Càng đơn giản, càng khó đối phó!

Cheapfake thật ra không phải là một hiện tượng mới, mà đã xuất hiện từ thế kỷ 20. Song hành cùng sự phát triển của internet và mạng xã hội, các dạng Cheapfake càng được phát tán rộng rãi, thông qua nhiều dạng thức khác nhau, tác động đến nhiều mặt của xã hội.
Những bức ảnh AI fake và ảnh dựng (cắt từ clip của kênh YouTube single mum) có thể được dùng để kêu gọi lòng hảo tâm.
Những bức ảnh AI fake và ảnh dựng (cắt từ clip của kênh YouTube single mum) có thể được dùng để kêu gọi lòng hảo tâm.

Đặc biệt, trong một số cộng đồng đặc thù, Cheapfake có thể lan truyền rất nhanh chóng mà ít gặp phải các ý kiến trái chiều, nhờ vào sức lan tỏa mạnh mẽ của mạng xã hội và xu hướng tiêu dùng thông tin của xã hội hiện đại. Do đó, Cheapfake luôn là một ẩn họa đích thực.

Cheapfake và hệ lụy thời 4.0

Về mặt định nghĩa, Cheapfake là thuật ngữ chỉ những nội dung giả mạo được tạo ra bằng các kỹ thuật đơn giản, không đòi hỏi công nghệ phức tạp như Deepfake. Cheapfake có thể là các video, hình ảnh hoặc âm thanh bị chỉnh sửa bằng các công cụ đơn giản như cắt ghép, tua nhanh, làm chậm, thêm văn bản hoặc thay đổi âm thanh. Những chỉnh sửa này thường nhằm thay đổi ngữ cảnh hoặc tạo ra sự hiểu lầm, từ đó gây hoang mang, dẫn dắt dư luận hoặc phục vụ các mục đích lừa đảo.

Khác với Deepfake, vốn sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy để tạo ra các nội dung giả nâng cao và khó phát hiện, Cheapfake chỉ cần những công cụ cơ bản và kỹ thuật thô sơ, do đó có thể dễ dàng được tạo ra trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, sự đơn giản trong cách thức tạo lập không làm giảm đi tính nguy hiểm của Cheapfake; mà ngược lại, nó trở nên phổ biến vì sự dễ tiếp cận và nhanh chóng gây ảnh hưởng.

Như đề cập, Cheapfake không phải là một hiện tượng mới. Giai đoạn đầu, vào thế kỷ 20, các kỹ thuật chỉnh sửa hình ảnh thô sơ đã được sử dụng trong các tờ báo và truyền thông để định hình dư luận. Những bức ảnh cắt ghép, thêm bớt chi tiết nhằm thay đổi câu chuyện không phải là hiếm gặp. Sau đó, sự phát triển nhanh chóng của internet và các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, Twitter đã khiến Cheapfake bùng nổ về quy mô và tần suất. Chỉ cần một phần mềm chỉnh sửa video miễn phí và kỹ năng cơ bản, bất cứ ai cũng có thể tạo ra các nội dung Cheapfake, để phát tán đến hàng triệu người. Cho đến ngày nay, Cheapfake đã trở thành một công cụ được sử dụng rộng rãi không chỉ bởi các cá nhân mà cả các tổ chức với mục đích chính trị, thương mại hoặc lừa đảo.

Internet và mạng xã hội chính là những “cánh tay đắc lực” giúp Cheapfake gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng, như: Làm mất uy tín và danh dự - Cheapfake có thể được dùng để hạ bệ danh tiếng của cá nhân, tổ chức thông qua việc tạo ra các nội dung sai lệch về họ. Chúng ta hoàn toàn có thể bắt gặp một video bị chỉnh sửa có thể khiến người xem tin rằng một chính trị gia, một doanh nghiệp, một người tu hành... đã có những lời nói hoặc hành vi không đúng quy chuẩn đạo đức hay quy phạm pháp luật; Gây hiểu nhầm và chia rẽ cộng đồng - Tin giả phổ thông có thể được dùng để lan truyền thông tin sai lệch, gây hiểu nhầm và kích động xung đột giữa các nhóm cộng đồng, tôn giáo, chính trị; Lừa đảo và chiếm đoạt tài sản - thông tin sai lệch thường được sử dụng trong các chiến dịch lừa đảo trực tuyến. Hiện nay, các đối tượng hoàn toàn có thể dễ dàng tạo ra các video giả mạo một người nổi tiếng khuyên dùng một sản phẩm nào đó, có thể khiến người xem mua hàng hoặc đầu tư mà không kiểm tra kỹ lưỡng. Hay, sẽ không khó để chúng ta bắt gặp các biển quảng cáo có hình ảnh của ngôi sao Hàn Quốc đang… cắt tóc tại một tiệm nhỏ ở Việt Nam; Đe dọa an ninh và chính trị - Cheapfake còn có thể làm xói mòn niềm tin của người dân với chính quyền, gây mất ổn định xã hội.

