BOGOTA (thủ đô của Columbia) trong thời gian được Thị trưởng Enrique Peñalosa quản lý đã có nhiều nỗ lực cải thiện các không gian công cộng của thành phố một cách đồng đều. Bởi ông Enrique Peñalosa luôn giữ vững quan điểm: "Có thể coi trẻ em là một thước đo mức độ phát triển thành công của thành phố!".
Tiêu biểu, có thể nhắc tới câu chuyện của quận Ciudad Bolivar - một trong những quận được cho là nghèo nhất của thành phố. Sau khi nghiên cứu, tham khảo nhiều dự án xã hội khác nhau, các nhân viên công tác xã hội tại quận lựa chọn đồng hành cùng dự án Urban95 (sáng kiến do Quỹ Bernara van Leer khởi xướng). Cụ thể, sáng kiến này hướng đến tư vấn, tham mưu cho lãnh đạo thành phố, các nhà quy hoạch, qua đó, hỗ trợ các thành phố điều chỉnh lại chiến lược quản trị, chính sách công, phân bổ ngân sách dành cho chương trình bảo vệ trẻ em, chia sẻ kiến thức và đào tạo cán bộ làm công tác trẻ em theo từng năm. Quy hoạch và thiết kế đô thị lấy gia đình làm trung tâm không chỉ là xây dựng thêm sân chơi, Urban95 áp dụng cách tiếp cận tích hợp, kết hợp cải thiện không gian đô thị và cung cấp dịch vụ hỗ trợ cha mẹ, người chăm sóc trẻ. Bằng cách làm việc trên nhiều lĩnh vực và suy nghĩ một cách tổng thể - các thành phố có thể tạo ra môi trường đô thị chào đón các gia đình và khuyến khích sự phát triển lành mạnh của trẻ nhỏ, đồng thời hỗ trợ phúc lợi cho cha mẹ và những người chăm sóc khác.
Bên cạnh đó, các nhân viên xã hội cũng thường xuyên tổ chức nhiều cuộc khảo sát, lấy ý kiến nhân dân để nhận diện và lắng nghe đóng góp của họ về các vấn đề mà khu phố họ đang gặp phải, gây mất an toàn và không thân thiện cho trẻ em.
Tại các cung đường dẫn đến khu vực nơi có trường học, mẫu giáo, hay khu công viên tập trung nhiều trẻ em cũng được đặt những bức tranh đường phố đặc biệt, hoặc các hàng cây gắn biển báo ngộ nghĩnh, nhằm báo hiệu giảm tốc và chú ý an toàn cho người điều khiển phương tiện giao thông. Đặc biệt hơn, các "biển báo" này do chính các em theo học quanh khu vực vẽ và tô mầu.
ROTTERDAM (Hà Lan) từ một thành phố từng có thời điểm bị đánh giá là ít đáng sống, đã mạnh tay đầu tư 15 triệu euro để tiến hành cuộc cải tổ toàn diện, từ không gian công cộng, đến đường sá giao thông và nhà ở trên khắp địa bàn, nhằm mang lại không gian sống thân thiện hơn với trẻ em.
Họ biến không gian ngoài trời bỏ trống trong công viên trở thành khu vui chơi sinh thái, mang tên Natuurspeeltuin de Speeldernis. Tại đây, trẻ em có thể tìm hiểu về đa dạng sinh học, trải nghiệm hang động, đốt lửa trại,…
Tương tự như Bogota, Rotterdam cũng phát động dự án cộng đồng Đường phố trong mơ - Droomstraa, khuyến khích người dân tham gia, tự đề xuất, thiết kế cải thiện đường phố, thí dụ như biến điểm đậu xe trái phép thành vườn cây hoặc dựng các ghế ngồi công cộng,…
Các dự án cho thấy hiệu quả tích cực khi ngày càng có nhiều hộ gia đình có trẻ nhỏ trên khắp đất nước Hà Lan lựa chọn định cư tại thành phố.
TIRANA (thủ đô của Albania) lại lựa chọn tận dụng, huy động mạnh mẽ nguồn kinh phí xã hội hóa để cải thiện các vấn đề đô thị. Thành phố này kêu gọi, đưa ra nhiều chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp tài trợ cho những dự án xây dựng, nâng cấp trường mẫu giáo, cơ sở chăm sóc trẻ sơ sinh trên địa bàn thành phố.
Bức tường xanh - vành đai rừng bao quanh thành phố cũng được chính trẻ em dựng nên qua chương trình Cây sinh nhật, khi các em, với sự trợ giúp từ bố mẹ, tự tay trồng một cây xanh tại địa điểm nhất định mỗi khi đến sinh nhật của mình.
Chính quyền Tirana đầy tự hào mỗi khi nhắc đến Hội đồng Trẻ em thành phố, nơi đại diện trẻ em sẽ được gặp và đối thoại trực tiếp với các nhà lãnh đạo để tranh luận về các vấn đề mà các em quan tâm. Sau đó, chính các em sẽ trở thành "cánh tay nối dài" của chính quyền thành phố khi tuyên truyền các chính sách đến trường lớp, gia đình và bạn bè.