Lồng ghép chương trình, tối đa nguồn lực

Những năm qua, Chính phủ luôn quan tâm đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế liên quan tới trẻ em. Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn hiện nay, tiêu chuẩn để công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em được đánh giá dựa trên 13 tiêu chí theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ban hành ngày 3/1/2019.
Cựu vận động viên bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên tích cực tham gia dạy bơi miễn phí cho trẻ em. Ảnh: MINH TÂN
Cựu vận động viên bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên tích cực tham gia dạy bơi miễn phí cho trẻ em. Ảnh: MINH TÂN

Mới có 57% số xã, phường đạt tiêu chuẩn

Theo số liệu thống kê, đến hết năm 2023, toàn quốc có hơn 10.000 đơn vị cấp xã. Trong số này, hiện có khoảng 57% số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng dân số trẻ em giảm xuống còn 6,7%.

Tuy nhiên, sau một thời gian được đưa vào đời sống, đến nay, một số nội dung của Quyết định số 06/QĐ-TTg chưa phù hợp, cần sửa đổi. Đặc biệt về thời gian đánh giá xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, việc đánh giá xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em được thực hiện vào tháng 11 năm thứ hai và tháng 11 năm thứ tư của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm đã gây khó khăn cho địa phương đưa chỉ tiêu xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em vào kế hoạch hằng năm.

Đặc biệt, về tiêu chí đánh giá cũng còn những tồn tại. Thí dụ, trong 13 tiêu chí, có 11 tiêu chí được đánh giá hai năm/lần; Tiêu chí 3 (Trẻ em bị xâm hại) và Tiêu chí 5 (Trẻ em bị tai nạn, thương tích) lại được đánh giá 5 năm/lần.

Một yếu tố quan trọng trong đánh giá là cả 13 tiêu chí này không được có điểm liệt (0 điểm). Thế nhưng, ở Tiêu chí 3 nêu rõ: Nếu địa bàn xã có trẻ em bị xâm hại tình dục hoặc trẻ em bị bạo lực đến mức người xâm hại trẻ em bị xử lý hình sự thì sẽ bị 0 điểm. Còn với Tiêu chí 5, điểm 0 cũng được đưa ra đối với xã có trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích.

Theo báo cáo từ các địa phương, tại các kỳ đánh giá, nguyên nhân các xã không được công nhận là xã phù hợp với trẻ em, phần lớn là do trên địa bàn xảy ra các vụ trẻ em bị xâm hại và trẻ em bị tai nạn, thương tích. Đặc biệt, trong vài năm gần đây tỷ lệ trẻ em đuối nước ở một số địa phương đang có chiều hướng gia tăng. Điều này khiến số xã tương ứng "bị đánh" điểm liệt tăng theo.

Hành động, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em

Với quan điểm lợi ích của trẻ em phải được quan tâm hàng đầu, và trẻ em phải thật sự được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng và đang triển khai lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Quyết định số 06/QĐ-TTg. Các điểm sửa mới sẽ là định hướng rất quan trọng để các địa phương triển khai thực hiện quyền trẻ em tốt hơn, tạo môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện cho trẻ em; góp phần tạo ra những chuyển biến rõ nét về công tác thực hiện quyền trẻ em trên cả nước, đặc biệt ở cấp cơ sở.

Cụ thể, tại Dự thảo sửa đổi, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề xuất quy định việc đánh giá xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em được thực hiện mỗi năm một lần vào tháng 1 năm sau liền kề. Thời gian đánh giá một năm được tính từ ngày 1/1 đến ngày 31/12 của năm đánh giá. Số liệu thống kê các tiêu chí được thu thập trong năm đánh giá.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, để thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp trẻ em, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu lồng ghép triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để được quan tâm hơn và đạt hiệu quả cao nhất; Tăng cường bố trí kinh phí để thực hiện xã, phường, thị trấn hợp với trẻ em. Đặc biệt, Hội đồng đánh giá cấp xã và Hội đồng xét duyệt cấp huyện cần thực hiện đánh giá các tiêu chí trung thực, rõ ràng và không chạy theo thành tích.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đề nghị các địa phương, đơn vị cần chú trọng hơn nữa công tác xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em; trợ giúp, hỗ trợ, can thiệp kịp thời cho trẻ em có nguy cơ và bị xâm hại, chăm sóc thay thế, ưu tiên chăm sóc thay thế tại môi trường gia đình cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Cần triển khai, duy trì, nhân rộng các mô hình đã được hỗ trợ từ nguồn lực trung ương và viện trợ quốc tế, tập trung các mô hình: phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại; cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; mạng lưới kết nối chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời và các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em…

Công tác thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, gắn với trách nhiệm người đứng đầu chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị cần được tăng cường. Thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình trẻ em, các vấn đề của trẻ em. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền trẻ em, đặc biệt là các vụ xâm hại, tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em.

Theo ý kiến của bà Lương Thị Thuận, Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh, việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường, Nhà nước. Trong tình hình xã hội hiện nay, việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em càng cần chú trọng hơn, đặc biệt là trẻ nhập cư có hoàn cảnh khó khăn tại các thành phố lớn - đối tượng dễ có nguy cơ bị đe dọa, xâm hại, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, đạo đức…

Cùng đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có thông tin, chứng cứ về việc trẻ em đang bị xâm hại phải chủ động, kịp thời lên tiếng. Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, cơ quan công an, ủy ban nhân dân cấp xã được Luật Trẻ em giao trách nhiệm luôn sẵn sàng tiếp nhận, bảo mật thông tin và có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho mọi trường hợp. Xã hội hãy lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm những hành vi sai trái với trẻ.

Và giải pháp tốt nhất, phải bắt đầu từ sự quan tâm chăm sóc, bảo vệ trẻ em ngay từ mỗi gia đình. Có như vậy, trẻ em mới thật sự có điều kiện phát triển toàn diện.

13 tiêu chí đánh giá mức độ xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em

Tiêu chí 1: Nguồn lực thực hiện quyền trẻ em;

Tiêu chí 2: Trẻ em được khai sinh đúng quy định;

Tiêu chí 3: Trẻ em bị xâm hại;

Tiêu chí 4: Trẻ em vi phạm pháp luật, nghiện ma túy;

Tiêu chí 5: Trẻ em bị tai nạn, thương tích;

Tiêu chí 6: Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp;

Tiêu chí 7: Trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng;

Tiêu chí 8: Trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thể thấp còi;

Tiêu chí 9: Trẻ em được khám sức khỏe định kỳ;

Tiêu chí 10: Trẻ em đến trường, lớp mầm non;

Tiêu chí 11: Trẻ em được thực hiện quyền tham gia của trẻ em;

Tiêu chí 12: Hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể dục, thể thao dành cho trẻ em;

Tiêu chí 13: Mức độ hài lòng của trẻ em và người dân về việc thực hiện quyền trẻ em.