Dấu hỏi lớn về trách nhiệm giám sát

Những vụ việc bạo hành trẻ em tại các cơ sở chăm sóc, bảo trợ, nuôi dạy trẻ xảy ra trong thời gian gần đây đặt ra câu hỏi lớn với cơ quan chức năng: Phương thức giám sát, kiểm tra hiện nay đối với các cơ sở nuôi dạy trẻ đang hiệu quả đến đâu, và lực lượng chức năng cần làm gì để bảo vệ quyền lợi cho trẻ?
Chăm sóc trẻ là ngành nghề đặc biệt đòi hỏi cả kỹ năng lẫn sự tận tâm. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Chăm sóc trẻ là ngành nghề đặc biệt đòi hỏi cả kỹ năng lẫn sự tận tâm. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Còn những lỗ hổng trong quản lý

Điển hình là vụ việc trẻ em bị bạo hành xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng (thuộc phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) mới đây, khiến dư luận cả nước bàng hoàng, phẫn nộ. Đây là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí, được Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội Quận 12 cấp phép hoạt động, có chức năng, nhiệm vụ là trợ giúp, nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ, trẻ bị bỏ rơi, mồ côi, sống lang thang.

Liên quan vụ việc này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm: Đây là vụ việc rất đau lòng. Việc mái ấm hoạt động vượt mức cấp phép nhưng thanh tra, kiểm tra chưa phát hiện, xử lý kịp thời. Do đó, công tác thanh tra, kiểm tra của chính quyền địa phương cần được tăng cường hơn nữa. Qua vụ việc này, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chỉ đạo các cấp hội phối hợp các phòng, ban liên quan tăng cường giám sát độc lập, giám sát phối hợp các cơ sở, mái ấm nuôi dạy trẻ.

"Thời gian qua, các cấp hội của Thành phố Hồ Chí Minh, các ngành chức năng đã nỗ lực tổ chức nhiều buổi tuyên truyền tại địa bàn dân cư, nhiều lớp tập huấn kỹ năng cho người giữ trẻ trên địa bàn. Thế nhưng, các vụ việc người giữ trẻ có hành vi bạo lực đối với trẻ vẫn diễn ra, gây nhiều bất an, bức xúc trong xã hội. Chúng tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện, tố giác những hành vi hành hạ, ngược đãi trẻ em để không còn những vụ việc đau lòng tương tự xảy ra", Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trần Phượng Trân nói.

Đầu tháng 9, tại Gia Lai, một trẻ 5 tuổi đã tử vong do bị bạo hành tại điểm nuôi trẻ khuyết tật không phép ở phường Ia Kring, thành phố Pleiku.

Tại tỉnh Đắk Lắk, vào đầu tháng 7/2024, qua phản ánh của người dân, lực lượng chức năng của thành phố Buôn Ma Thuột đã kiểm tra và phát hiện một điểm giữ trẻ tự phát ở phường Tân Lợi có dấu hiệu bạo hành trẻ em.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, theo Luật Trẻ em cũng như các luật pháp có liên quan quy định về cơ chế, chính sách để khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc chăm sóc, giúp đỡ cho trẻ em, việc thành lập và hoạt động các tổ chức này do cấp xã, huyện và cấp tỉnh quản lý. Quy định của pháp luật là nghiêm cấm việc lợi dụng thiện nguyện, tự nguyện để trục lợi, nghiêm cấm các hành vi bạo lực, bạo hành, xâm hại trẻ em.

"Khuôn khổ pháp lý đã có và rất rõ ràng, song có vấn đề liên quan đến quản lý chưa chắc chắn. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường thanh, kiểm tra, rà soát trên cả nước và đề nghị các địa phương tăng cường áp dụng công nghệ tiên tiến để giám sát thường xuyên, liên tục việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tại các cơ sở và mái ấm", Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết thêm.

Chế tài mạnh để ngăn ngừa bạo hành

Trên thực tế, theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trần Phượng Trân, hệ thống pháp luật về quyền trẻ em Việt Nam và Luật Phòng chống bạo lực gia đình ngày càng được hoàn thiện. Quyền trẻ em đã được pháp luật quy định tương đối đầy đủ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hài hòa với pháp luật quốc tế và ứng phó kịp thời những mối quan hệ xã hội mới. Từ đó, tạo hành lang pháp lý toàn diện nhằm bảo vệ và thực hiện quyền trẻ em ở mức cao nhất.

Tuy nhiên, qua các vụ việc bạo hành trẻ em, chúng ta cần rà soát các quy định về thành lập, cấp phép hoạt động cho các cơ sở, mái ấm trên tinh thần phải chặt chẽ các tiêu chuẩn, điều kiện về cơ sở vật chất. Đặc biệt, về đội ngũ quản lý, bảo mẫu và những người phục vụ phải có chuyên môn, kiến thức, kỹ năng bảo đảm chăm sóc, giáo dục tốt cho trẻ. Chúng ta đang thiếu một đội ngũ bảo mẫu chuyên nghiệp chăm sóc trẻ em tại các cơ sở, mái ấm. Nếu không có đội ngũ bảo mẫu được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng và được giao trách nhiệm thì rất khó để giám sát, phát hiện sớm những trường hợp trẻ có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực bởi chính những người chăm sóc các em. Vì vậy, trong thời gian tới chúng ta cần xây dựng chương trình, đề án đào tạo đội ngũ bảo mẫu chuyên nghiệp để thực hiện công việc chăm sóc trẻ em.

Bên cạnh đó, tại các địa phương, việc bố trí cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em hiện đều do cán bộ lao động-thương binh và xã hội phường, xã, thị trấn kiêm nhiệm. Do đó, cần có quy định về tổ chức bộ máy, biên chế phù hợp. Đặc biệt, cần bổ sung quy định cơ sở nuôi trẻ phải gắn camera có kết nối mạng để chính quyền giám sát thường xuyên.

Ở góc độ pháp luật, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Luật Trẻ em quy định, bạo hành ngược đãi đối với trẻ em là hành vi nghiêm cấm. Tùy theo hành vi và mức độ nghiêm trọng có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Các cơ quan, ban, ngành cũng cần phải rà soát toàn diện các cơ sở có dấu hiệu vi phạm hoặc là nhận được phản ánh từ phía người dân, trong đó tập trung triển khai các hình thức thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở có dấu hiệu vi phạm rõ ràng, nghiêm trọng", luật sư Hậu kiến nghị.

Về lâu dài, theo các chuyên gia, cần tập trung đầu tư nhiều hơn nữa nhân lực, vật lực để chuẩn hóa hoạt động, chất lượng của các cơ sở chăm sóc, bảo trợ. Song song đó, cần bảo đảm thực thi nghiêm túc Luật Trẻ em năm 2017 bằng những chương trình chi tiết và được lượng hóa bằng hành động cụ thể.