Đòi hỏi giải pháp đồng bộ

Để phòng chống Cheapfake hiệu quả, cần có sự phối hợp toàn diện giữa các cá nhân, tổ chức và chính phủ. Các giải pháp kỹ thuật hay hành chính không thể có được hiệu quả cao nếu như dân trí và tư duy phản biện của công dân vẫn ở mức thấp.

Đầu tiên luôn phải bắt đầu từ nâng cao nhận thức và giáo dục. Tăng cường giáo dục về kỹ năng số và truyền thông, về nhận biết thông tin giả mạo, kỹ năng kiểm tra thông tin và phê phán các nguồn tin không đáng tin cậy. Chú trọng xây dựng các chương trình đào tạo về kỹ năng số, nhắm đến mọi đối tượng từ trẻ em, học sinh, sinh viên cho đến nhân viên văn phòng, giúp họ hiểu rõ về Cheapfake và cách phòng tránh.

Thứ hai, đầu tư cho công nghệ và công cụ phát hiện. Hiện nay đã có khá nhiều công cụ trực tuyến có khả năng phát hiện các nội dung chỉnh sửa như InVID (để kiểm tra video), TinEye (kiểm tra ảnh), giúp người dùng kiểm tra độ tin cậy của các nội dung nghi ngờ. Hoặc, đơn giản nhất là sử dụng Google để kiểm tra nguồn gốc ảnh. Đầu tư, phát triển, áp dụng AI để phát hiện Cheapfake. Đây là giải pháp đang được các công ty công nghệ lớn phát triển các thuật toán AI để có thể phát hiện các dấu hiệu chỉnh sửa trong video và hình ảnh, giúp ngăn chặn sự lan truyền của Cheapfake.

Thứ ba, hoàn thiện Quy định pháp lý và kiểm duyệt. Thắt chặt các quy định pháp lý, cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng và áp dụng các luật pháp mạnh mẽ để xử lý những cá nhân hoặc tổ chức tạo ra và phát tán Cheapfake. Khi chế tài đủ mạnh và có khả năng thực thi, những hành vi vi phạm sẽ ít cơ hội xảy ra hơn. Các nền tảng mạng xã hội cũng cần được áp các khung chính sách chặt chẽ để kiểm duyệt và gỡ bỏ các nội dung Cheapfake, đồng thời cung cấp cho người dùng công cụ để báo cáo các nội dung sai lệch. Trình độ và bản lĩnh của người kiểm duyệt cũng phải được nâng cao, để có thể nhận dạng các dấu hiệu đáng ngờ.

Thứ tư, nâng cao trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng khi kiểm tra thông tin trước khi chia sẻ. Với mặt bằng dân trí và tư duy phản biện còn hạn chế, đây là thách thức đầu tiên và lớn nhất để ngăn các thông tin sai lệch được phát tán. Không ngừng tăng cường ý thức cộng đồng, khuyến khích cộng đồng cùng nhau chống lại Cheapfake bằng cách báo cáo các nội dung sai lệch và không lan truyền chúng, thông qua những công cụ từ các cơ quan có thẩm quyền.

Xét cho cùng, dù muốn hay không, Cheapfake vẫn tồn tại trong cuộc sống. Việc nhận diện và phòng chống Cheapfake là một nhiệm vụ cấp thiết trong thời đại số, đòi hỏi sự hợp tác của mọi người từ cấp độ cá nhân đến toàn cầu, nhằm bảo vệ tính trung thực của thông tin.

Đặc điểm nhận dạng Cheapfake, trên thực tế, được thể hiện khá rõ qua các tiêu chí: Chỉnh sửa thô sơ; Ngữ cảnh bị thay đổi - Các video hoặc hình ảnh thường bị cắt bỏ một phần hoặc sắp xếp lại theo cách khác để làm sai lệch thông tin ban đầu; Biến dạng âm thanh - Thay đổi giọng nói, chèn thêm âm thanh hoặc hiệu ứng để tạo ra ấn tượng sai lệch; Thêm văn bản, hình ảnh - Chữ viết, mốc thời gian, biểu tượng hoặc hình ảnh được thêm vào file gốc, để hướng người xem đến một thông điệp sai lệch; Không tự nhiên - Dễ nhận thấy các điểm bất hợp lý khi xem kỹ (thí dụ: miệng không khớp với âm thanh, tư thế không thay đổi, biểu cảm khuôn mặt, các mốc thời gian của sự kiện...). Trong nhiều trường hợp, Cheapfake cũng có thể kết hợp nhiều hoặc tất cả các yếu tố trên.