Trật tự đô thị phản chiếu từ... cảnh sát giao thông

NDO - Tang tảng sáng, chuông báo thức réo liên hồi. Cuống cuồng trở dậy, cuống cuồng thực hiện những việc chẳng thể đặng đừng để đón chào một ngày mới. Rồi như thường lệ, cuống cuồng lao ra đường với nỗi phấp phỏng chưa hôm nào đổi khác: Chẳng hiểu cái ngã tư cách nhà vài trăm mét, giờ này đã đông nghẹt chưa? Không riêng ai, tắc đường, kẹt xe, thêm nỗi tai nạn giao thông..., nhiều năm nay đã là ám ảnh thường trực của đông đảo cư dân các đô thị lớn, nhất là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh...
Tắc đường, kẹt xe là nỗi ám ảnh của cư dân đô thị. Ảnh: ĐỖ HỢP
Tắc đường, kẹt xe là nỗi ám ảnh của cư dân đô thị. Ảnh: ĐỖ HỢP

CHÔN CHÂN CHỜ... CẢNH SÁT GIAO THÔNG

7 giờ kém 20, ngã tư cầu Khương Đình (Thanh Xuân) đã ken đặc người. Ngán ngẩm nhìn dòng xe như nêm cối rùng rùng động cơ chôn chân tại chỗ, nhíu mày cố lia ánh mắt ra xa dò xét, kiếm tìm rồi tràn trề thất vọng: Chưa thấy cảnh sát giao thông, thảo nào mới tinh mơ đã ùn thành đống. Một phút, hai phút, năm phút trôi qua, bốn hướng người xe vẫn không nhúc nhích. Bỗng chốc, những khuôn mặt bực dọc, chán chường giãn nở: đã xuất hiện bóng áo vàng, CSGT đã có mặt. Như một phản ứng hóa học cho ra kết quả tức thì, cả đoàn người vừa ào ào giành giật nhau từng milimet khoảng trống, tức khắc ôn hòa theo sự điều khiển nhịp nhàng của các chiến sĩ CSGT thuộc Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt - Công an TP Hà Nội) án ngữ bốn phía lòng đường. Thoát khỏi dòng người xe kẹt cứng, hân hoan đón ngọn gió đầu đông se lạnh và hú hồn mừng rỡ vì còn may, “bọn họ” đã đến kịp.

Nhưng, cầu Khương Đình chỉ là một trong 63 nút giao nhức nhối của Hà Nội, có thể gây nghẽn nghiêm trọng bất cứ lúc nào nếu thiếu bóng lực lượng chức năng điều tiết. Bởi vậy, nỗi kinh hoàng ùn tắc mà người dân phải đối mặt luôn tăng theo cấp số nhân. Lạ một điều, cũng những nút giao quen thuộc ấy, cũng những dòng người ngày lại ngày, giờ lại giờ lại qua cung đường ấy, nếu thiếu sự hỗ trợ của CSGT, tức thì trở nên nháo nhào, mạnh ai nấy xô đẩy, chen lấn, rồ ga, bóp còi... Trung tá Lê Văn Tiến - Đội CSGT số 7 lắc đầu thất vọng: “Cầu Khương Đình giờ cao điểm sáng và chiều không có CSGT thì sẽ tắc dài hàng cây số. Khu vực này dân cư đông, đường hẹp, lại có trường học, công sở nên sơ sảy một chút là tình trạng ùn ứ sẽ diễn biến khó lường”. Trung tá Lê Văn Tiến băn khoăn: “Đôi khi đường tắc vì những lý do rất tầm phào. Vài cái xe máy đấu đầu nhau ở điểm giao, xe nào cũng muốn nhích lên vượt trước. Thế là gây nên chuyện. Ngã tư hẹp, giá mà các phương tiện ôn hòa hơn, nhịn nhau chỉ nửa vòng bánh xe, sự thể sẽ xuôi chèo mát mái, dù đông tới đâu cũng cùng lắm di chuyển chậm, chứ không thể hàng giờ được”. Khó giải quyết triệt để “điểm đen” cầu Khương Đình, khi lực bất tòng tâm, trung tá Tiến đưa ra các giải pháp tình thế: “Chúng tôi đã đề xuất cắm biển cấm ta-xi vào những khung giờ nhất định, hy vọng giảm bớt áp lực cho nút giao thông nóng bỏng này”.

“GIỮ XE THÌ MAI LẠI TRẢ, LO GÌ”...

