Khắc phục hạn chế, lượng hóa quy định

Tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em là một sáng kiến cụ thể hóa Tuyên bố và Chương trình hành động xây dựng Một thế giới phù hợp với trẻ em của Liên hợp quốc (năm 2002) phù hợp điều kiện thực tiễn ở Việt Nam, đã được triển khai và tạo tác động tích cực ở một số địa phương. Qua hoạt động thực tế, một số hạn chế đã bộc lộ.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội)
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội)

Bởi vậy, dự thảo sửa đổi Quy định về phường, xã, thị trấn phù hợp với trẻ em đang được gấp rút xây dựng. Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) trao đổi với Nhân Dân cuối tuần quanh nội dung này.

- Sau 5 năm kể từ khi Quyết định số 06/QĐ-TTg về quy định tiêu chuẩn, trình tự đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em được ban hành, tình hình triển khai trên cả nước thu được kết quả như thế nào, thưa ông?

- Quyết định số 03/2004/QĐ-DSGĐTE về việc hướng dẫn Tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em là bước đi đầu tiên góp phần thúc đẩy các địa phương tạo môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, thân thiện với trẻ em. Tuy nhiên, sau quá trình triển khai thực hiện, Quyết định số 03/2004/QĐ-DSGĐTE đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Để khắc phục sự hạn chế đó cần thiết phải thay thế bằng một văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn, các tiêu chuẩn phải có tính lượng hóa, đo đếm được, dễ hiểu, dễ đánh giá.

Theo từng giai đoạn, nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành. Cụ thể, giai đoạn 2010-2013, thực hiện theo Quyết định số 37/2010/QĐ-TTg, và Thông tư số 30/2011/TT-BLĐTBXH về hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đã đưa "Số xã/phường và tỷ lệ xã/phường phù hợp với trẻ em" là một chỉ tiêu của ngành.

Giai đoạn 2014-2018 thực hiện theo Quyết định số 34/2014/QĐ-TTg. Sau đó, là Quyết định số 622/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội xác định nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em để phòng ngừa bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán trẻ em là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của ngành để thực hiện nhiệm vụ mục tiêu 16.2 được giao trong Quyết định số 622/QĐ-TTg kể trên.

Từ năm 2019 đến nay, thực hiện theo Quyết định số 06/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, trình tự đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Và dựa trên mục 6.7, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 đã đưa nội dung đẩy mạnh xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em là một nhiệm vụ cần đẩy mạnh.

Những kết quả đáng chú ý mà chúng tôi tổng hợp được có thể kể đến như: Nếu năm 2019, cả nước có 55% số phường, xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ, thì sau ba năm tức năm 2022, con số này mới chỉ tăng lên mức 57%.

Trong đó, các tiêu chí được thực hiện ở mức tốt gồm có: Tiêu chí 2 (trẻ em được khai sinh đúng quy định); Tiêu chí 6 (trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp); Tiêu chí 7 (trẻ em dưới một tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng). Các tiêu chí được thực hiện ở mức trung bình, gồm: Tiêu chí 1 (Nguồn lực thực hiện quyền trẻ em); Tiêu chí 4 (Trẻ em vi phạm pháp luật, nghiện ma túy); Tiêu chí 8 (Trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thể thấp còi); Tiêu chí 9 (Trẻ em được khám sức khỏe định kỳ); Tiêu chí 10 (Trẻ em đến trường, lớp mầm non); Tiêu chí 11 (Trẻ em được thực hiện quyền tham gia của trẻ em); Tiêu chí 13 (Mức độ hài lòng của trẻ em và người dân về việc thực hiện quyền trẻ em).

Những tiêu chí còn khó khăn trong thực hiện là: Tiêu chí 3 (Trẻ em bị xâm hại); Tiêu chí 5 (Trẻ em bị tai nạn, thương tích); Tiêu chí 12 (Hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể dục, thể thao dành cho trẻ em).

- Xin ông cho biết mục tiêu chính của lần sửa đổi này là gì? Đâu là những điểm sửa đổi đáng chú ý của bản dự thảo?

- Qua quá trình triển khai thực hiện, chúng tôi nhận thấy có một số nội dung chưa phù hợp cần sửa đổi, cụ thể như: Về mặt thể thức văn bản, Quyết định số 06/QĐ-TTg là văn bản cá biệt, được áp dụng nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước. Bởi vậy, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật Quy định tiêu chuẩn, trình tự đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em là cần thiết.

