Hệ lụy mới từ những công thức cũ

Định nghĩa đơn giản nhất của Cheapfake, xét cho cùng, chính là tin giả. Song, nó được mang một tên gọi mới, bởi trong kỷ nguyên mạng xã hội này, càng lúc, hệ lụy của những tin giả thô sơ lại càng trở nên đáng sợ.
Một cheapfake được dàn dựng bằng AI, nhưng đã thu về hàng nghìn lượt thả tim và chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội - nghĩa là đáp ứng nhu cầu lợi ích của người tạo ra nó.
Một cheapfake được dàn dựng bằng AI, nhưng đã thu về hàng nghìn lượt thả tim và chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội - nghĩa là đáp ứng nhu cầu lợi ích của người tạo ra nó.

Những "chiêu thức" đơn giản nhưng hiệu quả

Tháng 3/2023, chị L. (40 tuổi) gần như khóc ngất khi nghe cuộc gọi lạ ngay trước lúc đón con tại trường cách cơ quan 30 phút di chuyển. Ở đầu dây bên kia, một người tự nhận là giáo viên trường con chị đang theo học với giọng vồn vã yêu cầu chị chuyển gấp 200 triệu đồng để làm phẫu thuật. Cậu con trai mới 9 tuổi đang nguy kịch do tai nạn giao thông, theo thông tin từ người này. Trong cơn hoảng loạn, chị đã định chuyển tiền. May sao, đồng nghiệp của chị L. kịp can ngăn. Theo lời khuyên, chị L. đã gọi điện tới giáo viên chủ nhiệm để kiểm tra. Con chị hoàn toàn bình an, vẫn đang ở trường đợi phụ huynh tới đón. Số điện thoại lạ nọ cũng không thể liên lạc lại. Khi tỉnh táo lại, chị L. mới nhận ra “giáo viên” nọ không nói rõ con chị học lớp nào, ngã xe ở đâu...

Những cuộc gọi lừa đảo kiểu này từng có thời điểm khiến các phụ huynh hỗn loạn mỗi cuối giờ chiều tại không ít địa phương. Sau nhiều cảnh báo, người dân đã tỉnh táo hơn trước thủ đoạn này. Nhưng, những kẻ lừa đảo không mất nhiều thời gian để "tung chiêu mới": Dụ dỗ nâng hạn mức thẻ tín dụng nhằm chiếm đoạt thẻ.

Không vồn vã hối thúc, kẻ gian trong tình huống này cư xử lịch thiệp, từ tốn hệt như nhân viên ngân hàng được đào tạo chính quy. Qua điện thoại, chúng đặt vấn đề nâng hạn mức thẻ tín dụng với những ưu đãi hấp dẫn như giảm % mua đồ qua sàn thương mại điện tử, giảm giá vé máy bay... Sau khi chuốc cho nạn nhân “say ưu đãi", kẻ gian nhấn mạnh quá trình này hoàn toàn có thể làm online, quá tiện lợi với khách hàng ngại di chuyển ra quầy. Cứ thế, sau vài lần tặc lưỡi, chủ thẻ sẽ tự tay dâng cho kẻ gian toàn bộ số thẻ, mã CVC lẫn OTP gửi về điện thoại để phục vụ cho quá trình nâng hạn mức.

Cả hai thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại làm mưa làm gió trong hai năm trở lại, thực tế có cùng công thức: Đánh vào cảm xúc. Công thức này không phức tạp, nhưng hiệu quả vì kẻ gian luôn ra tay đúng thời điểm (thường vào cuối giờ chiều, khi óc phán đoán của phần lớn người dân bị ảnh hưởng sau cả ngày dài làm việc), cũng như dẫn dụ được "con mồi" vào tình thế cảm xúc chi phối hành động.

Và đó, cũng là công thức của mọi thứ cheapfake.

Cấp số nhân trong thảm họa

Trong bối cảnh thiên tai như đợt bão lũ vừa qua, hệ lụy của những tin giả cấp thấp mang công thức quen thuộc như trên trở nên đáng lo ngại gấp nhiều lần, dù không phải lúc nào cũng được phát tán chủ động và mang mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà, không quên thời điểm căng thẳng nhất trong đợt bão lũ khi mực nước trong hồ quá mức báo động 1 vào đêm rạng sáng 10/9. “Đó là lúc chúng tôi phải đưa ra những quyết định để chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất có thể xảy ra đối với Thủy điện Thác Bà. Cũng lúc này, mạng xã hội xuất hiện những tin đồn về việc vỡ đập Thác Bà, gây hoang mang trong dư luận và lan truyền với tốc độ chóng mặt. Điều này khiến chúng tôi vừa phải ứng phó với tình huống khẩn cấp, vừa phải kết nối tới các cơ quan chức năng, các cơ quan báo chí, truyền thông để đính chính tin đồn thất thiệt, rất vất vả”, ông nhớ lại.

Khác với câu chuyện lừa đảo cá nhân thuần túy, những tin đồn thất thiệt diễn ra trong thời gian bão lũ quá khó để kiểm chứng, đặc biệt với những người chịu ảnh hưởng trực tiếp. Tại những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất của bão Yagi như Quảng Ninh, Thái Nguyên, Yên Bái, Hải Phòng, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn... thông tin trở thành mặt hàng xa xỉ khi phần lớn trạm phát sóng gãy đổ, khiến người dân rơi vào "vùng trắng".

Bất kỳ thông tin nào xuất hiện trong thời điểm ấy đều có thể tạo ra những hệ lụy khó lường, nhất là với những người khao khát được biết những gì đang xảy đến với gia đình mình.

Theo báo Chính phủ, nhiều tài khoản tung tin giả vỡ đê Yên Lập (Phú Thọ), vỡ thủy điện ở Bát Xát (Lào Cai), vỡ đê Sông Cầu, vỡ đê ở Bắc Giang, đã bị phát hiện và xử phạt. Làm sai phải chịu trách nhiệm, nhưng điểm đáng bàn nhất: Động cơ của những người phát động tin giả không phải tiền. Thứ họ cần chỉ là sự chú ý, nói đơn giản là những lượt “thích”, “thả tim” và “chia sẻ” trên các nền tảng mạng xã hội. Rất phù phiếm, nhưng lại khiến cả cộng đồng xáo động, và không ít người "chết đi sống lại" bởi lo lắng cho thân nhân.

Dĩ nhiên, kẻ gian cũng không bỏ lỡ cơ hội để phát tán tin giả nhằm chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của nhóm này khá đơn giản như lập fanpage giả mạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện kêu gọi chuyển khoản tiền ủng hộ người dân vùng lũ, nhắn tin điện thoại ủng hộ theo cú pháp hoặc nhắn tin mua hàng cứu trợ... Trên mạng xã hội trong thời gian này, có nạn nhân (đề nghị được giấu tên) thừa nhận đã chuyển 140 triệu đồng cho người lạ để mua 7.000 áo phao chuyển lên Tuyên Quang. Ngay sau khi chuyển tiền, số điện thoại ấy đã không thể liên lạc được.

Chỉ vài giờ sau khi bão Yagi đổ bộ gây thiệt hại lớn tại Quảng Ninh và Hải Phòng, tin đồn về nhắn tin để có lưu lượng internet miễn phí của Viettel lan truyền với tốc độ chóng mặt. Bất chấp việc Cổng thông tin chính phủ và chính Tổng công ty Viễn thông Viettel Telecom xác nhận đây là tin giả, nhưng thời gian từ lúc tin bị phát tán đến lúc đính chính vẫn là quá đủ để kẻ gian trục lợi thành công.

Vẫn là đánh vào cảm xúc và ra tay đúng thời điểm, khi cả nước oằn mình chống bão, và vẫn vô cùng thô sơ như thế, nhưng cheapfake cũng vẫn luôn có "đất dụng võ". Vậy thì, chẳng lời cảnh báo nào là thừa, và mọi sự lơ là đều có thể làm sâu thêm những vết thương.

Cố gắng bình tĩnh để kiểm chứng thông tin, đặc biệt là đối chiếu với các nguồn thông tin chính thống, là điều tuyệt đối nên làm. Hơn thế, việc áp dụng những chế tài nghiêm khắc hơn nữa, giàu tính răn đe hơn nữa từ pháp luật, nhằm xây dựng ý thức tự giác chịu trách nhiệm với phát ngôn của mình trên môi trường mạng, cũng là điều vô cùng cần thiết, từ phía Nhà nước.

Xã hội luôn trân trọng những trái tim nhiệt huyết. Song, điều ấy cần phải đi kèm lý trí, kiến thức, tư duy...