Triển vọng khả quan

Các bên bất đồng đã ngồi lại với nhau, thảo luận thẳng thắn và hiệu quả, mở ra triển vọng chấm dứt căng thẳng, mang lại nền hòa bình lâu dài cho khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Ai Cập hy vọng Sáng kiến châu Phi sẽ góp phần giải quyết cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Tổng thống Ai Cập hy vọng Sáng kiến châu Phi sẽ góp phần giải quyết cuộc xung đột Nga-Ukraine.

1. Giới chức Mỹ và Trung Quốc đều đánh giá tích cực về các cuộc gặp giữa Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc tại Thủ đô Bắc Kinh ngày 5/6. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: Hai bên đã có các cuộc thảo luận thẳng thắn và hiệu quả, mở ra triển vọng duy trì các đường dây liên lạc mở. Người phát ngôn an ninh quốc gia của Nhà trắng John Kirby cho rằng cuộc họp đạt được tiến bộ trong việc mở ra các đường dây liên lạc bổ sung, dù trên thực tế các kênh liên lạc quân sự giữa hai nước vẫn ngừng hoạt động.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ra tuyên bố nhấn mạnh hai bên đã trao đổi thông tin thẳng thắn, xây dựng và hiệu quả về việc thúc đẩy cải thiện quan hệ Mỹ - Trung, quản lý và kiểm soát hợp lý các khác biệt. Theo tuyên bố, hai bên cũng nhất trí duy trì liên lạc. Tháng 11/2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã vạch ra lộ trình cải thiện quan hệ nhiều tầng nấc gồm các chuyến thăm của các quan chức cấp cao về tài chính, thương mại và ngoại giao.

2. Phát biểu tại hội nghị trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo sáu quốc gia châu Phi, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi bày tỏ hy vọng Sáng kiến châu Phi sẽ góp phần giải quyết cuộc xung đột Nga-Ukraine. Cuộc họp diễn ra gần hai tuần sau khi Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố: Một nhóm lãnh đạo các nước châu Phi sẽ sớm thăm Nga và Ukraine, để thảo luận về một kế hoạch hòa bình tiềm năng cho cuộc xung đột. Sáng kiến châu Phi nhấn mạnh sự cần thiết của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và ưu tiên đối thoại.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh rằng việc giải quyết cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng là vì lợi ích của châu Phi, do những hậu quả nghiêm trọng của nó đối với các nước châu Phi và phần còn lại của thế giới, đặc biệt là về an ninh lương thực, năng lượng và tài chính quốc tế.

Triển vọng khả quan ảnh 1
Armenia và Azerbaijan có triển vọng ký thỏa thuận giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Nagorny-Karabakh trong năm nay.

3. Thư ký Hội đồng An ninh Armenia, ông Armen Grigoryan nhận định: Hiện có cơ hội để Armenia và Azerbaijan ký thỏa thuận hòa bình vào cuối năm 2023, qua đó chấm dứt cuộc xung đột kéo dài suốt nhiều thập niên. Phát biểu trên truyền hình quốc gia Armenia, ông Grigoryan khẳng định tiến trình đàm phán đang được thực hiện tích cực và triển vọng ký kết hiệp ước hòa bình giữa hai bên đang rõ nét hơn.

Nga, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang cố gắng thúc đẩy mục tiêu xây dựng nền hòa bình lâu dài giữa Armenia cùng nước láng giềng Azerbaijan, vốn rơi vào vòng xoáy căng thẳng trong 30 năm qua, liên quan tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Nagorny-Karabakh. Quan hệ giữa hai nước càng trở nên căng thẳng sau khi cuối tháng 4 vừa qua, Azerbaijan thiết lập một trạm kiểm soát trên tuyến đường bộ duy nhất nối Armenia với khu vực Nagorny-Karabakh, nhưng lại đi qua lãnh thổ nước này.

4. Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ tập trung tăng cường sử dụng công nghệ số để mở rộng thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế giữa 10 nước thành viên. Theo đó, ASEAN sẽ tiếp tục đàm phán thương mại với sáu "đối tác đối thoại", nhằm mục tiêu thiết lập các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới hoặc mở rộng các hiệp định hiện có.

5. Các nước đối tác đối thoại - gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Canada - đã gặp nhau ở Jakarta (Indonesia) cuối tháng 5 vừa qua để thảo luận mục tiêu sẽ hoàn thành trong năm 2023, bao gồm kết thúc đàm phán FTA giữa ASEAN-Australia-New Zealand, triển khai Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực, thiết lập khuôn khổ cho Hiệp định Kinh tế số ASEAN... ASEAN đang lên kế hoạch triển khai hệ thống mã số nhận dạng doanh nghiệp duy nhất, thúc đẩy áp dụng đầy đủ Giấy chứng nhận xuất xứ điện tử để giảm thủ tục giấy tờ. Đàm phán FTA giữa ASEAN với Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc đã đạt được bước tiến đáng kể, trong khi thảo luận với Canada đang tiếp tục. ASEAN hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại nội khối lên mức 1.200 tỷ USD vào năm 2025