Trả lại "nhan sắc" cho hè phố

NDO - Lấn chiếm hè phố làm nơi kinh doanh, buôn bán đã trở thành vấn đề bức xúc từ gần 20 năm qua. Tìm ra biện pháp phù hợp, chấn chỉnh an ninh trật tự, trả lại vẻ đẹp cho hè phố, phát triển đô thị văn minh không chỉ là trách nhiệm của các cấp chính quyền, mà còn cần sự đồng tình, phối hợp của các tầng lớp nhân dân.
Hàng rong trên đường phố Hà Nội. 
Hàng rong trên đường phố Hà Nội. 

Khắc phục mặt yếu

Các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đều là đô thị cổ và cũ, thiếu và yếu về cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, dân số tăng, cộng thêm việc di dân tự do ngoại tỉnh đã làm cho các thành phố rơi vào tình trạng "phố phường chật hẹp người đông đúc" nên nhiều đường phố và hè phố đã quá tải. Những nơi chật hẹp nhất thường nằm ở những nơi có ý nghĩa lịch sử được hình thành đã lâu. Nơi ấy thường được gọi là "đất vàng" và hè phố cũng chính là nơi "con gà đẻ trứng vàng". Chiếm dụng đất vàng chính là bộ phận dân cư sống bằng buôn bán nhỏ, một bộ phận còn rất đông đảo trong thành phần dân cư hiện nay, sống với nguồn thu nhập bấp bênh. Họ khiến hè phố lúc nào cũng nhếch nhác, ngột ngạt.

Trái ngược với điều đó thì quy hoạch giao thông đô thị lại thiếu đồng bộ và bế tắc, rất cần các cơ quan chức năng sớm tìm ra giải pháp cụ thể. Ở một số quận tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đúng ra phải quy hoạch đường trước rồi mới phát triển đô thị, nhưng phần lớn lại làm ngược lại. Các bến xe tĩnh không được triển khai nên thiếu chỗ dành cho các phương tiện ngày càng gia tăng, thậm chí đã có quy hoạch nhưng chưa xây dựng hoặc bị chuyển mục đích khác. Ví như công viên Tuổi Trẻ bị "băm nát", khu chợ Ðền Lừ dành cho bến xe thì biến thành chợ đầu mối. Nguyên tắc ở các nhà cao tầng phải có điểm đỗ xe, nhưng lại không có. Một số cơ quan vì lợi ích cục bộ nên đẩy bức xúc cho xã hội. Thí dụ như Cung Thiếu nhi có chỗ dành để xe thì thành quán cà-phê; cổng Bệnh viện Việt Ðức có quy hoạch chỗ để xe thì biến thành ki-ốt bán thuốc...

Ðiều cần khắc phục nữa là tình trạng các văn bản pháp luật chồng chéo, gây khó cho người thực hiện. Trước đây, Nghị định 13 quy định Sở Giao thông công chính làm nhiệm vụ quản lý lòng đường, hè phố, cây xanh, chiếu sáng, thoát nước, vệ sinh... thì giờ phân chia ra nhiều cơ quan. Lòng đường: Sở Giao thông vận tải quản; quận: quản hè phố; thoát nước, đèn đường, cây xanh, vệ sinh thuộc quyền các cơ quan khác. Rồi việc cấp phép nơi kinh doanh, chỗ đỗ xe cũng chồng chéo như: Sở Giao thông vận tải cấp phép lòng đường, quận cấp vỉa hè, phường cấp một phần cả lòng đường và vỉa hè. Việc xử phạt vi phạm lòng đường, hè phố Chính phủ giao cho bốn cấp là: UBND các phường, lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông, thanh tra xây dựng, gây nên sự nhộn nhạo và dẫn đến tình trạng "cha chung không ai khóc".

Phải chăng, đó là lý do mà rất nhiều giải pháp được đưa ra triển khai, lập lại trật tự hè phố nhưng vẫn... bế tắc?

