Trong sự cộng sinh, tương hỗ

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, phát triển sản phẩm OCOP và du lịch có mối quan hệ cộng sinh, tương hỗ. Sản phẩm OCOP là tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch, góp phần truyền tải những câu chuyện về con người, giá trị văn hóa của từng vùng đất. Ngược lại, du lịch chính là không gian, một trong những kênh tiêu thụ và lan tỏa sản phẩm.
0:00 / 0:00
0:00
Tỉnh Lâm Đồng luôn chú trọng quảng bá sản phẩm OCOP gắn với hoạt động du lịch.
Tỉnh Lâm Đồng luôn chú trọng quảng bá sản phẩm OCOP gắn với hoạt động du lịch.

Cho du khách những trải nghiệm

Tỉnh Lâm Đồng có nhiều sản phẩm OCOP đã xác lập được uy tín, thương hiệu trên thị trường, được du khách lựa chọn. Phát huy lợi thế này, thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh gắn kết phát triển sản phẩm OCOP với du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Tại huyện Đơn Dương, Avocado Farm của Công ty TNHH Avocado Farm vừa được Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng công nhận là điểm du lịch canh nông. "Tôi chọn mô hình "nông hướng du" để phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng đất quê hương", anh Phan Thanh Nhân, người sáng lập Avocado Farm chia sẻ.

Tại Avocado Farm, trang trại bơ là nền tảng để hình thành điểm du lịch canh nông. Chủ nhân Avocado Farm chọn giống bơ "ông Tĩnh" có nguồn gốc từ quê hương Quảng Lập, Đơn Dương để gây dựng sự nghiệp. Vườn bơ được trồng hữu cơ thuận tự nhiên, vì chủ nhân xác định làm du lịch sinh thái. Đến đây, du khách sẽ được khám phá, trải nghiệm các hoạt động thu hái trái cây và rau, chăm sóc cây trồng và vật nuôi, chế biến các món ăn đặc trưng từ nguyên liệu trong vườn. Đồng thời được tham quan, tìm hiểu vùng đất, con người, văn hóa cộng đồng nơi đây.

Đầu năm 2024, mô hình "Tám Trình Coffee Experiences" của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà-phê Tám Trình (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) cũng được công nhận điểm du lịch canh nông. "Với mong muốn mang đến những trải nghiệm gần gũi, chân thật và góc nhìn toàn cảnh về hành trình "Từ nông trại đến ly cà-phê - farm to cup", chúng tôi quyết định đầu tư xây dựng điểm dừng chân trải nghiệm trên diện tích hơn 4 ha này", ông Đoàn Mạnh Trình, Phó Giám đốc công ty cho biết.

Với hơn 30 năm kinh nghiệm sản xuất và xuất khẩu cà-phê, đến nay, vùng nguyên liệu cà-phê liên kết chuỗi của "Tám Trình Coffee Experiences" được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững toàn cầu với hơn 1.200 hộ liên kết. Mỗi năm, công ty cung ứng ra thị trường trong nước và xuất khẩu khoảng 200 tấn cà-phê rang xay, hơn 2.000 tấn cà-phê nguyên liệu sạch. Công ty hiện đang sở hữu một sản phẩm OCOP 4 sao.

Du lịch dựa trên nông nghiệp

Qua thực tiễn, việc chọn "nông hướng du", tức là du lịch được xây dựng và tổ chức dựa trên hoạt động sản xuất nông nghiệp, hay dựa vào hoạt động du lịch để quảng bá, phát triển sản phẩm OCOP đều căn cứ điều kiện thực tiễn từng địa phương, vùng đất. Như tại khu vực nội thị Đà Lạt, nơi tập trung nhiều điểm du lịch, thường theo xu hướng lấy du lịch làm trụ đỡ để phát triển các trung tâm, cửa hàng giới thiệu, kinh doanh sản phẩm. Vùng ven đô lại chọn "nông hướng du" để phát huy thế mạnh về nông nghiệp. Ở vùng nông thôn Lâm Đồng cũng theo xu hướng này, khi địa phương đang đẩy mạnh chương trình phát triển du lịch nông thôn gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề và môi trường sinh thái.

Dưới chân núi Langbiang (huyện Lạc Dương) là nơi đầu tiên tại Lâm Đồng xây dựng và đưa vào sử dụng Trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP, kết nối các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Hiện toàn huyện có 60 sản phẩm OCOP, phần lớn là thế mạnh địa phương. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lê Chí Quang Minh cho biết, huyện đã thành lập Câu lạc bộ OCOP, không gian cà-phê doanh nhân - nơi gặp gỡ chính của Chi hội Doanh nghiệp Lạc Dương, với mục đích giao lưu, kết nối để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh. "Hình thành Trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP ở vùng đất thu hút khá lớn du khách là lợi thế, qua đó, góp phần quảng bá, khẳng định giá trị nông sản Lạc Dương", ông Minh nói.

Còn theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng Nguyễn Văn Châu, việc gắn kết giữa phát triển sản phẩm OCOP và du lịch, nhất là mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn đã cho thấy những tín hiệu tốt. Địa phương đang tích cực xây dựng các chương trình liên kết giữa du lịch và nông nghiệp, xây dựng làng du lịch bền vững hướng đến giá trị xanh, góp phần nâng cao năng lực cộng đồng, tạo thêm các giá trị kinh tế cho sản phẩm địa phương.

Cũng theo ông Châu, thời gian tới cần tiếp tục nâng cao nhận thức cộng đồng để người dân hiểu được về du lịch và chương trình OCOP trên địa bàn. Từ đó, mỗi người dân sẽ là một "sứ giả" cho sự phát triển du lịch của toàn tỉnh.