NSƯT, đạo diễn Trọng Trinh:

Có thể lạc quan về phim truyền hình

NSƯT Trọng Trinh là người đa tài. Anh đã ghi dấu ấn với nhiều vai diễn trên sân khấu, trong phim truyện nhựa, là đạo diễn của nhiều bộ phim truyền hình lôi cuốn người xem bởi sự nghiêm túc trong cách làm phim, dung dị, ngọt ngào trong nội dung phim và tất cả đều vừa độ, rất gần với tính cách con người anh. Cuộc trò chuyện của chúng tôi xoay quanh niềm đam mê lớn nhất của anh hiện nay - làm phim truyền hình.

Đạo diễn Trọng Trinh chỉ đạo diễn xuất phim Phía sau khung cửa. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Đạo diễn Trọng Trinh chỉ đạo diễn xuất phim Phía sau khung cửa. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

Nhiều hi vọng

- Qua cách kể về bộ phim mới nhất, Phía sau khung cửa, có vẻ như anh rất lạc quan về thực tiễn làm phim truyền hình hiện nay?

- Ðúng, chúng tôi rất kỳ vọng vào tương lai của phim truyền hình và đã đặt ra lộ trình để tiến tới mục tiêu phim truyền hình Việt Nam sẽ ngang bằng với phim của các nước top đầu trong châu lục.

- Mốc thời gian trên lộ trình đó thế nào, thưa anh?

- Tất nhiên không phải là một vài năm, có thể là 5 năm và thậm chí là 10 năm nữa. Nhưng tôi cho rằng mốc thời gian cụ thể phải đạt được không quan trọng bằng việc mình đặt ra mục tiêu và hiện thực hóa nó với những việc làm hết sức cụ thể.

- Vậy trong phim mới nhất do anh làm đạo diễn, mục tiêu đó đã được hiện thực hóa từng bước như thế nào?

- Bạn biết đấy, kịch bản phim là yếu tố đầu tiên phải được cân nhắc rất kỹ lưỡng. Tôi thích cách đề cập đến những vấn đề của cuộc sống thường nhật một cách dung dị nhưng có chút gì đó ngọt ngào; cũng là bày tỏ suy ngẫm về cuộc đời nhưng không có gì lên gân hay đao to búa lớn cả. Trước đây, chúng tôi thường ngồi trà đá bàn luận về những điều lý tưởng và mong thể hiện hết trong phim của mình. Nhưng năng lực làm phim, nhất là năng lực cảm nhận của chính mình về điều mình muốn đề cập trong phim lại có hạn, thành thử ra phim thiếu lửa, mọi thứ cứ giả giả sao đó, khán giả khó hiểu đã đành mà tính nghệ thuật của phim cũng không ra sao.

Phía sau khung cửa có kịch bản của nhà báo Kim Ngân, người từng làm chương trình Người xây tổ ấm và giờ là Chuyện đêm cuối tuần của VTV. Phải nói là kịch bản của chị ấy rất có "chất sống", vì chị ấy gắn bó thật sự với những câu chuyện gia đình từ chính thực tế làm chương trình. Từ cách đề cập đến nguyên do tan vỡ gia đình của ba người phụ nữ trong phim, tôi tin là câu hỏi về lòng vị tha của cả hai phía chồng - vợ sẽ được mỗi khán giả đặt ra và tự trả lời cho riêng mình, nhất là với người đàn ông trong gia đình.

- Bên cạnh chất lượng kịch bản là yếu tố quan trọng đầu tiên để nâng chất lượng phim, theo anh những yếu tố nào có tính chất quyết định để nâng chất lượng phim đạt tới mục tiêu dài hơi nói trên?

- Chắc chắn đó là sự nghiêm túc trong công việc của tất cả thành viên đoàn làm phim mà đạo diễn như tôi phải là người nghiêm túc đầu tiên. Phía sau khung cửa là phim tâm lý, lại thu tiếng trực tiếp nên bắt buộc diễn viên từ vai chính đến vai có ít thoại nhất cũng đều phải thuộc lời. Có như vậy, họ mới cảm nhận và hiểu được diễn biến nội tâm của nhân vật và thể hiện tốt. Tôi bắt đầu công việc của mình bằng rất nhiều lần cà-phê, gặp gỡ tay đôi từng diễn viên. Tôi mong qua câu chuyện, mình có thể truyền lại cho họ những cảm nhận, suy nghĩ cá nhân về chính nhân vật mà họ sẽ thể hiện. Họ cảm nhận được chút lửa từ chính đạo diễn về việc họ sẽ làm thì chắc chắn là họ sẽ thêm vào đó lửa nhiệt tình.

- Phim Cầu vồng tình yêu do anh đạo diễn được Việt hóa từ kịch bản phim Hàn Quốc. Trung tâm của anh cũng hợp tác với Nhật Bản và giờ là Hàn Quốc để sản xuất phim. Ðây được coi là cách đi tắt, rèn nghề nhanh của người làm phim truyền hình để rút ngắn lộ trình phát triển phim truyền hình Việt Nam. Nhưng cách đi tắt này có thể có những rủi ro gì không, thưa anh?