Ta-xi luôn bị coi là tội đồ số một gây ra cảnh giao thông hỗn loạn. Riêng Hà Nội hiện có chừng 17.000 xe ta-xi của hơn 110 hãng, mà nhiều trong số đó có dấu hiệu xe dù, thiếu lành mạnh. Thói quen đường ta ta cứ đi, luật là để dành cho người khác luôn mặc định trong hành vi ứng xử của một bộ phận không nhỏ cư dân sinh sống ở nơi được tiếng là tiện nghi, hiện đại, văn minh: thành phố. Từ xuất phát điểm ấy, trật tự giao thông chính ở đô thị lại bát nháo, lộn xộn và ẩn chứa những rủi ro lúc nào cũng có thể bất thình lình giáng xuống mỗi phận đời. Dẫu vậy, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm hay chở ba chở bốn trên một chiếc xe máy vẫn là phản xạ khó cưỡng của nhiều người, nhất là lớp thanh niên. Kiểu bốc đồng này lại được “bảo kê” bởi sự cả nể, đôi khi là bao che của lực lượng chức năng.

Tối chưa phải cuối tuần, ngã ba Giải Phóng - Kim Đồng vẫn không tích tắc nào ngưng dòng người xe. Tổ công tác 141 Y13 cắm chốt, liên tục ra hiệu lệnh dừng các phương tiện có biểu hiện vi phạm. Không đội mũ bảo hiểm, lại còn quay đầu chạy, nhưng hai thanh niên tóc vàng, tóc đỏ đã bị chặn lại bởi các chiến sĩ Cảnh sát cơ động. Hai thanh niên trẻ tự xưng là sinh viên Đại học FPT, miệng sực hơi rượu, cười cười lý giải về cái sự mắc lỗi của mình: Em vẫn đi xe như vậy mấy chục năm nay có sao không. Như vậy theo kiểu của gã, là không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng giữa dòng phương tiện đông đúc. Hỏi gã có ngại không khi bị giữ xe, gã trai trẻ vẫn thoải mái cười: Giữ thì mai lại trả, lo gì. Ngạc nhiên dò hỏi, gã tiếp tục: Thì xin, rồi giữ nguyên điệu bộ tưng tửng, gã nhơn nhơn: Có người quen xin hộ. Giải đáp cho băn khoăn chưa được tỏ tường này, trung úy Nguyễn Ngọc Cường xác nhận: Nhìn thì biết xe máy của hai đối tượng này đã từng bị tạm giữ.

Sự quen biết và các mối quan hệ đan chéo ràng buộc nhau, đã khiến cho hai thanh niên tuổi đời mới chừng đôi mươi coi chuyện bị xử phạt, bị lập biên bản và cả bị giữ xe là... chuyện nhỏ. “Giữ thì mai lại trả”, các hành vi vi phạm Luật Giao thông của người dân, đôi khi như được khích lệ thêm chính nhờ sự nương tay, vì nể cá nhân hoặc thậm chí tiêu cực của cơ quan chức năng. Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT Hà Nội cũng từng nhăn nhó bởi vấn nạn điện thoại mà các cán bộ chiến sĩ luôn phải đương đầu khi giải quyết các sự vụ. Đi đêm có ngày gặp ma, lần này, hai thanh niên kia đã chưng hửng khi chạm trán với tổ công tác 141 Y13. Không nghe điện thoại mà họ bảo của ai đó gọi, không nghe cả năn nỉ, kiên quyết lập biên bản, giam xe, xử lý thật nghiêm để cho chúng sợ là cách mà anh em trong tổ công tác điềm nhiên thực hiện, để giữ đúng kỷ cương phép nước.

CSGT NGHIÊM - VI PHẠM TỨC KHẮC BỊ ĐẨY LÙI?

