Bắt đầu từ nền tảng công dân số

Khi công nghệ thông tin đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống, thế hệ trẻ tại Việt Nam cũng tiếp xúc sớm hơn với các thiết bị điện tử, mạng xã hội. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc trang bị cho các em những kiến thức và kỹ năng cần thiết để sử dụng công nghệ một cách có trách nhiệm, hiệu quả và an toàn.
Giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học là yêu cầu đặc biệt quan trọng.
Giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học là yêu cầu đặc biệt quan trọng.

THEO Báo cáo Digital Việt Nam 2024 của Datareportal và Wearesocial, tính đến tháng 1/2024, nước ta có khoảng 78,44 triệu người dùng internet, tương đương mức 79,1% dân số. Trong đó, 96,6% số người dùng internet truy cập qua điện thoại.

Trung bình, mỗi năm có khoảng 502 nghìn người mới tham gia sử dụng internet. Ba mục đích sử dụng internet nhiều nhất của người Việt theo thứ tự lần lượt là: giữ liên lạc với gia đình và bạn bè (chiếm 66,8%), tìm kiếm thông tin (63,7%), cập nhật tin tức và sự kiện (59,6%). Giáo dục và các mục đích học tập đứng thứ 12, chiếm 37,6%.

Sự phát triển của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mang đến cơ hội khám phá, học tập, tìm kiếm và chia sẻ thông tin gần như vô tận cho tất cả mọi người, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên. Tuy nhiên, vẫn luôn tồn tại những mặt trái dễ dàng tác động xấu tới nhận thức, hành vi và lối sống của giới trẻ, nếu các em không được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng kiểm soát và lựa chọn thông tin trên mạng.

Khi không được định hướng rõ ràng, thanh thiếu niên rất dễ bị cuốn vào vòng xoáy sống ảo hoặc trở thành những “anh hùng bàn phím”. Vụ việc một nam sinh viên chuyển khoản ủng hộ đồng bào vùng lũ 10.000 đồng với nội dung “tap the ae rap xiec trung uong ung ho” khiến mọi người hiểu nhầm, hay tình trạng các KOL, TikToker đăng tải thông tin sai sự thật bị lột trần đã cho thấy sự ngây thơ của một bộ phận không nhỏ người dùng trẻ. Họ không biết rằng mọi hành động đều để lại dấu chân số, và sẽ dễ dàng bị truy vết dữ liệu cá nhân.

HỘI đồng châu Âu (EC) định nghĩa kỹ năng công dân số là cách thức cá nhân hành động và tương tác trực tuyến, bao gồm các giá trị, thái độ, kỹ năng, kiến thức, sự hiểu biết cần thiết để điều hướng một cách có trách nhiệm trong thế giới kỹ thuật số, và để định hình công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc sống, thay vì bị công nghệ định hình. Chương trình Giáo dục công dân kỹ thuật số của EC được thiết kế với mục tiêu cung cấp cho công dân trẻ cơ hội sáng tạo, phát triển những giá trị, thái độ, kỹ năng và kiến thức cần thiết để có thể tham gia đầy đủ, có trách nhiệm trong môi trường số.

Tại Việt Nam, giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học cũng được xem là một trong những nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt. Điển hình như tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau khoảng thời gian thí điểm, hoạt động này đã được triển khai tại tất cả cơ sở giáo dục tiểu học trong năm học 2024-2025.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh quy định có bốn hình thức tổ chức giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học năm học 2024-2025, bao gồm: Dạy học môn Tin học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học; tích hợp giáo dục kỹ năng công dân số trong dạy học các môn học, hoạt động giáo dục; dạy học tăng cường giáo dục kỹ năng công dân số; và Tổ chức câu lạc bộ giáo dục kỹ năng công dân số.

Trong đó, việc thiết kế và tổ chức dạy học bài học tích hợp nội dung giáo dục kỹ năng công dân số có thể sử dụng hình thức bài học STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), theo một trong hai tiến trình thiết kế kỹ thuật hay nghiên cứu khoa học. Còn với hình thức dạy tăng cường, có thể dạy trải đều khoảng một đến hai tiết mỗi tuần hoặc xây dựng thành các chủ đề theo từng giai đoạn. Việc tăng cường nội dung giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh lớp 1 và 2 hướng đến mục tiêu hình thành sớm các kỹ năng cần thiết cho công dân số, làm cơ sở để các em tiếp cận và học tập thuận lợi môn Tin học ở các lớp tiếp theo.

“GIÁO dục kỹ năng công dân số giúp học sinh tiểu học có được kỹ năng tư duy phản biện, giúp nhận biết thông tin đúng sai, phân biệt nội dung tích cực và tiêu cực trên mạng; kỹ năng giao tiếp, giúp tương tác hiệu quả với người khác trên môi trường mạng, xây dựng các mối quan hệ lành mạnh; kỹ năng bảo vệ bản thân, giúp tránh xa các nguy cơ trên mạng như lừa đảo, xâm hại, bạo lực mạng; kỹ năng sáng tạo để tạo ra các sản phẩm số, tham gia vào các hoạt động sáng tạo trên môi trường số”, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Lưu Hoa nhấn mạnh.

Dựa trên nội dung Bài 13 của Tài liệu tập huấn triển khai thí điểm Giáo dục Kỹ năng Công dân số theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cấp Tiểu học, học sinh lớp 3 sẽ khám phá phương pháp đánh giá thông tin thu được là tin cậy hay không tin cậy. Các em được giáo viên hướng dẫn cách xác định ngày đăng tin, tên tác giả, nguồn trích dẫn, địa chỉ hay tên miền của trang web.

Thông tin được xem là tin cậy nếu có tác giả rõ ràng, ngày đăng hoặc cập nhật không quá một năm so thời điểm hiện tại. Các trang web có đuôi .edu, .org hay .gov có độ tin cậy cao hơn...

Thí dụ trên là một trong số những bài dạy tiêu biểu ở cấp tiểu học. Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của các nền tảng kỹ thuật số, giải pháp hiệu quả nhất vẫn là việc khuyến khích quá trình học tập suốt đời, đồng thời liên tục tổ chức các chiến dịch tuyên truyền để nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ.

Như Bill Gates từng nhận định: Công nghệ chỉ là một công cụ. Để giúp trẻ em làm việc cùng nhau và thúc đẩy chúng, giáo viên là người quan trọng nhất.

Với thời lượng môn Tin học một tiết mỗi tuần tại Việt Nam, việc giáo dục kỹ năng công dân số, nếu chỉ tập trung ở bộ môn này, chắc chắn sẽ khó đạt hiệu quả mong muốn. Tuy nhiên, nếu tất cả các giáo viên đều được trang bị nền tảng vững chắc và khả năng lan tỏa kiến thức về kỹ năng trong thời đại số, bản thân họ sẽ góp phần đào tạo nên những thế hệ công dân trẻ sẵn sàng làm chủ công nghệ.

Trẻ em Việt Nam được dùng điện thoại sớm bốn năm so với thế giới. Độ tuổi trung bình sở hữu điện thoại ở nước ta là chín tuổi, còn trên thế giới là 13 tuổi. Khi sử dụng internet, có tới 40% số trẻ cảm thấy không an toàn, hơn 70% từng có trải nghiệm không mong muốn.