Tránh việc hình thức khi thực hiện Quyền Trẻ em

Điều đáng mừng là ngày càng có nhiều cơ quan, ban, ngành, tổ chức phi chính phủ quan tâm đến việc lắng nghe trẻ em một cách tích cực. Tuy nhiên, để thúc đẩy tốt quyền tham gia của trẻ em, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết và nhiều việc cần phải làm. Đó là điều nhà báo Lan Minh trăn trở trong cuộc trò chuyện cùng Nhân Dân cuối tuần.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà báo Lan Minh
Nhà báo Lan Minh

- Xin chào nhà báo Lan Minh! Điều gì đã thúc đẩy bà trong suốt hơn 30 năm không ngừng nỗ lực để tiếng nói của trẻ em được lắng nghe một cách tích cực?

- Vì tôi tin rằng nếu hôm nay chúng ta trao quyền và lắng nghe các em đúng cách thì tương lai chúng ta sẽ có những lớp công dân dám nói thật, dám chịu trách nhiệm với cộng đồng về việc mình làm, sống hướng thiện và có nhân cách tốt. Những phóng viên nhỏ mà tôi hướng dẫn trước đây đều đã trở thành những nhà báo, nhà ngoại giao, chuyên gia tâm lý… rất có năng lực và luôn vì cộng đồng. Nhờ nhận được sự giáo dục một cách bài bản mà các em đã thành công vững chắc nhưng vẫn luôn là một cây xanh tỏa bóng mát, trổ hoa cho đời. Mỗi một em đều trở thành những người truyền cảm hứng trong việc luôn làm tốt và không ngừng chia sẻ về Quyền Trẻ em, tiếp tục thúc đẩy sự tham gia của trẻ em trong các lĩnh vực của xã hội.

- Vậy theo cô, để có thể cất lên tiếng nói của mình một cách rõ ràng và chân thực nhất, trẻ em cần được trang bị những gì?

- Trước hết, là trang bị đầy đủ cho các em những kiến thức, hiểu biết về Quyền Trẻ em, Luật Trẻ em. Sau đó, các em cũng cần được bồi dưỡng những kỹ năng như: Kỹ năng phản biện, tham vấn, thu thập thông tin, phân tích, thuyết trình, chụp ảnh, quay phim, ghi âm… Hình thức thể hiện tiếng nói cũng rất đa dạng nên các em cần biết để chọn lựa cách thức phù hợp nhất như viết, vẽ, xây dựng diễn đàn, viết thư, photovoice…

- Song, hiện nay vẫn có nhiều rào cản khiến trẻ em gặp khó khăn, không thể hiện được quan điểm, cảm xúc của mình. Theo cô nguyên nhân là do đâu?

- Nguyên nhân thứ nhất đến từ chính việc các em rất thiếu cơ hội được lắng nghe cũng như thiếu kỹ năng để bày tỏ ý kiến của mình. Ở trong các gia đình, trẻ em chưa được cha mẹ lưu ý bổ khuyết những điều này. Vậy nên, trẻ em vừa cất lời, bố mẹ đã nổi nóng, cho rằng "trứng đòi khôn hơn vịt" và luôn bị áp đặt "người lớn đã nói là đúng" hoặc "trẻ con biết gì mà nói"… Thứ hai, bố mẹ thiếu kỹ năng làm bạn cùng con, lắng nghe con. Chưa kể là sự kỳ vọng của các gia đình quá lớn gây nên áp lực và làm cho các em mất đi thời gian cho chính mình. Vì chỉ tập trung vào việc học, làm hài lòng cha mẹ, các em cũng ít có cơ hội tâm sự, bày tỏ để cha mẹ hiểu con đang nghĩ gì, chơi với ai, trăn trở điều gì…?

Không chỉ ở nhà mà tại trường học, trẻ em cũng thiếu các kỹ năng nói chuyện, giao tiếp với thầy cô. Nhiều trường học, giáo viên vẫn nặng thành tích về học tập mà không quan tâm đủ đến việc lắng nghe tiếng nói của học sinh. Thí dụ như môn học Giáo dục công dân, không phải cơ sở giáo dục nào cũng thật sự để tâm đến việc dạy cho trẻ em cách biết phản biện, thể hiện, bày tỏ suy nghĩ, nhu cầu của mình một cách chân thật, rõ ràng. Hay như ở nơi cư trú, trẻ em cũng rất hiếm khi có cơ hội nói chuyện với các bác, các cô chú ở tổ dân phố để phản ánh những vấn đề các em gặp phải hoặc bày tỏ nguyện vọng về nơi mình sống.

- Liệu có thể rút ngắn được khoảng cách vẫn còn tồn tại trong cách đối xử giữa các nhóm trẻ không, thưa cô?

