Cuộc chiến không dễ dàng

Nhiều quốc gia láng giềng với Việt Nam đã thực hiện nghiên cứu quy mô về Cheapfake, và kết luận: Cheapfake rất dễ lây lan vì thói quen đọc, tiếp cận thông tin một cách dễ dãi của người sử dụng internet, đặc biệt là mạng xã hội.
Cheapfake về giá vàng tại Thái Lan.
Cheapfake về giá vàng tại Thái Lan.

Chia sẻ nhưng không đọc

Indonesia là một trong những “thủ phủ” của internet trên thế giới. Quốc gia này có 270 triệu dân, và khoảng 170 triệu người trong số đó sử dụng internet thường xuyên. Mọi thông tin tại Indonesia, dù thật hay giả, đều được lan truyền với tốc độ chóng mặt, nhờ số lượng người sử dụng mạng xã hội đông đảo.

Theo tạp chí quốc tế The Diplomat, mạng xã hội đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả cuộc bầu cử Thị trưởng Jakarta (Indonesia) vào năm 2016. Khi đó, một ứng viên sáng giá bất ngờ nhận số phiếu thấp hơn dự đoán rất nhiều. Hai năm sau, mọi người phát hiện những thông tin sai lệch về ông xuất hiện dày đặc trên một trang web ngầm.

Ở giai đoạn 2012-2014, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng trở thành nạn nhân của Cheapfake. Hàng loạt tài khoản giả danh trên Facebook và Twitter nói ông “che giấu” nguồn gốc thực thụ của mình. Trên thực tế, ông Widodo là người Java (dân bản địa Indonesia) chính gốc.

Tại sao tin giả lại xuất hiện tràn lan tại Indonesia? Vào năm 2019, các thành viên của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Notre Dame (Mỹ) đã công bố kết quả khảo sát hành vi người sử dụng mạng xã hội tại Indonesia. Kết quả khảo sát, nghiên cứu ở mục “nhận diện, phân biệt thông tin thật giả” có thể khiến nhiều người bất ngờ.

Với 1.000 đối tượng được khảo sát trong hai năm liên tiếp, nhóm nghiên cứu cho thấy, có khoảng 40% số người sử dụng mạng xã hội tại Indonesia gần như không đọc những thông tin họ chia sẻ. 20% trong số đó chỉ đọc tiêu đề, và tỷ lệ người đọc toàn bộ bài viết (nhưng chưa kiểm chứng thông tin) trước khi chia sẻ chỉ vào khoảng trên dưới 40%.

Đáng nguy hại hơn, có khoảng 15% số đối tượng được khảo sát cho biết, họ cố tình chia sẻ tin giả trên mạng xã hội với mục đích giải trí. Hành vi chia sẻ thông tin sai lệch một cách có ý thức cũng khác biệt giữa nam và nữ. Phái yếu thường chia sẻ Cheapfake với mục đích bắt kịp xu hướng trên các nền tảng mạng xã hội.

Khả năng nhận diện tin thật - giả của người đọc, theo nghiên cứu này, là không cao. Ở những bản tin thật, khoảng 70% số đối tượng được khảo sát nhận định “trung tính” hoặc “không chính xác” về nội dung bản tin. Với tin giả, chỉ có 24% số người khẳng định thông tin này “hoàn toàn sai” hoặc có một phần không đúng sự thật.

Công khai, minh bạch để chống Cheapfake

Thái Lan có hơn 70 triệu dân, khoảng 90% trong số đó sử dụng internet và điện thoại thông minh. Tần suất phát đi những tin giả theo dạng Cheapfake tại Thái Lan, vì thế, cũng diễn ra liên tục. Tại Thái Lan, những tin giả theo dạng Cheapfake chủ yếu xoay quanh những vấn đề an sinh xã hội, vốn được người dân đặc biệt quan tâm.

Điều chỉnh lương tối thiểu; miễn phí sử dụng phương tiện giao thông công cộng; ô nhiễm không khí gia tăng tại Bangkok; người dân được giao dịch mua vàng với số tiền chỉ từ 200 baht (1,4 triệu đồng); nhiều ngân hàng thương mại cho vay không thế chấp tới 2 triệu baht... là những tin giả xuất hiện liên tục tại Thái Lan gần đây.

Cách lan truyền Cheapfake tại Thái Lan cũng vô cùng đơn giản. Bản tin được đăng trên một số trang ẩn danh, nạp tiền quảng cáo để tăng lượng người tương tác, rồi từ đó thu hút mọi người chia sẻ vô thức. Những hình ảnh, con người trong ảnh và bài viết đương nhiên là mạo danh, hoặc tái tạo bằng công nghệ AI.

Để chiến đấu trên mặt trận Cheapfake này, Thái Lan thành lập một cơ quan chuyên trách cấp Bộ để xử lý thông tin. Hằng tuần, họ sẽ tổng kết, đồng thời đăng tải danh sách những bản tin Cheapfake để thông báo đến công chúng. Nhờ đó, nhiều người mới nhận ra những thông tin họ tiếp nhận bấy lâu, hóa ra hoàn toàn không đúng sự thật.

Tại Thái Lan, những thông tin Cheapfake liên quan chính trị có thể bị xử phạt rất nặng. Đây cũng là lý do khiến các đối tượng tung tin giả tại Thái Lan ngày càng hạn chế đăng tải thông tin liên quan đến chính trị, xã hội. Bù lại, mật độ tin tức giả ảnh hưởng đến kinh tế, tài chính lại có xu hướng gia tăng.

Trước tình hình đó, các cơ quan, đoàn thể của Thái Lan đã chọn cách xuất hiện nhiều hơn trên mạng xã hội. Họ cung cấp trực tiếp thông tin đến người dân. Chính cách làm công khai, minh bạch, trực tiếp đó đã khiến Cheapfake dần bị đẩy lùi trên môi trường thông tin của Thái Lan.