Trong những cánh rừng thời kháng Mỹ, bóng dáng những cô du kích, pháo binh, giao liên, đặc công... tuy không mặc quân phục, chỉ một cánh áo bà ba đen nhưng lại có khẩu súng đeo bên người và chiếc thắt lưng gài lựu đạn buộc tròn quanh tấm lưng ong đã làm mềm đi cuộc chiến tranh, làm dịu đi sự chết chóc, làm xanh lại những cánh rừng bom đạn mà nếu thiếu vắng đi cái hình dáng phiêu bồng, kiêu hãnh và tội tình đó, cuộc chiến đấu bỗng sẽ nghèo đi nhiều lắm. Rồi những cô cứu thương âm thầm trong trạm phẫu kia nữa, áo cầu vai, mũ tai bèo cong vênh đã làm khỏi đến chín phần mười vết tử thương của các chàng lính chiến được cáng về từ trận địa. Vậy mà sau đó, thời bình, người ta không có chủ trương tuyển sinh đào tạo bác sĩ nữ nữa vì lý do thể lực không phù hợp với tính cơ động cao của quân đội chính quy, của chiến tranh chiến tuyến. Như bị xúc phạm, tôi kêu lên: “Không, ngàn lần không! Bóng dáng các cô quân y sĩ trong rừng đã lặn vào kỷ niệm, đã thành hồn khí non sông, đã trở thành một giai điệu tuyệt đẹp trong bản tổng phổ kháng chiến hung tàn, nếu tới đây không có họ nữa, cuộc chiến đấu cũng sẽ kém đi nhiều động lực và sự lãng mạn lắm. Không! Đã là kỷ niệm, đã là ăn vào mạch đập dân tộc thì không thể thay đổi, giống như Quốc ca”. Sau đó, không hiểu có phải vì câu nói đã kêu vang trên mặt báo đó không mà Trường đại học quân y lại tiếp tục chiêu sinh con gái.
Và bây giờ, chiến tranh không còn nữa, bộ võ phục vẫn hiện hữu trên thân hình các thiếu nữ làm nhiệm vụ an ninh. An ninh trong bóng đêm truy lùng tội phạm, an ninh trong phá án, an ninh trong mọi hoạt động thương trường và an ninh trên đường phố.
Ta thử dừng lại ở các cô gái làm nhiệm vụ giao thông đường phố này. Cứ hình dung ra cái nóng tháng 7 lên đến 38, 39 độ không một ngọn gió gọi là ở Hà Nội trong giờ cao điểm xem. Đường thông đã ngầy ngật không chịu nổi, như đi trong chảo rang nhưng khi đường tắc thì mới hoàn toàn là địa ngục. Nắng từ trên ụp xuống, nóng từ dưới bốc lên, mồ hôi mồ kê, mặt đỏ tía tai, bụng dạ như có lửa đốt, lúc ấy chỉ cần một câu nói hớ, một cú va chạm nhẹ là có thể lòng trắng lộn ra ngoài lòng đen, nhe răng, gân cổ, siết chặt quai hàm sẵn sàng nện nhau. Thế là thành ra chợ trời, thành đấu trường, có khi thành án mạng. Tất cả do nóng, do ngột ngạt, do trăm điều ngổn ngang bức xúc ngày nào cũng xảy ra trên đường, giữa ngã tư khiến cho người hiền nhất cũng muốn chửi văng vào không gian mờ bụi một câu thật tục nào đó.
Nhưng chính lúc ấy nếu có một dáng hình thiếu nữ mặc sắc phục công an may vừa khít bỗng xuất hiện trên bục chỉ đường, nét mặt thanh thoát dịu dàng, mắt nhìn ướt mượt như mắt nai, khuôn ngực thanh xuân no tròn, đôi tay chuyển động như đang thực hiện một màn luân vũ với lửa, đường eo thắt vào nôn nao và đường hông bung tỏa đến bát ngát... thì kẻ nóng tính, điên cuồng nhất cũng trở thành thi nhân mộng mơ, đắm chìm. Khoảnh khắc ấy ư? Nắng thế chứ nắng nữa cũng kệ, ngột ngạt thế chứ ngột ngạt nữa cũng xoàng và tắc đường thế chứ tắc đường nữa càng hay, càng được ngắm nhìn thỏa thuê cái vẻ đẹp phiêu bồng trinh nữ như từ trên vầng tinh vân sa xuống kia. Và mát, mát từ bên trong mát ra, mát rười rượi, như có làn gió thu se lạnh, ngọt ngào thổi dọc phố, nhịp điệu cuộc sống bỗng thắt trở nên êm hòa, mạch đập cuộc đời bỗng trở thành dịu nhẹ, trữ tình hơn.
Chỉ có điều, đường tắc rồi đường lại thông, hết nóng trời lại dịu, dòng người thiên hạ lại bon chen lao về tổ của mình, riêng các nữ thiên thần vẫn đứng đó, áo vàng phủ bụi, mồ hôi thấm ướt tấm lưng thon có chiếc thắt lưng da buộc tròn, má hồng rực lên mầu say nắng, cái miệng cười đã có phần heo héo, mầu da xạm dần, chiều muộn. Và em nếu cứ đứng thế, ngày lại ngày, tháng lại tháng, năm lại năm, để tự biến mình thành một thoáng phiêu bồng trên ngã tư đường phố thì rồi nhan sắc sẽ tàn phai thế nào? Cũng như cái ngày xưa ấy, cô gái đặc công sau một đêm bò rào trở về ngâm mình trong lòng suối, những vệt hóa trang mầu đen tan ra trôi dần khi đó chỉ còn lại trên lằn bụng, lằn ngực em những vết gai cào rớm máu.
Cái đẹp nào chả phải trả giá. Dáng em đứng đó giữa ngút ngàn nắng bụi xô bồ đẹp lắm, hữu tình hữu ích lắm nhưng cũng chỉ nên coi đó là một biện pháp tình thế, sau này mọi sự thông thoáng hơn ra, chỗ của em, cô cảnh sát giao thông duyên dáng, yêu kiều sẽ phải ở chính cái nơi mà sự mềm mại, tinh tế có quyền được ngự trị kia. Mong là như vậy.
Dẫu rằng mai này hệ thống giao thông của đất nước này có hiện đại, khang trang đến đâu thì hình ảnh cô cảnh sát giao thông cháy trong nắng sẽ mãi mãi là một biểu tượng kiêu hãnh và ắp đầy nữ tính của một thời kỳ nhọc nhằn thương khó.