Nhằm thiết lập lại trật tự giao thông, bình yên cho thành phố, Công an Hà Nội đã triển khai các tổ công tác đặc biệt 141 với nòng cốt là CSGT, thêm sự góp mặt của Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động. Tròn một năm bám trụ, (từ 19-9-2011 đến 19-9-2012), chỉ với năm tổ công tác, dàn quân tại các điểm nút giao thông trọng yếu, lực lượng 141 đã hoàn tất một khối lượng công việc đồ sộ. Nhìn vào các con số thống kê, càng tỏ tường hơn mối nguy hại mà người dân có thể phải gánh chịu. Trên từng con đường ngược xuôi đông đúc, song hành ngay bên cạnh dòng người tấp nập lại qua, vẫn còn có những kẻ thường trực bên mình dao súng, kiếm và dùi cui, những công cụ đồng hành của tội ác. Chỉ một năm, lực lượng 141 đã xử lý hơn 22.700 trường hợp vi phạm; 13.838 phương tiện bị tạm giữ; 1.723 tang vật nguy hiểm được phát hiện gồm tám khẩu súng quân dụng, hơn 200 viên đạn, 48 công cụ hỗ trợ, 503 dao kiếm, 116 bình xịt hơi cay, 161 dùi cui, 17 khóa số 8; 1.047,397 gam hê-rô-in, ma túy đá và cần sa; 34,432 gam vật liệu nổ; 35 bộ van phá khóa; bốn bộ đục số khung số mô tô xe máy... Nhiều tài sản là tang vật của các vụ lừa đảo, trộm cắp đã được trả về cho chủ nhân, tương đồng với 1.770 đối tượng có dấu hiệu phạm pháp hình sự được bàn giao các cơ quan chức năng giải quyết; kịp thời khởi tố 201 vụ án và 253 bị can. Nếu không có sự ra quân đồng loạt và rầm rộ, sự cẩn trọng của các đơn vị nghiệp vụ, chắc chắc trật tự trị an trên phố phường Hà Nội sẽ u ám, nặng nề hơn nhiều trong những ngày qua.

Trước hiệu quả của mô hình 141, Giám đốc Công an Hà Nội đã quyết định thành lập thêm 10 tổ công tác. Sơ kết 10 ngày hoạt động, 15 tổ công tác 141 đã phát hiện 2.892 trường hợp vi phạm; tạm giữ 1.857 phương tiện; thu bảy khẩu súng, 30 dao kiếm, dùi cui..., đưa ra ánh sáng 95 vụ việc với 141 đối tượng có dấu hiệu tội phạm... Cùng sự chung sức sẻ chia của nhân dân, phạm pháp hình sự tại các thành phố lớn đã giảm rõ rệt so với dịp này hằng năm: Hà Nội giảm 6,8%; TP Hồ Chí Minh giảm 9,53%... Tai nạn giao thông cũng được hạn chế hơn nhiều cả về số vụ, số người tử vong và bị thương. Người dân đã yên tâm hơn khi ra đường, và thành phố, dù tình trạng kẹt xe vẫn nặng, tắc đường vẫn là mối ưu tư, thì sự an lành đã dần dần hồi sinh, ươm mầm, kết nụ...

* Nghị định 71 mới có hiệu lực, nên CSGT sẽ tuyên truyền, nhắc nhở là chính

Áp lực khi tham gia giao thông luôn là mối lo thường trực của người dân. Như hiện tại, người tham gia giao thông đang băn khoăn nhiều về Nghị định 71, có hiệu lực từ ngày 10-11. Toàn thành phố của chúng ta đang có khoảng 4,8 triệu phương tiện xe cơ giới đường bộ đã đăng ký và chịu sự quản lý của lực lượng công an, trong đó trên 450.000 ô-tô và hơn 4,4 triệu mô-tô xe máy. Thực tế cho thấy, rất nhiều chủ phương tiện mua, bán ô-tô, mô-tô, xe máy chưa làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu theo quy định của pháp luật. Nghị định mới ban hành, người dân cũng chưa nắm bắt kịp, nên thời gian đầu, chúng tôi lấy phương châm chủ yếu là tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn người dân, vẫn dành sự ưu tiên đối với người tỉnh ngoài vào Thủ đô, người cao tuổi và các cháu sinh viên... Người dân cũng không nên quá lo lắng khi lưu thông trên đường, nếu CSGT kiểm tra, phát hiện người điều khiển không phải là chủ xe, mà là xe đi mượn của người thân, bạn bè, xe của gia đình nhưng có đầy đủ giấy tờ hợp lệ như giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, và quan trọng nhất là người điều khiển không cố tình vi phạm các lỗi giao thông khác, thì có thể sẽ được nhắc nhở rồi cho đi tiếp chứ không xử phạt. Ngược lại, trong trường hợp người điều khiển xe không phải chính chủ, lại vi phạm các lỗi giao thông nghiêm trọng thì lực lượng CSGT sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định. Vậy người dân có thể yên tâm vì Nghị định 71 không làm ảnh hưởng hay xáo trộn gì tới đời sống của bà con, nếu chúng ta luôn tuân thủ thật tốt luật giao thông.

Đại tá Đào Vịnh Thắng