- Rõ ràng là việc đào tạo bài bản theo tiêu chuẩn làm phim hiện đại nói chung cho tất cả các công việc trong quy trình sản xuất phim thì một đơn vị như chúng tôi hay có lẽ là tất cả các đơn vị sản xuất phim truyền hình khác đều không thể đào tạo được. Ðó là câu chuyện dài của cơ chế đào tạo mang tính chất vĩ mô. Chính vì thế, học từ thực tế công việc là cách đi thông minh nhất hiện giờ. Các đồng nghiệp nước bạn đã có được một nền tảng làm nghề chuyên nghiệp. Khi làm cùng họ, tất cả các bộ phận trong ê kíp sản xuất từ phía Việt Nam đều dễ dàng nhận ra để có thể chuyên nghiệp như họ, ta cần gì về kỹ năng nghề nghiệp, thiếu gì về cơ sở vật chất và lượng xem sức ta có thể đạt tới hay đáp ứng đến đâu.

Bạn thấy đấy, phim Hàn Quốc hấp dẫn khán giả của đất nước họ trước tiên vì nội dung phim thật sự là gần gũi cuộc sống đời thường và từ kịch bản, lời thoại cho đến diễn viên đều rất biết cách lấy lòng khán giả đại chúng. Chúng tôi đã xem đó như là hướng đi lớn của phim truyền hình Việt Nam. Hiện giờ, phim được xếp vào dòng chính luận như Bão qua làng, đang chiếu trên VTV1, được khán giả ở nhiều vùng nông thôn đón nhận vì phim nói được một cách chân thành với khán giả những câu chuyện gần với hiện trạng cuộc sống của họ.

Mơ một giải EMMY của Việt Nam

- Câu chuyện với anh khiến tôi mơ mộng đến một ngày phim truyền hình Việt Nam có sức hấp dẫn đến độ có riêng một giải thưởng danh giá của nó, tựa như giải EMMY của phim truyền hình Mỹ nhưng đã nổi danh toàn cầu?

- (Cười) Anh mơ một thì chúng tôi mơ gấp hàng trăm lần! Nhưng cũng phải nói thật là rất khó khăn. Nhiều bạn trong nghề chúng tôi cũng bàn mãi về chuyện này, về một lễ trao giải thưởng hàng năm mà tất cả những người tham gia làm phim truyền hình cả nước phải hướng đến, phải cảm thấy hãnh diện thật sự khi được nhận... Nhưng thực tế, vẫn còn đấy câu chuyện về cơ cấu giải, động viên vùng miền, vẫn còn đấy những khoảng cách không nhỏ giữa cách làm phim của các đài địa phương với nhau và với trung ương... Vấn đề lớn bây giờ là làm thế nào để dần thu hẹp khoảng cách đó lại, tất cả cùng đứng chung trên một mặt bằng quan niệm và trình độ làm phim truyền hình. Khi đó, một giải thưởng lớn cho lĩnh vực này mới có thể trở thành hiện thực.

- Nhìn nhận những tồn đọng là điều rất quan trọng, nhưng tìm giải pháp để khắc phục những điều đó mới thật sự khó khăn. Không phải vô cớ khi khán giả trong nước không mấy mặn mà với phim truyền hình nội?

- Từng có thời kỳ phim "mỳ ăn liền", một diễn viên chạy sô bốn, năm phim trong một ngày. Với không ít đoàn làm phim ở các đài địa phương lâu nay, tốc độ làm phim nhanh đến nỗi diễn viên còn chẳng nhớ mình "diễn" gì, đoàn làm phim còn cả chức danh "nhắc thoại viên" - người chuyên nhắc từng câu thoại cho diễn viên... Nhưng tôi tin những chuyện đó chỉ mang tính giai đoạn thôi. Cho đến giờ, chúng ta đã có những lớp đạo diễn trẻ say mê với công việc và giàu khát vọng nghề nghiệp như Khải Anh, Bùi Tiến Huy... những lớp diễn viên trẻ thật sự yêu công việc của mình. Cũng có thể là lớp đạo diễn như chúng tôi chưa thể hiện thực hóa được giấc mơ giải thưởng lớn thì lớp trẻ hơn sẽ làm được.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của anh.

CHI MAI (thực hiện)

Có thể lạc quan về phim truyền hình ảnh 1NSƯT, đạo diễn Trọng Trinh tốt nghiệp khóa 1 - lớp diễn viên của Nhà hát kịch Việt Nam. Anh ghi dấu ấn trên sân khấu với nhiều vai diễn chính trong các vở kịch thành công của nhà hát những năm 1980 và nửa đầu 1990, như Cuộc chia tay tháng Sáu, Hão, Nhân danh công lý, Ngụ ngôn năm 2000... Anh nổi tiếng với vai diễn trung úy săn bắt cướp Mạnh Hà - phim SBC, đạo diễn Trần Phương, năm 1989. Ðây cũng là phim đạt kỷ lục doanh thu thời điểm đó tại các rạp chiếu phim khắp cả nước. Khi chuyển sang làm đạo diễn phim truyền hình, Trọng Trinh cũng thu được không ít thành công với Sân tranh (giải Vàng - Liên hoan phim truyền hình toàn quốc năm 1998), Sang sông, Nấc thang mới, Ban mai xanh, Cầu vồng tình yêu, Tình yêu không hẹn trước... Cuối tháng chín này, 36 tập phim Phía sau khung cửa do anh làm đạo diễn lại tiếp tục chiếm "giờ vàng phim Việt" trên VTV1. Anh hiện là Trưởng phòng Nội dung 3 - Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam.