Vĩnh Long cải thiện tốt môi trường đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng khôi phục tăng trưởng kinh tế và thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long trao giấy chứng nhận cho các nhà đầu tư. (Ảnh BÁ DŨNG)
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long trao giấy chứng nhận cho các nhà đầu tư. (Ảnh BÁ DŨNG)

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh cùng các ngành và địa phương, đến cuối năm 2022 có 20/21 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, trong đó có 13 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phục hồi kinh tế được tập trung thực hiện kịp thời, các khu vực kinh tế đều có tốc độ tăng cao hơn cùng kỳ năm 2021.

Trải thảm mời gọi đầu tư:

Ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Từ đó, các cấp, các ngành đã có những chỉ đạo quyết liệt và liên tục nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, năm 2022, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh bị cản trở, đình hoãn; bên cạnh đó, việc thay đổi về cơ cấu tính điểm và bổ sung các chỉ tiêu thành phần trong bộ chỉ số PCI năm 2021 cũng ảnh hưởng đến kết quả đo lường chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, Vĩnh Long đứng vị trí thứ 23 của cả nước, đã giảm điểm và thứ hạng (giảm 17 bậc) so với năm 2020; kết quả đánh giá Chỉ số cải cách hành chính (PAPI) năm 2021 của tỉnh đạt 41.833 điểm, đứng thứ 38/63 tỉnh, thành phố, giảm điểm và thứ hạng so với năm 2020 (giảm 15 bậc) so với năm 2020.

Các cấp, các ngành đã nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ về thuế, bảo hiểm, khoản vay đối với doanh nghiệp theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ: (1) Năm 2022 thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho người nộp thuế là 490,577 tỷ đồng; gia hạn nộp thuế theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP cho 1.472 tổ chức, doanh nghiệp, người nộp thuế có yêu cầu với số tiền 284 tỷ đồng; (2) Các chi nhánh ngân hàng thương mại tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19: (i) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 1.115 khách hàng với dư nợ 681 tỷ đồng (trong đó có 34 doanh nghiệp với dư nợ 494 tỷ đồng); (ii) Miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 7.615 khách hàng với dư nợ 5.147 tỷ đồng (trong đó có 201 doanh nghiệp với dư nợ 2.846 tỷ đồng) với số lãi được miễn giảm là 16,55 tỷ đồng; (iii) Cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt 24.217 tỷ đồng cho 4.511 khách hàng.

Doanh nghiệp hoạt động ổn định:

Trong năm, tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 406 doanh nghiệp, đạt 86,8% kế hoạch; tổng số vốn đăng ký là 3.252,2 tỷ đồng. Trong kỳ, có 103 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại. Tuy nhiên, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn nên có đến 79 doanh nghiệp giải thể và 162 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Ước đến ngày 31/12/2022, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 440 doanh nghiệp, tăng 106 doanh nghiệp so với năm 2021; tổng số doanh nghiệp đang hoạt động và kê khai thuế là 3.900 doanh nghiệp.

Để phát triển kinh tế bền vững, thời gian tới, Vĩnh Long tiếp tục tạo nền tảng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025: (1) Tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế; bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ và phát triển các thành phần kinh tế; (2) Kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh, chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giữ ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; (3) Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu; (4) Nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (5) Giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Đẩy mạnh, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.