Tìm tiếng nói chung

Ðợt thanh tra liên bộ do Bộ Giao thông vận tải chủ trì về công tác quản lý sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và Hà Nội diễn ra giữa tháng 4 và 5-2012 đã phát hiện hàng loạt sai phạm từ các đơn vị quản lý, cá nhân trên địa bàn. Ðiển hình như cấp giấy phép nơi đỗ xe sai quy định, lấn chiếm thêm hè phố làm chỗ đỗ xe, nhiều tụ điểm kinh doanh buôn bán vẫn diễn ra lộn xộn... Ðó là chưa kể đến trình độ năng lực quản lý của một số cán bộ còn kém, tình trạng nể nang, ăn tiền vẫn diễn ra ở một số nơi. Cũng phải khẳng định, một số quận, phường đã cố gắng dùng nhiều biện pháp để kiểm soát, nhằm gìn giữ trật tự phố phường, trả lại bộ mặt văn minh cho đô thị, nhưng cách làm thì chưa hợp lý. Và vì người dân nghèo nên phải cố bám vào vỉa hè để sống, dẫn đến tình trạng giải tỏa nơi này thì nơi khác bị lấn chiếm, sáng giải tỏa thì chiều tái lấn chiếm. Lực lượng trật tự và công an phường luôn trong tình trạng "giằng co" với dân, họ cũng chẳng đủ người và sức để "canh" 24/24 giờ, nên có hiện tượng bị người buôn bán theo dõi ngược.

Ðể trả lại "nhan sắc" cho phố phường, nhất là hè phố dành cho người đi bộ, rất cần tiếng nói chung của chính quyền các cấp và người dân. Một số chuyên gia cho rằng, cần đặt sự nghiêm minh pháp luật lên trên hết và tất cả phải ưu tiên cho giao thông. Chính quyền cố gắng đã đành, người dân cũng cần sửa đổi thói quen mua sắm, buôn bán. Không thể nói cứ cần mưu sinh là ào ra hè phố. Người dân cần hiểu hè phố là để phục vụ cho giao thông chứ không phải dành cho mưu sinh. Lại có người cho rằng, biện pháp xử phạt hành chính trong trường hợp người dân cố tình vi phạm pháp luật cũng cần thiết, nhưng biện pháp quan trọng hơn chính là vận động giáo dục để mọi người thấy việc tạo hình ảnh đô thị văn minh là trách nhiệm và cũng là niềm tự hào.

Mức sống người dân nước ta chưa cao, kinh tế đang trên đà phát triển, hạ tầng giao thông hạn chế, việc quản lý hè phố đô thị phải đi đôi với sắp xếp việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, các thành phố cần tạo cơ chế chính sách, dần giải quyết việc làm cho người nghèo, tuyên truyền nâng cao ý thức, xây dựng thêm chợ đưa người buôn bán nhỏ lẻ vào đó hoạt động. Ðồng thời, điều cần làm ngay là làm sao để giảm nghèo đô thị, khắc phục tình trạng yếu kém về cơ sở hạ tầng giao thông, khắc phục sự chồng chéo trong quản lý... để tạo nên bức tranh đô thị đẹp. Chừng nào chưa khắc phục được mặt yếu trong cơ chế quản lý cũng như ý thức người dân chưa chuyển biến thì chừng đó hè phố còn lộn xộn.

* Ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh thanh tra Bộ Giao thông vận tải:

Ở cả hai thành phố lớn nhất nước, vi phạm nhiều nhưng các lực lượng xử phạt lại được rất ít và trường hợp dễ phạt thì người ta làm như dừng đỗ ô-tô trái phép, còn lấn chiếm vỉa hè, kinh doanh buôn bán, trông giữ xe khó phạt thì bỏ qua. Cụ thể, năm 2012 Hà Nội có hơn 4.800 trường hợp vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường mà tất cả các lực lượng xử phạt có 657 vụ, chiếm 13%. Năm 2011, tại TP Hồ Chí Minh xử phạt 4.700 vụ, chủ yếu dừng đỗ phương tiện, chiếm 76,5%. Và lực lượng phạt chính ở địa phương này là thanh tra xây dựng!? Hai thành phố, cơ chế, lực lượng xử phạt, phân công xử phạt cũng khác nhau...