Sóc Trăng hướng đến môi trường đầu tư bền vững

Sóc Trăng là tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có điều kiện tự nhiên trù phú, đa dạng. Sản lượng lúa của tỉnh trên 2 triệu tấn/năm; trong đó, sản lượng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm trên 91%; thuỷ sản đạt gần 340.000 tấn/năm. Trong năm 2022, chỉ riêng hai mặt hàng thủy sản và gạo đạt giá trị xuất khẩu hơn 1,4 triệu USD. Lợi thế khác biệt của Sóc Trăng là tiềm năng phát triển kinh tế biển với các ngành như: Cảng biển, logistics, năng lượng sạch, du lịch biển… đã và đang hình thành môi trường đầu tư bền vững!
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng trao giấy phép cho các dự án đầu tư ký kết năm 2022.
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng trao giấy phép cho các dự án đầu tư ký kết năm 2022.

Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, năm qua tỉnh đã tiếp và làm việc với 150 lượt nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh, chấp thuận chủ trương đầu tư cho 8 dự án; trong đó, đã cấp quyết định chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 2.434 tỷ đồng. Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022, tỉnh đã trao 4 quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 12.000 tỷ đồng, ký kết 18 biên bản ghi nhớ nghiên cứu, khảo sát đầu tư với tổng số vốn đầu tư khoảng 212.000 tỷ đồng trong các lĩnh vực giao thông, xây dựng, đô thị, logistics, chuyển đổi số. Đã có 11/18 nhà đầu tư tham gia ký bản ghi nhớ có đề xuất dự án cụ thể.

Những ngày đầu năm mới 2023, Sóc Trăng khẩn trương tập trung thực hiện các công việc để thúc đẩy nhanh việc triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng, trọng tâm là Dự án Cảng biển Sóc Trăng tại Trần Đề - cảng cửa ngõ của vùng ĐBSCL và quốc tế. Dự án kết hợp hạ tầng giao thông đồng bộ được đầu tư như cầu Đại Ngãi, tuyến đường bộ ven biển kết nối Trà Vinh - Bạc Liêu, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, kết nối thông suốt cho hệ thống giao thông của khu vực ĐBSCL.

Địa phương đã và đang đa dạng hóa các hình thức đầu tư nhằm phát triển cơ sở hạ tầng tại 3 khu công nghiệp và 9 cụm công nghiệp; phát triển hạ tầng theo định hướng phát triển đô thị thông minh, xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời khai thác lợi thế hành lang kinh tế ven sông Hậu kết nối khu vực kinh tế biển, từng bước đô thị hóa ven biển nhằm phát triển đồng bộ khi các dự án cảng biển, khu công nghiệp được hình thành, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, ăn ở, vui chơi giải trí của người lao động làm việc tại các dự án.

Để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh vùng ven biển, tỉnh Sóc Trăng phát triển nuôi thuỷ, hải sản theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, xuất khẩu; chú trọng khai thác gắn với việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông nghiệp kết hợp chế biến, chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm gia tăng chất lượng và giá trị nông sản.

Sóc Trăng tập trung kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành nghề dịch vụ, thương mại chất lượng cao kết hợp với các dự án du lịch nhằm phát triển và hoạt động đồng bộ các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí. Sau khi Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt, tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi.

Đồng chí Trần Văn Lâu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, để cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính.

Tỉnh tích cực hỗ trợ, cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư, kịp thời giải quyết khó khăn trong quá trình triển khai đến khi đi vào hoạt động. Phát triển doanh nghiệp nhanh về số lượng gắn với chất lượng; trong đó, trọng tâm phát triển doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh theo theo hướng liên kết, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; phát triển doanh nghiệp công nghệ số và thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

“Cùng với tăng cường thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tỉnh Sóc Trăng sẽ tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, rộng thị trường, phát triển thương mại điện tử. Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch; chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh nhằm tạo môi trường phát triển bền vững cho các nhà đầu tư” - Đồng chí Trần Văn Lâu nhấn mạnh.