Về thời gian đánh giá, việc đánh giá xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em được thực hiện vào tháng 11 năm thứ hai và tháng 11 năm thứ tư của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm. Cách tính này sẽ gây khó khăn cho địa phương vì số liệu và báo cáo đang được yêu cầu phải thực hiện hằng năm nhưng lần đánh giá chính thức lại là hai năm/lần và ba năm/lần, gây khó khăn cho địa phương đưa chỉ tiêu xã, phường, thị trấn vào kế hoạch hằng năm...

Do vậy, việc ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 06/QĐ-TTg là cần thiết, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn.

Trong đó, những nội dung kế thừa từ Quyết định số 06/QĐ-TTg, sẽ gồm: 13 Tiêu chí đánh giá; Trình tự đánh giá, xét duyệt và công nhận; Điều kiện công nhận.

Và những điểm mới của dự thảo Quyết định được thể hiện qua: Thể thức văn bản sẽ là văn bản quy phạm pháp luật; thay đổi thời gian đánh giá, xét duyệt, công nhận; chi tiết hơn trách nhiệm thực hiện của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các bộ liên quan và ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

- Bảo vệ trẻ em là hoạt động đang ngày càng được các cấp, ngành và cả xã hội quan tâm, dẫu vậy, thực tế triển khai nhiều hoạt động vẫn đang gặp phải những vướng mắc, bất cập. Liệu những quy định được điều chỉnh lần này có thể tạo nên tác động tích cực trong thực tế không, thưa ông?

- Khi phối hợp triển khai công tác thực tế tại địa phương, các vấn đề tồn tại, nổi cộm có thể kể đến như: Thứ nhất, về nguồn lực cán bộ làm công tác trẻ em các cấp, nhất là cơ sở thường xuyên có sự biến động, khối lượng công việc quá nhiều cho nên gây khó khăn nhất định trong việc tham mưu, thực hiện công tác này. Những biến động về công tác cán bộ cũng là yếu tố dẫn đến hạn chế trong công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ đánh giá hằng năm ở cơ sở. Đáng nói là cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã và các cộng tác viên khu, ấp hầu hết đã lớn tuổi và kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực, do đó công tác tổng hợp số liệu còn chậm, chưa theo kịp tiến trình, số liệu báo cáo còn chưa thống nhất giữa các ngành.

Thứ hai, nhận thức của một số gia đình trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em còn hạn chế.

Thứ ba, cơ sở vật chất, kinh phí bố trí cho công tác trẻ em ở cơ sở còn ít và bị động, việc xã hội hóa huy động nguồn lực cho công tác trẻ em còn gặp nhiều khó khăn. Công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể cấp xã đôi lúc chưa chặt chẽ. Một số đơn vị đánh giá hằng năm chưa thật sự khách quan còn chạy theo thành tích, chưa đúng với tình hình thực tế tại địa phương...

Xác định rõ những tồn tại đó, các điểm mới của dự thảo đều hướng đến mục tiêu tạo điều kiện để địa phương thuận lợi hơn trong việc triển khai đánh giá, xét duyệt và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ, bảo đảm tính trung thực, dân chủ, công bằng và công khai.

- Xin ông cho biết, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Cục Trẻ em đã và sẽ hỗ trợ các phường, xã, thị trấn còn gặp khó khăn khi thực hiện các tiêu chí này như thế nào?

- Cục sẽ luôn là đơn vị đồng hành, sát cánh với mỗi địa phương khi cần thiết. Trước tiên, Cục sẽ có những văn bản hướng dẫn cụ thể về quy trình đánh giá, xét duyệt và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, tổ chức tập huấn thường xuyên, nâng cao năng lực về chuyên môn cho cán bộ các cấp.

Tiếp đó, nghiên cứu lồng ghép triển khai thực hiện xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em với các chương trình mục tiêu quốc gia, các phong trào, tiêu chí khác để được quan tâm hơn và đạt hiệu quả cao nhất.

Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao hiểu biết về pháp luật cho người dân góp phần nâng cao chất lượng trong công tác xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt kiểm tra, phối hợp liên ngành, chia sẻ kinh nghiệm... về vấn đề này.

Cuối cùng, nhưng cũng không kém phần quan trọng là luôn tăng cường bố trí kinh phí để thực hiện các mục tiêu, tiêu chí xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Khắc phục hạn chế, lượng hóa quy định ảnh 1

Ô nhiễm không khí chưa được nhắc đến nhiều trong các tiêu chí đánh giá phường, xã phù hợp với trẻ em.

Ảnh: PHẠM HÀ DUY LINH/UNICEF VIỆT NAM