- Đúng là từ trước đến nay vẫn luôn thấy rõ sự phân biệt giữa các nhóm trẻ em. Những em bé có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi, trong nhóm trẻ ở thế yếu không có cơ hội giống như những bạn trong các gia đình kinh tế đầy đủ. Hay trong các gia đình, sự phân biệt giới giữa trẻ em trai - gái vẫn rất nặng nề. Nhất là ở các vùng dân tộc, tiếng nói của trẻ em gái vẫn không được coi trọng. Tất cả những điều đó cứ lấp đầy, lấp đầy, tạo thành một bức tường ngăn cách trẻ em cất lên tiếng nói của mình.

Hiểu rõ điều này nên từ cách đây hơn 20 năm, Câu lạc bộ phóng viên nhỏ Ong Xanh với 30 thành viên là các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi, bán báo, đánh giày… đã ra đời và phát huy được hiệu quả rất tốt. Nhiều phóng viên nhỏ đã được UNICEF Việt Nam - Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc Việt Nam, Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lựa chọn là đại biểu trẻ em đi dự các diễn đàn trẻ em khu vực và quốc tế.

Hay trong mô hình Hội đồng trẻ em do Hội đồng Đội Trung ương xây dựng và triển khai thí điểm từ năm 2012 đến nay, trẻ em từ tất cả các nhóm trẻ đều được trao điều kiện công bằng. Cụ thể là dù đi học hay không đi học, thuộc gia đình có điều kiện hay thuộc nhóm trẻ yếm thế đều được cử đại diện tham gia hội đồng với vai trò điều hành, đóng góp ý kiến về những vấn đề mà các em quan tâm. Tuy nhiên, để xóa đi sự phân biệt đối xử với trẻ em, chúng ta cần nhiều hơn những mô hình có sự chú trọng tương tự như vậy.

- Vậy còn khó khăn nào đến từ khâu tổ chức các mô hình, diễn đàn hay các hoạt động tạo cơ hội cho trẻ em lên tiếng không, thưa cô?

- Trong những năm gần đây, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Trung ương Đoàn, Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã chú trọng nhiều hơn đến tiếng nói trẻ em. Thêm nữa, có nhiều sự hợp tác, phối hợp cùng các tổ chức phi chính phủ… tổ chức các hoạt động để trẻ em được thể hiện quyền tham gia của mình. Tuy nhiên, vẫn còn mặt hạn chế, đó là tính hình thức trong các diễn đàn vẫn còn nặng.

Trong một số diễn đàn trẻ em ở các địa phương, mặc dù trẻ em phản ánh về cuộc sống của các em nhưng vẫn nặng về giới thiệu thành tích của địa phương đó, của trường, của xã, của cộng đồng… nhiều hơn là những mặt chưa tích cực đang tác động đến các em hay những ý tưởng, sáng kiến mà trẻ em quan tâm. Đây là những điều sẽ ngăn cản quyền cất lên tiếng nói chân thực của trẻ em.

- Liệu cô có thể đưa ra một vài giải pháp cụ thể cho việc thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong các vấn đề xã hội?

- Tôi muốn nói một điều rất quan trọng: Để trẻ em được cất tiếng nói một cách tích cực, trước hết đội ngũ những người làm công tác trẻ em phải được trang bị kỹ năng, phải có kiến thức, phải có phẩm chất đạo đức khi làm việc với trẻ em. Như vậy mới không áp đặt trẻ em, không bắt trẻ em phải nói theo tiếng nói người lớn. Chúng tôi có khi chua xót nhận thấy "đâu đó trẻ em phải diễn những màn kịch do người lớn dựng kịch bản". Người lớn, dù làm việc ở bất kể lĩnh vực nào, đã liên quan đến trẻ em, đều phải được trang bị về Quyền Trẻ em và các nguyên tắc đạo đức khi làm việc với trẻ em. Ngoài ra, cũng cần có thêm những sân chơi, những hoạt động liên quan đến trẻ em nhiều hơn. Từ đó, trẻ em được phát triển, được nói lên tiếng nói của mình và trưởng thành một cách lành mạnh!

- Cảm ơn cô vì cuộc trò chuyện và những nỗ lực không ngừng nghỉ của bà trong suốt những năm qua vì trẻ em Việt Nam! Chúc cô thật nhiều sức khỏe và hạnh phúc!

Từ khi còn đương chức hay đã nghỉ hưu, nhà báo Nguyễn Lan Minh - nguyên Vụ trưởng - Trưởng Ban phát thanh Thanh - Thiếu nhi, Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Trưởng ban truyền thông của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam vẫn không ngừng nỗ lực để tiếng nói trẻ em Việt Nam được tôn trọng. Bà đã tham gia tư vấn, hỗ trợ thực hiện nhiều chương trình tập huấn, đưa ra ý tưởng cho những hoạt động truyền thông, tọa đàm, diễn đàn về quyền trẻ em.
Tránh việc hình thức khi thực hiện Quyền Trẻ em ảnh 1
Nhà báo Lan Minh luôn hết mình, hòa đồng với trẻ em trong các hoạt động.