Tự chất vấn để luôn tỉnh táo!

Dù chỉ mất vài phút để người tiêu dùng thông tin có thể nhận ra điểm bất hợp lý, nhưng số lượng người dùng mạng xã hội - trong đó có không ít bạn trẻ - vẫn dễ dàng bị thao túng bởi Cheapfake. Chia sẻ với Nhân Dân cuối tuần, PGS, TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), kiến giải về hiện tượng này và gợi mở một vài giải pháp.
PGS, TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội)
PGS, TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội)

- Trước tiên, theo ông, tại sao những tin giả thấp cấp được tạo nên một cách thô sơ vẫn có thể dễ dàng khiến cho nhiều người trẻ tin tưởng? Và những hệ lụy mà điều này có thể dẫn đến?

- Vâng, tôi cho rằng một nguyên nhân lớn dẫn đến việc bị dẫn dắt thao túng bởi cheapfake là: Trong bối cảnh quá tải thông tin hiện nay, những người trẻ thường ưu tiên tốc độ tiếp nhận thông tin, thay vì sử dụng tư duy phản biện về nguồn thông tin được tiếp nhận.

Đã có nghiên cứu khảo sát chỉ ra: Năm 2000, khi tiếp cận một bài viết có vẻ thú vị trên mạng, giới trẻ kiên nhẫn được khoảng 12 giây để đọc mẩu tin đó. Nhưng đến năm 2020, sự kiên nhẫn này đã giảm xuống trung bình chỉ còn khoảng tám giây. Hãy hình dung, nếu chỉ sử dụng tám giây để cập nhật một bài viết mà cá nhân cảm thấy thú vị và muốn đọc thông tin, thông thường chúng ta sẽ chỉ đọc tít của bài báo, xem cái ảnh (đôi khi chỉ lướt qua chú thích ảnh), và lưu ý những câu trích dẫn được làm nổi bật. Với cách đọc hời hợt ấy, rất khó nhận ra những điểm bất hợp lý.

Thứ hai, không chỉ giới trẻ mà người đọc thông thường sẽ xuất hiện hiệu ứng tâm lý “khẳng định thiên kiến” (confirmation bias). Chúng ta dễ dàng tự động tin vào những thứ phù hợp với mindset (kiểu tư duy) của mình, và bỏ qua những thông tin mâu thuẫn với quan điểm đó. Vậy nên, nếu tin giả phù hợp với những giả định có sẵn, thì bạn có thể sẽ bỏ qua một vài điểm bất hợp lý nho nhỏ, để tự động tin vào nó.

Và tất nhiên, hậu quả là chúng ta bị dẫn dắt, bị thao túng bởi tin giả, mà cơ bản là cheapfake. Tin vào tin giả khiến chúng ta cũng trở thành một công cụ đắc lực để lan truyền nó. Lâu dần, với lượng “ngấm” đã đủ, nó sẽ có đủ sức mạnh để làm thay đổi thế giới quan và nhân sinh quan, thậm chí có thể làm xói mòn niềm tin vào các giá trị chính thống, âm thầm làm gia tăng xung đột trong xã hội, và đưa đến những hậu quả khó lường.

- Không chỉ tiếp nhận thụ động, hiện nay, có không ít bạn trẻ lại chủ động tạo ra những cheapfake. Ông nhìn nhận thế nào về hiện tượng này?

- Thật ra, hiện tại, với không ít người trẻ, “di sản” để lại sau khi chúng ta trở về cát bụi sẽ gắn liền với chuyện “tên mình ra sao khi search trên Google” (cười).

Giới trẻ thường cảm thấy mình lạc hậu nếu không bắt kịp những tin tức nóng. Đó là một phần hệ quả của Hội chứng Sợ bị bỏ lỡ (FOMO), như tôi đã nhắc đến nhiều lần cùng quý báo. Cũng bởi tâm lý này, nỗi sợ phải là người đi sau trở nên lớn hơn nhiều so nỗi sợ lan truyền thông tin sai lệch, bởi nhiều bạn trẻ cho rằng: Sai, thì cũng chỉ cần đính chính và xin lỗi là xong. Sau đó, cái vòng luẩn quẩn này lại tiếp tục.

Không những vậy, nỗi ám ảnh muốn được chú ý, muốn "chiếm spotlight" khiến cho họ có thể kể những câu chuyện được thêm các gia vị theo tưởng tượng và suy diễn của họ, để có vẻ thú vị và cuốn hút hơn. Khi câu chuyện đó được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, bản thân "tác giả" thậm chí cũng có xu hướng tự động tin vào câu chuyện mà mình tạo nên đó.

