Lan truyền niềm tự hào cộng đồng
Những năm 70 của thế kỷ trước, sức hút từ cuộc sống đô thị đã khiến nhiều thanh niên Nhật Bản rời quê hương nông thôn di cư đến các thành phố lớn để tìm kiếm việc làm. Vì lý do đó, người dân địa phương ở một số vùng nông thôn trong tỉnh Oita đã khởi xướng các hoạt động phục hồi cộng đồng nhằm xem xét các nguồn lực địa phương, tìm cách bổ sung giá trị mới cũng như sự khác biệt cho sản phẩm để tiến hành quảng bá và bán hàng.
Ông Hiramatsu, Thống đốc tỉnh Oita vào thời điểm đó, đã tổng hợp những tiến bộ của các hoạt động do người dân địa phương khởi xướng dưới tên gọi "Phong trào Một làng, một sản phẩm". Từ đây, khái niệm OVOP đã lan rộng khắp cả nước, thúc đẩy việc chuyển đổi từ xây dựng thương hiệu "sản phẩm đặc biệt", tức là chỉ tập trung vào sản phẩm tại địa phương, sang "thương hiệu địa phương", tức là mở rộng đáng kể vùng quan tâm, không chỉ sản phẩm cụ thể mà còn là truyền thống, đặc tính văn hóa, phong cách sống... để làm tăng sức hấp dẫn của toàn bộ địa phương, nhất là đối với du khách từ bên ngoài.
Thị trấn Kamikatsu, quận Katsuura, tỉnh Tokushima, là nơi dân số đang suy giảm và già đi nhanh chóng. Từ năm 1996, cư dân địa phương đã tìm cách tự hồi sinh thị trấn bằng hoạt động kinh doanh lá, có tên gọi "Irodori". Trong tiếng Nhật, từ này có nghĩa là tô mầu, cũng có thể hiểu theo nghĩa thay đổi cách sử dụng một vật, biến nó thành thứ đẹp hơn, có ý nghĩa hơn. Những phụ nữ cao tuổi trong thị trấn ra rừng tìm lá, hoa dại, cành cây nhỏ, đẹp, mang về nhà vệ sinh sạch sẽ và sắp xếp, tạo hình thành hộp trang trí, thích hợp để làm quà tặng, lưu niệm. Có tới gần 90% diện tích của thị trấn được bao phủ bởi rừng, nguồn tài nguyên thiên nhiên lý tưởng cho mô hình kinh doanh lá. Thị trấn Kamikatsu còn nổi tiếng với việc cộng đồng tự thành lập một trung tâm xử lý rác thải Zero Waste Centre, trong đó có việc biến đồ phế thải thành đồ trang trí.
Thị trấn Ama ở ngoài khơi thuộc quần đảo Oki, tỉnh Shimane lại là nơi người dân hướng tới xây dựng thương hiệu địa phương bằng cách tận dụng những thứ họ có là phong phú các loại hải sản tự nhiên, được sơ chế hoặc chế biến thành món ăn sẵn theo những cách thức phù hợp, đặc biệt là hàu đá Haruka; bên cạnh đó còn có thịt bò Oki, một trong những sản phẩm góp phần làm nên uy tín của thịt bò Nhật Bản trên thế giới. Đến nay, mỗi năm Ama đều đón khoảng 100 cư dân mới, chính là người Ama nay trở lại quê hương sinh sống.
Thị trấn Kanra, thuộc quận Kanra, tỉnh Gunma lại chọn hướng tập trung du lịch nông nghiệp và xen canh, thu hút không chỉ người trẻ Nhật Bản về đây lập nghiệp mà còn cả người trẻ nước ngoài.
"Ðịa phương nhưng toàn cầu"
Hai nguyên tắc còn lại trong nhóm ba nguyên tắc xây dựng phong trào Mỗi làng một sản phẩm là "địa phương nhưng toàn cầu" (tạm dịch từ "Local yet Global") và "phát triển nguồn nhân lực".
Cho dù cộng đồng cư dân trong làng có nhiều quyền tự quyết trong lựa chọn hướng xây dựng thương hiệu sản phẩm của mình, chính quyền địa phương vẫn đóng vai trò quản lý và điều tiết các mạng lưới quan hệ thương mại, du lịch trong và ngoài nước, mở rộng phạm vi ảnh hưởng của sản phẩm, phát triển hệ sinh thái sản phẩm mới từ mô hình lõi OVOP. Từ "mỗi làng một sản phẩm" có thể trở thành "mỗi làng hơn 100 sản phẩm", "mỗi làng một kiệt tác" (One village one masterpiece)- tức là sản phẩm đặc sắc địa phương.
JICA là nơi giới thiệu và hỗ trợ đưa mô hình OVOP ra thế giới một cách bài bản. Các chương trình hợp tác trao đổi kinh nghiệm chuyên gia, các khảo sát đánh giá mô hình có tính sáng tạo, đem lại lợi nhuận cao ở nước sở tại tiếp tục được cơ quan này thống kê, phân tích, nghiên cứu và nhân rộng kết quả.
Từ sáng kiến của một địa phương của Nhật Bản, giờ đây, OVOP không chỉ còn của riêng địa phương ấy mà đã thành một phong trào có sức sống, lan tỏa. Đây là một minh chứng sống động cho thành công của kết hợp công-tư trong kinh doanh sáng tạo của Nhật Bản. Sản phẩm OVOP của nhiều ngôi làng Nhật Bản đã theo chân khách du lịch đến nhiều quốc gia trên thế giới