sản phẩm độc đáo gần với kinh tế cảng, khu phi thuế quan. Trà Vinh đã thu hút doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đến từ các quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời.

Nằm trong Khu kinh tế Định An, dự án Trung tâm điện lực Duyên Hải được triển khai với diện tích 878,9ha, công suất hơn 4.400MW, tổng vốn 5 tỷ USD, gồm các nhà máy nhiệt điện đốt than công nghệ tua-bin ngưng hơi truyền thống và cảng than. Hiện nay, Công ty Nhiệt điện Duyên Hải đã quản lý, vận hành thương mại các nhà máy nhiệt điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo đảm đủ điện cho phát triển kinh tế, xã hội khu vực miền nam.

Tháng 1/2021, Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam Trà Vinh 1 đưa vào hoạt động dự án Nhà máy Điện gió Đông Hải 1 tại huyện Duyên Hải. Đây là dự án điện gió ngoài khơi có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, quy mô 25 tua-bin gió, với tổng công suất 100MW, sẽ bổ sung khoảng 330 triệu KWh năng lượng xanh mỗi năm vào lưới điện quốc gia. Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy Điện sinh khối Trà Vinh, công suất thiết kế 25MW: với tổng vốn đầu tư trên 1.066 tỷ đồng. Dự án triển khai tại xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú với các hạng mục xây dựng gồm nhà máy điện sinh khối công suất 25MW và các hệ thống phụ trợ khác gồm đường dây đấu nối, bến cảng nhiên liệu 300 tấn. Dự kiến, năm 2025, dự án đưa vào vận hành thương mại.

Việc triển khai thực hiện các công trình, dự án lớn về giao thông thủy, bộ qua địa phận tỉnh đã giúp Trà Vinh tháo gỡ nút thắt về giao thông bấy lâu, đánh thức tiềm năng, cơ hội, mở đường không chỉ cho sự phát triển của tỉnh, mà giúp nhiều tỉnh trong khu vực dễ dàng thông thương ra biển lớn, tạo sức bật quyết định sự phát triển kinh tế, xã hội cho cả vùng.

Tỉnh hiện có 380 dự án còn hiệu lực; trong đó có 37 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 3,07 tỷ USD và 343 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 137.922 tỷ đồng. Tỉnh đang tập trung thu hút đầu tư, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế năng lượng tái tạo với tổng công suất khoảng 46.500MW..., kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, bảo quản thủy, hải sản; chế biến thức ăn thủy sản và các dự án nuôi tôm nước lợ công nghệ cao, nuôi tôm sinh thái xuất khẩu quy mô lớn.

Từ một tỉnh thuần nông còn nhiều khó khăn, mấy năm trở lại đây, Trà Vinh tạo dấu ấn tăng trưởng khá nổi bật của vùng đồng bằng sông Cửu Long; riêng năm 2019, tăng trưởng đạt 14,85%. Sự vươn lên của tỉnh Trà Vinh đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho những địa phương khác.