- Vậy, làm thế nào để trang bị và củng cố một "hàng rào bảo vệ" cho giới trẻ? Vâng, thưa ông, vấn đề đặt ra ở đây là để kiểm chứng được mức độ tin cậy của thông tin, cần có những nguyên tắc đáng lưu ý nào? Làm thế nào để không trở thành nạn nhân của Cheapfake, chưa nói đến Deepfake?

- Gần đây, công thức REAL (Sự thật) thường được nhắc đến, bắt đầu bằng R - Read the URL (xem địa chỉ trang web xem có phải nguồn tin từ một cơ quan truyền thông chính thống, uy tín không); sau đó là E - Examine the content (kiểm tra xem nội dung có rõ ràng hợp lý không, thông tin có mâu thuẫn không, ảnh có cập nhật đúng thời gian không); rồi đến A - Ask about author (tác giả là ai, họ có đáng tin cậy và có chuyên môn trong lĩnh vực không); và sau cùng là L - Look at the links (kiểm tra chéo các liên kết).

Chúng ta cũng có bộ tiêu chí COCA - viết tắt của Currency (Tính cập nhật), Objectivity (Tính khách quan), Credibility (Độ tin cậy) và Audience (Đối tượng), mỗi yếu tố đều đóng vai trò quan trọng trong việc xác định giá trị của một nguồn thông tin.

Hơn hết, chúng ta cần phát triển thói quen tư duy phản biện, hết sức tránh cảm tính. Luôn nghi ngờ những thông tin có vẻ đúng, gây sốc, thúc giục bạn phải hành động ngay. Lúc đó hãy nhắc nhở mình về các công thức REAL hoặc COCA để kiểm tra và xác thực lại thông tin.

Hiện nay, ngày càng có nhiều công cụ xác thực thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có trang web để cảnh báo tin giả), bên cạnh đó cũng có nhiều trang web hỗ trợ kiểm tra thông tin (fact checking) như FactCheck.org, hoặc Google Image Search để bạn xác thực thông tin và hình ảnh. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại, ai cũng có thể dễ dàng tạo nên hoặc bị cuốn theo cheapfake, thí dụ như những tấm ảnh câu view được dàn dựng thô sơ bằng các công cụ AI miễn phí, nhưng lại được phát tán đúng thời điểm, nương theo cảm xúc của dư luận.

Cuối cùng, tôi muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ còn đang chủ động dàn dựng hay "nhắm mắt" chia sẻ cheapfake. Hãy tự hỏi bản thân: Liệu những người lớn - cha mẹ, người thân, thầy cô, mọi người chung quanh tôi có nghĩ rằng điều này là phù hợp không? Điều này có thể làm cho tôi gặp rắc rối ở trường học hay với pháp luật không? Nó có cung cấp bất kỳ thông tin nào về tôi hoặc người khác mà tôi không nên chia sẻ không? Nội dung này có nói lên tôi là ai hay không? Tôi có muốn mọi người nhìn nhận như thế về mình không? Điều này có thể ảnh hưởng thế nào đến các cơ hội tương lai của tôi, chẳng hạn như học bổng và việc làm?

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Bộ tiêu chí COCA

Currency: việc đánh giá xem thông tin có còn mới mẻ, phù hợp với thời gian hiện tại hay không? Thông tin này được xuất bản hoặc cập nhật gần đây chưa? Đối với các chủ đề cần thông tin cập nhật (như tin tức, khoa học, công nghệ), thông tin cũ có còn giá trị không?

Objectivity: Đánh giá tính khách quan của thông tin. Thông tin có bị thiên lệch hoặc thể hiện ý kiến cá nhân không? Thông tin này có cung cấp nhiều góc nhìn khác nhau không? Tác giả có đưa ra thành kiến cá nhân không? Bài viết có mục đích quảng bá hay lôi kéo sự ủng hộ một quan điểm cụ thể không?

Credibility: Nguồn gốc của thông tin và độ uy tín của tác giả, tổ chức đứng sau. Thí dụ, đối với website thì thông tin có sai sót gì không? Mức độ sai sót như thế nào? Có tài liệu/dẫn chứng minh họa cho thông tin được cung cấp không? Trang web được tạo lập, duy trì và quản lý thế nào? Cơ quan/người quản lý là ai? Còn đối với các bài tạp chí, sách báo thì chú ý xem tác giả có phải là chuyên gia trong lĩnh vực này không? Tác giả làm việc ở đâu? Tác giả có liên quan gì đến các tổ chức được hưởng lợi từ các nghiên cứu? Nhà xuất bản có phù hợp không?

Audience: Đối tượng người đọc thông tin là ai? Họ cần kiến thức nền tảng nào để hiểu nội dung này? Thông tin có được viết cho các chuyên gia trong lĩnh vực, hay cho công chúng rộng rãi?